Vỡ mộng kinh doanh nhạc số tại Việt Nam

Việc kinh doanh nhạc số tại Việt Nam, theo các nhà khai thác, chưa khả quan bởi thói quen nghe, tải nhạc miễn phí còn phổ biến.


Trong số 60 triệu người dùng internet tại Việt Nam, 70% sử dụng các dịch vụ giải trí như nghe nhạc, xem video... khiến Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng, hấp dẫn hàng loạt doanh nghiệp nội, ngoại nhảy vào lĩnh vực kinh doanh nhạc số. Nhưng sau một thời gian, thực tế không như mộng tưởng.

Vẫn là vấn đề nan giải

Sự ra đi của Guvere (một ứng dụng nghe nhạc trực tuyến của Úc) sau thời gian thu phí thử nghiệm tại thị trường Việt Nam trước đây như điềm báo về khó khăn mà những nhà đầu tư, kinh doanh nhạc số tại Việt Nam phải đối diện. Vậy nên, khi trang nhạc số Spotify gia nhập vào thị trường nhạc số Việt Nam cùng với Apple Music, MOOV, ZingMP3 (VNG), nhaccuatui (NCT Corp), Keeng…, câu hỏi được đặt ra: "Hành trình này sẽ đi đến đâu trước tình trạng nghe nhạc miễn phí vẫn phổ biến ở Việt Nam và đang là vấn đề nan giải?".

Thực tế, lượng người chấp nhận nghe nhạc trả phí chiếm chưa đến 1% người sử dụng, doanh thu quảng cáo trực tuyến ngày càng teo tóp vì Google và Facebook, các đơn vị kinh doanh thuộc nhóm ngoại liên tục bù lỗ, nhóm nội phải "biến hóa" mô hình kinh doanh từ trải nghiệm, quảng cáo trò chơi trong ứng dụng đến phân phối - phát hành game… chứ không phụ thuộc vào quảng cáo hay phí thuê bao để tồn tại.

Spotify vào thị trường Việt Nam muộn hơn so với nhiều công ty khác bởi theo giám đốc điều hành khu vực châu Á của Spotify, bà Sunita Kaur: "Chúng tôi chờ đến thời điểm bảo đảm rằng thị trường Việt Nam đã đủ độ mở, chấp nhận trả tiền cho những sản phẩm âm nhạc chất lượng cao, có bản quyền" nhưng cũng không khả quan hơn.

Mỹ Tâm - một trong những ca sĩ bán được nhạc của mình qua kênh thu phí Ảnh: LEON

Khi đóng vai trò khắc tinh trong cuộc chiến không cân sức với thói quen xài miễn phí của đa số công chúng Việt, những nhà kinh doanh nhạc số biết trước những khó khăn họ phải đối mặt. Minh chứng là cả hai giải pháp miễn phí lẫn thu phí được áp dụng cùng lúc ở các trang kinh doanh nhạc số để thu hút khán giả. Sau vài năm kiên trì, nhiều nhà đầu tư thấm mệt vì thói quen khó bỏ của người tiêu dùng. Họ nhận ra rằng việc kinh doanh nhạc số tại Việt Nam không dễ dàng, bởi thói quen nghe, tải nhạc trả phí còn nan giải và cũng là vấn đề thế hệ.

Chưa hấp dẫn về nội dung lẫn hình thức

Một trong những lý do khiến nhạc trực tuyến (nhạc số) ở Việt Nam không đạt kết quả tốt, theo nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, là "chưa hấp dẫn về nội dung lẫn hình thức". Anh lý giải cho đến nay, những công ty kinh doanh nhạc số ở Việt Nam vẫn chỉ đi theo cách mua nhạc từ ca sĩ và bán lại trên hệ thống của mình. Họ đơn thuần là một đơn vị kinh doanh hay nói đúng hơn là đơn vị phân phối lại sản phẩm đến khán giả.

Như vậy, nhạc Việt vẫn hoạt động theo quy trình mạnh ai nấy làm. Nhạc sĩ vẫn là người sáng tác, ca sĩ mua nhạc từ nhạc sĩ còn kênh nhạc số thì mua nhạc thành phẩm rồi bán lại. Trong khi đó, để có thể đạt đến tổng thể chuyên nghiệp như thế giới, chính kênh phân phối cũng tham gia vào khâu sản xuất cùng với nhạc sĩ và ca sĩ. Khi có được một quy trình sản xuất đồng bộ như vậy, chất lượng sản phẩm mới tăng, khán giả chỉ có thể bị chinh phục, chịu bỏ tiền ra mua sản phẩm thực sự chất lượng.

"Ở nền công nghiệp âm nhạc thế giới, các đơn vị kinh doanh nhạc số tham gia vào khâu sản xuất. Họ sẽ cùng làm việc với tác giả và ca sĩ để có sản phẩm hoàn chỉnh nhất. Khi đã có sản phẩm ưng ý, họ cũng tham gia luôn vào khâu quảng bá sao cho sản phẩm có sức hút nhất với khán giả. Khâu cuối cùng là bán sản phẩm trên một kênh riêng buộc người tiêu dùng phải bỏ tiền mới có thể nghe được" - nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nói thêm.

Thời gian gần đây, các công ty kinh doanh nhạc số cũng bắt đầu tham gia vào công đoạn sản xuất sản phẩm nhưng vẫn chưa tạo nên những đột phá đáng kể nào vì hoạt động cầm chừng. Ca sĩ vẫn là người đầu tư chính và ít đặt niềm tin vào đơn vị khác bởi "một bản hit (ăn khách) có thể cứu cả sự nghiệp" như quan điểm của nhiều người. Thế nên, dù áp dụng cả hai mô hình kinh doanh nhạc số phổ biến: thu phí theo từng bài hát, album hay thu phí theo tháng để khách hàng nghe và tải không giới hạn, tình hình kinh doanh nhạc số ở thị trường Việt vẫn chưa sáng sủa. 

Trông chờ thế hệ 9x trở đi

Theo đại diện của tổ chức The Point Consulting Group, trung bình khách hàng chấp nhận trả tiền để nghe nhạc online trên thế giới có tỉ lệ khoảng 45% so với tổng lượng khách hàng. Nhưng ở Việt Nam, con số này chưa tới 10%. Vì vậy, các công ty kinh doanh nhạc trực tuyến tại Việt Nam đều trông chờ vào nhóm đối tượng khán giả thuộc lứa 9X trở về sau, bởi thế hệ này có xu hướng nghe nhạc thế giới nhiều hơn. Mặc dù mức độ chi tiêu của người trẻ Việt đã tăng lên rõ rệt cho những năm qua, theo bảng nghiên cứu thị trường của Nielsen, người dùng trẻ ở độ tuổi 21-34 ở Việt Nam chiếm 34%, trong 76% số đó có mức thu nhập cao, có xu hướng mua sắm để nâng cấp cuộc sống tốt hơn. Nhưng họ hầu như chỉ chi vào việc du lịch, thời trang, hàng công nghệ...

T.T (HNS)

Nhận xét