Âm nhạc tuổi thơ vốn là mảnh đất nhiều tiềm năng nhưng lại ít được làm mới do số lượng các ca khúc dành cho trẻ nhỏ không có nhiều thay đổi. Lượng ca khúc cũ đi cùng năm tháng chiếm trọn tình cảm của khán giả mấy chục năm gần như vẫn là “mỏ vàng” để các nhà sản xuất khai thác.a
Nhạc sĩ Phạm Tuyên với hơn 700 ca khúc thiếu nhi vẫn sống mãi với thời gian.
Sức sống vượt thời gian
Trước cơn lốc âm nhạc giải trí ảnh hưởng lớn đến thị hiếu, “gu” thưởng thức của thiếu nhi, sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi thời điểm này dù vẫn được xem là thiếu nhưng cũng đã có sự cải thiện rõ rệt. Bằng chứng, nhiều đơn vị tổ chức thực hiện các đêm nhạc thiếu nhi, không chỉ mang lại niềm vui cho con trẻ mà còn khiến người lớn rưng rưng xúc động khi được trở lại tuổi thơ hồn nhiên của mình.
Tháng 1-2017, đêm nhạc “Phạm Tuyên nhớ và quên” diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Đêm nhạc kín khán giả, điều mà không phải show giải trí nào cũng làm được. Phần lớn khán giả đến với đêm nhạc là người lớn. Họ đến không chỉ nghe nhạc mà còn để được trở về với tuổi thơ, thuở mà bất cứ ai cũng thuộc các ca khúc “Chú voi con ở Bản Đôn”, “Chiếc đèn ông sao”, “Nụ cười”…
Nắm bắt được sức sống bền bỉ vượt thời gian của những ca khúc thiếu nhi, nhà tổ chức của chuỗi chương trình “In the spotlight” thực hiện riêng đêm nhạc “Tuổi thơ tôi” vào tháng 6-2017 với một fomat hoàn toàn mới, những bản phối khí lạ lẫm nhưng vẫn giữ đúng độ trong trẻo của các ca khúc thiếu nhi. Các nghệ sĩ tên tuổi như Hồng Nhung, Bằng Kiều đưa khán giả trở về miền không gian âm nhạc đẹp đẽ với “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, “Em đi giữa biển vàng”, “Đi học”, “Em yêu trường em”, “Cánh én tuổi thơ”…
Nhiều đêm nhạc thiếu nhi hấp dẫn khán giả, điều đó cho thấy sức sống mạnh mẽ của âm nhạc thiếu nhi.
Nhiều năm trở lại đây, các chương trình thiếu nhi đã được chú ý đầu tư hơn. Với ý thức thực hiện không gian âm nhạc thiếu nhi đúng nghĩa, các ca khúc đã được dàn dựng phù hợp với tâm hồn trẻ thơ. Nhiều trung tâm giáo dục âm nhạc của thiếu nhi ra đời như trung tâm Young hit Yong beat của ca sĩ Mỹ Linh, Học viện Âm nhạc và trình diễn nghệ thuật Soul (SMPAA) của ca sĩ Thanh Bùi… ngày càng thu hút sự quan tâm của phụ huynh khi gửi gắm con em theo học nghệ thuật. Các trung tâm này không chỉ dạy các em biểu diễn nhạc cụ, hát mà còn thường xuyên tổ chức các chương trình do thiếu nhi biểu diễn.
Rõ ràng, trước sự xâm lấn của nhiều chương trình truyền hình thực tế, trong đó có không ít chương trình dù lấy tiếng là làm cho thiếu nhi nhưng lại khiến các em trở nên già dặn hơn so với tuổi khi phải nỗ lực thể hiện các ca khúc người lớn, những trích đoạn chèo, xẩm truyền thống mà bản thân các em chưa hiểu hết ý nghĩa… thì việc đưa các ca khúc thiếu nhi trở lại thị trường âm nhạc là điều cần thiết.
Tuy nhiên, với thời đại công nghệ số, khi mà chỉ cần một “click chuột” trên máy tính, ipad các em đã có vô vàn sự lựa chọn để thưởng thức… đã đặt ra không ít áp lực cho những người tổ chức.
Áp lực trước thời đại mới
Như đã nói, thời đại công nghệ số khiến cho nhu cầu nghe nhìn cũng có nhiều thay đổi, kể cả với đối tượng trẻ nhỏ. Đó cũng là lý do nhiều sản phẩm online phát hành trên các kênh nghe nhạc trực tuyến, hay trên các kênh truyền hình cho trẻ nhỏ thay vì ra những album truyền thống. Áp lực để thực hiện những sản phẩm âm nhạc mới cho thiếu nhi, thậm chí là việc làm mới ca khúc cũ cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà sản xuất.
Các nhạc sĩ Hoàng Long, Hoàng Lân, Nguyễn Lân Cường tham gia dự án âm nhạc Sing Channel cho thiếu nhi.
Vừa qua, gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên giới thiệu dự án thiếu nhi có tên Sing Channel phát hành trên internet, được xem là tín hiệu vui khi cung cấp cho thị trường âm nhạc một kênh nghe nhạc miễn phí cho trẻ em. Dự án này được phát triển trên nền tảng gần 3.000 bài hát thiếu nhi của các nhạc sĩ sinh từ năm 1930 trở lại đây, trong đó phải kể đến các ca khúc thiếu nhi “còn mãi với thời gian” của các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân…
Trả lời báo chí, ca sĩ Bông Mai - con gái nhạc sĩ An Thuyên, người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình cho biết, khi còn sống, nhạc sĩ An Thuyên vẫn đau đáu thực hiện dự án âm nhạc cho thiếu nhi nên ông đã chủ biên soạn thảo Tổng tập các ca khúc thiếu nhi Việt Nam với tên gọi “Giai điệu thần tiên”. Dự án Sing Channel sẽ cụ thể hóa “Giai điệu thần tiên” bằng các bản audio, video music do nhiều ca sĩ tham gia, như Nguyễn Trần Trung Quân, Bảo Trâm, giọng ca nhí Nhật Minh, Ngọc Linh… Dự án còn có sự tham gia biên tập nội dung của những nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Long, Hoàng Lân, Nguyễn Lân Cường...
Ca sĩ Bông Mai thừa nhận, hiện nay vẫn thiếu những chương trình chất lượng mang tính thường xuyên, định kỳ cho trẻ nhỏ. Việc làm mới các ca khúc thiếu nhi là điều cần thiết để các ca khúc có sức sống mới, hấp dẫn hơn, góp phần giúp các em được sống đúng với lứa tuổi.
Trước vấn đề trẻ em hiện nay nghe nhạc người lớn nhiều, nhạc sĩ Hoàng Lân chia sẻ, trẻ em nghe gì phần lớn là do người lớn. Hiện nay, nhiều chương trình mang tiếng làm cho trẻ em nhưng lại bắt các em thể hiện nhiều bài người lớn. Vô tình điều đó khiến cho tâm hồn trẻ nhỏ mất đi sự hồn nhiên. Các bài hát thiếu nhi được viết mới với số lượng không nhiều hoặc chưa đủ hấp dẫn trẻ em trong khi nhiều bài hát thiếu nhi ra đời cách đây mấy chục năm vẫn có ảnh hưởng lớn nhưng lại ít được làm mới để hấp dẫn hơn.
Không ngạc nhiên, khi hơn chục năm nay trẻ em khi nghe ca khúc thiếu nhi trên internet chủ yếu chọn nghe bé Xuân Mai. Theo thời gian, các bản audio và MV của bé Xuân Mai đã bị sờn cũ, chất lượng hình ảnh và âm thanh ít nhiều bị ảnh hưởng. Dù vậy, có lẽ do các kênh nghe nhìn trên internet vẫn thiếu nên những sản phẩm nghe nhạc cũ lại là sự lựa chọn tối ưu.
Kho tàng các ca khúc thiếu nhi hơn 3.000 ca khúc. Để khai thác và sử dụng số lượng ca khúc này trong thời đại nghe nhìn mới quả là điều không dễ. Điều này, đòi hỏi những người làm nghệ thuật khi thực hiện các sản phẩm cho thiếu nhi không chỉ giỏi nghề mà còn phải có tâm với trẻ nhỏ và có sự hiểu biết nhất định đối với công nghệ số.
Hoàng Lân (hoinhacsi.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét