Giằng co giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại

“Âm nhạc Việt đang giằng co với việc giữ và phát triển văn hóa truyền thống. Việc kế thừa hay làm mới là điều các nghệ sĩ đương đại trăn trở lâu nay”. Đó là những ý kiến được đưa ra tại buổi tọa đàm “Âm nhạc đương đại và thể nghiệm Đông Nam Á” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm “Khi âm nhạc này diễn ra, tôi cũng vậy” trên sân khấu Liên hoan âm nhạc mới tại Hà Nội

Những nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu… đã cùng trao đổi về những dòng chảy nào đang từ từ cuộn lên trong không gian diễn ngôn của âm nhạc đương đại thể nghiệm Đông Nam Á?

Kế thừa hay làm mới?

Nhiều ý kiến đề cập một trong những xu hướng nổi bật trong khu vực là vai trò ngày càng lớn của công nghệ trong việc sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt với các tác phẩm sử dụng nhiều hơn một chất liệu âm nhạc và kết hợp với các chất liệu, yếu tố khác để tạo ra những tác phẩm đa phương tiện với nền tảng âm nhạc. Trên thực tế hiện nay nhiều người trẻ xem truyền thống là lỗi thời, thiếu sức sống, không còn phù hợp và phản ánh được thời đại. Họ phản ứng bằng cách không còn tiếp tục gìn giữ thậm chí chịu lắng nghe, không chịu thấu hiểu truyền thống.

Thực tế, việc giữ nguyên trạng hay làm mới các di sản cha ông cũng là một câu hỏi khó trả lời của những người thực hành nghệ thuật. Gắn với những niềm tin căn cốt của họ, liệu việc giữ nguyên trạng có giúp di sản có được sức đề kháng trong va chạm liên tục với những văn hóa khác ngày nay hay không? Liệu làm mới di sản có đánh mất những phần được cho là giá trị nhất của truyền thống hay không?

Ở các quốc gia như Việt Nam, Campuchia, Lào, Indonesia, Myanmar, Singapore... đều có những người được xem như tiên phong trong việc khai thác báu vật di sản văn hóa của nước họ nhưng đang thể nghiệm các cách thức triển khai di sản đó trong bối cảnh hiện đại. Họ cùng nhau chia sẻ về quá trình mày mò, thể nghiệm với các chất liệu dân gian, truyền thống.

Nhiều năm nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam cũng như âm nhạc Á châu, Barley Norton, Khoa âm nhạc tại Goldmiths, Đại học London cho rằng, suy nghĩ về tiếp biến trong âm nhạc nghĩa là đặt ra các vấn đề phức tạp như di sản, truyền thống chuyển đổi sang đương đại, hiện đại, sự gắn kết với quá khứ và hiện tại, xây dựng ra những ý niệm mới. Vấn đề là làm cách nào không bị ràng buộc với cái đã có trong quá khứ mà luôn được tái phát minh và biến đổi, nghĩa là tạo ra cầu nối giữa truyền thống với hiện tại. Đó dường như cũng là điều mà một số nghệ sĩ ở các quốc gia Đông Nam Á đang hướng đến.

Cầu nối truyền thống - hiện đại

Seng Song là trưởng điều hành các chương trình nghệ thuật của Cambodia Living Art (CLA) tại Siem Reap, bắt đầu sự nghiệp của mình với nỗ lực làm hồi sinh việc truyền dạy các hình thức nghệ thuật biểu diễn đang bị đe dọa và kế tục những di sản của các nghệ nhân lớn tuổi. Anh cho biết, từ năm 1998, CLA đã hỗ trợ các nhạc sĩ và vũ công phát triển và phát huy nghệ thuật và di sản truyền thống của đất nước Campuchia. “Chúng tôi bắt đầu làm việc với các nghệ nhân và học viên trẻ tuổi để bảo đảm rằng các hình thức nghệ thuật truyền thống, vốn đã bị đe dọa từ thời Khmer Đỏ, không bị mất đi”.

Hiện tại CLA mở rộng hỗ trợ các nghệ sĩ mới nổi để tăng cường khả năng của họ trong việc hình thành độc lập các hình thức nghệ thuật riêng và tổ chức đào tạo chuyên nghiệp cho đối tượng quản lý nghệ thuật nhằm xây dựng năng lực của họ về quản lý nghệ thuật bền vững.

Nguyễn Xuân Sơn (Sơn X), nhạc sĩ sáng tác nhạc kết hợp đa phương tiện Việt Nam sinh ra trong một gia đình nhiều thế hệ làm nghệ thuật truyền thống. Anh là một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam tiếp cận với âm nhạc đương đại rất sớm (1994), chính vì vậy trong anh vừa có một nền tảng hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật truyền thống Việt Nam, vừa tiếp cận với dòng chảy âm nhạc nghệ thuật đương đại thế giới. Anh cho rằng, cùng với thời gian và theo lẽ tự nhiên, nghệ thuật truyền thống là một quá trình tạo ra – duy trì – tái sinh. Đặc biệt, với những sự va đập mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, những thói quen mới liên tục được tạo ra. “Để nghệ thuật truyền thống tồn tại cho đến ngày nay là một quá trình sáng tạo không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Cá nhân tôi cũng muốn thấy nghệ thuật truyền thống tiếp tục sống chứ không muốn nghệ thuật truyền thống trở thành quá khứ nằm trong các viện nghiên cứu hoặc các bảo tàng”.

Cũng như Seng Song hay Nguyễn Xuân Sơn chọn cách đi riêng của mình, Nguyễn Thanh Thủy và Stefan Ostersjo (Thụy Điển) đã cùng tụ lại thành Six Tones, một nhóm nhạc hoạt động dựa trên nền tảng gặp gỡ giữa văn hóa truyền thống và văn hóa thể nghiệm ở châu Á và phương Tây. Thực hành nghệ thuật thực chất là quá trình trao đi đổi lại liên tục, giao thoa không giới hạn giữa các ngành văn hóa, các thể loại văn hóa và rộng hơn là các nền văn hóa với nhau. Sản phẩm của những mối hợp tác liên văn hóa này là sự ra đời tác phẩm nghệ thuật đa dạng, đầy ngẫu hứng, truyền thống mà hiện đại.

Nhà âm nhạc học, phê bình âm nhạc Bountheng Souksavatd phân tích: “Hình thức pha trộn, sự kết hợp âm nhạc điện tử với âm nhạc truyền thống đang chảy theo xu hướng bão hòa âm thanh và sáng tạo của thế giới ngày nay. Nó đã và đang mang lại cho người nghe một cảm giác mới lạ về nghệ thuật”.

N.H (HNS)

Nhận xét