Âm nhạc trong phim: Cuộc hôn phối bất khả tử

Vào năm 1926 khi Warner Bros sáng chế ra kiểu nhạc trong phim một cách sơ khai nhất. Nhưng chỉ hơn một thập niên sau, năm 1940, nhạc phim (tính cả nhạc nền, nhạc dạo đầu hay ca khúc trong phim) đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong một tác phẩm điện ảnh, như thể trở thành một cuộc đời thứ hai song hành cùng cốt truyện, thậm chí còn quyết định sự thành bại của một bộ phim.


Cuộc hôn phối ngọt ngào…

Hans Zimmer vốn chỉ là một chú bé con trước khi trở thành người khổng lồ của giới sáng tác nhạc phim. Năm 12 tuổi, khi lần đầu tiên được nghe nhạc nền bộ Once Upon a Time in the West của Ennio Morricone thì ông đã thấy được con đường của mình. “Tôi thật sự không nhớ mình đã mong muốn trở thành ai khi còn bé nhưng khi xem bộ phim ấy và bị những giai điệu của Morricone xâm chiếm thì tôi biết cuộc đời mình đã tìm thấy ánh sáng, ánh sáng hắt ra từ màn bạc với những giai điệu xâm chiếm lấy tâm trạng”

Hans Zimmer, tác giả nhạc nền của không dưới 100 bộ phim

Đạo diễn trứ danh Alfred Hitchcock bảo rằng: nếu không có âm nhạc thì tính kinh dị trong những tác phẩm điện ảnh của ông gần như vô nghĩa. Và ông nhấn mạnh rằng đạo diễn và nhạc sĩ phải là một ê-kíp ăn khớp nhau, cho nên rất nhiều bộ phim của Hitchcok chỉ thấy lấp lánh mỗi cái tên của người làm ra nhạc phim, Bernard Herman. William Wyler, đạo diễn của phim huyền thoại Ben-Hur khẳng định âm nhạc trong phim quyết định sự thành bại của một bộ phim.


Nhạc phim Ben-Hur được viết bởi nhạc sĩ Miklós Rózsa và ông đã mất rất nhiều tháng để nghiên cứu kịch bản và sáng tác. Rózsa đã tiến hành nghiên cứu âm nhạc Hy Lạp và La Mã đương thời để mang lại cho nhạc phim của mình một âm thanh cổ xưa trong khi vẫn là âm nhạc hiện đại. Ông cũng tự mình chỉ huy dàn nhạc giao hưởng 100 người của hãng MGM trong 12 buổi thu âm để làm sao phải đẩy được tính hùng vĩ của nó nhằm đánh thẳng vào lòng người xem một cảm giác bị choáng ngợp.


Zimmer cho rằng điều quan trọng là người sáng tác phải đồng cảm với đạo diễn, biết ông ta cần gì, mong gì, điểm nhấn chỗ nào để từ đó khai thác. “Bạn đừng nghĩ rằng tôi phải trở thành Hans Zimmer hay John Williams hay Ennio Morricane. Bạn phải trở thành chính bạn và biết sử dụng âm nhạc của mình cho từng cử chỉ của bộ phim. Tôi tin chắc rằng nếu ngôn ngữ âm nhạc của bạn mà ý nghĩa thì lời thoại trong phim sẽ ngắn hẳn đi”.


Mọi biên giới sáng tạo đều là tương đối; âm nhạc và điện ảnh luôn tỏ ra sẵn sàng cho những thách thức và chinh phục mới. Nhạc nền – một ngành công nghiệp đang vận hành với sự chuẩn hóa, chuyên nghiệp ngày càng rõ nét nhưng vẫn không đánh mất tính hấp dẫn, màu mỡ trong sáng tạo đang và sẽ được nhắc đến như một chất xúc tác không thể thiếu và đang ngày một thăng hoa.

B.L (HNS)

Nhận xét