Số học - con số 13 với Arnold Schoenberg

Ông là người đứng đầu Trường phái Vienne mới, Vienne đệ nhị của âm nhạc Áo (Vienne I của Haydn, Mozart, Beethoven, Gluck), là người đưa ra một khái  niệm  mới về sáng tác âm nhạc: không dựa trên những xúc cảm của tâm hồn, mà dựa trên sự tính toán chính xác, kiểm soát hòa thanh bằng đại số học – nhạc 12 cung (dodécaphone).


Là một trong số rất ít nhạc sĩ (trong đó có Mozart, Berlioz, Chostacovich) không sáng tác “trên đàn”, mà sáng tác “trên bàn”. Ông rất kiêng sợ con số 13, cho dù được sinh ra đúng ngày 13 (13 tháng 9 năm 1874), suốt đời tránh con số này, mà cũng không tránh hết được, vì tác phẩm ông viết ra bao giờ, theo ông, ô nhịp thứ 13 (và bội số của nó) thường là những ô nhịp không mấy hiệu quả. Và rồi cũng lại từ giã cõi đời vào đúng ngày 13 (13 tháng 6 năm 1951) ở tuổi 76 (7+6 =13). Rồi ngày sinh và ngày mất đều rơi vào ngày thứ sáu trong tuần!

Ông và hai đệ tử của ông - Alban Berg và Anton Webern, đã dặt dấu chấm hết cho truyền thống âm nhạc đã tồn tại nhiều thế kỷ - âm nhạc điệu tính (tonale) – mở ra loại âm nhạc vô điệu tính (atonale). Tất nhiên dấu chấm hết với những người đi theo trào lưu này, còn âm nhạc điệu tính vẫn đang tồn tại trong mọi dòng nhạc, kể cả nhạc pop-rock. Kể cả có những người đã đi theo rồi cũng lại dần dần bằng kiểu này, kiểu khác trở lại với điệu tính.

Có thể chia sáng tác của Schoenberg ra ba phần, theo ba khuynh hướng: lãng mạn, biểu hiện (expressionisme) và 12 cung. Những sáng tác đầu tay của ông đi theo phong cách lãng mạn (hậu kỳ) của Wagner và Brahms: Đêm dần sáng (1899), Pelleas và Melisande. Chẳng bao lâu sau, ông thấy rằng thật sự không còn cách nào sử dụng lối hòa thanh truyền  thống được nữa.Từ bản Tứ tấu số 2 (1908) ông bắt đầu đi vào phong cách âm nhạc phi lý tính, nhạc biểu hiện, chưa đi hẳn sang vô điệu tính, lúc có, lúc không, mờ mờ, ảo ảo.     

Cũng trong năm 1913 xảy ra buổi hòa nhạc sau này được gọi là “buổi hòa nhạc náo loạn, tai tiếng”, khi Schoenberg chỉ huy bản Giao hưởng thính phòng số 1 của ông và những tác phẩm của Zemlinsky (thày của Schoenberg) và của 2 học trò Alban Berg và Anton Webern. Đúng vào lúc biểu diễn 5 ca khúc viết cho giọng nữ cao và dàn nhạc dựa vào thơ của Pier Altenberg của A.Berg thì người nghe bắt đầu nổi loạn, phá đám, cười phá lên khi nghe thấy những đoạn nghịch tai. Tiếp đó là ẩu đả, do chính người tổ chức buổi hòa nhạc (Schoenberg) khởi đầu. Ra tòa ông không chối tội  gây ra ẩu đả, nhưng cáo buộc nguyên nhân do chính đối thủ gây sự trước.

Thanh xướng kịch Thang của Iacốp, bắt đầu viết từ năm 1917, rồi thường xuyên sửa, thêm bớt, nhưng cũng không được ông coi là hoàn thành.

Sau những thể nghiệm với nhạc vô điệu tính, Schoenberg  lại tìm tòi phương pháp sáng tác mới, và đến đầu thập niên 1920 đã sáng tạo ra loại nhạc 12 cung. Nguyên tắc của loại kỹ thuật sáng tác này là tuần tự sử dụng 12 nốt nhạc khác nhau, gọi là "chuỗi". Chuỗi và những phụ sinh của nó (đảo, dịch giọng, ngược chiều...)  đều có thể dịch giọng. 5 tiểu phẩm cho piano viết năm 1923 là những tác phẩm đầu tiên dựa trên nguyên tắc 12 cung. Sau đó là những tác phẩm quy mô lớn hơn hoàn toàn theo nguyên tắc 12 cung : Tứ tấu dây số 3 (1927) và Những biến tấu cho dàn nhạc (1928).

Năm 1930, ông bắt tay vào sáng tác opera Moses und Aron theo kịch bản tự viết, hai màn đầu viết xong năm 1932, âm nhạc và kịch bản màn 3 viết năm 1937, nhưng chưa hoàn thành. Tuy vậy những yếu tố cơ bản của câu truyện đã có đủ vào cuối màn 2, cho nên đến 1957 vở đã ra mắt lần đầu sau khi đã qua 50 buổi tập của dàn nhạc và 350 buổi tập duyệt của dàn hợp xướng      

Năm 1925 ông được mời giảng dạy tại  Nhạc viện Berlin đến 1933, khi phong trào bài Do thái (ông vốn gốc Do thái, theo đạo Do thái) hoành hành, ông di cư sang Mỹ.

Có thể kể ra một số tác phẩm ông viết trong thời gian di cư: Tứ tấu dây số 4 (1936), Concerto cho piano và dàn nhạc (1942). Trong những tác phẩm này ông tiếp tục phát triển lối sáng tác 12 cung kết hợp với những nhân tố điệu tính. Để ủng hộ những quốc gia châu Âu chống phát xít, năm 1941 ông viết Bản tụng ca gửi Napoléon Bonaparte. Một trong những tác phẩm giàu xúc cảm, giàu chất nhân văn nhất của ông viết thời gian này là bản cantate  Xóm nhỏ còn sót lại của Vácxôvi, ông tự viết lời ca dựa trên những hồi ức của những người sống sót sau khi bọn phát xít tàn phá Vácxôvi.

"Âm nhạc không phải làm đẹp, nó phải là chân lý...". Arnold Schoenberg không tìm tòi sự thành đạt. Ông trước hết muốn phát triển hình thức âm nhạc, tìm những đường đi mới, không để cho nghệ thuật sáng tác đi vào suy tàn, luôn trung thành với thế giới quan sáng tạo của mình.

Lịch sử cho thấy chính những thiên tài vượt thời gian đã suy nghĩ như thế. Và chính số phận của họ là như thế, tràn đầy những mối quan hệ phức tạp với những người cùng thời và những cách đánh giá đầy mâu thuẫn của họ.
L.M (HNS)

Nhận xét