Ấn Độ có truyền thống văn hóa lâu đời, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo, tín ngưỡng. Người Ấn Độ nói chung có thiên hướng tâm linh, tôn giáo rõ rệt. Trong âm nhạc, riêng bộ phận nhạc hát có đến 95% thuộc thể loại tụng ca, còn ở Việt Nam có lẽ tỉ lệ ấy dành cho tình ca!
Nền văn minh Ấn Độ cổ đại đã sản sinh, đóng góp cho thế giới hai tôn lớn là Ấn Độ giáo (Hinduism) và Phật giáo, đồng thời cũng hun đúc nên một tôn giáo khá đặc biệt là Kỳ na giáo (Jainism). Trong đó, số lượng tín đồ Ấn Độ giáo chiếm khoảng trên 1 tỷ người, chỉ sau Cơ Đốc giáo và Hồi giáo. Ấn Độ giáo là một tín ngưỡng cổ xưa ở Ấn Độ, cùng với Phật giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Ấn Độ giáo bao gồm cả Bà la môn, Shaivism, Vaishnavism, Shaktism. Tính phức tạp của Ấn Độ giáo vượt xa nội hàm tôn giáo hạn hẹp, liên quan đến nhiều tộc người, ngôn ngữ, nền văn hóa, thể chế chính trị... Bởi vậy, có người từng đề xuất coi Ấn Độ giáo là nền văn minh, hiểu như một hệ thống phức tạp, bao gồm nhiều chủng loại ngôn ngữ, tộc người, dạng thức văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng… Trong Ấn Độ giáo, cơ cấu bộ ba gồm: Brahma, Shiva và Vishnu đã tạo nên một bộ khung tư tưởng cho các hiện tượng văn hóa biểu hiện. Con số 3 hẳn nhiên mang giá trị biểu trưng thiêng liêng, tượng trưng cho nhiều sự vật, hiện tượng. Bộ ba không chỉ biểu hiện qua các vị thần, thế giới quan, không gian, thời gian mà vượt lên trên còn là một kết cấu ổn định, bền vững.
Có thể thấy, Ấn Độ giáo thuộc tín ngưỡng đa thần, trong đó cơ cấu bộ ba gồm Brahma, Shiva và Vishnu, những vị thần quyền uy trong tín ngưỡng Hinduism (Ấn Độ giáo) đã phỏng chiếu lên các loại hình nghệ thuật, riêng lĩnh vực âm nhạc, từ ca, múa nhạc cho đến biên chế tổ chức, cơ cấu dàn nhạc, khúc thức… đều thể hiện rõ sự hiện hữu của cấu trúc này, như miền bắc Ấn Độ có đàn sitar, trống tabla, đàn tampura, miền nam có đàn sarangi, trống tabla và tampura. Nhạc khí chủ lực đóng vai trò lĩnh tấu, diễn tấu giai điệu có thể sử dụng các loại khác nhau, như sáo bansuri, đàn veena, kèn shehnai…
Trong âm nhạc Ấn Độ, mặc dù sự biến ảo của giai điệu, tiết tấu, điệu thức, âm tô điểm… diễn ra thường xuyên, song chúng dựa trên nền tảng của bộ ba: raga, tala và drone. Raga là điệu thức, bao gồm thang âm, hình thái giai điệu, các mô thức tô điểm, cách thức trang sức. Tála là tiết tấu và drone được dịch nghĩa là “âm trầm ngoan cố”. Trên thực tế, sự xuất hiện của drone trong tác phẩm âm nhạc không chỉ biểu hiện dưới dạng âm trầm mà có cả âm cao. Điểm mấu chốt của nó là luôn xuất hiện dưới dạng lặp lại, giống như âm nền trì tục. Qua đó cho thấy sự hiện hữu của cơ cấu bộ ba trong âm nhạc có liên quan đến Ấn Độ giáo. Drone chính là hiện thân của vị thần bảo hộ Vishnu. Sự có mặt thường xuyên của drone giúp cho tác phẩm duy trì thuộc tính ổn định, bảo đảm vững chắc bằng âm tựa, duy trì đặc điểm điệu thức, cũng như tạo nền hòa thanh quán xuyến từ đầu tới cuối. Bên cạnh đó, nhạc cụ lĩnh tấu, như đàn sitar, sáo bansuri hay đàn cung kéo sarangi, kèn Sheihna thay đổi giai điệu liên tục, thể hiện sức sáng tạo, biến hóa đa đoan. Chúng là hiện thân của vị thần sáng tạo Brahma. Qua cách thể hiện, các nhạc cụ này đem đến cho người nghe nhiều xúc cảm phong phú, đi từ trạng thái bình ổn đến ngỡ ngàng... Nghệ sĩ diễn tấu nhạc cụ lĩnh tấu đảm nhận vai trò trung tâm. Còn trống tabla sử dụng các âm hình tiết tấu đa dạng nhằm tạo nên cuộc xung đột, đối đầu với nhạc cụ lĩnh tấu. Tabla chính là hiện thân của thần Shiva hủy diệt. Tất cả cùng nhau tạo nên sự kết hợp kỳ diệu.
Sáng tạo – bảo hộ – hủy diệt như một sự sắp đặt tài tình nhằm duy trì sự vận hành của âm nhạc. Bộ ba quyền uy nhìn từ góc độ văn hóa đã đi ra từ tín ngưỡng Ấn Độ giáo. Sự kỳ diệu của nó đạt đến tính chất linh thiêng, biểu trưng cho sự hiện hữu của thần linh. Tính thiêng cũng là một thuộc tính không thể bỏ qua trong âm nhạc Ấn Độ. Dù hiện trường biểu diễn thuộc môi trường tôn giáo, tín ngưỡng hay sân khấu, nghệ sĩ vẫn để chân trần nhằm bày tỏ lòng thành kính đối với thần linh. Thông qua âm nhạc, họ thực hiện cuộc đối thoại xuyên không gian, thời gian.
Nhạc truyền thống Ấn Độ nói chung sử dụng phương thức ứng tác tại chỗ, hiểu là ngẫu hứng. Phương thức này phát huy tác dụng, đạt tới đỉnh cao, tập trung ở những phần tử thế tập, hiểu là cha truyền con nối. Hai nghệ sĩ đàn sitar đồng thời là cha con người Ấn Độ Ravi Sankar (1920-2012) và Anoushka Shanka từng chinh phục khán giả khắp nơi trên thế giới nhờ tài nghệ ứng tác. Trong tác phẩm âm nhạc Ấn Độ, khúc thức cũng thể hiện kết cấu bộ ba, gồm: Alap, Jod và Gat. Alap là phần dẫn, tốc độ chậm, nhịp điệu tự do, chỉ xuất hiện giai điệu và âm nền trì tục, chưa có sự tham gia của trống. Người đàn dựa vào raga (điệu thức) diễn tấu ngẫu hứng. Phần này có tác dụng bồi bổ, nuôi dưỡng, ấp ủ cảm xúc, một hình thức tương tác giữa nghệ sĩ - thần linh - người nghe. Jod tương đương với phần gian tấu, chưa có sự gia nhập của trống, cấu trúc ngắn gọn, thường xuất hiện hình thức lặp đi lặp lại vài mô típ giống nhau. Còn Gat là trung tâm của tác phẩm. Phần này đánh dấu bằng sự gia nhập của trống tabla. Đây cũng là phần duy nhất có thể sử dụng tác phẩm sáng tác trong âm nhạc truyền thống. Cao trào cũng như tinh hoa tác phẩm nằm trọn vẹn ở phần Gat. Nó đưa đẩy người nghe đi từ trạng thái thâm trầm đến xúc cảm thăng hoa. Mọi cung bậc tình cảm đều tập trung ở chương nhạc này. Đến với buổi biểu diễn âm nhạc Ấn Độ, đây là phần gây ấn tượng mạnh nhất cho thính giả.
Âm nhạc Ấn Độ phát triển rất sớm. Xét về cơ sở lý luận, khoảng thế kỷ thứ V ở Ấn Độ đã xuất hiện cuốn sách Natya Sastra đề cập tới lý thuyết âm nhạc. Nửa đầu thế kỷ XIII có cuốn Saneeta Ranakara, cũng là một tác phẩm quan trọng viết về âm nhạc. Sau khi Hồi giáo xâm nhập miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ VIII, văn hóa Ấn Độ nói chung và âm nhạc nói riêng bắt đầu phân hóa. Miền bắc chịu ảnh hưởng bởi âm nhạc Ba Tư (Iran), Afghanistan; miền nam vẫn bảo lưu di sản truyền thống, từ đó âm nhạc Ấn Độ chia thành hai hệ thống bắc - nam. Hệ thống âm nhạc miền bắc gọi là Hindustani và miền nam gọi là Carnatic (Karnatak).
Trải qua thời kỳ thuộc địa của Anh, cộng với quá trình hiện đại hóa, nhưng âm nhạc Ấn Độ vẫn giữ được vẻ độc đáo nhờ cơ tầng văn hóa, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật vững vàng. Âm nhạc Ấn Độ dù thay đổi thế nào vẫn không bị đánh mất bản sắc. Những gì lưu truyền đến hôm nay đủ minh chứng cho nền âm nhạc độc đáo của người Ấn, có sức lan tỏa, hấp dẫn, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
L.H.Đ (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét