Bản giao hưởng số 6 của Beethoven

Tác phẩm là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp âm nhạc của L.Beethoven. Xã Hội Vạn Vật Trí Tuệ Nhân Tạo AIWS vinh danh Bản giao hưởng  số 6, cung Fa trưởng, Op. 68, hay còn gọi là Giao hưởng Đồng quê của L.Beethoven xếp thứ 7 trong những bản giao hưởng xuất sắc nhất mọi thời đại, là Thành tựu âm nhạc cho muôn đời.


Ludwig van Beethoven (1770- 1827)

Nói đến Ludwig van Beethoven  (1770 - 1827) nhà soạn nhạc cổ điển người Đức là nói đến một tượng đài nghệ thuật vĩ đại. Người yêu nhạc trên toàn  thế giới ngả mũ trước ông không chỉ vì ngưỡng mộ một thiên tài âm nhạc mà còn vì sự kính trọng sâu sắc, ý chí và nghị lực sống phi thường của một con người đã vượt qua nghịch cảnh, tìm niềm vui, niềm hạnh phúc trong sáng tạo và để lại cho đời những di sản vô giá. Qua nghiệm sinh của một số phận đầy bi kịch, hơn ai hết L.Beethoven nhận thức được sứ mệnh cao cả của âm nhạc.

Với ông: “Âm nhạc là sự giác ngộ cao hơn cả triết học và tri thức” (Music is a higher revelation than all wisdom and philosophy). Ông cũng thể hiện một tầm nhìn đi trước thời đại mình về  vai trò của âm nhạc trong đời sống con người “Âm nhạc là nhà hòa giải giữa cuộc sống thể xác và cuộc sống tâm linh” (Music is mediator between spiritual and sensual life). Quan niệm ấy vượt trước thời đại của ông, khi ông còn sống đã có nhà phê bình cho rằng: “Âm nhạc của ông tiêu biểu cho phong cách âm nhạc cao cấp nhất...hàng nghìn năm sau mới phát huy tác dụng”.

L.Beethoven ký thác quan niệm ấy trong từng bản nhạc. Qua mỗi nhạc phẩm của ông người nghe lại cảm nhận được nguồn cảm xúc thánh thiện, niềm vui của sứ mệnh làm người cao cả, niềm tin ở Trí tuệ, Đạo đức và Ý chí của con người cùng với một minh triết nhẹ nhàng ẩn sâu trong đó. Bản giao hưởng số 6 cung Fa trưởng của Beethoven trở nên vĩ đại chính là vì điều đó.

Bản giao hưởng được phác thảo từ năm 1802 đến năm 1808 mới hoàn thành. Đó cũng là khoảng thời gian L. Beethoven trải qua bao biến động nội tâm dữ dội khi chiến đấu với nghịch cảnh của số phận. Khi thính giác ngày một suy giảm, ông buộc phải từ bỏ đỉnh cao vinh quang của người nghệ sĩ  biểu diễn piano danh giá nhất thành Viene, lui về chuyên tâm với vai trò nhạc sĩ sáng tác.

Thời gian đầu ông tràn ngập niềm hy vọng vào việc chữa bệnh. Mùa xuân năm 1802 ông đến một nông trang ngoại ô thành Viên nghỉ dưỡng với hy vọng thính giác hồi phục. Môi trường mới, không gian yên bình, khoáng hoạt của đồng quê đánh thức trong ông tình yêu thiên nhiên đã bị ngủ quên. Đồng quê tươi đẹp, cuộc sống thôn trang dân dã hồn hậu, thiên nhiên biến đổi diệu kỳ đã để lại trong ông những mĩ cảm đẹp đẽ và phong phú.

Nhưng thính giác không được cải thiện, ông lại rơi vào tình trạng gần như tuyệt vọng. Cũng trong năm 1802, từ thị trấn nhỏ Heiligentstadt, Beethoven đã gửi một chúc thư bi đát cho hai em trai của ông, bộc lộ nỗi đau tuyệt vọng vì bệnh tật: "...Cuộc sống thật đẹp đẽ nhưng với tôi nó đã bị đầu độc vĩnh viễn". Nhưng nghịch cảnh đã không bẻ gãy được ý chí và sức sáng tạo của ông. Có lẽ chính âm nhạc đã đem lại cho ông sức mạnh để vượt lên nỗi bất hạnh như chính ông đã nói: "Không có tình yêu nào kỳ diệu, sâu sắc, tự nhiên và vĩnh cửu như tình yêu âm nhạc...". Và những bản nhạc vĩ đại nhất của ông như các bản giao hưởng số 3 “Anh hùng ca”, số 5 “Định mệnh”, số 6 “Đồng quê”, số 9 “Niềm vui”...đều được sáng tác vào thời kì mà thính giác của ông đã mất hoàn toàn.

Bản giao hưởng số 6 hoàn thành gần như cùng lúc với bản giao hưởng số 5, ra mắt công chúng lần đầu cùng nhau nhưng nội dung và tính chất hoàn toàn khác nhau. Trong bản giao hưởng số 5 “Định mệnh” tất cả đều căng thẳng đến cao độ: bằng những phương tiện âm thanh hùng vĩ, thủ pháp đối nghịch được vận dụng triệt để nó phản ánh cuộc đấu tranh và niềm vui chiến thắng. Còn ở bản giao hưởng số 6 giao hưởng “Đồng quê” với 5 chương nhạc hoàn toàn phù hợp với lời ghi chú của Beethoven là “những hồi tưởng về đời sống thôn quê... biểu lộ cảm xúc nhiều hơn là hội họa”.

Đó là những xúc cảm tươi mới, trong lành, hưng phấn, khi con người được đắm chìm vào khung cảnh thiên nhiên hiền hòa, thấy mình là một phần của thiên nhiên đó, hòa điệu với những biến đổi sinh động của nó. Chính vì thế mà bộ phim hoạt hình Fantasia (phiên bản năm 1940) của hãng Walt Disney, bản giao hưởng Đồng quê được sử dụng để làm nhạc nền cho một câu chuyện về thế giới thần thoại Hy Lạp.

Chương I của bản giao hưởng mở ra với niềm vui sảng khoái của con người người khi về tới chốn đồng quê thanh bình, được hưởng làn không khí tươi mát, được nghe gió hát mênh mang, được hít căng lồng ngực để thấy tâm hồn thật thư thái trước đất trời bao la, thoáng đãng. Dàn nhạc giao hưởng tấu lên một bài ca tươi vui không dứt và đầy thi vị bay bổng.

Chương II diễn tả cảnh thanh bình bên một con suối mát lành, các nhạc cụ thể hiện tiếng nước chảy róc rách, tiếng cỏ cây hoa lá xào xạc, tiếng chim hót líu lo. Ở cuối chương nhạc, sáo flute thể hiện tiếng chim sơn ca, kèn oboe thể hiện tiếng chim cun cút và kèn clarinet thể hiện tiếng chim cu gáy... tất cả hòa điệu trong một nhịp sống sinh sôi bất tận.

Ba chương nhạc cuối được biểu diễn liên tục mà không có tạm nghỉ giữa các chương. Một cơn giông chợt tới giữa lúc dân làng đang tụ họp vui vẻ. Ở chương IV, cơn giông hiện lên sinh động qua các phương tiện của dàn nhạc: những hạt mưa đầu tiên thưa thớt, rồi sấm rung, chớp giật, gió gào, mưa ào ạt như trút... Không chỉ thế, chương nhạc còn diễn tả cảm giác kinh sợ hoặc khoái trá của người khi chứng kiến sức mạnh của tự nhiên.

Cơn giông tố cuối cùng cũng kết thúc với những tràng sấm thi thoảng vọng tới từ phía xa. Chương V nối tiếp ngay sau đó với một chủ đề về vẻ đẹp bất ngờ, rạng rỡ, lung linh màu sắc của một chiếc cầu vồng đột ngột hiện ra sau mưa. Vạn vật lại tươi mới, tưng bừng phấn chấn và người ta nghe thấy những tiếng kèn gọi bạn (horn và clarinet) của mục đồng. Bè violin hát lên một giai điệu tươi mát, quyến rũ. Và bản giao hưởng kết thúc bằng hai hợp âm mạnh mẽ.Tâm hồn người nghe cũng tràn đầy năng lượng sẵn sàng cho những bước đi mạnh mẽ về phía trước chinh phục ước mơ.

Rõ ràng bản nhạc được gợi hứng từ vẻ đẹp của đồng quê nhưng không chỉ có thế nó còn là sự hồi tưởng lại những cảm xúc phong phú diệu kỳ mà thiên nhiên xinh đẹp yên bình mà sống động đã ban tặng con người. Mẹ thiên nhiên vĩ đại là vậy, luôn hào phóng, bao dung, ban tặng hết mình. Chỉ là chúng ta có biết trân trọng điều đó, biết giữ tiên thiên để cảm nhận, lắng nghe lời mách bảo ân tình của Mẹ Thiên Nhiên hay không mà thôi.

Đúng như Beethoven nhận định: “Âm nhạc là nhà hòa giải giữa cuộc sống thể xác và cuộc sống tâm linh”. Một ngày nào đó, bạn gặp ưu phiền, bạn mất đi sự thư thái, tâm hồn bạn bất an, hãy thử tìm đến thiên nhiên và lắng nghe giao hưởng số 6 của Beethoven, tôi tin bạn có thể tìm lại niềm vui sống, niềm hạnh phúc cho mỗi ngày. Hướng về thiên nhiên để tìm sự hòa hợp và trong sự hòa hợp với thiên nhiên, con người tìm thấy nguồn sức mạnh cho những hành động mới, quả cảm, anh hùng.

Giữa những ngày xuân vẫn xanh ngời, xin mời bạn thưởng thức giao hưởng số 6 của L.Beethoven mà Xã Hội Vạn Vật Trí Tuệ Nhân Tạo (AIWS) gửi tặng. AIWS vinh danh là bản giao hưởng này xếp thứ 7 trong các bản giao hưởng của nhân loại.

Tác phẩm do nhàn nhạc Giao hưởng Viên trình diễn dưới sự chỉ huy của Nhạc trường lừng danh Christtian Thielemenn

https://www.youtube.com/watch?v=s_xS8OLQYI0

Thu Cúc (hoinhacsi)

Nhận xét