Vài nét về giáo dục âm nhạc trên thế giới ngày nay

Ở Việt nam chúng ta, giáo dục âm nhạc nói chung và giảng dạy âm nhạc nói riêng chính thức trở thành môn học bắt buộc trong trường phổ thông hơn 15 năm nay, mặc dù manh nha công việc này đã được khởi động từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Vì hoàn cảnh của đất nước, với những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau nên khi đó chưa thành hiện thực. Vậy thì được như hiện nay cũng là điều đáng mừng vì công việc đáng ra phải làm từ lâu nhưng mãi đến 15 năm gần đây mới thực hiện được, có thể xem đó là một bước tiến quan trọng của nền giáo dục chúng ta so với chúng ta.



Giáo dục âm nhạc ở các nước khác thì sao?

1. Hãy nhìn ra nước ngoài

Trong thế giới phẳng ngay nay, bất kỳ việc gì nếu chỉ “lầm lũi, hì hục” làm một mình mà không chịu nhìn rộng ra thì dễ mắc phải căn bệnh bảo thủ, giậm chân tại chỗ, đi giật lùi, thậm chí đối nghịch với thời đại. Như vậy là phải luôn cập nhật, tìm hiểu xem xung quanh ta họ làm như thế nào để học tập, để rút kinh nghiệm mà vận dụng. Xin phép cung cấp tới các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, các nhà sư phạm một số tình hình giáo dục và giảng dạy âm nhạc ở các nước để chúng ta cùng tham khảo.

***

Có một lần, tình cờ tìm trong đống sách cũ thanh lý của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, tôi nhặt được cuốn Những đĩa nhạc hay dẫn giải dành cho trẻ em (Les beaux disques expliqués aux enfants) của Nhà xuất bản Paris in năm 1935. Lật xem nội dung sách, tôi kinh ngạc bởi vì họ đã hướng dẫn cho trẻ em nghe “nhạc không lời” từ những năm đó. Nghĩa là cách đây hơn 80 năm, trẻ em Pháp đã được tiếp cận với trích dẫn tác phẩm âm nhạc của Chopin, Debussy, Schumann, Weber, Tchaikovsky, Prokofiev, Stravinsky... Vậy là họ đã đi trước ta gần một thế kỷ. Vài chục năm gần đây, thế giới còn có một tổ chức gọi là ISME (International société musical education). Hiệp hội này thuộc UNESCO, cứ 3 hoặc 4 năm họp một lần để bàn về việc giáo dục âm nhạc cho lớp trẻ trên các lĩnh vực âm nhạc cả chuyên nghiệp và âm nhạc phổ thông.

PGS.TS Nguyễn Thụy Loan, nhà lý luận và nghiên cứu  âm nhạc của Việt Nam đã có lần đi dự hội nghị đó. Sau khi về, bà đã đưa cho chúng tôi một tập dân ca các nước Đông Nam Á và nhờ một số nhạc sĩ đặt lời Việt, bởi tổ chức này quan tâm tới nhiều vấn đề như quan điểm, hệ thống, nội dung, phương pháp giáo dục âm  nhạc, trong đó đặc biệt coi trọng dân ca các nước.

Nêu ra ví dụ trên để thấy rằng, khoảng hơn 15 năm nay, việc giáo dục âm nhạc của chúng ta đang thực hiện ở trường phổ thông đã làm được một công việc là: hội nhập với thế giới, tuy rằng cũng muộn màng.

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay, họ đều nhận thức và hành động một cách bài bản rằng: âm nhạc không thể thiếu trong  học đường và âm nhạc đã được chăm chút không chỉ với ngành giáo dục mà cả các cơ quan lập pháp như nghị viện, quốc hội cũng đã giành nhiều thời gian để “bỏ phiếu” cho vấn đề này ví như ở Hungarie, Thụy sĩ, Canada. 

Các nước như Mỹ, Nhật, Pháp, Đức, Nga, Hungarie, Ba Lan, Na Uy, Thụy Sĩ và rất nhiều nước khác, họ có chương trình, sách giáo khoa âm nhạc, các phương tiện phục vụ cho âm nhạc trong nhà trường rất đầy đủ. Có lần, tôi đã gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với một giáo sư Nhật Bản, ông cho biết trang thiết bị giảng dạy âm nhạc ở Nhật còn phong phú hơn cả ở Pháp. Về thời lượng, số giờ dạy ở mỗi quốc gia có khác nhau với các cấp học khác nhau. Nói chung là 1 tiết/ tuần, riêng ở tiểu học Nhật Bản, Hungarie, Đức, Hàn Quốc, Triều Tiên bố trí 2 tiết/tuần. Âm nhạc với tư cách là môn học chính thức được thực hiện ở trung học phổ thông như Đức, Pháp, Nga..., hoặc môn học tự chọn ở một số nước khác như: Canada, Úc... Một số quốc gia lại đưa giáo dục âm nhạc vào cả các trường đại học (Thụy Sĩ, Na Uy) như để tiếp nối với giáo dục phổ thông và giúp sinh viên nhận thức thẩm mỹ đúng đắn với nghệ thuật này.

Có một điểm chung mà các quốc gia đều thống nhất: trẻ em đến trường phải được tiếp cận với âm nhạc, bởi tác dụng to lớn của nó đối với việc hình thành nhân cách, trí tuệ và cảm xúc, thông qua việc giảng dạy và hoạt động hết sức đa dạng. Tạp chí quốc tế ISME luôn đăng những bài nghiên cứu, các phát kiến, thông tin các kết quả nghiên cứu khoa học của các nhà sư phạm âm nhạc, các nhà tâm lý học, các nhạc sĩ về vấn đề này.(nếu có điều kiện, chúng ta nên tìm đọc những bài viết hết sức quan trọng có liên quan tới triết học và âm nhạc, những bài về giáo dục âm nhạc từ thời cổ đại của các triết gia Platon, Aristote, những bài nói về “chơi đàn làm giảm căng thẳng hơn so với các hoạt động nghệ thuật khác”. Đó là những thông tin tích cực và bổ ích đối với những người làm quản lý giáo dục và các nhà chuyên môn.

Xin cụ thể hơn về một số nền giáo dục ở các nước để thấy họ quan tâm tới giáo dục âm nhạc như thế nào.

* Giáo dục âm nhạc ở Mỹ

Chúng ta đều biết rằng Mỹ là Hợp chủng quốc, một đất nước giàu mạnh vào loại nhất thế giới, giáo dục ở mỗi bang có thể khác nhau, nhưng cả 48 bang đều tiến hành dạy nhạc cho học sinh phổ thông. Lịch sử giáo dục âm nhạc của Mỹ được biết có từ thế kỷ XVIII, rồi thế kỷ XIX và đặc biệt ở thế kỷ XX, ở Mỹ có một Hiệp hội Âm nhạc và phát triển giáo dục mang tên Orff Schulwerk (tên một nhạc sĩ, nhà phương pháp người Đức có tên gọi đầy đủ là Frank Orff Schulwerk). Orff Schulwerk là Hiệp hội có tính chất chuyên nghiệp của các nhà giáo dục dành riêng cho âm nhạc, tiếp cận phong trào rất rộng lớn, với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển, sử dụng, phổ biến rộng rãi phương pháp Orff, truyền cảm hứng và ủng hộ khích lệ sự sáng tạo của tất cả các thành viên. Hàng vạn hội viên gồm các nhà nghiên cứu giáo dục âm nhạc, các giáo viên của tất cả các bang trên đất Mỹ hầu hết đều tham gia. Hiệp hội này thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên dạy nhạc cho các bang để bảo tồn, phát triển phương pháp Orff - phương pháp dạy nhạc dựa trên sự sáng tạo nhịp điệu và sự ứng tác, để phát huy khả năng sáng tạo của trẻ trong quá trình tiếp thu, nhận thức âm nhạc... Chủ tịch danh dự của Hiệp hội này là phu nhân của Orff, bà Frank Liselotte (mất năm 2012) người được ủy thác gìn giữ và phát triển, phổ biến phương pháp giáo dục âm nhạc của Orff. Ảnh hưởng của phương pháp này lan rộng ở Đức, Áo, Phần Lan và nhiều nước khác, không kém gì phương pháp Kodaly của Hungarie (sẽ trình bày ở dưới).

* Giáo dục âm nhạc ở Thụy Sĩ

Quốc gia này về chính trị là một nước trung lập, giàu có, một xã hội dân chủ, văn minh, niềm mơ ước của nhân loại. Một xã hội mà riêng việc giáo dục âm nhạc với những tranh luận của những tư tưởng khác nhau về vị trí, vai trò, tác dụng cuả âm nhạc đã dành được sự quan tâm của nhiều nghị viên khi tranh cử vào quốc hội. Người thắng cử thường là những nhân vật cớ uy tín đặc biệt chú trọng đên giáo dục âm nhạc (qua thông tin của báo chí Thụy Sĩ).

Theo quan điểm của Esmile Jaque Dalcrose (1865-1950) nhạc sĩ, nhà sư phạm, người đề xướng một phương pháp giáo dục âm nhạc được thực thi ở Thụy Sĩ, cho rằng: “Âm nhạc tồn tại trong toàn bộ cơ thể con người, khai thác triệt để những yếu tố vốn có đó tạo nên những cách thức phát triển đơn giản và gần gũi nhất để con người thụ hưởng âm nhạc và sáng tạo”. Phương pháp Dalcrose gồm ba khái niệm cơ bản: sáng tạo trên cơ sở ngẫu hứng, phối hợp với nhịp điệu - chuyển động và thông qua tất cả các giác quan. Theo Dalcrose, âm nhạc là ngôn ngữ cơ bản của bộ não con người, do đó nó kết hợp chặt chẽ với toàn bộ cơ thể. Ngoài Thụy sĩ, ở Bỉ cũng có một Viện chuyên nghiên cứu, phát triển những quan điểm và phương pháp giáo dục âm nhạc mang tên Dalcrose. Giảng dạy âm nhạc ở Thụy sĩ giảng dạy từ nhà trẻ, mẫu giáo cho tới hết phổ thông, được coi như một môn học bắt buộc, đầy hứng thú, hấp dẫn, bởi họ có một đội ngũ giáo viên trình độ chuyên môn cao, được đào tạo rất bài bản, cẩn thận.

* Giáo dục âm nhạc ở Hungarie

Gắn bó mật thiết với tên tuổi của Zoltan Kodaly (1885-1967), một nhạc sĩ lớn, một nhà nghiên cứu, một nhà sư phạm kiệt xuất của Hungarie, mà thành tựu của ông đã được hàng chục nước, trong đó có Mỹ, Canada, Pháp, Nhật, Trung quốc, Malaysia, Việt Nam và rất nhiều nước khác đến tìm hiểu, học hỏi tại Viện sư phạm Zoltan Kodaly ở Keskemet (gần thủ đô Budapest).

Quan niệm của ông hết sức tiến bộ, bởi ông cho rằng: “Âm nhạc phải là của tất cả mọi người, không phải chỉ dành cho một số nhỏ”. Nhà nước Hungarie hết sức ủng hộ tư tưởng đó từ những năm 1950 của thế kỷ XX, với sự khích lệ đặc biệt của Tổng bí thư, người lãnh đạo cao nhất nước Hungarie lúc bấy giờ ông Ianos Cada. Riêng thủ đô Budapest, cứ mỗi một khu dân cư (tương đương với quận của nước ta), ngoài việc giảng dạy ở tất cả các cấp học, mỗi khu đều có trường phổ thông chuyên nhạc, giống như trường sơ cấp âm nhạc, vừa học văn hóa phổ thông như mọi trường khác, vừa học âm nhạc, với nhiều loại nhạc cụ tự chọn. Cả nước Hungarie có tới 136 trường như thế. Mỗi trường chuyên ấy có hàng chục giáo viến âm nhạc với trình độ chuyên môn cao giảng dạy, phát hiện và bồi dưỡng kịp thời những học sinh có năng khiếu,  cung cấp cho các cơ sở đào tạo cao hơn. Chỉ với hơn 10 triệu dân mà nước Hungarie có tới hàng chục dàn nhạc giao hưởng, qua đó ta có thể biết dân trí và văn hóa âm nhạc của họ đã đạt tới mức nào.

Đặc điểm cơ bản của phương pháp Kodaly còn biểu hiện trong cách dạy đọc nhạc gọi là “Solmization Relative” để phổ cập rộng rãi âm nhạc cho mọi người. Phương pháp Kodaly thống nhất dùng trong các trường âm nhạc từ phổ thông cho đến các trường âm nhạc chuyên nghiệp.

Giáo dục âm nhạc được thực hiện từ mẫu giáo cho đến hết phổ thông 12 năm. Từ năm 1976 đến nay, tôi không có dịp sang Hungarie, nhưng mới đây, nhạc sĩ Phan Trần Bảng sang thăm Hungarie đã mang về một số cuốn sách giáo khoa âm nhạc mới của Hung. Chúng tôi thấy sách rất ít thay đổi trong nội dung và phương pháp so với những năm 70-80 của thế kỷ trước.

* Giáo dục âm nhạc ở Nga

Trong chương trình phổ thông, mỗi tuần có một giờ âm nhạc xuyên suốt từ lớp 1 cho đến lớp 12. Riêng cấp 3 (THPT) tùy từng vùng, có thể học âm nhạc trong chính khóa, hoặc đưa vào hoạt động tự chọn, ngoại khóa.

Tư tưởng giáo dục âm nhạc của Kabalevsky, nhạc sĩ lớn có tên tuổi của Nga (đã từng là Chủ tịch Hiệp hội giáo dục âm nhạc quốc tế ISME) nêu lên nội dung giáo dục âm nhạc nhất thiết phải có ba trụ cột: hát hành khúc - nhảy múa - vận động và hát dân ca. Kabalevsky cũng đặc biệt quan tâm tới hình thức hát hợp xướng, ông coi đó là một thể loại có tác dụng mạnh mẽ, tạo nên sự hài hòa, tính kỷ luật cao trong cộng đồng. Sách âm nhạc của Nga trước đây được gọi là môn hát, sau đổi thành môn âm nhạc. Ở một số nước tách ra từ Liên Xô cũ vùng Ban Tích như các nước cộng hòa Latvi, Litva... cũng dạy âm nhạc xuyên suốt tất cả các lớp học trong trường phổ thông. Các nước này đặc biệt coi trọng hát hợp xướng trong trường học, bởi theo truyền thống, họ có hội thi hát hợp xướng hàng năm, có những dàn hợp xướng tới cả vạn người tham gia.

* Giáo dục âm nhạc ở Nhật Bản

Là một nước có nền kinh tế ở tốp đầu của thế giới, Nhật không chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế mà còn đặc biệt chú trọng đến văn hóa, đến bản sắc. Trong lĩnh vực giáo dục âm nhạc cũng có thể xem Nhật Bản là cường quốc. Với quan niệm “học cái của mình cũng quan trọng như học cái của người ngoài” và “thật là thiếu công bằng khi người dân Nhật Bản không được tìm hiểu văn hóa riêng của mình, trong đất nước của mình” (ý nói không chỉ học các văn hóa đỉnh cao của phương tây). Người ta đã đấu tranh để đưa giáo dục âm nhạc dân tộc vào trong trường học có hiệu quả. Chính vì thế, bắt đầu từ năm 2002, việc dạy nhạc cụ truyền thống đã được chú trọng đặc biệt ở các trường công. Môn âm nhạc trong chương trình giáo dục phổ thông thực hiện từ năm 1872. Ở trường tiểu học Nhật Bản, qui định 2 tiết/tuần cho mỗi lớp, học nhạc được duy trì từ mẫu giáo cho đến hết cấp học phổ thông.

Phương pháp dạy âm nhạc được gắn với tên tuổi của nhà sư phạm, nhạc sĩ nổi tiếng Schinichu Suzuki (1898-1998).

Những tư tưởng chủ yếu của phương pháp Suzuki là: trẻ em phải được tiếp cận với âm nhạc từ khi ra đời (giống như quan điểm của Khổng Tử về “thai giáo” và của Kodaly). Đồng thời ông hết sức chú trọng cho trẻ em làm quen với các kiểu tiết tấu qua các nhạc cụ gõ đơn giản. Vốn là một nghệ sĩ chơi đàn violon, ông đặc biệt khuyên các phụ huynh nếu có điều kiện nên cho trẻ học đàn violon từ nhỏ ngay ở tuổi mầm non. Có thể vì lẽ đó mà đã có lúc người ta thấy ở Nhật, trong một cuộc biểu diễn violon có tới 5000 trẻ em tham gia. Phương pháp Suzuki đã phát triển sang cả Hoa Kỳ trong những năm cuối thế kỷ XX. Triết lý đằng sau phương pháp Suzuki nảy sinh khi ông sống ở Đức và quan sát trẻ em học tiếng mẹ đẻ. Trẻ em học được tiếng mẹ đẻ (tiếng Nhật), và học được cả tiếng Đức khi sống ở Đức một cách dễ dàng, thì âm nhạc cũng có thể phát triển khi có một môi trường tốt cho nó. Trẻ em có khả năng nói thành thạo tiếng mẹ đẻ thì cũng có thể học một nhạc cụ. Phẩm chất tạo ra cho nó đó là sự cân bằng, lòng tự tin, việc làm chủ bản thân và các đức tính khác ngay từ khi còn nhỏ.

* Giáo dục âm nhạc ở Pháp

Nền văn hóa Pháp đã đạt được nhiều thành tựu mà thế giới phải trân trọng suốt nhiều thế kỷ qua. Riêng về lĩnh vực giáo dục âm nhạc, họ cũng đã rất chú ý từ lâu đời. Các trường học của họ đều day âm nhạc, từ nhà trẻ, mẫu giáo đến hết trung học phổ thông và cả các trường đại học. Trong các phân ban ở cấp THPT, ở Pháp có cả “tú tài toán, tú tài văn chương, và tú tài âm nhạc” ở những năm 60 của thế kỷ trước. Cho đến nay, giáo dục âm nhạc ở Pháp vẫn là một nước có sự phát triển đáng kính nể. Ở ba cấp học, âm nhạc đều được dạy. Riêng tiểu học có 4 tiết/tuần (trong đó 2 tiết giảng dạy và 2 tiết hoạt động). Với quan điểm rất tiến bộ, giống như ở Hungarie, các nhà giáo dục Pháp cho rằng: “Âm nhạc không chỉ dành cho mốt số tinh hoa được ưu đãi, mà mọi trẻ em đều  cần phải được giúp đỡ vươn tới cái đẹp”. Ngay các trường đại học cũng rất lưu ý tới giáo dục nghệ thuật, thông qua các hoạt động đa dạng để tạo một thị hiếu thẩm mỹ tốt cho mọi sinh viên. Những nhà sư phạm âm nhạc như Robert Planel, Madelein de la Rose, đặc biệt Maurice Martenot đã có những ảnh hưởng rộng lớn tới giáo dục âm nhạc tại Pháp. Chương trình và sách giáo khoa âm nhạc được biên soạn cách đây hàng thế kỷ luôn có những cải tiến cho phù hợp với các giai đoạn lịch sử, nhưng cốt lõi vẫn gồm ba nội dung chính là: hát, nghe nhạc và bình luận, đọc nhạc đơn giản. Ý tưởng xuyên suốt là phát triển các khả năng nghe, sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng, cảm thụ và cảm xúc, điều mà chúng ta vẫn gọi là giáo dục văn hóa âm nhạc cho hàng vạn trẻ em. Bộ giáo dục Pháp có thanh tra âm nhạc cho các vùng, các địa phương... (cuốn sách mà tôi nói tới ở đầu bài viết này là của các vị thanh tra các trường học ở vùng Seine, Cộng hòa Pháp).

* Giáo dục âm nhạc ở Đức

Cũng như nhiều nước châu Âu, Đức là một quốc gia hùng mạnh có nhiều thành tựu vang dội, nhiều tên tuổi các văn nghệ sĩ lớn mà cả thế giới biết tới và ngưỡng mộ. Về văn học như Goethe, Schiller, Heinrich Heine... Âm nhạc có J.S Bach, Beethoven... Lĩnh vực giáo dục âm nhạc gắn với tên tuổi nhà sư phạm, nhạc sĩ Kart Orff, người đề xướng một phương pháp nổi tiếng không những có ảnh hưởng ở Đức mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, trong đó có Mỹ. Những nội dung cơ bản được đề cập trong phương pháp Orff, đó là nghe nhạc kết hợp vận động, trò chơi âm nhạc, chuyển động theo tiết tấu, kết hợp múa dân gian, sáng tạo theo nhịp điệu, làm quen với nhạc cụ gõ, âm nhạc hợp xướng sử dụng công nghệ cao và các chủ đề khác... Một số nước như Phần Lan, Séc, Senegan đã thành lập Hiệp hội Orff để nghiên cứu và truyền bá phương pháp này.

Dạy âm nhạc trong các trường phổ thông ở Đức là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Trẻ cũng được tiếp xúc với các nốt nhạc qua các bài tập đơn giản nhưng tên nốt không gọi là Đô, Rê, Mi mà đọc với tên gọi: Ja-le-Mi-Ni-Rô-Zu-Wa (tương ứng với Do-Re-Mi- Fa-Sol-La-Si). Đặc biệt giáo viên âm nhạc của Đức được đào tạo với trình độ âm nhạc cao, chuyên môn giỏi và nắm rất vững về phương pháp (trường hợp cô Nguyễn Minh Cầm - con gái nhạc sĩ Huy Du và PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, sau khi tốt nghiệp chuyên khoa Piano 16 năm, dự lớp tập huấn về phương pháp sư phạm mới được nhận làm giáo viên âm nhạc một trường tiểu học ở Đức).

Không có điều kiện để giới thiệu ở nhiều nước khác mà chúng tôi đã nghiên cứu, chỉ xin dẫn ra thêm vài trường hợp về những quan niệm  và thành tựu của họ để ta cùng tham khảo:

Ví dụ: tại Quebec (Canada) khẳng định vị trí của âm nhạc trong cải cách giáo dục năm 2000 với nhận thức rằng: dạy nhạc ở trường tiểu học là mục đích tự thân như là kết quả trong chính nó, đảm bảo sự sống còn của nhạc giao hưởng ở Quebec nóí riêng và thế giới nói chung. Tại Montreal, giảng dạy nghệ thuật  được tích hợp với các môn học khác như văn học, toán học, lịch sử, địa lý, thể dục, mỹ thuật... Và họ cho là: “Trong một thế giới bị phân mảnh, xô bồ, bị mất cảm giác như hiện nay, giáo dục nghệ thuật có thể giúp cho thanh thiếu niên khôi phục lại những cảm giác đúng đắn về thế giới...”.

Các nước như Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Singapore, Thái Lan... mỗi nước có một cách đi và cách làm khác nhau nhưng mọi thành tựu mà giáo dục âm nhạc đã đem lại ở mỗi nước đó đã xác nhận rằng vai trò của âm nhạc không thể thiếu trong trường học. Một cuộc biểu diễn đàn violon của học sinh Nhật Bản có tới 5000 học sinh tham gia, một buổi trình diễn ở Thái Lan có tới 3000 trẻ em chơi kèn melodion, những dàn hợp xướng trẻ em đi biểu diễn xuyên quốc gia như của Mỹ, Đức, Hungarie, Thụy sĩ, Pháp là niềm mơ ước trong tương lai kết quả giáo dục âm nhạc ở Việt nam.  

2. Nhìn người lại nghĩ đến ta

Chúng tôi vừa điểm qua một loạt các nước, trở lại vấn đề giáo dục âm nhạc ở Việt Nam thì như thế nào?

Phải xác nhận những gì ta đã làm được, đó là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục âm nhạc Việt Nam, từ năm 2002 đã có một bộ sách giáo khoa Âm nhạc, từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở, được biên soạn một cách công phu, có nhiều ưu điểm đáng kể. Phải khẳng định rằng, từ lúc bắt đầu chỉ như một đốm lửa nhỏ leo lét với dăm ba chục giáo viên dạy âm nhạc trong các trường học, tới nay chúng ta đã đào tạo được một đội ngũ giáo viên đông đảo tới hàng vạn người đang giảng dạy tại các trường tiểu học và trung học cơ sở khắp cả nước, đại đa số có trình độ cao đẳng trở lên. Phải tự hào rằng, từ chỗ trang thiết bị cho âm nhạc lèo tèo, èo uột, dăm ba nhạc cụ cũ nát, không dây, mối mọt... chúng ta đã có hàng vạn chiếc đàn phím điện tử cho hầu hết các trường, rồi máy chiếu, màn hình, sử dụng các phương tiện điện tử hiện đại phục vụ cho giảng dạy, nhiều nơi còn bố trí phòng học nhạc riêng... Rồi cải tiến giảng dạy liên tục, tập huấn giáo viên, áp dụng các phương pháp mới, hội diễn học sinh các cấp hàng năm hoặc hai năm một lần, liên hoan đàn piano kỹ thuật số, hát dân ca, thi giáo viên dạy giỏi và nhiều hoạt động khác.

Thật đáng phấn khởi, nhưng chẳng lẽ không còn vấn đề gì phải bàn hay sao? Xin thưa, thực trạng còn đó không ít vấn đề và cả những bức xúc cần tìm cách tháo gỡ càng sớm càng tốt.

3. Vài ý kiến đóng góp, đề xuẩt

Xin góp ý về hệ thống: hiện nay, giáo dục âm nhạc ở các trường trung học Hphổ thông chưa được đưa vào chương trình, có thể xem đó là một món nợ với thế hệ trẻ. Mới đây, được biết chương trình âm nhạc cho trường trung học phổ thông vừa được biên soạn năm 2018 đã có môn âm nhạc (là môn học tự chjn). Tuy nhiên việc thực hiện như thế nào còn chờ ở tương lai.

Còn đó, vấn đề đào tạo giáo viên một cách ồ ạt, ít chú ý chất lượng dẫn đến khả năng âm nhạc của không ít giáo viên còn hạn chế, giảng dạy qua loa, đại khái, thậm chí bị phụ huynh học sinh kêu ca than phiền bởi sự khô khan, cứng nhắc trong giờ học âm nhạc, đáng lẽ ra giờ học đó phải mang lại sự thoải mái, hứng thú cho các em.

Còn đó, vấn đề nặng nề trong chương trình, sách giáo khoa, cái gì còn trùng lặp, khô cứng cần phải cân nhắc kỹ để tinh giản một cách hợp lý, khoa học.

Phải chăng, cần tăng cường cho học sinh nghe nhiều tác phẩm âm nhạc hơn, kể cả nhạc không lời. Kết hợp âm nhạc với vận động một cách sáng tạo, để cố gắng đạt tới cái đích của trường học phổ thông là giáo dục văn hóa âm nhạc.

Một vấn đề đặc biệt quan trọng là sự nhận thức của các cấp quản lý đối với việc giáo dục âm nhạc. Đã có một số chuyển biến về nhận thức của họ khi dự giờ, khi chỉ đạo thực hiên, họ đã thừa nhận những kết quả mà môn âm nhạc đem lại trong giáo dục toàn diện, nhưng vẫn còn đó những quan niệm hết sức hời hợt, thô thiển, coi nhẹ, xem thường, nhìn nhận phiến diện ý nghĩa, tác dụng to lớn của môn học, xem như có cũng được, không có cũng chẳng sao. Thật đáng buồn, nếu như họ đọc và ngẫm nghĩ lời của Xukhomlinsky, một nhà giáo dục kiệt xuất của Nga và của thế giới, khi ông nói: “Trẻ em của chúng ta nếu không được tiếp xúc với âm nhạc và nghe chuyện cổ tích thì chúng chẳng khác gì những bông hoa khô héo”. Và lời phát biểu một cách hình ảnh của giáo sư Theodore Stathepoulos (Canada) trong một hội nghị quốc tế: “Âm nhạc trong trường học không chỉ là cung cấp một thực đơn tráng miệng, mà đó là thành phần trong món ăn chính cần thiết, nếu không có nó sẽ không đầy đủ”.

Theo tôi, vấn đề giáo dục âm nhạc có được thành công ít hay nhiều phụ thuộc phần lớn ở các nhà quản lý. Không thể bước lùi mà phải từ những việc đã làm được mà đi lên, Một quyết định sai lầm của người lãnh đạo có thể đảy lùi một xã hội, một phong trào, một công cuộc, có khi giống như một thảm họa. Không đến nỗi như vậy, nhưng nếu như quyết định sai trong  một chủ trương giáo dục (hiện nay có một vấn đề thời sự: âm nhạc là môn học hay là một hoạt động giáo dục ở trường tiểu học, điều đó chưa có một lời giải đáp thấu đáo), có thể sẽ có những điều đáng tiếc, hậu quả không nhỏ. Việc này cũng đề nghị cần phải xem xét kỹ từ rất nhiều góc độ, chứ không thể quyết định một cách vội vã (trong xã hội ta đã có rất nhiều bài học về những quyết định vội vàng, mà cuối cùng chẳng ai gánh chịu, thiệt thòi là người dân, trong đó có trẻ em).

Là một người đã có trên 50 năm theo đuổi sự nghiệp này, cho phép tôi được bày tỏ nhưng điều tâm huyết mà trong quá trình thực hiện công việc đã tích lũy được. Qua đó, mong đóng góp một tiếng nói cụ thể, thiết thực vào sự nghiệp đổi mới giáo dục của nước ta.

H.L (HNS)

Nhận xét