Chuyển nhạc Trịnh sang tiếng Pháp, lại còn phối theo lối jazz, đó là một quyết định mạo hiểm của Đồng Lan.
Trước đó, chỉ thử nghiệm chút với nhạc Trịnh như Lệ Quyên đã khiến công chúng nhíu mày, đến như diva Thanh Lam còn có người chê "phá phách" nhạc Trịnh.
Mặc dù thế, khi nghe Đồng Lan ôm cây guitar hát Để gió cuốn đi trong đêm nhạc tưởng nhớ 18 năm ngày tiễn biệt Trịnh trên đường sách Nguyễn Văn Bình (chiều tối 1-4), hay khi nghe cô hát Này em có nhớ ở sân vận động Hoa Lư (đêm 30-3), người ta tin rằng nếu Trịnh còn sống, ông cũng sẽ vui lòng.
Ca sĩ Đồng Lan hát nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp trong đêm nhạc Gọi tên bốn mùa tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: GIA TIẾN
Sinh thời, nhạc sĩ cũng mến yêu Paris, mến yêu nước Pháp. "Paris/ phố xưa bệnh hoạn/ tường xám/ ta đi/ lặng lẽ bên đường/ Hàng cây platane xanh/ muộn màng/ trí nhớ".
Paris trong mắt Trịnh đẹp và buồn đến thế. Mà cái tứ "một đêm bước chân về gác nhỏ, chợt nhớ đóa hoa tường vi" cũng được ông viết nên từ ký ức mộng mơ về những đêm Paris tím trời.
Và Đồng Lan hát, với giọng ca lồng lộng gió, với tiếng Pháp - thứ ngôn ngữ của tình yêu, với màu jazz gợi nhớ tới Liane Folys, thực sự đồng điệu với thân phận của Trịnh Công Sơn, một thân phận cao quý bay vút lên giữa cuộc luân hồi, và với trái tim ông, trái tim chan chứa tình yêu dành cho người và cho đời.
Đồng Lan
Nhưng việc chuyển soạn nhạc Trịnh sang tiếng Pháp của Đồng Lan không chỉ là một thử nghiệm nghệ thuật phá cách. Hơn thế nữa, nó cũng là một trong những bước đi chuyên nghiệp để đưa nhạc Trịnh tới gần hơn với công chúng ngoại quốc.
Xuất khẩu âm nhạc không phải hiện tượng đơn lẻ trên thế giới. Dù ngày nay, thế giới đã phẳng hơn, thế thống trị của một số ngôn ngữ - chẳng hạn như tiếng Anh - trong âm nhạc đã không còn vững chắc.
Một ca khúc bằng tiếng Hàn Quốc hay tiếng Tây Ban Nha cũng có thể dậy sóng dù người nghe không hiểu hết ca từ. Song, một tác phẩm nghệ thuật khi dùng một ngôn ngữ đại chúng thì ít nhiều vẫn sẽ có lợi thế trong việc tiếp cận khán giả.
Chiến lược ca hát đa ngôn ngữ vì vậy không bao giờ là cũ.
Ngày trước, khi Trương Quốc Vinh bước sang thị trường Nhật Bản, anh cũng cho ra đời song song cả album tiếng Quảng và album tiếng Nhật.
Ngay cả Đặng Lệ Quân cũng hát những bản hit của mình bằng tiếng Nhật để chiều lòng công chúng, như Thả mình trôi theo thời gian là một điển hình. Còn Ánh trăng nói hộ lòng tôi của bà thì được người hâm mộ đời sau trên khắp thế giới dịch sang đủ phiên bản tiếng Anh, Hàn, Ý, Đức, Tây Ban Nha...
Tên tuổi Đặng Lệ Quân bởi vậy cũng không chỉ bó hẹp trong cộng đồng Hoa ngữ. Nhiều nghệ sĩ châu Á ngày nay, nhất là các nghệ sĩ Hàn Quốc, đều học tập Trương và Đặng.
Dòng sông nhạc Trịnh giờ đây đã băng thêm những nẻo đường. Tuy nói rằng âm nhạc có khả năng vượt qua mọi rào cản về ngôn từ, nhưng nếu âm nhạc đa ngôn thì đời sống của nó lại càng rộng dài hơn.
Có những ca khúc mà bản phiên âm, theo thời gian, lại được biết tới nhiều hơn cả bản gốc. Như Autumn Leaves được biết bao danh ca ghi âm, thật ra bắt nguồn từ Les feuilles mortes của Jacques Prévert.
Như Take me to your heart của Michael Learns To Rock, không phải ai cũng biết vốn dĩ gốc gác nó là Nụ hôn biệt ly - ca khúc tiếng Quảng cũng thuộc hàng kinh điển do Trương Học Hữu biên soạn.
H.T (TTO)
Nhận xét
Đăng nhận xét