Nhiều người gọi bây giờ là thời của nhạc số, của những bản hit triệu view và cũng là thời mà hai khái niệm làm nhạc và kinh doanh nhạc đang được đưa ra một cách rạch ròi nhất.
MV Hãy trao cho anh của Sơn Tùng M-TP đến chiều 15-8 đã đạt gần 136 triệu lượt view sau hơn một tháng ra mắt.
Thời của smartphone bùng nổ, các đơn vị sản xuất âm nhạc dễ dàng nhận ra streaming (phát trực tuyến) là một cơ hội kinh doanh lớn. Và đây cũng là một trong những lý do chính dẫn đến sự lụi tàn của thị trường băng đĩa khi hàng loạt nền tảng kinh doanh nhạc số xuất hiện: Apple Music, Itunes, Spotify, NhacCuaTui...
Thước đo mới của sự thành công
Cùng với việc cung cấp những nền tảng vượt trội cho các nghệ sĩ trong việc phát hành sản phẩm đến rộng rãi công chúng, nhanh chóng và dễ dàng hơn, sự xuất hiện các doanh nghiệp kinh doanh nhạc trực tuyến đã làm thay đổi những khái niệm và đặt ra một thước đo mới của sự thành công đối với một sản phẩm âm nhạc.
Kể từ đây, sản phẩm âm nhạc không còn dựa trên chất lượng hay giá trị nội dung mà dựa vào những bảng thống kê về chỉ số digital như: lượt view (xem/nghe), share (chia sẻ) hay comment (bình luận).
"Kẻ khổng lồ" của địa hạt nhạc số ở Việt Nam hiện nay chính là chàng ca sĩ gốc Thái Bình, Sơn Tùng M-TP. Sản phẩm âm nhạc mới nhất của Tùng - Hãy trao cho anh ngay khi ra mắt đã lập ra những kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" tại Vpop.
Sau 24 giờ ra mắt, lượt xem trên YouTube của sản phẩm này đứng top cùng những cái tên sừng sỏ trên bản đồ âm nhạc thế giới hiện đại như: Taylor Swift, Cardi B, Ed Sheeran. Đó là chưa kể bản audio đạt đến 10 triệu lượt nghe trên NhacCuaTui chỉ trong 48 tiếng.
Dẫu vậy, để đạt những kỷ lục đáng gờm trên, Sơn Tùng M-TP cùng êkip bên cạnh việc tìm kiếm những công thức tạo nhạc thời thượng cũng tung đủ "chiêu" truyền thông, tiếp thị mới có được.
Dĩ nhiên trong số đó cũng không thiếu các "mánh" để Hãy trao cho anh lan tỏa trên mạng một cách dữ dội nhưng chưa chắc len lỏi được vào tâm trí hay trái tim người nghe.
"Cày view", rộng mà chưa đủ sâu
Có một điều chắc chắn rằng cảm xúc hay "tiếng lòng" không còn là ưu tiên số 1 trong việc sáng tác hay sáng tạo một sản phẩm âm nhạc nghệ thuật.
Thời số, trước khi một sản phẩm âm nhạc ra đời, nhiều việc không thể thiếu như tìm nhà tài trợ, lên kế hoạch truyền thông, quảng bá, thực hiện các chương trình, sân khấu ra mắt (debut), kiếm đối tác "làm social", "cày view"... nhằm đảm bảo cho sản phẩm đó khi ra mắt có một tiếng vang nhất định.
Vậy nên khán giả ngày nay chẳng còn xa lạ gì mỗi khi sắp có sản phẩm mới, chị ca sĩ A lại bất ngờ than vãn về mối tình thời thanh xuân, anh ca sĩ B bỗng lập lờ về chuyện giới tính, em ca sĩ C hé lộ về "người đàn ông trong bóng đêm"...
Cách một hai ngày trước khi sản phẩm ra mắt, hàng loạt câu chuyện hậu trường, những hình ảnh cùng câu nói "tạo thị phi"... cũng được êkip sản xuất không ngần ngại tung ra.
Và để CD hay MV trở nên đáng nhớ hơn, được nhắc đến nhiều hơn, đôi khi chất lượng âm nhạc không là yếu tố hàng đầu, được quan tâm nhất. Chiêu trò hay những gì "theo xu hướng" sẽ được êkip sản xuất ưu tiên đưa vào sản phẩm để sản phẩm được nói đến nhiều hơn.
Nhận xét tiêu cực cũng được, chê bai cũng được, gây ra tranh luận càng tốt, miễn là phải tạo được chút "âm hưởng" cùng lượt xem/nghe "khủng" sau khi ra mắt - đó là tiêu chí của việc tạo sản phẩm âm nhạc mới hiện nay.
Vậy nên không lạ khi thị trường ngày một nhiều các MV đầy hình ảnh của các nhà tài trợ được đưa vào kịch bản một cách ngớ ngẩn, ngập những khuôn hình với những điều cấm kỵ... Tất cả chỉ để "câu view" nhằm có được nguồn thu từ các kênh nghe/xem nhạc trực tuyến, từ quảng cáo và hợp đồng trình diễn từ bầu sô, nhãn hàng.
Chính ca sĩ Đen Vâu - thuộc nhóm nghệ sĩ độc lập, những người không bị ảnh hưởng lắm bởi yếu tố thị trường - trong một sáng tác cũng đã than thở về điều này: "Bài hát này đã có quảng cáo. Không có tiền thì làm nhạc làm sao?".
Việc số hóa giá trị của âm nhạc thành những cuộc chiến về lượt nghe cùng với sự ảnh hưởng của mạng xã hội và truyền thông đang ngày một chi phối chất lượng của các tác phẩm âm nhạc cũng là một trong những cái dở của thời nhạc số.
Nhưng sự phát triển của nhạc số là một quy luật tất yếu không thể tránh khỏi của thời đại. Quá trình này dù sao cũng đã tạo ra không gian cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng đối với tất cả nghệ sĩ, từ mainstream (dòng chính) cho tới indie/underground (độc lập) cùng những cú "nổ" mới, thật vang dội cho thị trường âm nhạc toàn cầu.
Những cuộc chuyển mình
Thị trường nhạc số bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 2003-2004, ngay thời điểm Internet bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam với hàng loạt website nghe nhạc trực tuyến nối đuôi nhau ra đời như: nghenhac, tialia, yeuamnhac, giaidieu, vietnamaudio... Vào những ngày sơ khai, các trang này thu hút hàng chục nghìn lượt truy cập mỗi ngày nhưng lại có tuổi đời khá ngắn.
Khái niệm bản quyền âm nhạc tại thị trường nhạc số trong thời kỳ đầu còn khá mơ hồ. Hiện tượng đăng tải nhạc lên các website mà không xin phép chủ sở hữu diễn ra "như một sự thật hiển nhiên" và chưa thể kiểm soát.
Năm 2005 đánh dấu mốc quan trọng trên thị trường nhạc trực tuyến với sự ra đời của nhacso.net, nền tảng nhạc số có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là mỗi lượt nghe, tải trên trang này đều phải được quy ra thành tiền để trả cho nghệ sĩ, người sở hữu tác phẩm. Dẫu vậy, với người nghe Việt khi đó và một bộ phận cho đến ngày nay vẫn mặc định rằng nghe nhạc trực tuyến nghĩa là nghe nhạc miễn phí.
Thế nhưng, sự ra đi đột ngột của trang nhacso.net vào năm 2016 đã xoay chuyển, mang đến những cái nhìn khác cho thị trường nhạc số trong nước. Rất nhiều nền tảng trong và ngoài nước đã xuất hiện, lớn mạnh và ngày một hoàn thiện để mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho công chúng yêu nhạc.
Cuộc đua chiếm cảm tình người nghe cùng thị phần giờ đây không chỉ nằm ở tiêu chí kinh doanh nhạc có tác quyền, kinh doanh nhạc độc quyền hay chất lượng dịch vụ nữa mà còn ở "chiều sâu" như: các thuật toán giúp gợi ý nhạc, chạy chữ karaoke khi phát nhạc hay nhận diện thói quen nghe nhạc, gợi ý ca khúc để giữ chân người nghe...
Q.N - T.V (TTO)
Nhận xét
Đăng nhận xét