Ngày trước, áp lực lớn nhất của các nhà làm phim khi thực hiện một tác phẩm cổ trang xoay quanh chuyện kinh phí và dư luận. Giờ đây, khi tiền bạc không còn là vấn đề đáng kể, áp lực dư luận vẫn là nỗi lo.
Rất lâu rồi, điện ảnh Việt mới lại có một dự án cổ trang mang yếu tố lịch sử thu hút sự quan tâm của công chúng như Phượng khấu. Càng được chú ý, bộ phim chiếu trực tuyến này (dự kiến phát sóng tháng 1/2020) càng gặp nhiều ý kiến tranh luận như chuyện phần váy quây bên ngoài, che hạ thể của thái tử phi, không có xếp pli như diễn viên đang mặc; poster phim ghi bằng chữ Nôm mà không ghi bằng chữ Quốc ngữ viết dạng thư pháp; chọn diễn viên không phù hợp (trong phim, tuổi của nhân vật Nghi Thiên Chương hoàng hậu khoảng 30 tuổi, nhưng diễn viên Hồng Đào đã trên 50 tuổi).
Poster phim Phượng khấu ghi bằng chữ Nôm - chữ viết của thời đại mà phim đề cập, lại bị chỉ trích là lai căng.
Ngày trước, áp lực lớn nhất của các nhà làm phim khi thực hiện một tác phẩm cổ trang xoay quanh chuyện kinh phí và dư luận. Giờ đây, khi tiền bạc không còn là vấn đề đáng kể, áp lực dư luận vẫn là nỗi lo. Tranh luận, phản biện vốn là động lực cho sự phát triển, nhưng nếu những ý kiến, tranh cãi đó chỉ xuất phát từ tư duy cực đoan hay dựa trên hiểu biết chưa đầy đủ, thiếu chứng cứ thì không giúp ích gì cho tác phẩm, mà chỉ gây tâm lý hoang mang, khiến người làm phim càng thêm chán nản. Đáng lo hơn hết là những phản biện mang tính suy diễn như chuyện poster Phượng khấu viết bằng chữ Nôm - một kiểu ngôn ngữ tượng hình tương tự chữ Hán, bị “kết tội” là lai căng.
Có câu nói vui - “Không ai khổ bằng các nhà làm phim cổ”, vì nếu chỉ làm phim thương mại giải trí thì bị lên án thờ ơ với lịch sử, còn bắt tay vào làm thì phải hứng chịu những phản biện theo kiểu soi mói, bởi người ta vẫn có thói quen “căn” vào sử để soi chiếu những vấn đề trong phim.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ, một trong những lý do khiến Phượng khấu chỉ làm để chiếu trên mạng là vì thời lượng 90 phút chiếu rạp buộc phim phải có nhiều tình tiết hư cấu để hấp dẫn, mà điều này sẽ càng khiến phim dễ bị “ném đá”. Vậy mới thấy tình cảnh người làm phim cổ không khác gì đứng giữa hai làn đạn, mà đi về phía nào - làm hay không làm cũng đều bị “ngắm bắn”.
Nghệ sĩ Hồng Đào vào vai thái hậu Từ Dụ trong phim Phượng khấu
Khao khát, ganh tị khi nước bạn có nhiều phim sử trong khi dòng phim này ở Việt Nam vừa thiếu vừa yếu (dù lịch sử Việt Nam không thiếu nhân vật, câu chuyện hay) là tâm lý chung của những người yêu phim, yêu sử. Nhưng đi kèm với tâm lý đó lại là tư duy khắt khe đến thái quá với những sáng tạo nghệ thuật trong phim ảnh, làm thui chột tinh thần, triệt tiêu sức sáng tạo của người làm nghệ thuật.
Điện ảnh là nghệ thuật. Ta cần minh xác như thế, để cho phép mỗi bộ phim là một sáng tạo riêng, miễn nó không xuyên tạc lịch sử. Minh xác như thế để đón nhận phim bằng tâm thế cởi mở, để mong mai này ta có nhiều tác phẩm hơn, giúp kích thích dòng phim này phát triển.
H.N (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét