Người ta thường ví von tình bạn cũng như rượu ủ, càng lâu năm càng quý. Trong lĩnh vực âm nhạc cũng vậy, những mối quan hệ vững bền và giữa ca sĩ - nhạc sĩ - nhà sản xuất thường có kết quả là một sự nghiệp bền vững và thăng hoa. Đây cũng là một minh chứng cho tính chuyên nghiệp của các nghệ sĩ và nếu phải chọn một ví dụ tiêu biểu ở Việt Nam, chúng ta có thể kể đến Mỹ Linh cùng ban nhạc Anh Em.
Nhìn vào làng nhạc thế giới trong hàng chục năm qua, chúng ta có thể kể ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ê-kíp hoạt động hết sức “bài bản” và ăn ý, ví như cặp đôi Quincy Jones và ông vua nhạc pop quá cố Michael Jackson, nhà sản xuất tài danh David Foster với các ca sĩ Andrea Bocelli, Michael Buble và Josh Groban, hay nữ ca sĩ nhạc jazz Stacy Kent hơn 20 năm qua vẫn gắn bó với ban nhạc nhỏ do chồng cô - saxophonist Jim Tomlinson cầm trịch.
Ca sĩ Mỹ Linh và ban nhạc Anh Em
Quá hiếm sự “đồng điệu” trong âm nhạc
Đôi khi các nghệ sĩ cũng cần tìm kiếm những tác nhân mới để bứt phá, để thay đổi nhưng trong những trường hợp như vậy, cái tôi thường bị hạn chế khá nhiều chứ không được thoải mái thể hiện như ở bên nhóm cộng sự thân thiết đã thấu hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc…
Nếu lấy 1996 - 1997 là thời điểm đánh dấu sự bùng phát của âm nhạc đại chúng Việt Nam thì sau hơn 20 năm, khái niệm “bền vững” trong sự kết nối giữa các nghệ sĩ vẫn hoàn toàn thiếu vắng. Không tìm đâu ra ra những cặp đôi như Khánh Ly - Trịnh Công Sơn, Quốc Dũng - Thanh Mai, Lê Uyên & Phương hay Nguyễn Trung Cang & Lê Hựu Hà - Elvis Phương theo kiểu“chết tên với nhau”, không thể tách rời. Và họ cũng thường cộng tác với một nhà sản xuất - tức một hãng ghi âm và phát hành duy nhất. Không chỉ dễ cho nghệ sĩ mà còn dễ cho cả công chúng tìm nghe.
Trong khi đó, hầu hết các ca sĩ đương đại của chúng ta, dù không muốn hoặc không cố ý, vẫn đang tự xoay sở, tự hoạt động theo tinh thần indie -nghĩa là hoàn toàn độc lập. Tự tìm người sáng tác, tự “gõ cửa” các phòng thu, thường là không cố định, tùy theo từng dự án. Một số khác trực thuộc biên chế các nhà hát, đoàn ca múa nhạc Nhà nước thì dăm thì mười họa mới ra một album theo kiểu “làm chơi” và hầu như không đặt nặng tiêu chí “chất lượng”, nghĩa là có đầu tư nghiêm túc về các khâu biên tập, thu âm.
Tìm được người gắn bó với một ban nhạc đã khó, chứ đừng nói cả ban nhạc và nhà sản xuất. Chỉ một số rất nhỏ ca sĩ ở Việt Nam đang đi theo con đường này và Mỹ Linh được xem là người tiên phong. Suốt 20 năm qua, cô và ban nhạc Anh Em vẫn bên nhau như “cái thuở ban đầu” ấy. Một con số thực sự đáng nể.
Có ông xã là người cầm trịch ban nhạc Anh Em, đồng thời đảm nhiệm luôn vai trò sản xuất, với Mỹ Linh là một lợi thế, tuy nhiên chưa đủ. Bởi nếu không tìm thấy sự đồng điệu trong âm nhạc, hoặc cái tôi của cả hai đều quá mạnh mẽ thì cũng không thể nào xác lập được một sự gắn bó lâu dài.
Ai cũng biết Diana Krall - nữ nghệ sĩ hát jazz nổi tiếng nhất hiện nay - có chồng là nghệ sĩ kiêm nhà sản xuất đa tài Elvis Costello nhưng cả hai chưa bao giờ hợp tác trong bất cứ dự án âm nhạc nào. Cộng sự tin cậy của Diana Krall trong suốt 23 năm luôn là Tommy LiPuma, và nếu có bất kỳ sự thay thế nào cũng là chính Diana Krall hoặc David Foster đảm nhiệm khâu sản xuất chứ Elvis Costello không hề nhúng tay.
Mối lương duyên đã kéo dài 20 năm
Cho nên mới nói, cái duyên đưa đẩy cặp đôi Mỹ Linh - Anh Quân đến với nhau nhưng chính sự hòa hợp mới giúp họ vững bước cùng nhau trên con đường nghệ thuật.
Tư duy âm nhạc phương Tây mạch lạc, khúc chiết nhưng cũng đầy ngẫu hứng cần được thể hiện bằng một giọng ca đậm hồn Việt và với Anh Quân, cô gái trẻ đang rất nổi với ca khúc Hà Nội đêm trở gió chính là lựa chọn hoàn hảo. Không ai khác ngoài Mỹ Linh để có thể biến chùm ca khúc pop pha R&B còn khá lạ tại trong Tóc ngắn Vol. 1 trở nên quen thuộc nhanh đến vậy, đồng thời biến album này thành một trong vài đĩa nhạc nhẹ được yêu thích nhất, đồng thời có chất lượng nghệ thuật tốt nhất ở Việt Nam kể từ 1997 cho đến nay.
Không khó để nhận ra cả 7album của Mỹ Linh thực hiện cùng ban nhạc Anh Em đều được định hướng theo một chiến lược rõ ràng và ít nhất ba trong số đó đã thực sự trở thành những cột mốc đáng nhớ của làng nhạc Việt đương đại. Nếu Tóc ngắn Vol. 1 mở ra xu hướng sử dụng chất liệu R&B giữa thời thị trường vẫn đang chìm đắm trong những giai điệu pop ballad mang âm hưởng Cantopop (pop Hong Kong (Trung Quốc) thì Chat với Mozart Vol. 1 lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng dòng nhạc classical crossover vốn đã quen thuộc từ lâu trên thế giới nhưng khi đó còn khá xa lạ ở Việt Nam. Và Tóc ngắn acoustic- Một ngày là album nhạc Việt đầu tiên phát hành định dạng LP (đĩa than) với tất cả các ca khúc được thể hiện và ghi âm theo phong cách acoustic, nghĩa là không có sự xuất hiện của các nhạc cụ điện tử.
7 album trong 20 năm, không nhiều nhưng đủ để cho thấy những bước tiến chậm rãi nhưng chắc chắn của một ê-kíp không chỉ thấu hiểu nhau mà còn thấu hiểu cả thị trường vốn nổi tiếng “đỏng đảnh”, khó chiều và không mấy ham chuộng món lạ.
Luôn vấp phải những hoài nghi lúc mới ra mắt nhưng rõ ràng các album của ê-kíp Mỹ Linh và ban nhạc Anh Em không chỉ có sức tiêu thụ tốt mà còn được ghi nhận về mặt chuyên môn tại các giải thưởng âm nhạc uy tín như Âm nhạc Cống hiến, đồng thời, góp phần định hướng gu thưởng thức cho công chúng. Đây là điều không ca sĩ độc lập nào làm được, nếu sau lưng họ không có một đội ngũ sáng tác, sản xuất và ban nhạc ăn ý, vững bền.
Và giờ đây, vẫn những con người đó tiếp tục sát cánh bên Mỹ Linh để thực hiện tour lưu diễn của năm 2018 mang tên Thời gian. Rất khó hình dung 12 năm sau Mỹ Linh Tour 06, tất cả ban nhạc, nhạc sĩ sáng tác và hòa âm, đạo diễn sân khấu lại đứng cùng nhau, mang đến cho khán giả ở ba thành phố lớn những đêm diễn hứa hẹn được dàn dựng công phu, tiếp tục thể hiện tính tiên phong cả về âm nhạc và mô hình sản xuất.
Không mang tính tổng kết hay nhìn lại sự nghiệp, Mỹ Linh Tour 2018 là tour diễn nhấn mạnh những giá trị bất biến qua thời gian của âm nhạc và một ê-kíp đã cùng nhau đi qua 2 thập kỷ của sự nghiệp, của đời người. Ấm áp và ngọt ngào như thứ rượu lâu năm vậy!
H.Đ (TTVH)
Nhận xét
Đăng nhận xét