Để chạm đến nơi sâu kín nhất trong tâm hồn người nghe, các ca khúc thời nay cần nhiều hơn những tiêu chí tạo thành một sản phẩm âm nhạc đơn thuần. Đó còn là bản sắc văn hóa Việt Nam trong mỗi câu chuyện âm nhạc.
Thị trường nhạc Việt không hiếm MV (video ca nhạc) đẹp, vừa đầu tư về bối cảnh vừa cầu kỳ trong sáng tạo nhưng MV "Để Mị nói cho mà nghe" của Hoàng Thùy Linh trở thành điểm nhấn thú vị khi xuất hiện trong những ngày qua không phải không có nguyên do.
Sáng tạo từ chất liệu văn hóa Việt sẵn có
MV "Để Mị nói cho mà nghe" nhanh chóng đạt hơn 4 triệu lượt xem/nghe chỉ sau vài giờ phát hành cùng với nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Ca khúc thu hút công chúng đến mức trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, nếu gõ từ khóa "Để Mị nói cho mà nghe" sẽ cho ra gần 6,1 triệu kết quả trong thời gian 0,36 giây tìm kiếm.
Điểm làm nên sức hút của sản phẩm này chính là một loạt nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực phê phán nổi tiếng của Việt Nam đã được xuất hiện trong vòng 4 phút: Mị, lão Hạc, Chí Phèo, Thị Nở, Xuân Tóc Đỏ, chị Dậu… và được khắc họa cực kỳ sống động bằng cả hình ảnh, âm nhạc lẫn vũ đạo. Ca khúc nhạc pop mang âm hưởng dân gian Tây Bắc, đan xen nhạc điện tử và rap, thu hút khán giả từ những nốt nhạc đầu tiên bằng sự sôi động vừa đủ, sự gần gũi cần thiết nhờ âm hưởng ngũ cung được khoác lên chất nhạc hiện đại, khiến ca khúc trở nên bắt tai, dễ nghe và cuốn hút. Hình ảnh cô gái dân tộc H’Mông nhí nhảnh, hồn nhiên, hát như không hát, thực sự làm người nghe "say". Nhưng "say" hơn hết chính là việc nhóm nhạc sĩ DaLAB khéo đan xen giữa quá khứ và hiện đại, giữa truyền thống và thời thượng. Thông điệp cơ bản là khát khao tự do của Mị, nhân vật nổi tiếng trong truyện "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài. "Mị còn trẻ Mị còn muốn đi chơi" là câu hát lấy cảm hứng từ lời văn của Tô Hoài. Tuy nhiên, các tác giả cũng đã đan cài thêm câu "Thanh xuân sao lại phải nghỉ ngơi". Thanh xuân cũng là từ được nhắc đến khá nhiều trong âm nhạc thời gian gần đây. Khung cảnh Tây Bắc cũng được nhắc đến qua ca từ, đan xen với những câu "trend" trên mạng như "Hoa ban trắng trên nương chớm nở/Đẹp như tâm hồn em còn ngây thơ/Em làm gì đã có người yêu/Em còn đang sợ ế đây này/Vậy tại sao quả pao không nằm trên tay/Để bao trai làng chìm đắm trong mê say".
Trước đó không lâu, Chi Pu gây ấn tượng mạnh với sản phẩm "Anh ơi ở lại" khi sử dụng câu chuyện cổ tích "Tấm Cám" quen thuộc làm nội dung MV. Tuy nhiên, trong MV "Anh ơi ở lại", Cám làm vai chính kể lại câu chuyện này dưới góc nhìn của Cám. Câu chuyện trở nên "ngôn tình" diễm lệ hơn, cũng bấy nhiêu đó tình tiết như thử giày, giết chim họa mi... nhưng được lý giải hợp lý hơn vì tình yêu của Cám dành cho vua trong đêm mưa ấy.
Hình ảnh trong MV “Để Mị nói cho mà nghe”. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Sứ mệnh của âm nhạc ngày nay
Kết thúc dự án "Việt Nam, Việt Nam" bằng ca khúc "Chị ngả em nâng" (tác giả ca khúc cố tình viết "ngả" thay vì đúng phải là "ngã" PV), bộ đôi Tiên Cookie và Bích Phương khẳng định: "Những người dám khám phá và sáng tạo từ nền tảng sẵn có xứng đáng với thành công hơn những ý tưởng tạo cảm giác an toàn". Trong đó, cả 3 ca khúc thuộc dự án gồm "Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau", "Bùa yêu", "Chị ngả em nâng" đều là những ca khúc ăn khách được thừa nhận. Mang âm hưởng nhạc dân tộc, đậm chất Việt kết hợp với các xu hướng âm nhạc của thế giới hiện nay như: tropical house, future bass, chill..., dự án này là một ví dụ điển hình về cái nhìn của người trẻ đối với bản sắc Việt thông qua âm nhạc. Về hình ảnh, các sản phẩm trong dự án "Việt Nam, Việt Nam" chuyển tải những nét đẹp cảnh quan thiên nhiên cũng như văn hóa và con người Việt Nam qua sự tái hiện câu chuyện tình yêu lãng mạn của cô gái miền xuôi và chàng trai dân tộc Dao. Các nét văn hóa đặc trưng trong tục lệ cưới hỏi của người Dao cũng được lồng ghép vào một cách tinh tế, nhẹ nhàng. Tình yêu của họ thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa 2 dân tộc làm nổi bật sự lãng mạn, ngọt ngào giữa khung cảnh núi rừng Tây Bắc hoang sơ.
Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi chia sẻ: "Khi tôi đến Côn Đảo quay MV mới, trong đầu tôi có một quyết định là từ nay chẳng phải đi đâu xa vì Việt Nam đã có quá nhiều thứ tuyệt vời rồi".
Vội vã chạy trên đường đua, nghệ sĩ Việt quên mất những giá trị cốt lõi mang bản sắc văn hóa Việt. Giới trẻ Việt Nam không chỉ học cách yêu dân tộc qua sách vở ở trường mà còn có thể học qua loại hình nghệ thuật giải trí. Và âm nhạc ngày nay mang sứ mệnh đó.
Cần nhiều hơn sản phẩm từ sự thông minh
Sự phát triển của internet đã thay đổi thói quen nghe nhạc của khán giả ngày nay. Nó không chỉ rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm mà còn tối ưu hóa công đoạn phát hành, từ đó giúp các nghệ sĩ không chuyên dễ dàng giới thiệu ca khúc đến tai người nghe. Không cần là những ngôi sao hàng đầu, nhiều ca sĩ không tên tuổi vẫn tạo được tiếng vang với sản phẩm có chất lượng ở cả mặt sáng tạo lẫn quy mô đầu tư. Tất nhiên, để chạm đến tâm hồn người nghe, các ca khúc thời nay cần nhiều hơn những tiêu chí làm nên một sản phẩm âm nhạc đơn thuần. Đó chắc chắn phải là những sản phẩm hình thành từ sự thông minh, kèm thêm chút táo bạo, liều lĩnh.
T.T (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét