Phương Thanh: Đẳng cấp nằm ở sự giản dị nhất

Đã không còn nữa Phương Thanh ngày xưa 20 tuổi. Cô gái ấy nay đã là một phụ nữ tứ tuần. Chị nói, mọi thứ đã thay đổi, chị yêu khác, hát cũng khác xưa.

Có một thời gian dài, Phương Thanh “biến mất” khỏi facebook, gần đây tôi mới thấy chị mở lại. Chị nói: “Buồn vui trong cuộc đời này ai cũng phải có. Người nghệ sĩ cũng vậy nhưng phải giấu đi nỗi buồn của mình. Cái nghiệp của nghệ sĩ nằm ở đó. Hơn nữa, tại sao phải bày ra tất cả, cho người ta châm vào nỗi đau của mình? Trong cuộc đời này, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Những lúc buồn nhất, tôi thường im lặng hoặc hài hước hóa mọi thứ để bước qua”. 


Để rồi, chẳng ai biết chị đã trải qua những gì; tới khi biết, mọi chuyện đã trôi qua mất rồi. “Có những chuyện một năm sau, thậm chí mười năm sau tôi mới nói. Khi tôi nói, là nói trong một trạng thái hoan hỉ. Vậy đi, cho vui, hen”, Phương Thanh trầm ngâm đó mà cũng rổn rảng ngay đó.  

Một số nghệ sĩ nghĩ rằng, nếu mình tạm nghỉ thì sẽ bị khán giả cho rằng họ là kẻ thất bại, đi xuống, trượt dốc... Phương Thanh đem thắc mắc đó mà tự vấn: “Tại sao nghệ sĩ không được nghỉ ngơi?”. Với chị, nghệ sĩ thành danh cũng đồng nghĩa với việc họ đã… “lên tới nóc” rồi. Giữ được cái tên của mình, ra sản phẩm đều đặn là sự nỗ lực lớn của họ. Và Phương Thanh chấp nhận xuống vì đó là cách “để sống cuộc đời của mình, với gia đình của mình”. Đã không còn nữa Phương Thanh ngày xưa 20 tuổi. Cô gái ấy nay đã là một phụ nữ tứ tuần. Chị nói, mọi thứ đã thay đổi, chị yêu khác, hát cũng khác xưa. 

Phi giới tính trên sân khấu

* Phóng viên: Đây có phải là những ngày vui của chị?

- Ca sĩ Phương Thanh: Tôi quá vui, mặc dù vẫn chưa phải là hạnh phúc lắm đâu. Mọi người hay hỏi: “Sao Chanh vui vậy Chanh, mày cười hoài, mày hạnh phúc, mày đang yêu à?”. Không có. Ai biết. Con người mình, vui từ trong bụng vui ra, vui là vui. Khi xác định được cái gì cũng có thể xảy ra, tôi nhìn nhận mọi thứ nhẹ nhàng lắm, không như ngày xưa. Có một sư thầy nói: “Ta thấy con như người mất hồn. Hồn con để ở nơi khác đúng không?”. Tôi trả lời: “Dạ, con để ở chỗ con sắp tới vui hơn. Con để đây chi cho buồn”. Thầy bảo: “Con lạ quá”. Trấn Thành cũng từng nói một câu rất thú vị: “Bà là một người bất nguyên tắc, là một lesbian mà rất 3D”.   

* Một lesbian mà rất 3D ư? Mấy chữ đó miêu tả chính xác con người Phương Thanh không?  

- Có bao giờ tôi chối đâu. Phương Thanh phi giới tính trên sân khấu, trong nghệ thuật. Tôi đóng trai cũng được, lesbian cũng được… không vấn đề gì. Tôi đã từng được các bạn lesbian yêu. Đây là chuyện hết sức bình thường. Tôi chưa bao giờ cảm thấy phiền vì điều đó; ngược lại, còn cảm thấy hạnh phúc vì mọi giới đều yêu mình. Thế nhưng, khi mặc váy vào tôi lại trông rất bánh bèo. Mọi người nói, bà này giả gái để kiếm ăn. Vậy mà khi rời sân khấu, tôi lại đàn bà rặt. Người yêu tôi hoặc người tôi yêu phải đàn ông rặt, nếu không đều làm… vợ tôi hết. Khi yêu, tôi rất nhõng nhẽo; chỉ có người yêu tôi, con gái tôi biết điều đó. 

Phuong Thanh: Dang cap nam o su gian di nhat

* Giới nghệ sĩ thường rất ngại phát ngôn về vấn đề giới tính trên báo chí. Chị thì khác…  

- Tôi không quan tâm lắm việc mọi người nghĩ gì về tôi. Cuộc đời này làm gì có ai hoàn hảo. Thôi thì tùy, thích thì nghe, không thích cũng chẳng sao. Mình sống mấy chục năm cuộc đời, cứ gò bó vào những chuyện yêu ghét làm gì? Cả đời sống để vừa lòng người khác là tự giết mình. Giữ chút năng lượng đó để sống cho mình, có phải tốt hơn không? 

Trong tiếng hát của tôi không có thông điệp hưởng thụ

* Mới đây, bạn bè cùng thời với chị như Mỹ Linh, Bằng Kiều, Lam Trường… đều có những sản phẩm âm nhạc. Bao giờ Phương Thanh trở lại?

- Mọi người nói: “Phương Thanh hát bài mới không hay bằng bài cũ. Ngày xưa, Phương Thanh hát buồn tôi thích”. Được rồi, vậy tôi sẽ hát tới chừng nào mọi người chán thì thôi. Đó là lý do vì sao mấy năm qua, tôi cứ hát đi hát lại những hit cũ của mình. Khi mọi người chán rồi, tôi sẽ ra bài mới. Lúc đó, ai không thích nghe cũng phải chịu vì bây giờ, Phương Thanh cần vui, không thể hát được nhạc buồn nữa. Nhưng vài bữa nữa, khi bạn buồn tới tận cùng, bạn sẽ phải tìm tôi để nghe.

Album Ngược dòng - Nguyên Hương, dự án được ấp ủ suốt 5 năm qua, đã thu xong, chỉ chờ ngày đẹp để công bố. Phương Thanh hát quá nhiều bài đau khổ, tới giờ này vẫn… một mình. Những bài hát vận vào cuộc đời tôi, thì nay tôi sẽ thay đổi bằng cách yêu như chưa từng được yêu. 

Nguyên Hương là pháp danh của tôi, là một sự nhẹ nhàng. Một số người thắc mắc: “Sao album này làm kỹ quá vậy?”. Thời buổi này, làm đĩa nhạc để bán rất khó. Chưa kể, với những ca sĩ như tôi, khi cảm xúc lẫn bài hát không hay hơn bài cũ, sẽ không dám ra. Với tôi, ra cái gì phải chắc cái đó; ra mà làng nhàng, đều đều thì thà không làm còn hơn. 

Phuong Thanh: Dang cap nam o su gian di nhat

* Mấy năm trước, hai album cover “hit” cũ về mùa đông và xuân của chị có giá rất bình dân (60.000 đồng/đĩa). Chị có định tăng giá album này không?

- Đĩa có bán được đâu mà tăng? Bây giờ, người ta có mua đĩa đâu. Mình làm đĩa để người ta nghe mình. Bán 60.000 đồng/đĩa, có khi người ta cũng không mua. Tôi bán giá đó cũng là cao rồi. Phương Thanh không phải là đối tượng thể hiện mình bằng giá đĩa nhạc. Quan trọng là khán giả có mua đĩa ủng hộ mình không.

* Vậy đẳng cấp Phương Thanh ở đâu, nếu không phải là giá?

- Đẳng cấp Phương Thanh nằm ở sự giản dị nhất. Với tôi, đẳng cấp con người không tính bằng hình ảnh, độ xa xỉ, mà tính bằng độ chia sẻ. Sống mà không có sự chia sẻ, sao gọi là đẳng cấp? Cuộc đời tôi, tôi sống với ai cũng bằng tình cảm thật. Khi giao tiếp với fan, với bộ đội, với tất cả mọi người, cái ôm của Phương Thanh bao giờ cũng là cái ôm cúi xuống và hai tay ôm thật nồng nàn, không bao giờ là cái ôm miễn cưỡng hay thương hại.

Phương Thanh là thần tượng của những sinh viên nghèo, của những người “chưa - đủ”, của những người thiếu hụt tình yêu cũng như những điều kiện khác trong cuộc sống. Tiếng hát của tôi đứng về những thành phần nhỏ bé ấy, mà đối tượng đó bao giờ cũng nhiều hơn, đông hơn những người giàu.

Vậy nên, tiếng hát của Phương Thanh mới tha thiết, buồn đến thế... nhưng trong cái buồn, vẫn có sức mạnh để đứng lên. Buồn là tâm trạng ai cũng từng trải qua, thôi thì hôm nay ráng chịu đựng. Hôm nay không hết buồn, ngày mai, ngày mốt sẽ hết. Trong tiếng hát của tôi, luôn có những thông điệp như vậy chứ không có thông điệp hưởng thụ. 

* Nhắc tới bộ đội mới nhớ, một người bạn ra thăm Trường Sa cùng đợt với chị kể, Phương Thanh dễ gần lắm và chị cứ tiếc mãi vì không được ra đảo dịp cuối năm sóng to gió lớn? 

- Đi về rồi tôi mới nghĩ lại, không hiểu sao mình có sức lực để hát mỗi ngày như thế. Đi mười ngày thì có tới tám ngày tôi hát từ sáng tới tối, hát đến nỗi không còn ra hơi nữa mới thôi. Cực lắm mà cũng vui lắm. Có lẽ, chính tình yêu thương thực sự làm cho người ta đủ năng lượng để hát. Nghệ sĩ chúng tôi không làm được gì nhiều; đến bữa làm cơm, các em, các cháu làm hết; mình chung tay trộn nộm, nhặt rau… ít ra cũng để các em, các cháu thấy được cái tình của mình.

Người ta ra một lần rồi thôi, tôi ra đảo mấy lần rồi vẫn cứ muốn đi tiếp. Đi lần nào cũng khóc nức vì thương lính quá. Lính cũng thương Phương Thanh bởi tôi giản dị và hết lòng. Trong tất cả mọi thứ, tình thương lớn lắm. Hơn nữa, càng đi tới những nơi khó nhất, người ta hy sinh nhiều nhất, mình càng tích tụ được nhiều cảm xúc nhất để hát. Nghệ sĩ phải như vậy.

Tôi là người qua thời

* So với thế hệ của chị, nghệ sĩ thời nay thế nào?

- Thế hệ tôi, ca sĩ không có nhiều chiêu trò, cũng không múa may nhiều mà hát bằng lực, bằng cảm xúc thật. Thế nhưng, từ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh... cho tới lớp sau nữa, hầu như mỗi người một chất. Còn bây giờ, cái gì dễ ăn là người ta nhào vô. Boléro lên ngôi, cả làng đi hát boléro.

Tất nhiên, để so sánh với thế hệ trước, bản thân các bạn trẻ cũng không dám so. Các bạn thành công, có những bài “hit” trên thị trường, cũng mừng cho các bạn, nhưng tôi có một lời khuyên nhỏ, hãy cố gắng hát thật. Vì chỉ khi hát thật, những nỗi buồn trong chúng ta mới tiêu tan được. Nghệ sĩ có một phương pháp tiêu trừ cái buồn khổ hay nhất là hát thật. Để rồi, bao nhiêu cảm xúc dồn vào mắt, nước mắt chảy ra, hát hết bài hát cũng là lúc nỗi buồn tiêu tan. Hát thật hay thế mà sao không hát?

Phuong Thanh: Dang cap nam o su gian di nhat

* Chị từng là cái tên thống lĩnh bảng xếp hạng của Làn sóng xanh trong một thời gian dài với nhiều ca khúc “hit”. Quan điểm của chị về “hit”? 

- “Hit” là phải “hot”. Một ca khúc “hit” phải lạ, phải có thông điệp rõ ràng, hòa âm phối khí phải ổn. Ngày xưa, “hit” kéo dài tới tận bây giờ, mấy chục năm vẫn có người nghe; còn bây giờ, tuổi thọ “hit” ngắn hơn, nghe mấy tháng là hết “hot”. 

Bản thân mỗi ca sĩ phải biết giữ bài “hit” của mình. Cái thời quyết định tất cả. Cái thời là cái đương thời. Không ngoi lên lại được mới gọi là hết thời. Người đứng lên lại được là người qua thời. Phương Thanh là người qua thời.

* Công chúng bây giờ phải chăng dễ dãi hơn xưa?

- Không ai tồn tại được mãi với một thông điệp mà mình đưa ra. Khán giả sẽ có sự thay đổi trong chính họ. Người nghệ sĩ mà không chịu thay đổi cũng vậy thôi. Tất cả từ nghệ sĩ tới khán giả đều phải thay đổi. Các dòng nhạc thay phiên nhau tồn tại. Dòng nhạc nào “hot”, chất của ca sĩ nào hợp thì lên thôi. Nhưng hãy nhớ rằng, không ai giữ được vị trí của mình mãi đâu, giữ được cái tên là được rồi. 

* Cảm ơn chị đã chia sẻ.

Ca sĩ Phương Thanh: Khi bố Gà mất, tôi đã qua hết nghiệp rồi

Ngày xưa tôi yêu vì nghiệp, bây giờ yêu vì duyên. Duyên và nghiệp khác nhau hoàn toàn. Cái nghiệp nối nhanh lắm, cái duyên khó nối hơn. Nghiệp là cái phải trả, để trụ duyên thì hơi lâu, cho nên trong đời, chữ “nhẫn” quan trọng hơn cả. Khi bố bé Gà mất, tôi đã qua hết nghiệp rồi. Bây giờ là những ngày Phương Thanh chờ duyên tới. 

Tôi khó yêu lắm. Tình yêu của tôi hỗ trợ tôi rất nhiều trong ca hát. Tôi không yêu để giải quyết vấn đề trong cuộc sống mà yêu để được sống trong nghệ thuật. Người được tôi yêu cũng áp lực, cũng lắm ngang trái. Nếu duyên không tới cũng chẳng sao, mình vẫn yêu nhưng không kết duyên cùng ai. Cái gì đến thì đến, đừng tính trước nhiều quá. Cứ chân thành, không dối lòng là được. 

Đ.D (PNO)
Ảnh: nhân vật cung cấp

Nhận xét