Nhạc Việt đi về đâu?

Việc mash-up hai ca khúc của hai tác giả chẳng liên quan về phong cách như Phó Đức Phương và Sơn Tùng M-TP mới đây của chương trình “Làn sóng xanh - Next Step 2018” làm dấy lên những lo ngại về hướng đi của nhạc Việt.  

Mash-up có thể hiểu là một cách mix nhạc, ghép, trộn các bài hát không liên quan đến nhau trở thành một clip hoặc một bản nhạc hoàn chỉnh. Phong trào mash-up xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào khoảng năm 2012 và đang ngày càng trở nên phổ biến, rất nhiều các mixer bán chuyên nghiệp và chuyên nghiệp đã thử sức trong lĩnh vực mới mẻ này.

Bộ tứ thể hiện bản Mash-up ca khúc “Trên đỉnh Phù Vân” và “Lạc Trôi” trong chương trình “Làn sóng xanh - Next Step 2018”


Ở Việt Nam, khi trào lưu cover đã trở nên quá quen thuộc và đơn điệu thì những yêu cầu khắt khe của mash-up là thử thách mới mẻ cuốn hút giới trẻ. Tuy nhiên, cũng phải nói việc xuất hiện nhiều bản mix chưa tới, đã khiến nhiều chuyên gia âm nhạc đặt dấu hỏi cho phong trào mash-up đang lên này.

Đơn cử, gần đây nhất là tiết mục mở màn của “Làn sóng xanh - Next Step” với một bản mash-up gây tranh cãi. Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm đã làm một việc “liều lĩnh” khi mash-up hai ca khúc “Trên đỉnh Phù Vân” và “Lạc trôi” với nhau.

“Trên đỉnh Phù Vân” là một trong những sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Phó Đức Phương, được giới thiệu lần đầu vào năm 1997 qua tiếng hát của Mỹ Linh, đã từng làm mưa làm gió tại bảng xếp hạng của “Làn sóng xanh” 1 năm sau đó. Đến nay, ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại với những ca từ ma mị vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng nhiều khán giả yêu nhạc Việt.

Từ đó đến nay, “Trên đỉnh Phù Vân” đã nhiều lần được làm mới. Thế nhưng, việc được làm mới bằng cách mash-up với một ca khúc điện tử, hiện đại như “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP thì không ai có thể ngờ tới.

Đương nhiên, sẽ có rất nhiều khán giả tò mò về bản phối có một không hai này. Thế nhưng, tò mò bao nhiêu thì khi nghe lại… thất vọng bấy nhiêu. Đối với nhiều người, những trình diễn quá tốt của Mỹ Linh, Thanh Lam về “Trên đỉnh Phù Vân” đã ăn sâu trong tiềm thức, do đó phần thể hiện ca khúc của 4 ca sĩ Vicky Nhung, Mai Tiến Dũng, Orange và Kay Trần đem đến sự hụt hẫng, cảm tưởng như “Lạc trôi” đã nuốt chửng “Trên đỉnh Phù Vân”, khiến mọi người chẳng hiểu ca sĩ hát gì. Chưa kể Vicky Nhung còn hát sai lời bài hát. Thay vì hát “Vời vợi đất trời phiêu bạt tình ai/ Giữa chốn huyền không, tìm người trong mộng” hoặc “Thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si/ Giữa chốn huyền không, tìm người trong mộng”, thì trong bản mix, dường như muốn kết hợp hai phần lời này lại để cho ra một phần lời lạ hơn, ca sĩ đã hát: “Vời vợi đất trời ai kẻ tình si/ Giữa chốn hồng hoang, tìm người trong mộng”, thật khó bình luận gì thêm.

Mash-up không khó làm nhưng để tạo nên sản phẩm chất lượng thì phải đầu tư nhiều thời gian, công sức cộng với khả năng của người chơi. Bởi mash-up không đơn thuần chỉ là cắt, ghép vào nhau, mà còn phải biến những đoạn nhạc rời rạc, thậm chí trái ngược nhau thành một thể thống nhất, liên kết và ý nghĩa. Nên nếu làm chưa tới, ca khúc sẽ chỉ là một mớ hỗn độn đặt vào nhau mà thôi.

Ngay từ khi ra được du nhập vào Việt Nam, phong trào mash-up không được đánh giá cao. Không ít bạn trẻ đã thẳng thừng chê bai: “Mash-up chỉ là sự dậm chân tại chỗ của sáng tạo, cùn mòn của cảm xúc, thể hiện sự chụp giật”. Nhận xét này hơi quá đà đối với những nhạc sĩ thực tâm theo đuổi mash-up. Nhưng xét cho cùng, mash-up Việt vẫn chỉ dừng lại là bản biến tấu từ những bài hát cũ, việc cắt ghép, biến tấu chỉ đơn thuần nghe cho lạ tai, chủ yếu để người chơi phục vụ cho hoạt động trình diễn và người nghe với mục đích giải trí.

Một nhạc sĩ đã nhận định, ở Việt Nam, mash-up mới ở thời kỳ sơ khai và các bản mash-up còn rất sơ sài. Trên thế giới, hàng chục bài hát, thậm chí gần cả trăm bài mới tạo nên một bản mash-up ngắn thì ở Việt Nam, mash-up chỉ quanh quẩn mix tầm 3-4 ca khúc lại với nhau... Lời khuyên của nhạc sĩ này dành cho những ai thực tâm muốn bước vào con đường âm nhạc: Không nên lấy mash-up làm hành trang để đặt chân vào con đường nghệ thuật. Bởi, nguyên liệu cũ vẫn còn thô thì những giá trị mới được tạo ra sẽ nhạt nhòa.

Mash-up không khó làm nhưng để tạo nên sản phẩm chất lượng thì phải đầu tư nhiều thời gian, công sức cộng với khả năng của người chơi. Nếu làm mash-up chưa tới, ca khúc sẽ chỉ là một mớ hỗn độn đặt vào nhau mà thôi.

H.A (Ptr)

Nhận xét