Trong kho tàng âm nhạc Việt, nhạc cho tuổi mới lớn đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu. Đặc biệt, khi đời sống tinh thần của hàng chục triệu người nghe tuổi teen ngày càng có nhiều sự tác động và biến đổi càng đòi hỏi âm nhạc vận động tìm ra chỗ đứng riêng. Tuy nhiên, nhìn vào chất lượng và số lượng thì cả hai yếu tố này đang để lại những khoảng trống đáng suy nghĩ.
Đòi hỏi từ thực tế
Thời gian qua, khối lượng bài hát cho tuổi teen không ngừng dày hơn cả về số lượng và chất lượng. Những bài hát này đã đáp ứng được nhu cầu nghe của lứa tuổi mới lớn.
Theo sự phát triển của xã hội, từng thời kỳ lại đặt ra những yêu cầu mới về âm nhạc cho lứa tuổi teen bởi các em không cũng phát triển hòa nhịp chung với sự phát triển không ngừng đó.
Điều đó không có nghĩa các tác phẩm một thời đã không còn giá trị, thậm chí không ít tác phẩm tồn tại mãi trong tâm trí, sự yêu thích của các thế hệ trước cho tới tận ngày nay.
Nhiều bài hát cho tuổi mới lớn trước đây không chỉ được hát bởi các em mà nhiều người lớn từng trải qua một thời vẫn ngân nga. Thành tựu của âm nhạc thiếu nhi trong từng giai đoạn nhất định là không thể phủ nhận.
Đáng nói là từ những năm 90, từ các cuộc vận động sáng tác ca khúc tuổi mới lớn của các bộ, ban ngành cũng cho ra đời hàng loạt bài hát hay. Các ca khúc này đã không chỉ được in thành sách giáo khoa âm nhạc, xuất hiện trong các hội diễn… mà còn được tổ chức biểu diễn thu âm, ghi hình phát hành trên thị trường. Một làn sóng khán giả âm nhạc tuổi mới lớn đã hình thành thành.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo nhận xét của nhiều nhạc sĩ, thầy cô giáo dạy âm nhạc, các nhà quản lý giáo dục… âm nhạc tuổi teen dần ít hơn những ca khúc hay như thời gian trước. Các bài hát có sức lan tỏa rộng rãi không nhiều, tình trạng sáng tác giảm sút về lượng và chất, thậm chí có những tác phẩm dễ dãi trong ca từ. Sự ảnh hưởng, tính thẩm mỹ, giáo dục của nhiều ca khúc không cao.
Trong thị trường âm nhạc, số lượng băng đĩa âm nhạc của người lớn dường như lấn át băng đĩa âm nhạc tuổi teen. Nhiều băng đĩa vẫn bế tức trong sự chọn lọc, việc lựa chọn sản xuất của các trung tâm phát hành chạy theo lợi ích kinh tế nên không chú trọng tới chất lượng.
Mặt khác, nhạc trẻ từ các nước trên thế giới (đặc biệt nhạc Hàn, nhạc Trung Quốc) có cuộc đổ bộ không ngừng. Sự ảnh hưởng tới lứa tuổi học trò khá lớn. Nhiều em dù không biết tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn nhưng vẫn có thể thuộc lòng nhiều bài hát nhạc ngoại.
Thậm chí, từ việc xem hình ảnh biểu diễn ca khúc nhạc Hàn mà có sự ảnh hưởng lớn tới cách ăn nói, ứng xử, phong cách sống hàng ngày của học trò.
Bối rối hướng đi
Nhận xét từ các nhạc sĩ đều cho rằng, tình hình sáng tác bài hát cho lứa tuổi học trò gần đây khá thưa thớt. Trong các hội diễn ở nhiều vùng miền chỉ thấy những bài hát quen thuộc, và sự lặp lại quá khiến trở nên nhàm chán. Còn với một lượng nhỏ sáng tác mới lại rập khuôn, hời hợt, vô cảm, không để lại ấn tượng gì cho người nghe. Các bài hát này sớm muộn sẽ trôi vào quên lãng.
Một thực trạng cũng đáng lưu ý khi thị trường âm nhạc băng đĩa cho tuổi học trò khá chìm lắng, ảm đạm, đơn điệu. Số bài hát khẳng định được chỗ đứng được thu đi thu lại, các tập nhạc in ấn xuất bản hết tập tuyển này đến tập khác nhưng đều trong tình trạng “bình mới rượu cũ”. Một số bài hát mới được đưa vào song nhạt nhòa không ấn tượng…
Đứng trước đòi hỏi của học sinh thời đại mới với những sáng tác có cách nghĩ, cách tiếp cận, cách thưởng thức nhiều thay đổi. Mặt khác các em có điều kiện tiếp xúc nhiều với văn hóa nghệ thuật phong phú qua công nghệ thông tin, kỹ thuật số. Sự giao lưu phát triển nền văn hóa toàn cầu cũng mở rộng… Điều đó đòi hỏi các sáng tác phải có sự đổi mới tư duy, cập nhật cái mới, viết ra những ca khúc đúng với tâm tư tình cảm của học trò…
Nhạc sĩ Hoàng Long cũng chỉ ra, về đề tài và nội dung nếu trước đây âm nhạc quan tâm nhiều tới mảng đề tài mang tính xã hội, những chủ đề mang thính khái quát thì thời gian tới cần khai thác cần khai thác những sự việc, sự vật gần gũi của đời sống. Nội dung thể hiện không nên chung chung mà phải gắn với tình cảm và suy nghĩ của trẻ em, không mượn lời người lớn để nói hộ.
Mặt khác, phải tăng cường khai thác âm nhạc dân gian vào tác phẩm. Tăng cường các bài hát cộng đồng ngắn gọn, dễ phổ biến, hạn định âm vực trong phạm vi lứa tuổi học trò có thể hát. Tránh viết bài hát quá dài, nhiều lời, âm nhạc thảm mạn theo lời ca… khiến học trò khó chấp nhận.
Mặt khác, ca khúc cho học sinh không nhất thiết phải đóng khung trong đề tài trường học, đề tài thầy cô giáo mà cả những đề tài phù hợp khác với những ước mơ khát vọng của tuổi trẻ một cách lành mạnh.
Sáng tác cho lứa tuổi học trò cần nắm được tư duy, sự ảnh hưởng của nhiều thể loại âm nhạc… để mang tới những món ăn tinh thần về âm nhạc đa dạng phong phú, tránh sự nhàm chán hoặc với lối suy nghĩ sáng tác chỉ cần mượt mà hiền lành, trong trẻo đến cứng nhắc.
Đặc biệt cần chú ý tới việc sáng tác các ca khúc dành cho tập thể, bài hát cộng đồng thay vì chỉ các ca khúc dành cho hát đơn ca, nhóm nhỏ. Sức mạnh của các ca khúc tập thể đối với lứa tuổi học trò vô cùng lớn và cần thiết để các em cùng chung một dòng chảy, nhịp điệu về âm nhạc cũng như suy nghĩ, tác động để trưởng thành.
Tóm lại, lứa tuổi mới lớn học trò đã và đang cần nhiều ca khúc mới hay hơn nữa. Đội ngũ sáng tác cần chuẩn bị cho lớp khán giả thưởng thức và hưởng thụ âm nhạc dân trí ngày càng cao, đòi hỏi bắt kịp thời đại và cuộc sống trên mọi phương diện. Tuy nhiên, cũng tránh việc sáng tác phổ cập các ca khúc ảnh hưởng về giai điệu, ca từ âm nhạc nước ngoài… Đổi mới trong sáng tác âm nhạc thật phù hợp để mang tới các giá trị tốt đẹp, cách giáo dục nhẹ nhàng hiệu quả… thay vì nhồi ép và không bắt kịp nhu cầu mong muốn của lứa tuổi học trò.
Bài hát cho lứa tuổi hồng cần được viết bằng cảm hứng, sự rung cảm đích thực, thể hiện qua ý tưởng sáng tạo của tác giả. Để tới gần và được các em yêu thích thì tác phẩm cần có giai điệu trong sáng, có lời ca giàu tính văn học, có hình ảnh gần gũi với đời sống tình cảm của các em…
Mai Hoàng (giaoducthoidai.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét