"Gloomy Sunday": Nỗi oan "bản nhạc sát nhân"

Gloomy Sunday có lẽ là ca khúc có số phận đặc biệt. Cho đến nay, dù có nhiều lời bào chữa đưa ra, Gloomy Sunday vẫn khó gột rửa được 'tội lỗi' của mình.

Ca khúc “tiếp tay” cho cái chết?

Có thể nhiều bạn đọc sẽ chọn My way (nhạc sĩ Frank Sinatra) mỗi khi nói về “ca khúc sát nhân” thay cho Gloomy Sunday, nhưng trong lịch sử, số vụ tự tử liên quan đến Gloomy Sunday nhiều hơn hẳn.

Gloomy Sunday (tạm dịch Ngày Chủ nhật buồn) được nhạc sĩ Rezso Seress người Hungary sáng tác vào năm 1932 tại Paris, Pháp. Theo chia sẻ của ông, bài hát ra đời trong một buổi chiều mưa lạnh khi nhạc sĩ chơi đàn bên cửa sổ. Gloomy Sunday là tâm trạng tuyệt vọng của một người đàn ông thất tình, đợi chờ tình yêu trong vô vọng. Ông gọi Gloomy Sunday là ca khúc sầu thảm nhất trong sự nghiệp.
Nhạc sĩ Rezso Seress sáng tác Gloomy Sunday trong thời điểm đen tối của cuộc sống

Nhưng đó chưa phải là tất cả, năm 1932, khi Rezso Seress 43 tuổi, ông gặp khó khăn về vấn đề kinh tế. Người phụ nữ bên cạnh đã rời bỏ ông một phần vì kinh tế và chấn thương của Rezso sau tai nạn. Rezso Seress từng sống cuộc sống nghèo đói ở Budapest, từng làm tất cả công việc được giao ở rạp xiếc, ở nhà hát cho đến khi gặp tai nạn, gãy tay trái. Từ đó, Rezso Seress tìm đến âm nhạc và chơi đàn bằng một tay.

Những nỗi đau từng mang trong quá khứ cùng sự bất lực của một người đàn ông tật nguyền không giữ được người yêu chỉ vì nghèo khó khiến Rezso rơi vào cảnh túng quẫn, bế tắc. Ông sáng tác Gloomy Sunday cho nhẹ nỗi lòng đang nặng trĩu nhưng không ngờ ngoài xã hội rộng lớn kia, nhiều hoàn cảnh cũng chật vật tương tự.

Ca khúc ban đầu do Rezso viết nhạc, nhà thơ Laszlo Javor đảm nhận phần lời nhưng sau đó, vì không thích phần lời nói về chiến tranh nên nhạc sĩ đổi thành một bản ballad tình cảm. Ban đầu, ca khúc không gây được ấn tượng mạnh nhưng sau 2 năm, Gloomy Sunday bất ngờ trở thành hiện tượng.

Gloomy Sunday bản tiếng Việt - Lời Việt: Phạm Duy, ca sĩ: Khánh Ly


Tại Budapest, một người đàn ông sau khi nghe ca khúc tại quán cà phê, khi rời quán đã chọn tự tử bằng súng. Tại Berlin, một cô gái đã treo cổ tự tử, dưới sàn nhà vẫn còn tờ giấy in bản nhạc Gloomy Sunday. Một người đàn ông 80 tuổi nhảy từ tầng 7 của căn hộ xuống đất sau khi nghe ca khúc vào buổi chiều mưa.

Càng nhiều người chết sau khi nghe Gloomy Sunday càng khiến Rezso Seress hoảng loạn. Những thêu dệt từ người nghe nhằm vào nhạc sĩ, buộc ông là kẻ giết người gián tiếp càng nhiều lên. Tại Hungary, theo một câu chuyện truyền miệng, Gloomy Sunday bị gán là “ca khúc tự tử” của quốc gia này khi có hơn 100 người tự vẫn.

Có tới 15 quốc gia đâm đơn kiện Seress, buộc tội ông có liên quan đến những vụ tự tử, sau khi các vụ tự tử đều được cho là có liên quan đến bài hát. 

Gloomy Sunday bản nằm trong album Greatest Hits:


Vì không chịu được áp lực, đến năm 1968, Rezso Seress treo cổ tự tử. Sự việc càng khiến Gloomy Sunday mang màu sắc huyền bí với hàng ngàn giả thuyết được đưa ra.

Nhiều nỗ lực giải oan cho Gloomy Sunday

Hungary là quốc gia có tỷ lệ tự sát xếp thứ 6 của thế giới - theo tổng kết của Tổ chức Y tế thế giới vào năm 2014 (21,7/100.000 người). Vào thời điểm ca khúc Gloomy Sunday ra đời, tỷ lệ này cao hơn, khoảng 46/100.000 người tự tử mỗi năm. Do đó, nhiều người cho rằng con số tự tử chỉ vì nghe Gloomy Sunday không đáng tin cậy.

Tại Hungary, giai đoạn những năm 1930 trở đi, cuộc sống của người dân rất khó khăn. Sau Chiến tranh Thế giới thứ I, những tổn thất nặng nề ảnh hưởng đến tình hình kinh tế chung của châu Âu. Tất cả những khó khăn về việc làm, cuộc sống, thương vong để lại tác động mạnh đến cuộc sống. Người dân mất phương hướng và trở nên bi quan, chỉ cần những tác động nhỏ từ bên ngoài cũng khiến họ đưa ra những quyết định tiêu cực. Gloomy Sunday xuất hiện trong hoàn cảnh xã hội u uất như thế.
'Gloomy Sunday': Noi oan 'ban nhac sat nhan'
Những bản chép tay ca khúc Gloomy Sunday được nhiều người nghe thực hiện

Mặc dù các báo cáo mâu thuẫn nhau nhưng Gloomy Sunday chưa bao giờ bị cấm ở Mỹ như đồn đoán. Ca khúc chỉ bị cấm ở Anh và một thời gian ở Hungary. Số phận chìm nổi trong suốt vài chục năm, một ngày năm 1984, Gloomy Sunday xuất hiện tại vụ kiện bởi một gia đình tại Đức, cho rằng con họ đã nghe ca khúc và tự tử bằng súng. Đến năm 1999, một bộ phim của Đức có sử dụng ca khúc làm nhạc nền, sau khi xem, một thanh niên đã treo cổ tự tử. Gloomy Sunday lại vướng cáo buộc bị nhuốm lời nguyền trở lại.

Tuy nhiên, ở 2 trường hợp kể trên, người tự tử đều có biểu hiện trầm cảm. Tại vụ kiện của gia đình sống tại Đức, nhiều nhân chứng là bạn bè của người đã mất đều cho rằng, bạn của họ mắc tình trạng căng thẳng kéo dài vì áp lực từ gia đình.

Ngay chính trong cái chết của người yêu tác giả, những lý giải cũng được đưa ra. Sau khi bài hát trở thành hiện tượng, Rezso Seress đã xin lỗi người yêu cũ vì lôi cô vào câu chuyện. Tuy nhiên, một thời gian không lâu sau, cô gái tự tử bằng thuốc độc, chỉ để lại 2 từ "Gloomy Sunday" trên mảnh giấy nhỏ. Sự việc sau khi được điều tra đã hé lộ nguyên nhân cái chết của cô gái xuất phát từ sự bội bạc của người yêu. Có nghĩa, sau khi chia tay với Rezso Seress, cô gái đã quen một người khác nhưng bị bỏ rơi, cũng cùng lý do cô từng rời bỏ vị nhạc sĩ.
'Gloomy Sunday': Noi oan 'ban nhac sat nhan'
Một phần bản nhạc Gloomy Sunday

Nhưng sau cùng, những dòng thư tuyệt mệnh của Rezso Seress để lại trong buổi chiều ông nhảy từ tầng cao nhất của chung cư tại Budapest, là điều đau lòng nhất với những người mến mộ: “Tôi đứng giữa thành công chết người này với tư cách là một bị cáo. Sự nổi tiếng của tôi làm cho nhiều người tự tử, như cách mọi người đồn đại làm tôi rất đau lòng. Tôi đã khóc, đã viết tất cả những nỗi thất vọng từ sâu thẳm trái tim mình trong bài hát này, và có vẻ như những người khác đã tìm thấy nỗi đau của chính mình trong đó. Nhưng, sự đồng cảm này là có lỗi ư, nếu chúng ta mạnh mẽ?”.

D.M (PNO)

Nhận xét