Âm nhạc không biên giới nhưng giờ đây, với Brexit, những đường biên đã hiện hữu giữa các nghệ sỹ Anh và phần còn lại của thế giới.
Nghệ sỹ Anh gốc Đức Simon Wallfisch xuống đường đòi quyền tự do di chuyển cho các nghệ sỹ sau Brexit. Nguồn: Adrian Dennis/AFP/Getty Images
Đôi khi ngay cả những điều nhỏ nhặt cũng khiến bạn nhận ra mức độ hỗn loạn mà Brexit sẽ gây ra. Hội nghị âm nhạc heavy metal thế giới diễn ra tại London vào tháng 3/2019 đã chứng kiến điều đó. Vicky Hungerford, người tiếp nhận đăng ký đặt chỗ Liên hoan Bloodstock thường niên, nhắc đến các cuộc gọi mà cô đã nhận được từ các ban nhạc từ bên ngoài Anh, họ hỏi lên sân khấu vào khung giờ muộn hơn không? Họ lo lắng những hàng người chờ đợi dài dằng dặc tại các hải cảng, sân bay để được nhập cảnh vào Anh và sợ không thể tới nơi diễn kịp giờ.
Rất may, những sắp đặt quá cảnh hiện tại được giữ nguyên cho đến cuối năm 2020, chờ việc chốt lịch khởi hành rời EU của Anh được đàm phán vào tháng 11 tới. Nhưng không ai biết rút cục kết quả đàm phán sẽ như thế nào để có thể chuẩn bị ứng phó.
Ngành công nghiệp âm nhạc “nếm đòn”
Tình trạng không chắc chắn đã bắt đầu ảnh hưởng đến các bộ phận của ngành công nghiệp âm nhạc Anh với các sản phẩm là đĩa CD và vinyl chủ yếu được phát hành ở châu Âu. Jon Tolley của hãng Banquet Records ở khu vực sông Thames (một hãng thu âm của Anh), người từng tham gia những cuộc thảo luận về Brexit giữa Hiệp hội các nhà bán lẻ sản phẩm giải trí và các hãng thu âm, kể: “Tôi có thể mất nhiều thời gian để thông quan, nếu muốn nhận được các bản thu âm từ Mỹ. Và nếu điều đó xảy ra với mọi bản thu âm nhập khẩu thì không biết là chúng tôi sẽ phải xoay xở thế nào.”
Warner Music – một công ty thu âm Mỹ hàng đầu thế giới và có kho hàng lớn đặt tại Pháp, cho biết một số cửa hiệu Anh đã đặt hàng trước sáng ngày 25/3/2019 để chắc chắn nhận được các bản phát hành của hãng vào ngày 12 và 19/4/2019. Với các cửa hiệu, điều đáng sợ là họ còn lâu mới lọt vào danh sách ưu tiên hàng đầu của hãng đĩa. Tolley nói: “Họ sẽ không thay đổi mô hình kinh doanh vì lợi ích của chúng tôi. Warner sẽ không chuyển kho hàng của họ khỏi Pháp vì chúng tôi. Tôi cho rằng ở thời điểm hiện nay, nhiều cửa hiệu không nhận thức được điều này có thể gây thiệt hại cho họ như thế nào. Nói chung, họ không đủ tầm để nghĩ đến chuyện sẽ diễn ra vào năm năm sau”.
Để ứng phó với tình hình, các chiến dịch phát hành sẽ phải được kéo dài để nhập kho hàng ở các cửa hiệu kịp ngày phát hành. Cùng với những vấn đề khác như chi phí sản xuất của các hãng Anh đã tăng lên do đồng bảng giảm giá, chi phí thuế và hải quan tăng trong khi tỉ lệ lợi nhuận bán lẻ trên đĩa CD vốn đã thấp, một hiệu ứng dây chuyền tiêu cực có thể xảy ra, dẫn đến kết quả là các sản phẩm âm nhạc sẽ trở nên đắt đỏ hơn.
Dù vậy, ảnh hưởng lớn nhất của Brexit đối với âm nhạc lại nằm ở lĩnh vực biểu diễn, và người bị thiệt hại gồm cả các nghệ sĩ Anh ra nước ngoài lẫn các nghệ sĩ và người hâm mộ nước ngoài đến Anh. Hãy xem xét hệ thống hải quan, ngoài chi phí tạm nhập tái xuất hiện hành, nó còn đòi nghệ sỹ phải liệt kê mọi thứ mình mang vào một quốc gia, bao gồm từng sợi dây đàn guitar, từng chiếc dùi trống, từng sợi dây cáp, từng chiếc áo phông, từng chiếc nút cài. Tất cả phải được nhân viên hải quan kiểm tra trên đường nhập cảnh và sau đó việc tương tự cũng diễn ra trên đường xuất cảnh. Đó không chỉ là tiền bạc mà còn là thời gian – vốn rất hạn hẹp trong các chuyến lưu diễn, và trở thành một loại “chi phí” cần phải tính đến. John Smith, nghệ sĩ guitar kiêm nhạc sỹ có một nửa thu nhập từ việc chơi nhạc quanh châu Âu, cho biết: “Hiện tại chúng tôi được hưởng tự do di chuyển với va li và đàn guitar mà không gặp cản trở mấy. Nếu mất đi quyền này, chúng tôi sẽ phải chịu các thủ tục kiểm tra ở biên giới, điền biểu mẫu tạm nhập tái xuất, xin giấy phép làm việc và trải qua các biện pháp tăng cường an ninh... Tôi đã phải làm tất cả những thủ tục này ngoài châu Âu, đặc biệt là khi lưu diễn ở Bắc Mỹ. Thật tốn kém và mất thời gian! Tất cả những giờ chờ đợi thêm ở sân bay hay việc nhận phải chiếc hộp đàn guitar rỗng bên lề biên giới là điều tôi không muốn chút nào.”
Để giảm thiểu ảnh hưởng, ngành công nghiệp âm nhạc Anh đã kêu gọi phải có loại thị thực đặc biệt dành cho các nghệ sĩ nhưng không có phản hồi nào từ chính phủ, cho dù họ mang lại hàng tỉ bảng cho nền kinh tế và mới năm ngoái, chính phủ còn tự hào, các ngành công nghiệp sáng tạo gặt hái được 101,5 tỉ bảng.
Anh đang đối mặt với một cơn bão khủng hoảng âm nhạc. Không chỉ Brexit mà cả việc doanh thu từ nhạc thu âm sụt giảm, việc các điểm diễn nhỏ lẻ tiếp tục đóng cửa và việc mất đi các chương trình giáo dục âm nhạc trong trường học. UK Music, nhóm vận động hành lang cho các ngành công nghiệp âm nhạc trực tiếp và thu âm, ước tính rằng năm 2017, Anh đã thu hút được 810.000 khách du lịch tới dự các sự kiện âm nhạc. Khi phải đối mặt với việc đi lại và nhập cảnh khó khăn hơn, có khả năng con số đó sẽ giảm xuống. Thế nhưng đó mới chỉ là con số tối thiểu. Matthew Herbert, chủ dự án Brexit Big Band vừa mới phát hành album The State Between Us, nói: “Tôi đã không ký bất kỳ hợp đồng biểu diễn nào ở châu Âu trong vài tháng tới vì không biết điều gì sẽ xảy ra. Thay vào đó, tôi sẽ đến Mỹ và tới Nhật Bản.” Anh cho rằng, những người nhân danh bản sắc Anh để thúc đẩy Brexit đến cùng có thể hiểu được những gì họ đang làm. “Các ngành công nghiệp sáng tạo bị coi là thứ xa xỉ mà đâu phải vậy. Chúng là trung tâm của bản sắc Anh và nền kinh tế Anh. Chúng ta không được trao một tương lai tươi sáng nào.”
Âm nhạc cổ điển không được “miễn trừ”
Ở lĩnh vực âm nhạc cổ điển, mọi thứ còn tuyệt vọng hơn. Vào tháng 12/2018, Hiệp hội Các dàn nhạc Anh đã công bố một nghiên cứu chi tiết, trong đó nêu có bao nhiêu dàn nhạc phụ thuộc vào việc lưu diễn quốc tế và vô số lợi ích từ các nghệ sỹ châu Âu. Các nhà hát opera sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Wasfi Kani – người điều hành Grange Park Opera ở Surrey, nói, “nếu một nghệ sỹ terno Ý hát ‘Un ballo in Maschera’ đột nhiên bị ốm, bạn phải cần một người thay thế, tình thế sẽ trở nên căng thẳng”. Từ lâu, Grange Park Opera “hết sức phụ thuộc vào các nghệ sỹ châu Âu” và các dàn dựng trên sân khấu Anh trở nên hấp dẫn vì có sự tham gia của các ngôi sao quốc tế. Tháng 4/2018, nhạc trưởng người Estonia Paavo Järvi đã đề cập với Classic FM về trường hợp dàn nhạc Deutsche Kammerphilharmonie Bremen mà ông dẫn dắt: “có nghệ sĩ bè trưởng bè clarinet là người Anh nên sau Brexit, anh ấy có thể không làm việc trong dàn nhạc chúng tôi như trước được nữa”.
Các nhạc trưởng kiêm nghệ sỹ piano Vladimir Ashkenazy và Daniel Barenboim đều nghi ngờ về tương lai. Bản thân Paavo Järvi thì dự đoán: “Nói chung, Brexit sẽ không khiến cuộc sống của các nghệ sĩ Anh dễ dàng hơn chút nào, ngược lại, nó sẽ cô lập rất nhiều người trong số họ và tạo ra các rào cản hậu cần và tài chính.” Còn Helen Wallace, giám đốc chương trình của Kings Place ở London, thì so sánh: “Hiện tại, một nghệ sĩ piano người Pháp có thể di chuyển bằng Eurostar - dịch vụ đường sắt nối London với nhiều thành phố châu Âu, đến St Pancras, bước lên sân khấu tại Kings Place và biểu diễn mà không phải trả phí thị thực hay chịu đựng một hệ thống hành chính quan liêu. Nhưng trong tương lai, nếu các nghệ sĩ châu Âu bắt đầu cần thị thực và những giấy phép khác – chẳng hạn như giấy chứng nhận tài trợ.., v.v. – thì chi phí cho thời gian chờ đợi hành chính, ngoài các khoản phí bổ sung thì việc mời họ sẽ khó khăn hơn. Với các nhóm nhạc và các dàn nhạc, chi phí đều phải nhân lên từ 50 đến 100 lần. Phải có ‘ai đó’ thanh toán hóa đơn phát sinh chứ.”
Nhưng vẫn còn vô số những lo ngại khác: số phận của hàng trăm sinh viên từ các quốc gia châu Âu ở những trường âm nhạc Anh, các khoản đầu tư cho âm nhạc từ châu Âu… Trả lời phỏng vấn của The Guardian tại Southbank Centre, nơi gần trụ sở của Dàn nhạc Trẻ châu Âu, Marshall Marcus - giám đốc điều hành dàn nhạc, cho rằng có thể họ sẽ phải rời London tới Ferrara, Ý. “Chúng tôi đang ở giai đoạn chuyển tiếp nhưng sau năm 2020, chúng tôi sẽ phải thay đổi. Không thể đề nghị châu Âu cấp kinh phí cho dàn nhạc trong khi bản thân dàn nhạc lại không ở trên bất cứ quốc gia châu Âu nào,” ông chỉ ra bản chất của vấn đề.
Mặt khác, những người phụ trách đăng ký đặt chỗ bắt đầu cho biết, các nghệ sĩ bắt đầu yêu cầu thanh toán bằng đồng euro, khiến cho việc đặt chỗ trong phòng hòa nhạc trở nên đắt đỏ hơn khi đồng bảng Anh giảm giá. John Summers, giám đốc điều hành dàn nhạc Hallé, nói rằng, việc chấm dứt tự do di chuyển “sẽ có ảnh hưởng lớn lên đời sống dàn nhạc của Vương quốc Anh.” Các dàn nhạc ở Anh đã trả ít hơn so với các đối tác châu Âu vốn là các tổ chức có nhiều khả năng được trợ cấp hơn; ông cho rằng sự chênh lệch đó sẽ càng tăng thêm do chi phí tới Anh để học tập trong một nhạc viện. Ông cảnh báo về một sự sụt giảm nghiêm trọng số nghệ sĩ tới Anh học tập nghiên cứu và cho biết lý do không chỉ là kinh tế. “Một số người nói với tôi rằng đơn giản là họ cảm thấy không còn được hoan nghênh ở đất nước này.”
Khi được hỏi về tác động của Brexit, Ruth Gibson – một nghệ sỹ viola người Ireland đang sống ở London, đảo mắt: “Một cách thành thật, tôi đang cố gắng không nghĩ về nó nữa”. Thay vì nói về nỗi lo lắng của mình, chị đề cập đến chương trình biểu diễn buổi tối mà mình tham gia: bản giao hưởng số 40 của Mozart – tác phẩm của một nhà soạn nhạc Áo do một dàn nhạc có trụ sở ở London với các nhạc công từ khắp châu Âu biểu diễn. “Âm nhạc không có biên giới, đây là điều chính yếu phải không?”, Gibson nói.
Vào tháng 10/1018, một nhóm các nghệ sĩ giàu ảnh hưởng bao gồm các nhạc trưởng Simon Rattle và John Eliot Gardiner, các ngôi sao nhạc pop Rita Ora và Ed Sheeran đã viết một bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Anh Theresa May. Bức thư có đoạn: “Chúng ta có ảnh hưởng lớn đến thị trường và các ban nhạc, các ca sĩ, các nhạc sĩ, các tác giả, các nhà sản xuất cùng các kỹ sư của chúng ta làm việc trên khắp châu Âu và thế giới. Đổi lại, châu Âu và thế giới đến với chúng ta. Nhưng Brexit đe dọa tiếng nói có ảnh hưởng lớn lao đến văn hóa toàn cầu này. Chúng ta sắp phạm phải một sai lầm rất nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp âm nhạc và số lượng lớn những nghệ sỹ xuất sắc còn chưa được biết đến của chúng ta.”
N.A (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét