Vpop có thêm hàng chục quán quân vào những tháng đã qua của 2018. Số lượng tăng mạnh so với 2017 nhưng đều không được chú ý, thậm chí chìm nghỉm sau khi ra mắt.
Cách đây vài năm, khi mạng xã hội chưa phát triển, những chương trình thực tế phát sóng trên truyền hình, khung giờ vàng luôn là bệ phóng lý tưởng để giúp nhân tố trẻ tiếp cận khán giả. Sau nhiều năm, số lượng game show phát triển như vũ bão nhưng cũng dần bão hoà, rập khuôn về kịch bản, khan hiếm gương mặt đột phá, lạm dụng chiêu trò và giảm dần sức hút.
Đến lúc này, game show đã không còn là bệ phóng lý tưởng cho những ai tìm kiếm sự nổi tiếng. Nhiều giọng ca dù mang trên mình mác quán quân của một cuộc thi khi bước vào showbiz vẫn mờ nhạt, thậm chí chìm nghỉm trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Quán quân Vpop: Thành ít bại nhiều
Trong 3 năm trở lại đây, game show bùng nổ về số lượng. Năm 2017, ít nhất 11 cuộc thi được tổ chức, đồng nghĩa 11 quán quân từ đó ra đời. Sang 2018, làn sóng cuộc thi âm nhạc càng phát triển mạnh mẽ, chương trình cứ thế nối đuôi nhau lên sóng.
7 tháng qua, trên 10 cuộc thi đã diễn ra. Đều đặn, mỗi tháng, Vpop có thêm một quán quân, chẳng hạn Võ Hạ Trâm (Hãy nghe tôi hát), Tố Tố (Trời sinh một cặp), Lộn xộn band (Sing My Song), Trọng Hiếu (Sao đại chiến), Mỹ Ngọc (Duyên dáng Bolero), Duy Ngọc, Annie (Giai điệu chung đôi), Nam An (Ban nhạc Việt),…
Trọng Hiếu sau 2 lần giành giải vẫn như một gương mặt mới.
Các cuộc thi khác như Nhạc hội song ca, The Voice, The Debut, Gương mặt thân quen, Giọng ải giọng ai, Người hát tình ca, Ca sĩ thần tượng,… vẫn đang lên sóng và chắc chắn sẽ “sản sinh” thêm một loạt quán quân sau khi kết thúc.
Số lượng lớn, ra mắt ồ ạt nhưng trong số quán quân cuộc thi âm nhạc vài năm trở lại đây, đặc biệt 2017 hay 2018, không nhiều người được khán giả nhớ đến. Nói chính xác hơn, đã rất lâu, công chúng chưa thấy một quán quân vừa đăng quang đã tìm được chỗ đứng cho riêng mình.
Hai lần đạt ngôi vị cao nhưng Trọng Hiếu cũng phải thừa nhận anh chưa đạt được chỗ đứng như kỳ vọng. Khẳng định không bỏ cuộc nhưng cũng 3 năm kể từ Vietnam Idol và nhiều tháng sau Sao đại chiến, một quán quân như Trọng Hiếu vẫn chưa thể để danh tiếng của mình được đông đảo khán giả biết tới là điều đáng tiếc.
Các cuộc thi âm nhạc lẫn danh hiệu quán quân đang khiến khán giả bội thực. Bởi thế, Trọng Hiếu không dễ có chỗ đứng vững chắc. Thêm vào đó, vì theo đuổi chất nhạc Funk chưa thịnh hành ở Việt Nam cùng hạn chế hát không rõ lời, nam ca sĩ gặp khó khăn trong việc chinh phục khán giả.
Trường hợp Ali Hoàng Dương đáng tiếc hơn cả Trọng Hiếu. Học trò Thu Minh có ngoại hình nổi bật, sáng sân khấu, lại đảm bảo cả yếu tố chuyên môn lẫn khả năng trình diễn nhưng các ca khúc Theo anh hay mới nhất là Không giữ được em của anh chưa đạt thành tích khả quan.
Một thí sinh khác của cuộc thi Giọng hát Việt 2017 lúc này lại thành công hơn cả, đó chính là Hiền Hồ. Những ưu điểm Hiền Hồ có, Ali Hoàng Dương cũng có. Thậm chí, anh xuất phát điểm cao hơn khi là quán quân Giọng hát Việt, được nâng đỡ bởi Thu Minh, trong khi, thời điểm đó, Hiền Hồ bị bủa vây bởi scandal tình ái với Soobin Hoàng Sơn.
Trong khi Hiền Hồ có bước tiến rõ rệt thì Ali Hoàng Dương gần như dậm chân tại chỗ.
Cuộc chiến của HLV hay thí sinh?
Dễ nhận thấy các cuộc thi hiện giờ mở rộng đối tượng, lứa tuổi dự thi, có những sân chơi dành cho thiếu nhi hay thậm chí người trung tuổi. Thêm vào đó, các đơn vị sản xuất cũng nhắm vào yếu tố giải trí, trình diễn hay thậm chí tấu hài nhiều hơn chất lượng thí sinh.
Bởi thế, những giọng ca trẻ tuổi, thuộc thế hệ 9X hay những danh hài như Trấn Thành, Trường Giang cũng thường xuyên góp mặt trong các cuộc thi âm nhạc dù chưa hẳn đã có kiến thức, chuyên môn về lĩnh vực này. Đổi lại, họ có lượng fan đông đảo, tài giao tiếp, ứng biến linh hoạt, hài hước. Đôi khi, các game show bị biến thành sân chơi của giám khảo.
Cũng vì thế, nhiều thí sinh trở thành quán quân thay vì sức hút của cá nhân thì dựa vào lượng fan đông đảo của HLV nhiều hơn cả. Đức Phúc hay Hellen Thuỷ - học trò của Đàm Vĩnh Hưng - là trường hợp điển hình.
Trước phẫu thuật thẩm mỹ, Đức Phúc mất thời gian dài loay hoay tìm chỗ đứng cho riêng mình.
Đức Phúc tuy ở The Voice có giọng hát tốt nhưng cá tính không nổi trội, phong độ thiếu ổn định lại tự ti trên sân khấu. Ngày anh chiến thắng, người tức giận chỉ trích, người thờ ơ với kết quả mà họ sớm dự đoán.
2 năm sau đó, Đức Phúc vẫn được người thầy của mình hỗ trợ. Nhưng lúc này, khi phải tự bước đi trên đôi chân của mình và dần tách biệt khỏi sự nâng đỡ của HLV, cái tên Đức Phúc giảm nhiệt rõ rệt.
Anh chìm nghỉm trong vô vàn giọng ca trẻ thậm chí không có xuất phát điểm ấn tượng như anh. Sự im ắng của Đức Phúc có thể nằm ở nhiều lý do, bao gồm yếu tố ngoại hình nhưng không thể phủ nhận thành công (mà chủ yếu dựa vào tiếng tăm của HLV) ở The Voice không đủ để anh đương đầu với Vpop.
Đến sau khi gây xôn xao khắp mạng xã hội với sự lột xác ngoạn mục về ngoại hình, nam ca sĩ sinh năm 1996 mới có được sự nổi tiếng như hiện nay.
Hellen Thuỷ tuy chiến thắng số phiếu bình chọn là 32.94% ở cuộc thi Thần tượng Bolero nhưng ý kiến phản đối cô càng đông đảo hơn Đức Phúc. Xuyên suốt cuộc thi, học trò Đàm Vĩnh Hưng ngoài toả sáng bằng ngoại hình thì phong độ thất thường, vòng thi trước đêm chung kết thậm chí bị chỉ trích dữ dội vì tiết mục thảm hoạ.
Cuối cùng, Hellen Thuỷ vẫn giành chiến thắng. Kết quả đó không thể thay đổi bởi HLV của thí sinh này là Đàm Vĩnh Hưng xưa nay nổi tiếng có lượng fan hùng hậu và “chiến đấu” hết mình trong các cuộc bình chọn liên quan đến thần tượng.
“Nói thật khi chương trình này bắt đầu tôi thừa biết đội chiến thắng chắc chắc là Đàm Vĩnh Hưng. Với danh tiếng, địa vị, tiền bạc thì anh ấy dư sức làm điều đó mặc dù Hellen Thủy hát như nấc cục và giọng không có gì nổi trội”, một khán giả bình luận về chung kết cuộc thi.
Tai tiếng lấn át chất lượng
Kịch bản kiểu The Debut, thí sinh tự mình thi đấu thay vì chọn vào đội 1 HLV cụ thể thì chiến thắng sẽ là thành tích thực sự của cá nhân đó. Nhưng với đà ảm đạm như hiện tại thì liệu người đi đến đích cuối cùng của cuộc thi này có được khán giả nhớ đến hay cũng lay lắt hoạt động giữa dàn quán quân “hữu danh vô thực”.
Nói về The Debut, tai tiếng của sân chơi này xếp thành danh sách dài, đầu tiên là việc lựa chọn Đức Phúc làm giám khảo, trong khi dư luận đánh giá giọng ca này còn quá trẻ và ít kinh nghiệm. Tiếp đó, chương trình bị tố dàn xếp vụ việc thí sinh đạo nhạc Hàn Quốc để gây chú ý. Mới đây nhất, 3 HLV cũng gây bức xúc không nhỏ khi loại đi những nhân tố xuất sắc, nổi bật hơn cả.
Tên tuổi của Miu Lê cũng như Sao đại chiến gây xôn xao suốt thời gian dài, nhưng bởi những tai tiếng.
The Debut rất có thể sẽ là một Sao đại chiến hay Trời sinh một cặp thứ 2, khi mà đêm chung kết và người chiến thắng không được quan tâm bằng những scandal.
Nhắc đến Sao đại chiến, số ít nhớ được vị trí quán quân thuộc về Trọng Hiếu, còn đa phần là ấn tượng không mấy tốt đẹp về lùm xùm giữa team Miu Lê, Dương Cầm hay nghi vấn đạo nhạc của team Phúc Bồ.
Trong khi đó, tìm kiếm từ khoá "Trời sinh một cặp", hầu hết kết quả hiện ra là cái tên Phạm Anh Khoa cùng vụ việc gây sóng gió Vpop suốt thời gian dài.
Tố Tố ở Trời sinh một cặp nói riêng hay những quán quân khác dù tài năng đến đâu cũng đều có thể bị lu mờ bởi chính những tai tiếng, lùm xùm trong cuộc thi họ tham gia.
Minh Hạo (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét