Văn học và ca nhạc có thể cộng sinh

Là một trong những nhà văn viết tiếng Đức vĩ đại nhất, Hermann Hesse từ lâu đã không còn xa lạ với độc giả Việt Nam.

Tên tuổi nhà văn đoạt giải Nobel năm 1946 này gắn liền với các tác phẩm: "Câu chuyện dòng sông", "Sói thảo nguyên", "Nhà khổ hạnh và gã lang thang"… Thậm chí, mỗi tác phẩm của ông có nhiều bản dịch. Đầu năm 2019, tiểu thuyết "Demian" vừa cho ra mắt một bản dịch mới với nhan đề "Demian: Câu chuyện tuổi trẻ của Emil Sinclair". Chẳng có gì lạ nếu như cuốn sách này không được tổ chức bản thảo và phát hành bởi một cộng đồng người hâm mộ… K-pop.

MV "Blood, Sweat & Tears" của nhóm BTS (Hàn Quốc) được thừa nhận chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuốn tiểu thuyết kinh điển "Demian" của Hermann Hesse


Được xuất bản lần đầu tròn 100 năm trước (1919) được viết thêm phần mở đầu năm 1960, cuốn tiểu thuyết này từng được biết dưới cái tên tiếng Việt "Tuổi trẻ băn khoăn". Văn chương nhiều lần hội ngộ âm nhạc nhưng để một cộng đồng người hâm mộ K-pop (vốn hay bị định kiến là hời hợt) phải tìm đọc không phải nhờ sức hút của Hermann Hesse mà chính bởi sự phổ biến của nhóm nhạc thần tượng BTS.

Là một nhóm nhạc Hàn Quốc gồm 7 thành viên, có người hâm mộ trên toàn thế giới. Năm 2017, nhóm phát hành ca khúc "Blood, Sweat & Tears" với hình ảnh ma mị, những ám gợi về cõi âm cũng như tôn giáo, "Blood, Sweat & Tears" được thừa nhận chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuốn tiểu thuyết kinh điển "Demian" của Hermann Hesse.

Cơn sốt "Blood, Sweat & Tears" lan tỏa toàn cầu đã vô tình tạo cho "Demian" một lượng độc giả mới, những người tìm đến văn chương của Hesse vì yêu BTS. Những người hâm mộ theo "thuyết âm mưu" cố giải mã những hình ảnh có trong bài hát bằng cách tìm kiếm đáp án trong cuốn sách.

Đây không phải là lần đầu BTS đem văn học vào sáng tác của mình. Tiêu biểu như "Pied Piper" dựa trên câu truyện cổ tích "Chàng thổi sáo xứ Hameln" miêu tả sức "mê hoặc" của BTS. Nhà văn người Nhật Haruki Murakami là tác giả khá được BTS ưa thích, nhóm đã ra mắt bài "Sea" được cho lấy cảm hứng từ tiểu thuyết "1Q84" hay như ca khúc "Butterfly" dựa trên tiểu thuyết "Kafka bên bờ biển" với những ca từ như: "Tôi không biết đây là thực tế hay là một giấc mơ, Kafka của tôi trên bờ, không đi đến những khu rừng đằng kia".

Tuy nhiên, không phải bài hát nào cũng có những chỉ dấu rõ ràng và cụ thể như "Butterfly". Nhiều bài hát chỉ có mối liên hệ mơ hồ với tác phẩm văn học.

Nhóm BTS không phải là trường hợp cá biệt trong việc sử dụng nguồn cảm hứng văn học để dựng lên các MV (video ca nhạc). Trước đó, nhóm SHINee từng cho ra đời ca khúc "Sherlock" mà chỉ nghe tên là ai cũng biết đang muốn nói đến nhân vật văn học bất hủ Sherlock Holmes, còn DIA thì mượn tên nhân vật đại chúng Harry Potter để đặt cho MV "Mr. Potter" của mình.

Không thể phủ nhận việc lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học mang đến cho những MV hay ca khúc của các nghệ sĩ thêm màu sắc giữa hàng ngàn sản phẩm âm nhạc ra mắt mỗi năm đang dần bão hòa và đơn điệu hơn, đồng thời mở rộng phạm vi phổ biến của những sáng tác văn chương.

Ở Việt Nam gần đây cũng xuất hiện một số MV sáng tác từ nhân vật trong truyện cổ tích hay tác phẩm văn học nổi tiếng: "Anh ơi ở lại" (chuyện cổ tích "Tấm Cám") của Chi Pu, "Để Mị nói cho mà nghe" (tiểu thuyết "Vợ chồng A Phủ") của Hoàng Thùy Linh…

Nhìn vào hiện tượng trên, người lạc quan nhận định những ca khúc đang góp phần quảng bá thêm cho các tác phẩm văn học. Những người khó tính có thể cho rằng việc các ấn bản tiểu thuyết "Demian" được đông đảo người tìm đọc như nói trên chỉ là hiện tượng bề nổi, văn hóa đọc thật sự vẫn không được cải thiện… Nhưng trong tương lai gần, hiện tượng "Demian" không phải là trường hợp cá biệt.
C.B (HNS)

Nhận xét