Hàng loạt 'bom tấn' thành 'bom xịt', các hãng phim thi nhau ra phần tiếp theo để 'vắt sữa' những thương hiệu điện ảnh đình đám mà bỏ quên nội dung… Hollywood của năm 2018, một lần nữa cho thấy sự cạn kiệt ý tưởng và đuối sức.
Kỹ xảo, kỹ xảo và… kỹ xảo
Hollywood là kinh đô điện ảnh thế giới, cũng là cái nôi của kỹ xảo điện ảnh. Điều đó không còn gì để bàn cãi.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của môi trường số, cuộc chơi phim ảnh giờ đây không chỉ thuộc về những hãng phim tên tuổi mà còn có các “tay chơi” mới nổi là những ông lớn vô cùng đáng gờm, trong đó có Netflix. Chính vì thế, cuộc đua này ngày càng trở nên khốc liệt.
The Nutcracker and the Four Realms...
... và Fantastic Beats 2 chẳng có gì để khen ngoài kỹ xảo, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng!
Không ai có thể phủ nhận sức mạnh của công nghệ đối với nghệ thuật thứ 7, nhưng cũng chính công nghệ đang dần giết chết sức sáng tạo của các nhà làm phim. Hay nói đúng hơn, một cuốn phim làm ra, người ta mất quá nhiều tiền của và công sức để tập trung cho kỹ xảo, phục trang, bối cảnh… và hàng tá hiệu ứng trên màn ảnh mà quên mất phần quan trọng nhất giúp một bộ phim đứng vững: kịch bản!
Chẳng khó để liệt kê những thước phim đẹp long lanh từ màu sắc, ánh sáng cho đến kỹ xảo nhưng kịch bản thì hoặc phô trương, dài dòng hoặc ôm đồm, rắc rối.
Tomorrowland (2015), Pirates of the Caribbean: Salazar’s Revenge (2017), Transformers: The Last Knight (2017), Rogue One: A Star Wars Story,… Riêng trong năm 2018, gần đây nhất phải kể đến Solo: A Star Wars Story, Venom, The Nutcracker and the Four Realms, Fantastic Beat: Crimes of Grindelwald, The Girl in the Spider’s Web, The Nun, Robin Hood… đã mang đến cho khán giả nỗi thất vọng ê chề bởi nội dung phim hời hợt, nhàm chán như thế.
Robin Hood bản 2018 vừa ra rạp đã bị khán giả và giới phê bình ném đá tơi bời vì nội dung lộn xộn, trang phục không phù hợp dù kỹ xảo, hành động, cháy nổ được đầu tư ngút trời.
Khán giả luôn đòi hỏi phim giải trí phải có nội dung sâu sắc như những thước phim art-house, nhưng ít nhất họ cần sự mạch lạc và logic trong nội dung phim - điều mà dường như các nhà làm phim hiện nay không còn quan tâm nhiều nữa. Tất cả những gì Hollywood đưa lên màn ảnh ở những bom tấn giải trí là quảng cáo khủng, kỹ xảo, kỹ xảo và… kỹ xảo.
Sa lầy trong vũng bùn thương hiệu điện ảnh
Đã qua rồi cái thời khán giả đi xem một bộ phim giải trí ở rạp chiếu và rôm rả bàn tán về nó, trầm trồ, thán phục, kiểu "không xem không được" như đã từng xảy ra với Avatar, Gravity hoặc Fast and Furious, trước đó nữa là Mission Impossible, The Shallows...
Sự ra đời của Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) cùng đường hướng ngày càng chắc chắn cho một bước đi dài hơi với những kỷ nguyên siêu anh hùng khác nhau đã phần nào thay đổi cách làm phim của Hollywood. Sự thành công của MCU (thuộc Disney), nói một cách nào đó đã gia tăng tham vọng cho những hãng phim khác đang sở hữu “đội quân” tương tự.
DC Comis (thuộc Waner Bros.) với Batman, Superman, Wonder Woman và sắp tới là Aquaman… cũng có tham vọng tạo thành vũ trụ điện ảnh tương tự dành cho các siêu anh hùng.
Aquaman liệu có giúp Warner Bros. làm nên kỳ tích phòng vé như Wonder Woman đã từng?
Universal sau lần thất bại thảm hại với The Mummy (2017) đã tạm hoãn giấc mơ thành hình đội quân của "Vũ trụ Đen" để tập trung cho “binh đoàn” khủng long. Trong khi đó, Warner Bros. vẫn tiếp tục tham vọng một thế giới phù thủy, thế giới quái vật với Fantastic Beat và Godzilla vs Kong (2020).
Sự cạn kiệt ý tưởng của các nhà làm phim Hollywood còn thể hiện ở chỗ, họ sẵn sàng vắt đến cùng những thương hiệu điện ảnh ngỡ đã không còn gì để triển khai.
Transformers (tháng 12/2018 sẽ ra mắt phần tiền truyện Bumblebee), Toy Story (phần 4 khởi chiếu vào năm 2019), Cướp biển Caribbean (tái khởi động thương hiệu mà không cần sự tham gia của Johny Depp), Terminator (phần 6, dự kiến ra mắt 2019), Star Wars ngoại truyện… là những ví dụ khiến khán giả vừa nghe tên đã thấy ngao ngán.
Bumblebee - phần tiền truyện của thương hiệu Transformers sẽ ra mắt vào tháng 12/2018. Nhiều fan của loạt phim này tự hỏi, không biết đến bao giờ nhà làm phim mới chịu buông tha cho những chú người máy tội nghiệp?
Bên cạnh đó, thay vì tập trung sáng tạo cho ra lò những kịch bản mới, Hollywood còn mải mê đưa những nhân vật truyện tranh, nhân vật game lên phim hoặc chuyển thể những nhân vật từ phim hoạt hình sang live-action (người đóng).
Ngoài các siêu anh hùng đang làm mưa làm gió, còn có: Jungle Book (cậu bé rừng xanh với rất nhiều bản phim khác nhau), Ghost in the Shell (dựa trên loạt anime và truyện tranh cùng tên của Nhật), Detective Pikachu (dựa theo tựa game cùng tên), Hoa Mộc Lan (dựa theo phim hoạt hình năm 90), Lion King (dựa theo loạt phim hoạt hình huyền thoại thập niên 90...
Tạo ra những bản phim này, tất nhiên nhà làm phim phải đối mặt với nhiều thách thức. Thế nhưng, điều khán giả cần thấy hơn là một Hollywood có bản sắc và những sáng tạo riêng, có những bộ phim khiến họ phải trầm trồ, tò mò, thán phục hơn là ăn theo những sản phẩm đã có sẵn.
Còn hơn một tháng nữa mới kết thúc năm 2018, chưa biết tổng doanh thu phòng vé năm nay sẽ vượt hay thua năm 2017. Song, cho dù có vượt về mặt doanh thu đi chăng nữa thì với tình hình “ăn theo” hiện tại, Hollywood quả tình đang ngày một đánh mất vị thế của nó.
Và, trong bối cảnh có rất nhiều sự cạnh tranh từ Amazon, Netflix… cộng với công nghệ chiếu phim tại nhà đang được đầu tư hết mức thì việc khán giả quay lưng với rạp chiếu chỉ còn là chuyện sớm muộn!
L.P (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét