Nếu lang thang ở các quán cà phê nhạc hay cà phê vỉa hè, rất có thể, bạn sẽ thấy nhiều bạn trẻ đang cầm ghita gẩy say sưa những ca khúc của Ngọt. Và nếu gặp may hơn, có thể, bạn đang ngồi cạnh Ngọt mà không hề hay biết. Vì Ngọt- cả trên sân khấu lẫn ngoài đời- đều giản dị và mộc như chính thứ âm nhạc họ theo đuổi.
Là một ban nhạc indie, các thành viên của Ngọt đều tự kiêm nhiệm nhiều vai trò trong nhóm.
Ban nhạc mộc kể những câu chuyện nhỏ
Thật khó để hẹn gặp đầy đủ cả 4 thành viên ban nhạc. Và trong khi Chí Hùng đang ôn thi vào Nhạc viện, Nam Anh làm khoá luận tốt nghiệp còn Trọng Thắng đi du lịch cùng gia đình thì Việt Hoàng được nhóm “đùn đẩy” tiếp chuyện báo chí. Áo phông quần đùi, đi dày cross, râu không thèm cạo, Hoàng đến điểm hẹn, mặt mũi bơ phờ sau một đêm thức xem Worldcup và chăm vợ đẻ…
Không biết có phải vì đặt tên là Ngọt mà con đường âm nhạc của nhóm từ lúc xuất phát đến nay cứ toàn là quả ngọt. Năm 2013, nhóm thành lập như một ban nhạc sinh viên hay hát miễn phí ở quán cà phê, show nào lộc lá thì catxe 500 nghìn đồng chia nhau. Hai năm sau kêu gọi nguồn vốn từ cộng đồng để sản xuất album đầu tay. Album ra đời, đùng một cái, bán hết sạch 1.000 bản, in thêm 500 bản cũng hết nốt. MV “Em dạo này” gây “bão” trên cộng đồng mạng, sau 1 tuần đã hút hơn 1 triệu lượt xem. Đĩa đơn “Em dạo này” trích từ album cũng nhận được đánh giá tích cực từ người hâm mộ và giới chuyên môn, giúp ban nhạc giành Giải thưởng Âm nhạc Cống Hiến 2018 cho “Bài hát của năm” và “Nghệ sĩ mới của năm”. Album thứ 2 mang tên “Ng bthg” phát hành cuối năm 2017 cũng tạo dấu ấn tốt. Khi album còn chưa ra mắt, 3.000 vé của live show “Ng bthg” đã hết sạch sau 3 ngày mở bán… Với các nhóm nhạc đình đám trong showbiz, những thành quả đó có thể “bé như củ khoai”, nhưng với một nhóm nhạc độc lập, vốn dắt lưng chả có gì ngoài âm nhạc thì đó thực sự là những “quả ngọt” đáng mong chờ.
Chất liệu âm nhạc của Ngọt không quá phức tạp. Cấu trúc các bài hát không có nhiều phá cách. Album của Ngọt không lạm dụng các kỹ thuật của phòng thu. Cách hát tự nhiên, bỏ qua nhiều quy tắc thông thường của thanh nhạc, thậm chí cả quy tắc bỏ dấu khi hát tiếng Việt. Giọng hát như viên ngọc thô chưa qua gọt giũa. Không đầu tư trang phục bắt mắt, vũ đạo hoành tráng hay những MV hào nhoáng, Ngọt chọn cách “kể” bằng ca khúc. Sân khấu của họ chỉ cần một khoảng trống nhỏ, kê vài cái ghế, thêm cái ổ điện, thế là xong.
Vậy, vì sao Ngọt lại “hot”?
Đến với âm nhạc chỉ bằng đam mê tự phát, tự học, xét về kĩ thuật xử lý, có thể vẫn còn vài chỗ chưa được “ngọt” lắm nhưng Ngọt khác các ca sĩ thị trường, họ có cách xử lý ca khúc mộc mạc, không bị áp lực về tiền bạc hay hình ảnh, chiến lược của nhà sản xuất nào cả. Họ hát thoải mái và tìm được sự đồng cảm ở những người nghe đang đi tìm một không gian âm nhạc gần gũi, đời thường. Kiểu như, một buổi chiều “chán đời”, ngồi trong quán cà phê yên tĩnh, tự dưng thấy đồng điệu “dã man” với những ca từ: “Muốn được bé lại nhưng không có quyền/ Muốn được lớn nhưng không có tiền/ Muốn được vui nhưng không có lý do, không còn nữa” (Be cool). Hay nếu đang lừng khừng giữa những lựa chọn, hãy bật ngay bài “Quan điểm”: “Sống trên đời thuận lời người khác/ Sống thế chẳng mấy mà thành một cái xác chết trôi/ Sống thế thì sống làm gì”. Hoặc đang thất tình, kiểu gì cũng phải nghe “Em dạo này”: “Em dạo này có đi xa cuối tuần/ Em dạo này có gặp Vy và Xuân/ Hàng đêm em có nghe hát xa xăm/ Từ quán ăn phù du ngoài sân”…
Nhận xét về Ngọt, nhạc sĩ Đỗ Bảo cho rằng: “Âm nhạc của Ngọt có tinh thần rất mới mẻ. Đây là một ví dụ tốt cho các bạn trẻ, các ban nhạc trẻ tìm ra phong cách riêng, không trộn lẫn với người khác. Ngọt có sự tếu táo, chịu ảnh hưởng của nhạc cổ điển nhưng cũng có nhịp điệu của người trẻ. Tôi thấy họ có tiềm năng và biết mình muốn gì, làm gì trong âm nhạc”. Còn nhạc sĩ Quốc Trung, người đã mời ban nhạc Ngọt trở thành 1 trong 2 gương mặt nghệ sĩ đại diện Việt Nam tham gia Lễ hội âm nhạc Gió mùa 2017 thì nhìn nhận: “Khi những ca sĩ thị trường, ngôi sao trẻ có thể mang đến sự giống nhau, thì khán giả thích thú với Ngọt bởi những cá tính không na ná, hay đang có trên thị trường”.
Ngọt biểu diễn trong Lễ hội âm nhạc Gió mùa 2017.
Chơi tử tế
Việt Hoàng cho biết, ngay sau thành công của album đầu tiên, Ngọt đã được rất nhiều nhà sản xuất và “ông trùm” truyền thông mời về làm “gà”, nhưng nhóm vẫn quyết định hoạt động như một ban nhạc indie (các nghệ sĩ, ban nhạc hoạt động độc lập, tự biên tự diễn, không phụ thuộc các hãng thu âm hay nhà sản xuất…).
Xu hướng nhạc indie đang thịnh hành ở Việt Nam 1-2 năm gần đây, được khán giả yêu thích vì sự tự do và mộc mạc. Tuy nhiên, không phải ca sĩ hay ban nhạc nào lựa chọn con đường này cũng “sống vui, sống khoẻ”. “Rất nhiều ban nhạc đã thất bại, bởi để hoạt động độc lập, không cần đến ông bầu, không cần nhà sản xuất thì không phải cứ hát hay là đủ mà còn phải có khả năng xoay xở tất tần tật từ a đến z”- Việt Thắng chia sẻ. Giống như ở Ngọt, 4 thành viên nhưng đảm nhận công việc của 8 người, mà có khi còn nhiều hơn thế. Cả 2 album đều do các thành viên tự xử lý từ thu âm, hòa âm đến hậu kỳ, sản xuất…
Thắng, trưởng nhóm, vừa sáng tác, vừa hát chính, có cái vẻ ngố ngố thư sinh của anh chàng sinh viên ngoại ngữ, lại có cái phiêu phiêu nghệ sĩ đầy lãng tử. Hùng, luôn bốc lửa trên sân khấu với cây đàn guitar và những ngón tay điêu luyện. Hùng cũng là người làm các phần việc thu âm cho nhóm. Nuôi quyết tâm theo học nghệ thuật bài bản, mới đây, anh chàng đã làm hồ sơ thi vào Học viện âm nhạc Quốc gia. Nam Anh có khuôn mặt “ngọt” nhất của Ngọt, với mái tóc bồng bềnh và khả năng nói chuyện hóm hỉnh, thân thiện. Ngoài vị trí hát bè, chơi trống, Nam Anh cũng là người lo trang phục và stylist cho Ngọt. Hoàng, nhiều tuổi nhất, ngoài vị trí guitar bass, anh còn là quản gia, quản lý, ông bầu, phụ trách fanpage và làm việc với truyền thông… Vẻ ngoài già dặn và sự tỉnh táo, trải đời của một thạc sĩ kinh tế giúp Hoàng làm tốt vai trò “sợi dây”, giữ cho “cánh diều” Ngọt bay no gió mà vẫn không đứt phựt khỏi mặt đất. Cứ thế, mỗi người một vẻ, mỗi người ôm rất nhiều việc khác nhau. Bởi vậy, ở Ngọt không có “ngôi sao”, mà tất cả là những cánh sao tạo nên một Ngọt thống nhất, không tách rời.
Qua rồi cái thời ngồi đếm like trên fanpage, nay Ngọt đã sở hữu lượng fan online gần 60 nghìn người- mà ban nhạc vẫn gọi yêu là “các Kẹo”. Catxe của Ngọt cũng đã tăng lên rất nhiều lần, đủ để mỗi thành viên mở mày mở mặt với phụ huynh và đường hoàng theo đuổi đam mê mà không ai ngăn cản. Ngọt cũng sở hữu một phòng tập riêng, mua sắm các nhạc cụ, máy móc cần thiết phục cho việc thu âm…
Sau khi nhận cú đúp giải Cống hiến, Ngọt vẫn giữ nguyên catxe, Ngọt tự thấy như thế là đủ để sống với âm nhạc. Xác định vẫn sẽ vừa đi làm vừa hát, cân bằng giữa “người trần mắt thịt” với “nghệ sĩ”, Việt Hoàng chia sẻ: “Mỗi tháng nhận 2-3 show, mỗi show tính ra mất 10-15 phút trên sân khấu, nhóm chỉ bận nhất lúc làm album, nên chúng tôi vẫn có thể vừa đi hát vừa đi làm công việc hành chính. Âm nhạc với chúng tôi như cuộc chơi, nhưng đã chơi thì phải chơi cho tử tế, chơi có trách nhiệm. Trách nhiệm thể hiện ở chất lượng sản phẩm chứ không tính bằng “xô chậu” hay catxe.
Hiện tại, Ngọt vẫn đang làm tiền kỳ cho album thứ 3 để năm sau ra mắt. Khi hỏi về nội dung album, “ông bầu” Việt Hoàng cười xoà: “Hiện vẫn đang vừa sáng tác, vừa phối, vừa cãi nhau loạn cả lên nên chưa biết thế nào. Nhưng chắc chắn Ngọt sẽ làm hay nhất có thể!”…
T.H (tienphong)
Nhận xét
Đăng nhận xét