Tôi đọc ở đâu đó rằng: “Đôi khi xem phim có thể đưa bạn trở lại thời thơ ấu”. Không bao giờ thuận tiện hơn ngày nay, với trang YouTube, ta có thể xem lại và hiểu sâu hơn một bộ phim từ ngày thơ ấu, mà khi đó với đầu óc ngây thơ chưa theo kịp các tình tiết và diễn biến trong phim, để rồi trong đầu chỉ đọng lại những ấn tượng về một khuôn mặt đẹp, một hành động oai hùng hay về một nhân vật kỳ dị nào đó.
Lẫn lộn trong ký ức tôi là các tập phim truyền hình Mỹ, mà hấp dẫn nhất là phim Wild Wild West với chàng James West đẹp trai kiểu James Bond chiếu trên đài Mỹ băng tần 11 ở Sài Gòn nửa thế kỷ trước. Bộ phim bắt đầu bằng một đoạn phim hoạt hình dẫn nhập ngắn mà đứa nào xem cũng thích. Trên màn hình chia làm năm ô. Ô giữa có James West sáng lên khi anh ta chuyển động và hút thuốc rồi tắt. Rồi ô thứ hai bên trái sáng lên, một tên vừa cướp nhà băng lùi ra khỏi cửa chạm vào James, anh ta dùng tay quất một phát, hắn gục ngay. Ô thứ ba góc phải phía trên có hình một bàn tay móc lá bài gian lận dưới đế giày thì bị James chĩa súng. Góc trái, ô thứ tư có một cánh tay hướng mũi súng vào James và bị anh bắn rớt súng. Ô cuối cùng bên phải phía dưới có cô gái bận bộ đầm quý tộc dùng chiếc dù kéo anh ta lại gần để hôn, tay phải giơ dao định đâm thì bị James hạ. Cuối cùng anh đi tiếp hành trình của mình.
Tuy rõ ràng là phim cowboys được xếp loại là phim phức hợp, vừa có chất phiêu lưu, vừa có các yếu tố kinh dị, gián điệp, khoa học viễn tưởng. Giống như loại phim 007 với James Bond, trong phim luôn có những phụ nữ xinh đẹp, những vật dụng thông minh và những kẻ thù truyền kiếp với những âm mưu điên rồ muốn thống trị cả thế giới. Trong bối cảnh thời chính quyền của Tổng thống Ulysses Grant, tài tử Robert Conrad mắt xanh biếc quá đẹp trai trong vai điệp viên James West cùng anh bạn Artemus Gordon do Ross Martin đóng, cùng nhau chống tội ác, bảo vệ tổng thống và phá vỡ các kế hoạch của các nhân vật phản diện vĩ cuồng.
Trong bộ trang phục lịch sự của James West luôn giấu những dụng cụ độc đáo để nếu cần anh ta có thể tự giải vây cho chính mình và cho bạn bè, chống lại kẻ thù. Đó là một cây súng nhỏ xíu giấu trong tay áo, lọ mực chứa a-xít, móng vuốt sắt, dao, ròng rọc và nhiều lưỡi dao khác nhau. Nhân vật phản diện định kỳ xuất hiện đáng nhớ nhất của các tập phim là tiến sĩ Miguelito Quixote Loveless, một người lùn nóng nảy và siêu phàm do tài tử Michael Dunn đóng.
Sau một thời gian được xem phim trong khoảng mười tuổi, phim ngừng chiếu đột ngột. Anh tôi bảo hình như tài tử đóng vai James đã chết. Thực ra là từ đầu năm 1968, khi quay phim Đêm của những kẻ chạy trốn, diễn viên Conrad đã ngã từ vị trí gần bốn mét từ một chiếc đèn chùm xuống sàn bê tông và bị chấn thương nên bộ phim tạm dừng. Sau đó nó ngưng hẳn.
Tôi đã cố tìm lại tên vài bộ phim nhiều tập chiếu cùng khoảng thời gian đó, như bộ phim mà chúng tôi tạm gọi là phim “Tàu ngầm”. Bộ phim diễn tả chiếc tàu ngầm và thủy thủ đoàn đi khắp các vùng biển sâu, làm những nhiệm vụ được giao. Ấn tượng bộ phim này mang lại là những cánh cửa trong tàu ngầm luôn có hình bánh xe, phải xoay nhiều vòng để đóng mở; là cảnh chiếc tàu chao đảo và những người trong tàu té nghiêng ngả. Cảnh đáng nhớ nhất là khi một thủy thủ bận đồ lặn nhào xuống đáy biển, vật lộn dữ dội với một con thủy quái có lớp vảy dày. Khi anh ta trở lên, chiếc áo anh ta bị rách sau lưng và người xem bất ngờ khi da lưng anh ta cũng có vảy. Anh ta đã bị đồng hóa để sau đó hại thủy thủ đoàn trên tàu.
Một phim khác, diễn tả một gia đình gồm một nhà bác học nhút nhát, thường đội một cái mũ có đuôi khi ngủ. Các nhân vật khác có thể là hai đôi vợ chồng người anh và người em. Cả nhà lạc trong một không gian xa lạ của một hành tinh nào đó (hoặc một khu rừng nào đó), luôn gặp những quái vật hay chuyện rắc rối phải chống lại.
Hai bộ phim khác đáng nhớ nữa, là phim Star War mà bọn trẻ chúng tôi gọi là phim “Lỗ tai lừa” vì có nhân vật có chiếc tai vểnh nhọn, sau này có làm lại. Phim thứ hai là Combat, mô tả các trận đánh của quân đội Mỹ chống phát xít với hai diễn viên chính là Vic Morrow và Rick Jason. Sau này, tôi đọc được tin là Rick Jason đã tự sát năm 2000. Trước đó, năm 1976, Vic Morrow, diễn viên có gương mặt phong trần đã chết trong một tai nạn thảm khốc năm 1982 trên trường quay, trong cảnh một chiếc máy bay trực thăng rơi ngay trên đầu anh ta và hai em bé diễn viên khác.
Nhiều khi ngồi xem phim Batman cùng hai con, tôi nhớ anh chàng Batman ngày xưa với áo quần bùng nhùng chứ không nổi đầy cơ bắp như bây giờ. Chàng Robin ngày xưa thường bị bắt khiến Batman phải đi cứu, hiền lành như một cậu bé chơi trò làm anh hùng. Dù sao, đối với bầy trẻ nhỏ ngày xưa, đó là những siêu nhân thật sự.
Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại bộ phim Vua sư tử được Mỹ sản xuất với nhân vật chú sư tử con Simba. Khi xem bộ phim này, tôi nhận ra những nét quen thuộc của bộ phim hoạt hình Kimba, sư tử trắng có chú sư tử con Kimba của nước Nhật mà tôi và bạn bè cùng lứa xem trên ti vi. Trong đó cũng có cảnh sư tử cha đứng trên mỏm núi đá như trong phim Simba, cũng có chi tiết chú sư tử con tập ăn cỏ đến le lưỡi và nhiều thứ khác nữa.
Đã có một cuộc tranh cãi nổ ra giữa người Nhật và người Mỹ, cho rằng The Lion King của Disney đã sử dụng ý tưởng của bộ phim Kimba, the White Lion của người Nhật. Họa sĩ thuộc đội sáng tác của Disney phải biện bạch: "Chắc chắn không có chuyện lấy ý tưởng từ Kimba mà do đội ngũ làm phim The Lion King trưởng thành ở thập niên 1960, vì vậy việc trùng lặp ý tưởng là do họ bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh từ tuổi thơ". Câu bào chữa lưng chừng này khá thú vị với tôi, khiến tôi như gặp lại những người cùng thời đã có cùng cảm xúc khi xem phim về sư tử Kimba.
Cuối thập niên 1960 và đầu 1970, chương trình truyền hình chỉ có vài giờ mỗi tối với các chương trình Việt, nên những bộ phim đài Mỹ trở thành cánh cửa sinh động hiếm hoi giúp lũ trẻ chúng tôi nhìn ra thế giới, phiêu du xuống đáy biển sâu và hình dung về cuộc sống trên một chiếc tàu ngầm, về nước Mỹ thời lập quốc và trận chiến chống phát xít Đức. Giấc mơ khám phá vũ trụ qua phim Star War càng rạo rực thêm trong đám con nít vì trước đó, mùa hè năm 1969, nó được hiện thực hóa bằng chuyến bay đáp xuống mặt trăng của phi thuyền Apollo 11, có đưa tin trên băng tần 11. Đó là những bộ phim mang đến những ấn tượng mới mẻ về thế giới vì lúc đó, có vào rạp xi nê cũng không có được khi phim võ thuật Hồng Kông và diễm tình Đài Loan đang tràn ngập.
Cuối thập niên 1990, sau khi đĩa phim thay cho băng video, tôi quay lại với phim ảnh vì trước đó thà nhịn còn hơn coi phim trên màn hình với hình ảnh nhòe mờ, giật cục từ những cái băng video thu tới thu lui. Trong suốt một năm, tôi xem phim hằng ngày, bỏ lửng thú vui mua và đọc sách. Đó là một năm đáng nhớ. Tôi hạnh phúc không chỉ vì những bộ phim là phương tiện thoát đi sự buồn tẻ của cuộc sống, hay vì nhờ đó mình có thể phiêu du khắp nơi, mà khi xem phim, phải chăng ta như thấy được những mộng mơ của chính mình trong một thế giới mơ ước, qua hình tượng một nhân vật nào đó.
Tôi luôn thích nói chuyện với người thích đọc sách, cũng dễ gần hơn với những người thích xem phim. Họ lịch duyệt hơn và chắc chắn văn minh hơn những người không quan tâm việc xem một bộ phim hay đọc một cuốn sách nào, dù có giàu có sang cả đến mấy.
Tôi cảm ơn những bộ phim thời thơ ấu, tạo sự cuốn hút đầu tiên về thế giới điện ảnh huyền diệu ở thời ban sơ của tâm hồn.
P.C.L (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét