Nhà hát Opéra Garnier và "Phong cách của Hoàng Đế Napoléon III"

Là một kiệt tác kiến trúc, một biểu tượng của Paris theo phong cách Haussmann, nhà hát Opéra Garnier (Palais Garnier) – sau gần 150 năm tồn tại – vẫn là một trong những công trình lộng lẫy, xa hoa nhất « Kinh Đô Ánh Sáng ».


Ngược dòng lịch sử, vào năm 1858, hoàng đế Napoléon III thoát chết trong một vụ tấn công bằng bom nhắm vào nhà hát opéra Le Peletier tại Paris do ba kẻ vô chính phủ người Ý thực hiện. Sau đó, hoàng đế Napoléon III nảy ra ý định cho xây dựng một nhà hát an toàn và lộng lẫy. Dự án được giao cho nam tước Georges Eugène Haussann, tỉnh trưởng Paris. Nam tước Haussmann chính là người phụ trách dự án tái quy hoạch và hiện đại hóa kinh đô Parisdưới thời Napoléon III. Và mảnh đất được chọn để xây nhà hát mới rộng 12.000m2, nằm giữa đại lộ Capucines và phố Chaussée-d’Antin.

Cuộc thi thiết kế nhà hát được nam tước Haussmann tổ chức vào năm 1860. Và đây cũng là một trong những cuộc thi thiết kế kiến trúc đầu tiên thời đó. Tổng cộng, có 171 kiến trúc sư gửi bản thiết kế dự thi, trong đó có nhiều kiến trúc sư tài ba, danh tiếng và có quan hệ mật thiết với chính quyền, đặc biệt phải kể tới Eugène Viollet-le-Duc, một bậc thầy về trùng tu, tôn tạo các công trình Trung Cổ nổi tiếng (pháo đài Carcassonne ở miền tây nam nước Pháp, nhà thờ Đức Bà Notre-Dame de Paris, lâu đài Pierrefonds…). Ban giám khảo phải mất gần một năm để xem xét các bản thiết kế.

Kết quả cuối cùng vô cùng bất ngờ : chiến thắng thuộc về một kiến trúc sư trẻ tuổi người Paris, chưa có tiếng tăm, tên là Charles Garnier. Garnier chính là học trò của kiến trúc sư tài ba Viollet-le-Duc. Ở tuổi 35, mới thiết kế được một công trình, nhưng kỹ sư Charles Garnier lại có rất nhiều hiểu biết về kiến trúc sau những chuyến đi tới Ý và Hy Lạp. Nhà hát mới theo bản vẽ của Garnier dài 173m, rộng 125m, nổi bật ở sự cân xứng tuyệt hảo và được đánh giá là có bố cục chặt chẽ và vô cùng hợp lý : từ sảnh vào, khu vực lễ tân, cầu thang lớn, các phòng hòa nhạc, sân khấu, cho tới khu vực hành chính…


Một điểm độc đáo của nhà hát Garnier nằm ở sự cách tân, nói cách khác, đó là sự pha trộn giữa nhiều phong cách kiến trúc, sự sáng tạo trong cách thể hiện nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc thiết kế. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều công trình nổi tiếng khác tại Pháp, chẳng hạn tháp Eiffel, bảo tàng Orsay…, nhà hát opéra Garnier không được tất cả mọi người đánh giá cao. Hoàng hậu Eugénie, vợ của hoàng đế Napoléon III, đã từng « vặn vẹo » Garnier : « Phong cách này là gì vậy ? Đây chẳng phải phong cách Hy Lạp, cũng không phải phong cách của vua Louis XV hay XVI ! ». Kiến trúc sư Garnier đã trả lời bằng một câu ngắn gọn « để đời » : « Đây là phong cách của hoàng đế Napoléon III ».

Nhà hát opéra được khởi công xây dựng năm 1861. Ngay khi thi công phần móng, một vấn đề phát sinh : địa hình đất sình lầy đã khiến Garnier phải mất 8 tháng khắc phục. Ông Mattias Auclair, giám đốc thư viện – bảo tàng Opéra thuộc nhà hát Opéra Garnier giải thích nếu mọi chuyện diễn ra bình thường, Garnier khi đó sẽ cho thi công phần móng công trình. Thế nhưng, mọi chuyện lại không diễn ra như theo thiết kế ban đầu của Garnier :

« Mảnh đất nơi xây dựng nhà hát thực ra nằm trên địa hình đất sình lầy. Garnier hiểu rằng áp suất của nước mạnh tới mức ông không dám mạo hiểm xây dựng công trình trên nền đất đó mà không có biện pháp chống thấm hiệu quả. Và biện pháp bảo vệ mà ông tìm ra được chính là xây dựng một bể chứa. Thế nhưng, một bể chứa đơn thuần thì chưa đủ. Và Garnier quyết định bơm đầy nước vào bể chứa. Chức năng đầu tiên của bể là chống thấm. Và cũng là cách để giữ cho nền đất bên dưới được ổn định ».

Bể nước xây bằng bê tông chống thấm, chống rò rỉ hiện vẫn còn tồn tại dưới tầng hầm sâu của nhà hát và tạo ra nhiều truyền thuyết về một hồ nước ngầm bí mật. Hiện tại, bể nước được dùng để phục vụ công tác cứu hỏa.

Trở lại lịch sử xây dựng nhà hát, năm 1870, chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra, rồi hoàng đế Napoléon III đầu hàng, bị giam lỏng. Vì thế, việc thi công công trình bị đình lại. Nhà hát trở thành kho chứa lương thực, thực phẩm cho quân đội. Tới năm 1873, nhà hát Le Peletier bị hỏa hoạn. Người dân Paris vô cùng thất vọng vì thành phố không còn nhà hát opéra, vì thế chính quyền Paris đã khẩn trương cho hoàn thiện nhà hát mới.

Sau 15 năm kể từ ngày khởi công, nhà hát chính thức được khánh thành vào ngày 05/01/1875, dưới thời tổng thống Mac-Mahon, thuộc nền Đệ Tam Cộng Hòa Pháp. Qua đời vào năm 1873, hoàng đế Napoléon Bonaparte đã không có dịp được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc mà ông hằng mong ước.


Khi khánh thành, nhà hát được gọi là « Opéra de Paris ». Chi phí xây dựng nhà hát là 36 triệu đồng franc-vàng : số tiền vô cùng lớn đã làm tốn nhiều giấy mực của báo chí và giới chính trị. Lễ khánh thành Opéra de Paris là một sự kiện trọng đại thời đó, với sự tham dự của nhà vua và thái hậu Tây Ban Nha, đô trưởng Luân Đôn, khoảng 2.000 khách mời cao cấp tới từ khắp châu Âu. Tuy nhiên, kiến trúc sư Charles Garnier lại không được mời, ông đã phải tự bỏ tiền mua vé hạng hai tới dự. Quả là một điều đáng tiếc và vô cùng khó hiểu ! Trong buổi lễ, « cha đẻ » của Opéra de Paris đã được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

Năm 1923, 48 năm sau khi ra đời, Opéra de Paris được xếp hạng công trình lịch sử của Pháp. Năm 1989, Opéra Bastille, nhà hát thứ hai tại Paris được khánh thành. Opéra de Paris được đổi tên thành Opéra Garnier để vinh danh nhà thiết kế Charles Garnier.

Ngay sau khi được khánh thành, Opéra Garnier đã trở thành một biểu tượng của sự xa hoa, lộng lẫy, đế vương cũng như biểu tượng của các hoạt động vui chơi giải trí ở « Kinh Đô Ánh Sáng ». Và trên hết, Opéra Garnier được coi là biểu tượng của Paris thời Đệ nhị Đế chế.

Sân khấu tại khán phòng lớn của nhà hát Garnier được thiết kế theo phong cách sân khấu của Ý. Khi được khánh thành, đó là sân khấu lớn nhất thế giới : dài 49m, sâu 26m, cao 72m, với tổng diện tích 1.350m2 và có chỗ cho 450 nghệ sĩ biểu diễn cùng lúc. Khán phòng gồm 5 tầng, có sức chứa hơn 2.200 khán giả, nổi bật với sắc đỏ và vàng, hai gam màu đặc trưng thời hoàng đế Napoléon III.

Mái vòm của khán phòng lớn được trang trí bằng bức bích họa do danh họa Marc Chagall vẽ trong suốt hai năm (1963-1964), lấy cảm hứng từ các vở balet và nhạc kịch nổi tiếng như Cây sáo thần của Mozart, Roméo và Juliette của Berlioz, Hồ Thiên Nga của Tchaikovski, Chim lửa của Stravinski… Ở giữa mái vòm có treo một chùm đèn khổng lồ bằng đồng và phê lê với trọng lượng ước tính là 8 tấn, cao 8m, tương đương độ cao của tòa nhà hai tầng.


Phòng giải lao cho khán giả cũng là một không gian tráng lệ, trải dài, được trang trí bằng nhiều tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, bích họa, tác phẩm trang trí mạ vàng và dãy đèn chùm tỏa sáng rực rỡ. Xưa kia, phòng giải lao là nơi dành cho khán giả là nam chuyện trò, giao lưu, thăm thú, còn các nữ khán giả thường phải ngồi chờ tại chỗ trong khán phòng.

Một trong những điểm nhấn khác bên trong nhà hát là cầu thang lớn dài 30m bằng đá cẩm thạch trắng và tay vịn nhiều màu. Không chỉ đẹp kiêu sa, nhà hát Garnier còn được trang bị rất hiện đại với nhiều phòng tập rộng, thư viện và bảo tàng…

Là một trong hai nhà hát opéra nổi tiếng nhất Paris, Opéra Garnier cũng là một trong những công trình thu hút nhiều du khách nhất tại Paris. Chẳng hạn, vào năm 2013, Opéra Garnier đã đón hơn 720.000 khách tham quan. Không chỉ là một trong những nhà hát lớn và danh tiếng nhất châu Âu, nơi công diễn các vở balet, nhạc kịch xuất sắc, nơi mà nhiều nghệ sĩ từng ao ước được trình diễn trên sân khấu, ngay bản thân nhà hát Garnier cũng là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại của nước Pháp, một điểm đến mà bao người mơ ước được tận mắt chiêm ngưỡng ít nhất một lần trong đời !.

(Theo RFL)

Nhận xét