Nhạc kịch: Cuộc chơi tốn kém

Một số người làm nhạc kịch được ví như là những người tham gia vào một cuộc chơi lãng mạn hơn là tìm kiếm lợi nhuận vì đã dám đầu tư nhiều tiền bạc, công sức cho các vở kịch mà không chắc sẽ hòa vốn.

Một cảnh trong vở Tiên Nga của Idecaf.

Cuộc chơi tiền tỉ

Cách đây ít tháng, vở nhạc kịch Tiên Nga của sân khấu Idecaf thu hút sự quan tâm của công chúng bởi công sức đầu tư cho cả hình thức lẫn nội dung. Việc NSƯT Thành Lộc trong vai trò đạo diễn dám mời nhạc sĩ Đức Trí soạn nhạc và đưa cả ban nhạc của nhạc viện đến chơi nhạc sống phụ họa đã khiến giới nghệ sĩ lẫn khán giả nể phục. Không ai dám tưởng tượng rằng kịch nghệ đang sống kiểu đắp đổi qua ngày mà Idecaf dám đầu tư mạnh đến thế.

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, tổng vốn đầu tư cho vở diễn là trên dưới 2 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung 100-200 triệu cho một vở kịch. Tất cả các thành viên của sân khấu Idecaf từ ông Tuấn đến Giám đốc nghệ thuật Thành Lộc không ai dám tin rằng vở Tiên Nga sẽ hoàn vốn. Tuy nhiên, Thành Lộc vẫn quyết tâm và anh đã truyền cảm hứng sang ông bầu để hiện thực hóa giấc mơ nhạc kịch mà anh ấp ủ từ lâu. Thành Lộc quan niệm rằng làm một người nghệ sĩ, ai cũng hiểu có thực mới vực được đạo, có tiền lãi mới có khả năng tái đầu tư nhưng làm ra được một tác phẩm hay và đẹp còn sung sướng hơn gấp ngàn lần một vở diễn bán được vé mà giá trị nghệ thuật tầm thường.

Thành Lộc nhận được sự cộng hưởng từ nhóm kịch Buffalo. Nhóm này đã bỏ tiền túi khoảng 2 tỉ đồng để đầu tư cho vở nhạc kịch Thủy Tinh và đứa con thứ 101. Khán phòng của hai suất diễn đầu tiên của vở nhạc kịch này chật kín khán giả, thắp lên tia hy vọng cho ê kíp thực hiện. Vé bán cho hai suất kế tiếp cũng tốt, nhưng tổng doanh thu của bốn suất diễn không thể nào bù cho số vốn đầu tư. Khi được hỏi liệu đã có kế hoạch thu hồi vốn trước khi thực hiện, thì cả bà bầu Cát Tường, ông bầu Hoàng Quân, đạo diễn Khắc Duy đều trả lời không. Tức họ nghĩ đến việc tạo ra tác phẩm hay và đẹp trước, còn lời lỗ từ từ tính.

Công chúng dõi theo Buffalo biết rất rõ, mỗi thành viên của nhóm từ sau khi đoạt quán quân Cười xuyên Việt-Tiếu lâm hội đã trở nên rất đắt sô diễn. Nếu họ tạm gác qua nhạc kịch, tập trung sức lực cho gameshow (chương trình truyền hình), phim ảnh, các sự kiện thì thu nhập họ kiếm được là không ít. Thế nhưng, như Nguyễn Khắc Duy chia sẻ: “Tôi đã chọn nhạc kịch từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhờ vậy, khán giả biết đến tôi như là một người trẻ tiên phong. Và từ khi dấn thân vào nhạc kịch tôi càng đam mê dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Thể loại này hay và đẹp theo nghĩa hàn lâm, nhưng chưa phổ biến tại Việt Nam. Tôi hạnh phúc được làm một trong những người lát viên gạch đầu tiên cho hành trình gian nan”.

Tôn vinh giá trị truyền thống

Vở Thủy tinh và đứa con thứ 101 của nhóm Buffalo.

Vở Tiên Nga của Idecaf chính là phiên bản diễn trên sân khấu của tác phẩm thơ Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga của Cụ đồ Chiểu. Tác phẩm này được người Việt Nam yêu thích vì nó dạy đạo làm người như trong “Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Tương tự, nhóm Buffalo sau khi dựng vài vở mua lại bản quyền của Mỹ, sau khi thử sức với nhạc kịch Việt Nam với chủ đề tình yêu hiện đại, thì chuyển sang khai thác mạnh kho tàng truyện thần thoại, cổ tích Việt Nam. Cách đây khoảng hai năm, vở Tấm Cám của nhóm đã thành công bất ngờ. Câu chuyện về hai chị em Tấm và Cám đã được kể lại với một thủ pháp mới.

Nét nhạc kịch hiện đại chuyển tải một giá trị cũ của Việt Nam thật sự tạo nên một cảm xúc lạ lẫm. Thủy Tinh và đứa con thứ 101 là vở kịch dựa trên thần thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, giúp cho trẻ nhỏ biết thêm về lịch sử Việt Nam. Dạy cho thế hệ trẻ biết phấn đấu nỗ lực làm người hữu ích và tránh xa thói xấu. Nên về tổng thể, có thể thấy rằng những người làm nhạc kịch đang góp phần vào việc tôn vinh giá trị truyền thống thật sự và cũng rất lãng mạn khi dám bỏ ra số tiền lớn để đầu tư cho những dự án tâm huyết của họ mà không dám chắc những dự án mang lại cho họ sự hòa vốn.

Nguyễn Huy (thesaigontimes)

Nhận xét