Sau nhiều năm, bài hát của nhóm The Eagles vẫn được đánh giá là một trong những nhạc phẩm hay nhất mọi thời đại với phần hòa âm xuất sắc và ca từ giàu ý nghĩa.
"Hotel California" - ca khúc Rock gắn bó với nhiều thế hệ người yêu nhạc trên khắp thế giới.
Hotel California là bài hát nằm trong album cùng tên ra đời năm 1976 của The Eagles. Đây là thời điểm nhóm nhạc Rock huyền thoại ở đỉnh cao danh vọng. Cuộc sống của họ dư giả tiền bạc, ma túy và phụ nữ. Sau khi trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp, đồng thời không còn gặp áp lực về mặt tài chính, nhóm muốn làm một album thật sự giàu ý nghĩa. Toàn bộ album Hotel California giống như bức tranh mô tả sự hào nhoáng của nước Mỹ.
Mỗi bài hát là một chủ đề xoay quanh lớp vỏ bọc phù phiếm trong cuộc sống của những ngôi sao nổi tiếng: danh vọng, những mối quan hệ toan tính, những cuộc tình chớp nhoáng, ma túy, sự cô đơn và mất mát. Trong đó, bài hát Hotel California - ca khúc chủ đề của album - đã phản ánh đúng bản chất sự bế tắc của thế hệ người Mỹ thập niên 1970.
Hotel California mờ ảo, huyền bí và gợi ra nhiều liên tưởng từ chính cái tên - hình ảnh xuyên suốt nội dung. The Eagles cũng chưa từng giải thích rõ ràng về từng câu chữ trong ca khúc này. Nhiều giả thiết được đặt ra về địa danh Hotel California. Có người nói đó là một bệnh viện tâm thần và bài hát được viết dưới góc nhìn của một bệnh nhân. Cũng có truyền thuyết cho rằng Hotel California là nơi thờ phụng quỷ Satan và là địa điểm để những tín đồ theo quỷ Satan tụ tập. Tuy nhiên, nếu đặt bài hát vào mạch chủ đề xuyên suốt của cả album và suy rộng ra bối cảnh nước Mỹ những năm 1970, có thể thấy California giống như một câu chuyện ngụ ngôn về sự sa đà của con người vào khoái lạc và lòng tham thông qua hình ảnh “khách sạn California”.
Nhóm nhạc The Eagles.
Hotel California bắt đầu bằng một khúc song tấu guitar dài gần một phút do hai thành viên Don Felder và Joe Walsh cùng chơi. Đoạn nhạc vừa ngọt ngào, vừa bâng khuâng, bắt đầu chậm và càng lúc càng dồn dập hơn. Âm thanh ấy giống những bản Rock mà nhiều người lái xe thường bật trong lúc rong ruổi trên khắp chặng đường của miền Nam nước Mỹ. Trên nền âm thanh ấy, The Eagles thản nhiên hát về những niềm khoái cảm trụy lạc:
“…On a dark desert highway
Cool wind in my hair
Warm smell of colitas
Rising up through the air…”
“…Trên xa lộ sa mạc u tối
Gió mát lùa vào mái tóc tôi
Mùi hương của colitis thơm nồng
Vút lên trên không trung…”
Nhiều người cho rằng Hotel California là sự ám chỉ về ma túy. California là một trong những vùng có thái độ cởi mở nhất nước Mỹ với việc sử dụng và tiêu thụ các chất kích thích. Từ năm 1972, một phương án hợp thức hóa cocaine đã được đề xuất ở đây. Vì vậy, có thể hiểu câu hát “Warm smell of colitas rising up to the air” đang ám chỉ trực tiếp đến việc này bởi colitas là nụ hoa của cây cannabis - thành phần chính của một loại chất kích thích.
Trong vai những người lữ hành, Gley Frey và những người bạn của mình bước vào khách sạn California - một nơi thật dễ thương với những con người thân thiện và cởi mở. Bạn có thể tìm cho mình một phòng ở đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Bước vào khách sạn California là bước vào một thế giới của những niềm vui xa hoa:
“…Her mind is Tiffany twisted
She's got the Mercedes Bends
She's got a lot of pretty, pretty boys
That she calls friends
How they dance in the courtyard
Sweet summer sweat
Some dance to remember
Some dance to forget…”
“…Tâm trí cô gái luôn chứa đầy trang sức Tiffany
Và có xe Mercedes Bends
Cô ấy có rất nhiều chàng trai, họ đều bảnh bao
Cô ấy gọi họ là “bạn” của mình
Họ khiêu vũ ở trên sàn
Mồ hôi ướt đẫm người họ
Một số người nhảy để hồi tưởng
Một số khác lại nhảy để quên đi điều gì đó…”
Trên nền không gian ấy, The Eagles mơ màng hát về những cuộc vui xa xỉ, trụy lạc. Trang sức Tiffany, xe hơi Mercedes, những gã trai bảnh bao… tất cả ôm ấp hình ảnh người đàn bà Mỹ yêu kiều và phù phiếm. Hotel California giống như một bức tranh với hai mảng sáng, tối rõ rệt - đẹp và chân thật - phản chiếu cuộc sống phù hoa của nước Mỹ hiện đại. Họ yêu vật chất, sẵn sàng vùi mình vào những bữa tiệc kéo dài thâu đêm suốt sáng và những cuộc tình chớp nhoáng. Dường như ngay cả bản thân người trong cuộc cũng không còn phân biệt được mình đang hưởng thụ hay đang trở thành nô lệ cho cuộc sống hào nhoáng ấy.
Theo nhiều người, bài hát này thực sự được viết dưới giác quan và góc độ cảm nhận của một người đàn ông đang say ma túy. Bởi vậy, mọi sự vật, hình ảnh hiện ra đều mờ mịt và ám ảnh. Và rồi khi một tiếng chuông hư ảo vang lên, anh ta không còn biết được rằng mình đang ở thiên đường hay địa ngục - “This could be Heaven or this could be Hell”.
Hotel California có nhiều hình ảnh ẩn dụ. Khi chìm sâu vào những cuộc vui chớp nhoáng, những kẻ sa đọa cảm thấy mình bị giam giữ và trói buộc bởi những khoái cảm tội lỗi. Họ trở thành tù nhân bởi chính hành động của mình.
“…We are all just prisoners here
Of our own device…”
“…Chúng ta ai cũng là tù nhân ở đây
Bởi vì chúng ta muốn như vậy…”
Đoạn kết bài hát là sự tuyệt vọng. Hình ảnh “Họ đâm con thú với lưỡi dao đanh thép của mình. Nhưng họ không thể giết được con thú hoang dã ấy” (They gathered for the feast
They stab it with their steely knives) thể hiện một sự bất lực đến tột cùng. “Con thú” ấy phải chăng là phần đen tối tồn tại trong mỗi con người? Khi không thể “đánh bại” phần bản ngã xấu xa ấy, họ tìm cách chạy trốn:
“…I was running for the door
I had to find the passage back to the place I was before…”
“…Tôi phải chạy nhanh ra cửa
Tôi phải đi tìm đường đến nơi mà tôi vừa ở trước đó…”
Hotel California là ca khúc giúp Glenn Frey và các thành viên The Eagles sở hữu giải Grammy. Từ khi ra mắt, đĩa đơn này đã bán được 16 triệu bản chỉ riêng tại thị trường Mỹ. Từ năm 1976 đến 1977, Hotel California có 8 tuần xếp vị trí quán quân Billboard. Bài hát đã giúp album cùng tên phá vỡ nhiều kỷ lục âm nhạc.
Năm 2001, kênh VH1 đã chọn Hotel California vào danh sách 15 album vĩ đại nhất mọi thời đại. Năm 2003, album này đã xếp thứ 37 trên danh sách 500 album vĩ đại nhất mọi thời đại của tạp chí Rolling Stone.
Glenn Frey đã qua đời nhưng ca từ và giai điệu của Hotel California vẫn mãi ngân vang, như một lời nhắc nhở người nghe về những giá trị của cuộc sống, về sự hư ảo của chủ nghĩa vật chất và sự thanh khiết của tâm hồn con người. Đó chính là thông điệp mà ông đã gửi gắm qua bài hát Rock đầy trữ tình này.
(giaitri.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét