Giữa thời buổi nhạc trẻ và nhạc ngoại lên ngôi, chúng ta đang có một lứa ca sĩ mới, được đào tạo bài bản, bước chân vào dòng nhạc quê hương, hát lên khúc hát tâm tình của thế hệ mình.
Họ là những người tiếp nối thế hệ danh ca Hương Lan, NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, sau nữa là Anh Thơ, Quang Linh, Trọng Tấn…
Dù còn rất trẻ, giọng ca Phương Mỹ Chi thuộc nhóm đắt sô bậc nhất của dòng nhạc trữ tình quê hương
Trẻ hóa dòng nhạc trữ tình quê hương
Lê Ngọc Thúy, cô sinh viên năm 4 của Nhạc viện TP.HCM, vừa tạm biệt danh hiệu á khôi sau cuộc thi Duyên dáng áo dài 2017 để ghi tên mình vào nhóm ca sĩ hát nhạc quê hương qua MV Nhớ mẹ - MV khởi động con đường ca hát chuyên nghiệp của nữ ca sĩ sinh năm 1995 này. Cô cùng các cộng sự đang hoàn thiện album đầu tay gồm những ca khúc trữ tình quê hương mang âm hưởng dân ca để kịp ra mắt vào dịp tết 2019.
Cũng thuộc thế hệ 9x, ở miền Bắc, là “hot girl dòng nhạc dân gian” Hồng Duyên. Trưởng thành từ Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, đoạt giải triển vọng ở dòng nhạc dân gian tại Sao mai 2013, rồi giải nhì Sao mai 2015, Hồng Duyên đang được kỳ vọng là người “thừa kế” sáng giá của dòng nhạc này.
Năm ngoái, album đầu tay - Duyên của Hồng Duyên, hợp tác với nhạc sĩ Dương Cầm, nhận được nhiều phản hồi tích cực khi làm mới chèo với worldmusic, semi-classical, jazz hay acoustic; đồng thời, sử dụng nhiều kỹ thuật hát: từ cách luyến láy của dân ca, cách nhả chữ trong thanh nhạc thính phòng và cả phong cách pop một cách linh hoạt.
Sau khi đoạt giải á quân chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên (năm 2013) và trở thành một trong những “sao nhí” đắt sô nhất Việt Nam, dù hứng chịu không ít ồn ào; tới nay, không ai có thể phủ nhận tài năng của Phương Mỹ Chi ở dòng nhạc trữ tình quê hương mang âm hưởng dân ca. Mới 15 tuổi, cô nàng này đã kịp sở hữu hàng loạt MV chất lượng, hai album cá nhân và nhiều giải thưởng khác. Dịp Vu lan vừa qua, Phương Mỹ Chi giới thiệu đến công chúng MV Gánh chè đêm của mẹ.
Trong khi lứa ca sĩ 9x, 10x đang hứa hẹn lấp đầy khoảng trống thế hệ thì những ca sĩ 8x như Tân Nhàn, Phạm Phương Thảo, Bùi Lê Mận, Đinh Thành Lê… vẫn duy trì phong độ, thể hiện sức bền khi theo đuổi dòng nhạc đặc biệt này. Đăng Thuật ra mắt album Về miền quê anh hồi đầu năm thì đầu tháng Tám vừa rồi, Phạm Phương Thảo cũng kịp kỷ niệm 20 năm ca hát bằng MV Chàng vinh quy được đầu tư bài bản, chất lượng.
Kế thừa trong hiện đại hóa
So với dòng nhạc trẻ đang thịnh hành, nhạc trữ tình quê hương được xếp vào dạng kén người nghe; thậm chí người cực đoan còn cho rằng, đây là nhạc dành cho các… cụ. Ít khán giả, khó nổi tiếng nhanh, không được truyền thông săn đón rầm rộ như những “ông hoàng”, “bà hoàng” của giới showbiz; nên ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc này thường bị mặc định là đang trên lối đi hẹp, gồ ghề.
Tuy nhiên, theo Lê Ngọc Thúy, cũng bởi đây là lối đi hẹp nên thành ra rộng - ít người đi nên rất thênh thang. NSND Thái Bảo nhớ lại, ngày trước, ca sĩ lên sân khấu, chỉ có một chiếc guitar hỗ trợ; còn bây giờ, âm thanh tốt hơn, nhạc cụ hỗ trợ cũng đầy đủ hơn, các bạn trẻ có tai nghe tốt hơn, được học hành bài bản, tử tế hơn, là những tiền đề rất quan trọng để bước chân vào dòng nhạc này. Lứa ca sĩ mới sẽ tiếp tục mạch nguồn đó bằng sự “có học” của họ mà thế hệ đi trước, vì chiến tranh, lịch sử còn nhiều hạn chế, chưa làm được.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả ca khúc Xa khơi, nhạc trữ tình quê hương là vốn quý của cha ông. Quy luật của thời gian làm mất đi nhiều thứ. Những cái trụ lại được đến ngày nay cần được chúng ta giữ gìn, tiếp lửa. Việc các ca sĩ trẻ chọn nhạc quê hương là điều đáng quý, đáng trọng. Tuy nhiên, nhạc sĩ cũng chỉ rõ: “Kế thừa nhưng vẫn cần học hỏi, để hiện đại hóa, thì mới đi được xa. Có như thế, dòng nhạc này mới không “đông cứng trong bảo tàng” già nua ký ức của lịch sử âm nhạc Việt Nam; đồng thời có thể tiếp cận công chúng nghe nhạc mới của hôm nay”.
NSƯT Tạ Minh Tâm, Phó giám đốc Nhạc viện TP.HCM:
“Không nổi tiếng chóng vánh nhưng đi được lâu dài”
Mỗi thời kỳ sẽ có những tác phẩm lắng đọng, trầm tích của thời đó. Những gì là giá trị sẽ được lưu lại muôn đời, cho nên chúng ta mới có những tác phẩm đi cùng năm tháng như Cây trúc xinh, Qua cầu gió bay… vẫn sống đến ngày nay. Đó chính là sức nặng của hai chữ “thời gian”. Ngày xưa, giọng hát hay đủ để định danh một ca sĩ. Nhưng bây giờ, có quá nhiều cách, nhiều kỹ xảo. Dù vậy, tôi cho rằng, những giá trị thật chẳng bao giờ mất đi. Thời buổi lộn xộn này, một lúc nào đó cũng phải qua đi. Sau đó sẽ là lắng đọng, cái gì sẽ ra cái đó.
Tôi nghĩ, chính trong thời đoạn này, người nghệ sĩ chân chính, những người sống bằng tình yêu âm nhạc và nghệ thuật thật sự càng phải cố gắng hơn nữa. Kiên định đi con đường âm nhạc trữ tình quê hương hay nhạc cách mạng, nhạc truyền thống khác, có thể không nổi tiếng chóng vánh, nhưng sẽ đi được dài hơn, lâu hơn và chúng ta vẫn sống ổn, sống tốt với nghề mà chẳng cần tới scandal, chiêu trò nào cả.
Ca sĩ Lê Ngọc Thúy:
“Đừng nghĩ công chúng của nhạc quê hương chỉ có các cụ”
Câu chuyện của nhạc quê hương đâu chỉ là chuyện ngày hôm qua mà còn là chuyện hôm nay nữa. Đừng gọi nhạc quê hương là thứ nhạc già cỗi, cũng đừng nghĩ công chúng của nhạc quê hương chỉ có các cụ. Đây là dòng nhạc không có tuổi, không phân biệt già - trẻ, không phân biệt miền Nam hay miền Bắc… Những người trẻ hôm nay thì mai này cũng già đi; nghe nhạc trẻ, nhạc Hàn chán, rồi đến một độ tuổi cũng sẽ quay về với dòng nhạc quê hương, dòng nhạc tâm tình gần gũi với họ nhất.
Là nghệ sĩ, ai cũng mong muốn nổi tiếng. Nhưng sự nổi tiếng đó được xây nên bằng cái gì và có được lâu dài không là chuyện khác. Tôi không muốn đi theo con đường âm nhạc “sớm nở tối tàn”. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của miền Trung, ngay từ nhỏ, tôi đã nghĩ rằng, sau này lớn lên, mình phải trở thành một ca sĩ hát nhạc quê hương, nhất là những ca khúc mang âm hưởng dân ca quê hương mình.
Nhạc quê hương cũng cần đầu tư lớn
Đầu tháng Tám vừa qua, ca sĩ Phạm Phương Thảo đã chi tiền tỷ để thực hiện album và MV Chàng vinh quy, kỷ niệm 20 năm ca hát. MV được thực hiện theo kiểu cổ trang, tái hiện lễ rước trạng, đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết. Để thực hiện MV này, ngoài đạo diễn Khải Hưng, còn có 6 đạo diễn khác. Số lượng diễn viên lên với 200 người, chưa kể 50 thành viên trong ê-kíp hậu trường. Phạm Phương Thảo nói, cô muốn làm một sản phẩm nghiêm túc, chất lượng, thể hiện nét đẹp văn hóa của người Việt.
Thị hiếu công chúng ngày càng cao, đầu tư cho các sản phẩm nhạc quê hương cũng không thể qua loa, đại khái như trước. Để thu hút lượt view, các nghệ sĩ theo đuổi dòng này cũng phải cập nhật xu hướng nghe - nhìn của thế giới, đầu tư bài bản, từ sáng tác, phối khí, quay MV cho tới trang phục hay cách quảng bá.
Một cảnh trong MV Chàng vinh quy của ca sĩ 8x Phạm Phương Thảo
Đậu Dung (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét