Nghĩ đến cơn sốt 'Diên hy công lược' ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á lẫn cách quảng bá văn hóa khôn khéo của các nhà làm phim Trung Quốc, chợt thấy khoảng cách quá xa với phim truyền hình Việt Nam.
Mấy tuần nay, cộng đồng mạng dậy sóng với bộ phim Trung Quốc Diên hy công lược. Những tác phẩm truyền hình cổ trang Trung Quốc lấy đề tài cung đấu không hề xa lạ với người xem, nhưng Diên hy công lược vẫn gây sốt nhờ cốt truyện hấp dẫn, dàn diễn viên thực lực và trên hết là những kiến thức thú vị về văn hóa truyền thống được lồng ghép rất khéo léo của ê-kíp làm phim.
Nội dung Diên hy công lược xoay quanh thiếu nữ Ngụy Anh Lạc, từ thân phận một cung nữ tiến lên vai trò quý phi dưới thời Càn Long.
Thông qua trang phục, Diên hy công lược nêu bật nghệ thuật thêu thùa tinh xảo - một giá trị truyền thống nổi bật của Trung Quốc.
Một trong những điểm khác biệt của Diên hy công lược so với các phim truyền hình cổ trang khác của Trung Quốc chính là phần phục trang sang trọng, nhã nhặn chứ không “hoa hòe hoa sói”.
Triều đại nhà Thanh trong phim là triều đại thứ hai do các dân tộc thiểu số khai sáng và thống trị nên quần áo và trang sức có những nét riêng biệt, liên quan chặt chẽ đến nghệ thuật và văn hóa dân tộc. Phim nhấn mạnh vào đặc điểm này để giới thiệu thêu thùa - một nghệ thuật dân gian truyền thống của Trung Quốc với ít nhất 2.000 đến 3.000 năm lịch sử.
Xem phim, khán giả còn được biết về bộ môn thư pháp (cảnh Phú Sát hoàng hậu dạy Ngụy Anh Lạc), làm pháo hoa (tập 20, bá quan văn võ phi tần tổ chức bắn pháo hoa mừng thọ vua) hay khám phá nghệ thuật Côn kịch (tập 18, Cao quý phi hóa trang thành ca nữ, hát tâm sự với hoàng thượng), hiểu thêm về truyền thuyết nữ thần Lạc (tập 21, Phú sát hoàng hậu múa điệu Lạc thần - nữ thần xưa trong truyền thuyết Trung Hoa).
Nghĩ đến cơn sốt Diên hy công lược ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam (Việt Nam đã mua bản quyền phim để phát trên HTV7 từ ngày 9/8; trước đó đã phát trên mạng) lẫn cách quảng bá văn hóa khôn khéo của các nhà làm phim Trung Quốc, chợt thấy khoảng cách quá xa với phim truyền hình Việt Nam.
Những phim Việt được đầu tư quy mô, gây “sốt” gần đây như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Cả một đời ân oán đều có xuất xứ từ kịch bản nước ngoài.
Những câu chuyện của thế giới ngầm, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, ân oán gia đình… tuy kịch tính hấp dẫn, nhưng ở khía cạnh nào đó, lại mang đến những điều tiêu cực. Trong khi những giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc tốt đẹp, bền bỉ của Việt Nam lại bị người làm phim bỏ quên, mải mê chạy theo những cái của nước bạn.
Hết ăn theo Trung Quốc lại đến Mỹ, Hàn như Glee, Hậu duệ mặt trời phiên bản Việt. Bụt nhà không thiêng hay ta chẳng đủ tài?
N.N (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét