Cung đàn muôn điệu

Ngoại trừ đàn Organ (đại phong cầm) ngự trị trên thánh đường Nhà thờ, piano đáng xếp vào một trong những loại nhạc cụ có cấu trúc phức tạp nhất thế giới. Một cây đàn piano thông thường tổ hợp khoảng 9000 linh kiện khác nhau, thậm chí đàn của hãng Steinway lên tới 12 nghìn bộ phận, sử dụng từ 15 đến 20 loại gỗ, có chiếc đĩa gang nặng 150kg, mắc 200 sợi dây với độ căng 18.000 kg. Âm vực đàn piano rộng hơn bảy quãng 8, hơn bất kỳ nhạc cụ nào trong dàn nhạc giao hưởng. Nó có thể ví như một dàn nhạc thu nhỏ, bởi vậy, hầu hết nhà soạn nhạc đều sử dụng piano như một công cụ để sáng tác.    


Đàn piano vốn có tên gọi khá dài dòng: “Gravicembalo col piano e forte”, nghĩa là “cây đàn phím có độ vang to và nhẹ nhàng”, sau rút gọn thành “piano forte” hoặc “forte piano” và cuối cùng là piano. Ở Việt Nam, đàn piano cũng gọi là Dương cầm. Đây là một tên gọi gốc Hán nhằm chỉ cây đàn bắt nguồn từ phương Tây, tuy nhiên, trước khi đàn piano du nhập, tiếng Hán (Trung Quốc) đã giành từ Dương cầm cho cây đàn Tam thập lục. Qua đó thấy rằng, cả piano và đàn Tam thập lục có những điểm tương đồng để cùng nhau sử dụng một tên gọi chung.

Critofori – Người thợ đàn thành Padua

Năm 1709 đánh dấu sự ra đời chiếc piano đầu tiên trên thế giới. Nó như một cột mốc quan trọng để từ đó lịch sử âm nhạc bước sang trang mới với những đóng góp to lớn của nhiều nhà soạn nhạc lỗi lạc mà tên tuổi gắn với cây đàn piano. Công lao to lớn ấy thuộc về người thợ đàn Cristofori thành Padua ở nước Ý xa xôi.


Bartolomeo Cristofori di Francesco sinh ngày 4 tháng 5 năm 1655 tại thành phố Padua thuộc nước Cộng hòa Venice, miền đông bắc nước Ý ngày nay. Năm 1688 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời, sự nghiệp Crsitofori khi ông quyết định rời quê hương lên sống, làm việc trong xưởng chế tác nhạc cụ của đại quận công Ferdinando de Medici thành phố Florence. Cuộc hạnh ngộ giữa nhà quý tộc và nhà chế tác nhạc cụ xứ Padua vượt xa sự hợp tác thông thường. Nó không chỉ đẩy nhanh tiến độ công việc xưởng nhạc cụ chuyên khai thác, trùng tu đàn cổ mà còn dẫn tới cuộc cách mạng về công nghệ chế tác bằng sự ra đời của cây đàn phím đầu tiên dựa trên nguyên lý tạo âm bằng những chiếc búa nhỏ. Khác cây đàn Harpsichord truyền thống kích âm bằng cách móc dây, đàn piano sử dụng hệ thống búa gắn liền với phím cho phép tạo ra sự biến đổi tinh tế về cường độ thông qua lực tác động của ngón tay. Piano đã cải thiện được nhược điểm căn bản của đàn Harpsichord nhằm tạo ra những âm thanh trong trẻo, nhỏ to theo nhu cầu biểu cảm của người đàn.  

Chuyện kể rằng, sau 12 năm ròng rã thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau, cuối cùng Crsitofori đã cho ra đời một cây đàn mới. Vào một đêm trăng sáng, Critofori lên giường đi ngủ và mơ thấy những âm thanh trong trẻo, kỳ diệu phát ra từ cây đàn. Ông không thể ngờ rằng, đó chính là đứa con tinh thần đã lưu danh tên tuổi hậu thế. Tất nhiên, kể từ đó đàn piano vẫn không ngừng thay đổi và có những bước đột phá trên phương diện chế tác.

Những truyền nhân của đàn piano

Đàn piano của Cristofori tuy đã tạo nên cú hích quan trọng, song chẳng hề gây tiếng vang suốt hơn một trăm năm. Cho đến năm 1711, Scipione Maffei đọc được phần Giới thiệu về nó bằng tiếng Ý, rồi năm 1725 dịch sang tiếng Đức và đăng ở mục Critica music (Phê bình âm nhạc) tạp chí Mattheson. Sự kiện này chính thức gây chú ý cho nhiều nhà sản xuất nhạc cụ tại Đức, trong đó có Gottfried Sibermann (1683 – 1753), người đã thử nghiệm hệ thống búa gõ trên đàn Clavichord. Năm 1770, Johann Andreas Stein (1728 – 1792) gắn thêm đòn bảy (escapement) vào bộ máy đàn, từ đó sản sinh ra loại piano Viên mà các nhạc sĩ trường phái Cổ điển Viên đã sử dụng. Piano Viên có đặc tính nhẹ, thanh thoát, phím nông hơn so với đàn Anh. Bởi vậy, nhà soạn nhạc thiên tài người Đức L.V. Beetthoven có thể diễn tấu tác phẩm thời kỳ Barocque với độ tinh tế, nhẹ nhàng một cách thoải mái, dễ chịu.

Trên thực tế, piano Anh chính là hậu duệ của piano Cristofori Ý. Cây đàn piano Anh đầu tiên ra đời năm 1765 do Johann Zumpe, một người Đức di cư sang Anh chế tác. Loại đàn này có dạng hình vuông, giống như đàn của Critofori, tuy có búa, nhưng không hề trang bị đòn bảy. Bởi vậy, phím đàn khá nặng, ngược lại, âm lượng có thể tạo ra trường âm thanh rộng lớn. Đến năm 1772, Americus Backers, John Broadwood và Robert Stodart lần lượt gắn thêm đòn bảy vào máy đàn, rồi từ một đòn bảy nâng lên thành hai đòn bảy (double escapement), cộng thêm bộ khung kim loại khiến cho đàn piano có một chỗ dựa vững chắc để vươn tới sự hoàn mỹ vào thời kỳ “Steinway & son”. Năm 1825, Alpheus Babcock phát kiến bộ khung đúc thép hình chữ “thập” (cross stringing) với các sợi dây đan hình rẻ quạt trên hộp cộng hưởng. Hình thức này được cha con Steinway kế thừa và phát triển đến ngày nay.

Werckmeister – Người đặt nền móng cho thang âm Bình quân

Piano là một nhạc cụ định âm, bởi vậy, nhắc đến người làm đàn mà quên người tạo dựng “hệ ngữ vựng” cho nó sẽ là một thiếu sót lớn. Chúng ta có thể hình dung công việc này giống như âm vựng trong ngôn ngữ. Một cây đàn dù có hoàn hảo đến đâu về phương diện chế tác, nhưng chưa được chỉnh dây chính xác sẽ không thể cất lên những giai điệu đẹp làm say đắm lòng người. Công việc chỉnh dây thuộc về người thợ đàn, còn chỉnh dây như thế nào phụ thuộc bởi bộ luật của âm thanh, gọi chung là âm luật. Âm luật có từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, mỗi dân tộc, từng nền văn hóa âm nhạc đều có hệ thống âm luật riêng. Dù có hay không ý thức về sự hiện hữu của bộ luật âm thanh, trên thực tế, thông qua truyền thống văn hóa và thói quen thẩm mỹ, âm nhạc vẫn lưu truyền những tiêu chuẩn về cao độ, cụ thể là mối tương quan giữa các cao độ.

Trước khi Werckmeister phát minh thang âm Bình âm, trên thế giới chưa từng có một bộ âm luật chung. Bởi vậy, âm luật vốn thuộc về từng truyền thống văn hóa. Hiện tượng này giống như ngôn ngữ, chúng ta có thể hình dung mỗi dân tộc đều có một tiếng nói riêng, trong từng quốc gia lại chia nhỏ thành phương ngữ. Năm 1770, Andres Werckmeister, một người Đức đã phát minh ra thang âm Bình quân trên cơ sở chia một quãng 8 thành 12 nửa cung đều nhau. Tính theo đơn vị đo lường của Alexander J. Ellis, nhà ngôn ngữ học ngưởi Anh, một quãng 8 có khoảng cách là 1200 cents, mỗi nửa cung bằng 100 cents. Việc làm này đã giải quyết được tình trạng sản sinh “âm sai” trong quá trình chồng liên tục các quãng 4, 5 tự nhiên mà thang âm truyền thống sử dụng, nhờ đó mở ra nhiều tiện ích cho kỹ thuật diễn tấu, đặc biệt là thủ pháp chuyển điệu trong hòa thanh Cổ điển. Kể từ đây, nốt thăng và nốt giáng có cơ hội gặp nhau để làm nên cơ sở cho thủ pháp chuyển (giọng) điệu đẳng âm. Một giọng có thể chuyển sang nhiều giọng (điệu thức) khác nhau thông qua hợp âm chung. Phát minh này đã nhận được sự ủng hộ của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức, J. S Bach. Bằng hai cuốn “Kinh nhạc” lấy tên “Bình quân luật”, Bach cho chúng ta thấy tiện ích vô song của thang âm Bình quân.

Thang âm Bình quân ngày nay đã phổ biến khắp nơi trên thế giới, giống như tiếng Anh trong ngôn ngữ hiện đại. Tất nhiên, kết quả này thể hiện tính hai mặt mà một mặt giúp cho con người có khả năng giao tiếp với nhau, mặt khác dễ dàng làm mất đi thuộc tính đa dạng trong ngôn ngữ. Bởi vậy, cần hiểu thang âm Bình quân như kết quả của quá trình truyền bá văn hóa, chứ không đồng nghĩa với việc thế giới chỉ có một tiếng nói chung.

…….…….…….…….…….…….…….…….…….…….

Ngày nay, piano đã trở thành vua trong các loại nhạc cụ. Nhạc cụ ngoài công năng phát thanh, còn mang giá trị biểu trưng. Tiếp xúc với piano, người học dễ dàng liên tưởng tới W.A Mozard, L.V.Beethoven, F. F.Chopin, F.Liszt… hay Arthur Rubinstein, Rudolf Serkin, Sviatoslav Richter, Vladimir Samoylovych Horowitz, Glenn Gould, Đặng Thái Sơn… Giá trị văn hóa, nghệ thuật tích lũy theo thời gian tạo nên nhiều lớp hào quang phủ ngoài cây đàn. Những âm thanh kết tinh từ thành quả của những vĩ nhân, thiên tài, pianist xuất chúng luôn chập chờn, ám ảnh, hóa thân cao độ vào giấc mơ âm nhạc. Nó trở thành nguồn năng lượng vô hình thôi thúc nhiều người gắn bó với cây đàn. Ngày nay, không mấy ai quan tâm đến đàn piano sinh ra từ đâu, nhưng đứng ở góc độ lịch sử, piano từng là một nhạc cụ truyền thống bước lên vũ đài quốc tế để trở thành tài sản chung của nhân loại.

L.H.Đ (HNS)

Nhận xét