Từ một cô gái trẻ vô danh ở Vilnius, Lithuania đến giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Birmingham và nữ nhạc trưởng đầu tiên trong lịch sử được hãng Deutsche Grammophon ký hợp đồng thu âm, Mirga Gražinytė-Tyla đã trải qua một chặng đường dài với cách tiếp cận các tác phẩm cổ điển đầy sôi nổi và mãnh liệt.
Nhạc trưởng Mirga Gražinytė-Tyla. Ảnh: The Guardian.
Năm 2016, ở tuổi 32, Gražinytė-Tyla đã trở thành giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Birmingham, sau khi đã được biết đến với những vị trí như người thắng cuộc thi Nhạc trưởng trẻ Salzburg hay trợ lý chỉ huy cho nhạc trưởng Gustavo Dudamel tại Dàn nhạc giao hưởng Los Angeles. Rõ ràng, phong cách chỉ huy của cô đã gây ấn tượng. Tờ Los Angeles Times đã dành những lời ca ngợi gương mặt mới: “Nhạc trưởng Mirga Gražinytė-Tyla đã khuấy động giới nhạc cổ điển nhờ phong cách sôi nổi trên bục chỉ huy và cách tiếp cận mãnh liệt với các tác phẩm giao hưởng đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe trong biểu diễn.” Thậm chí, ngay sau buổi hòa nhạc đầu tiên của cô tại thành phố này, cây phê bình âm nhạc Mark Swed bình luận trên tờ LA Times: “Cô điều khiển âm thanh như một thầy phù thủy. Giây phút nào cô cũng làm chủ mọi thứ và cả thính phòng rúng động bởi điều đó. Giờ đây, chứng cuồng Mirga có thể chính thức khởi phát.”
Một cách tiếp cận mới trong âm nhạc
Mirga luôn khao khát tìm kiếm cái mới mẻ. Khi đến với Dàn nhạc giao hưởng Birmingham, cô đã đưa nghệ sỹ cello trẻ Sheku Kanneh-Mason lên sàn diễn và đưa Mieczysław Weinberg (1919-1996), một nhà soạn nhạc Do thái Ba Lan, trở lại với đời sống âm nhạc. “Weinberg đã để lại cho chúng ta một gia tài âm nhạc lớn lao mà tôi mới chỉ bắt đầu cuộc hành trình khám phá nó. Hình thức tác phẩm, cách hòa âm, lối viết cho nhạc cụ độc tấu… của ông đều hết sức lạ thường. Một ngày nào đó, có thể ông ấy sẽ xuất hiện ở vị trí ngang với Beethoven và Bach”, Mirga lý giải vì sao cô lại chọn Weinberg. Có lẽ, góc nhìn mới mẻ của Mirga đã được Deutsche Grammophon để ý và cô đi vào lịch sử âm nhạc với tư cách là nữ nhạc trưởng đầu tiên ký hợp đồng thu âm dài hạn với hãng đĩa số một thế giới này.
Bản thu âm “dán nhãn” Deutsche Grammophon của Mirga và Dàn nhạc giao hưởng Birmingham vừa mới ra mắt trong tháng 5/2019 với các tác phẩm của Weinberg. “Chúng đa dạng đến lạ lùng, với tất cả những gì đẹp đẽ và vui tươi nhất mà âm nhạc có thể đem lại và cũng có cả những nét trang trọng bậc nhất mà âm nhạc có thể tưởng tượng ra. Mỗi tác phẩm của ông mà tôi nghiên cứu đều chứa đựng những thách thức cho cả nghệ sỹ biểu diễn lẫn nhạc trưởng. Việc phân tích tổng phổ của Weinberg dù mất nhiều thời gian nhưng đầy thú vị bởi ông sử dụng mọi kỹ thuật có thể để kết nối và phát triển các chủ đề của mình. Thông thường người ta ít chọn cách phối hợp các kỹ thuật này trong sáng tác nhưng việc khéo léo sử dụng chúng đã giúp ông truyền tải được những thông điệp của mình”, cô nói.
Việc tiếp xúc với các nền văn hóa khác làm phong phú thêm hiểu biết của Mirga. Nhưng sự kết nối với truyền thống vẫn hiển hiện rõ ràng với cô, đặc biệt với âm nhạc của Weinberg: ông sinh ra tại Ba Lan và dành phần lớn cuộc đời sáng tạo ở nước Nga Xô viết, dẫu cho gốc rễ văn hóa Do Thái khiến cho ông trở thành kẻ bên lề của hai quốc gia; Mirga sinh ra và lớn lên tại Lithuania, một quốc gia có những gắn bó về văn hóa và chính trị sâu sắc với Xô viết. “Âm nhạc kết nối với một lịch sử, văn hóa và tâm lý đặc biệt và theo cách nào đó, Ba Lan gần gũi với tôi hơn là Đức hoặc Anh”, cô nói.
Có lẽ hiếm thấy một nhạc trưởng nào lại có khả năng truyền cảm xúc và sức mạnh như Mirga, ngay ở với những dàn nhạc cô mới làm việc. Ví dụ buổi đầu đến Birmingham, đảm trách vị trí của những bậc “tiền bối” như Simon Rattle, Sakari Oramo và mới nhất là Andris Nelsons, sức ép từ danh tiếng và thành công của họ lên công việc của cô không nhỏ. Thế nhưng bằng cách nào đó, cô đã vượt qua. Cô kể lại: “Chúng tôi bắt đầu với các trích đoạn Người đẹp ngủ trong rừng của Tchaikovsky. Đó là buổi hòa nhạc cuối mùa diễn nên tôi nghĩ rằng các nhạc công rất mệt mỏi. Tôi không dám mong đợi gì nhiều ở buổi diễn tập đầu tiên. Thế nhưng ở đó có điều gì rất lạ, các nghệ sỹ chơi nhạc như thể họ đang ở trong một dàn nhạc trẻ tràn đầy sức mạnh”.
Các nghệ sỹ Birmingham dành cho Mirga một thứ tình cảm ấp áp lạ thường ngay từ buổi đầu làm việc. “Khi trở về nhà sau buổi hòa nhạc ra mắt của Mirga, ngay lập tức tôi đã nhận được rất nhiều email của các nhạc công”, giám đốc điều hành dàn nhạc Stephen Maddock kể lại. ‘Họ viết đều viết thế này, ‘xin lỗi vì làm phiền anh lúc này nhưng phải nói rằng chúng tôi đã có buổi hòa nhạc đáng kinh ngạc với Mirga’. Khán giả đều bàn tán về buổi hòa nhạc khắp mọi nơi”.
Là giám đốc âm nhạc của Birmingham, Mirga phải đối mặt với nhiều khó khăn, tuy nhiên cô luôn tìm được giải pháp cho mình bằng cách mở rộng hợp tác với mọi người, dẫu cho cuối cùng thì cô nắm quyền quyết định. “Tất cả các vấn đề, tất cả các câu trả lời đều nằm trong bản chất của âm nhạc”, đó là quan điểm của cô. Có những vấn đề hết sức phức tạp trong điều hành dàn nhạc mà cô phải đối mặt. “Các dàn nhạc Anh, trong đó có Birmingham, đều không có một cuộc sống dễ dàng. Họ không nhận được hỗ trợ của chính phủ nhiều như ở Đức và Áo hay nhiều nơi khác.” Nguồn đầu tư chính của Dàn nhạc giao hưởng Birmingham từ Hội đồng thành phố Birmingham vào khoảng 1,3 triệu bảng mỗi năm đã bị cắt giảm tới 65% kể từ năm 2010 và trong những ngày tháng ba, họ biết rằng số lượng này còn bị cắt thêm 10% nữa. Giải pháp của Mirga là mời bằng được nhiều ngôi sao độc tấu biểu diễn cùng dàn nhạc, ví dụ trong tháng 5/2019, cô và dàn nhạc lưu diễn châu Âu với 13 buổi hòa nhạc cùng người bạn mình, nghệ sỹ piano Yuja Wang. Mặt khác, cô phải dừng ý định mời các nhạc trưởng khách mời ít nhất trong vòng hai năm. “Tôi cần nhiều không gian và nhiều thời gian hơn nữa cho công việc của mình”, Mirga nói.
Học hỏi từ mọi truyền thống
Mirga Gražinytė-Tyla là người gốc Vilnius, sinh ra trong một gia đình âm nhạc và sớm bộc lộ sở thích ca hát, vốn bắt rễ rất chặt vào âm nhạc truyền thống Baltic, vốn tập trung chặt chẽ vào nghệ thuật hợp xướng. Trong một thời gian dài, âm nhạc hợp xướng xâm chiếm toàn bộ tâm hồn cô. “Tôi chơi piano, violin và trống nhưng trong toàn bộ thời niên thiếu, cuộc đời tôi là hát. Tôi nhớ rằng ở tuổi mười một tôi đã quyết định dành cuộc đời cho âm nhạc”, cô kể lại. Do đó, cô theo học chuyên ngành chỉ huy hợp xướng và dàn nhạc tại Đại học Âm nhạc và Mỹ thuật ở Graz, Áo. “Ở Lithuania họ hay nói đùa rằng mỗi cư dân là một chỉ huy hợp xướng. Trên thực tế, Lithuania có một hệ thống giáo dục tuyệt vời vốn sản sinh ra nhiều chỉ huy hợp xướng. Hầu hết các nhạc trưởng dàn nhạc của chúng tôi là cựu chỉ huy hợp xướng. Nói một cách rập khuôn thì đó là con đường kiểu Lithuania để trở thành một nhạc trưởng”.
Trải nghiệm đầu tiên của cô trên bục chỉ huy là chỉ huy hợp xướng nhưng khi một người thầy của cô, nhạc trưởng Áo Wolfgang Bozic nói một cách lơ đễnh, “Chỉ huy dàn nhạc là chủ đề chính của em có phải không” thì chính sự lơ đễnh của ông thầy đã gieo mầm hạt giống âm nhạc, đưa cô đến việc thử học chỉ huy dàn nhạc cùng với thanh nhạc. Sau khi hoàn thành bằng cử nhân, cô phải chọn một trong hai chuyên ngành. Quyết định cuối cùng đã đến: cô theo con đường chỉ huy dàn nhạc. Nói cách khác, cô đã học hỏi cách làm của Karajan, Walter và Klemperer ngay tại trung tâm âm nhạc châu Âu.
Mirga Gražinytė-Tyla chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Birmingham. Ảnh: The Guardian.
Một khóa học nâng cao (masterclass) với Herbert Blomstedt đã tiếp sức mạnh cho cô tham gia Festival dành cho nhạc trưởng trẻ Salzburg 2012 và giành giải nhất. Giải Nhạc trưởng trẻ Salzburg đã thu hút sự chú ý của Giám đốc âm nhạc của LA Philharmonic, Gustavo Dudamel, người đã chọn Mirga Gražinytė-Tyla làm một trong những người nhận học bổng giao lưu ngắn hạn Dudamel (Dudamel Fellows) của dàn nhạc vào năm 2013. Cùng với đó là cơ hội chỉ huy Dàn nhạc thính phòng Mahler trong một buổi hòa nhạc giao hưởng tại Salzburger Festpiele.
Cô đã cộng tác với Gidon Kremer và Kremerata Baltica, xuất hiện lần đầu cùng Dàn nhạc thính phòng Vienna ở Vienna và vào mùa diễn 2013/14 cô là chỉ huy thứ nhất của Nhà hát opera ở Bern, Thụy Sĩ... Đó là những trải nghiệm nghề nghiệp và văn hóa thú vị: “Ở Đức, Áo và Thụy Sĩ, các chỉ huy dàn nhạc trải qua nhà hát hoặc nhà hát opera. Họ bắt đầu bằng việc đệm đàn piano cho các ca sĩ, sau đó chơi đàn trong các buổi diễn tập. Theo cách đó, họ làm quen với các tác phẩm trong kịch mục opera. Ở Ý lại khác: ở đó họ học sáng tác. Chỉ sau khi tinh thông sáng tác, người ta mới có thể bắt đầu học chỉ huy dàn nhạc. Ở Mỹ có nghề trợ lý chỉ huy. Có một số vị trí trợ lý nhạc trưởng ở châu Âu, nhưng đó không phải là tiêu chuẩn, trong khi ở Mỹ hầu như mọi nhạc trưởng dàn nhạc đều có một trợ lý”, Mirga nhận xét.
Mirga Gražinytė-Tyla và nghệ sỹ cello trẻ Sheku Kanneh-Mason. Ảnh: The Guardian.
Trên con đường trải nghiệm âm nhạc của mình, cô thường bối rối khi nhận được câu hỏi “ai là nhà soạn nhạc được cô yêu thích nhất?”. Với cô, không bao giờ là một người, dù Beethoven hay Bach, thậm chí cả Weinberg – tác giả mà cô mong muốn khám phá trong cả đời mình. “Đó thường là nhà soạn nhạc của tác phẩm mà tôi đang diễn tập tại từng thời điểm, bởi vì đó là tác phẩm mà tôi đang dồn cả trái tim và tâm hồn vào. Đôi khi quá trình diễn ra dễ dàng, đôi khi khó khăn hơn. Có lúc, khi tôi đang tập một tác phẩm, tôi cảm thấy đó không phải là tác phẩm hay nhất, nhưng rồi tôi biết mình phải làm việc cật lực hơn để khám phá vẻ đẹp của nó. Tôi vẫn cần phải học hỏi và trải nghiệm rất nhiều. Chỉ sau khi có cơ hội nhìn thấy toàn bộ chân trời âm nhạc, tôi mới có thể quyết định ‘đây là nhà tôi, đây là nơi tôi cảm thấy tốt nhất’,” Mirga trả lời tạp chí Draugas News như vậy năm 2014.
N.A (HNS)
N.A (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét