Vở opera "Ký ức ngày hôm qua": Đau đáu về niềm tin cuộc sống

Tối 17.8, đêm khai mạc ‘Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2019’ đã diễn ra với vở opera ‘Ký ức của ngày hôm qua’ (Yesterday’s Memory). Lần đầu tiên, một vở nhạc kịch trinh thám mà kịch bản và cách dàn dựng khiến khán giả vừa thích thú vừa bàn luận với nhau trong… hoang mang: “Cuối cùng ai là kẻ giết người?”.

Cuộc sống này quá mông lung

Đạo diễn người Đức David Hermann đã được khán giả Việt Nam biết đến với các vở opera Cây sáo thần, Nhà thiện xạ, Con dơi và lần này là Ký ức của ngày hôm qua được anh dàn dựng cùng với biên kịch Anna-Sophie Weber.

Ký ức của ngày hôm qua có nội dung tương tự kiểu truyện thám tử Sherlock Holmes. Sau cái chết của nhân vật Max X, điều tra viên Johnny quyết tâm lần theo những dấu vết anh cho là manh mối để tìm ra hung thủ giết người. Từ nhà riêng của nạn nhân, Johnny tìm đến các địa điểm khác nhau: nhà hát, quán bar, khách sạn, nhà xác, nghĩa trang, phòng thẩm vấn… tuy nhiên sự việc càng lúc càng rối.

Ai có thể là thủ phạm: cô vợ nạn nhân, cô nhân tình của nạn nhân, cô ca sĩ ở quán bar, ông giám đốc nhà hát hay chính là tay điều tra viên…? Và động cơ giết người là gì? Một “mớ bòng bong” các câu hỏi khiến khán giả mong muốn chỉ đích danh hung thủ “tuyệt vọng”: không ai là thủ phạm hoặc ai cũng có thể là thủ phạm.

Một phân cảnh trong vở nhạc kịch. Ảnh: HBSO

Nhưng nếu cho biết rõ ràng ai là thủ phạm thì tác phẩm có khi chỉ đơn thuần là một câu chuyện. Chính vì không thể luận ra ai là tội phạm khiến cho vở diễn hấp dẫn hơn nhiều đối với những khán giả thích phân tích những điều nằm sau câu chuyện.

Trong một lần nói về tác phẩm của mình, đạo diễn nói rằng: “Khán giả sẽ suy nghĩ về những điều nên tin và không nên tin trong cuộc sống”. Nếu để ý câu nói đầy triết lý của điều tra viên Johnny ở cảnh cuối, đại loại: “Trong cuộc sống, đừng nghĩ mình quá thông minh”, cũng chính là lúc khán giả đặt câu hỏi cho chính mình, rằng: “Ta có nên tin vào trí thông minh của mình không?”.

Nên chăng chúng ta chỉ có thể đặt niềm tin vào điều này, rằng cuộc sống quá mông lung và phức tạp, ở đó ai cũng có thể rơi vào cạm bẫy hoặc chính là kẻ đặt cái bẫy. Cuộc đời rắc rối đến mức, đôi lúc chúng ta (dù thông minh đến đâu) không còn nhìn ra đâu là thực đâu là hư.

Tận dụng hiệu quả âm nhạc và không gian của nhà hát

Đạo diễn đã lựa chọn lắp ghép trích đoạn opera kinh điển của các nhà soạn nhạc Bach, Mozart, Beethoven… Trích đoạn các tác phẩm hay nhất thế giới đã được đưa vào mượt mà, vì vậy, âm nhạc của Ký ức của ngày hôm qua đã làm thoả lòng khán giả.

Các trích đoạn nhạc được hát bằng tiếng Đức và phần thoại của diễn viên bằng tiếng Việt.

Một phân cảnh trong vở nhạc kịch. Ảnh: HBSO

Ca sĩ Anh Bằng (Giảng viên Nhạc viện TP.HCM) trong vai trò một khán giả, đã chia sẻ nhìn tổng thể đây là một vở diễn tốt và anh rất ấn tượng nhất với đạo diễn: “Cách dàn dựng tiết tấu nhanh hơn các vở opera thông thường và tình huống liên tục được đưa ra đầy cuốn hút. Hai đứa con nhỏ dưới 10 tuổi của tôi vẫn theo dõi được. Đạo diễn đã mạnh dạn đưa dàn hợp xướng ra sân khấu bằng các vai diễn và các nghệ sĩ đã làm rất tốt công việc của mình. Một điểm thú vị nữa ở cảnh đầu tiên, dàn hợp xướng được hát từ trên cao (lầu 2) tạo âm thanh rất hay và đem đến cho khán giả một cảm giác mới”.

Sân khấu được thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả, ngoài ra, đạo diễn còn tận dụng rất tốt không gian của nhà hát. Chỉ với các khung nhôm, đạo diễn đã linh hoạt biến thành phòng thẩm vấn, nghĩa trang, quán bar… Chỉ với một bục gỗ để sử dụng làm sân khấu ca sĩ ở quán bar, ngôi mồ…

Ở cảnh đưa tang, đạo diễn sử dụng toàn bộ sân khấu với cách sử dụng ánh sáng tạo độ sâu, chia thành không gian bên ngoài và bên trong nghĩa trang khá ấn tượng. Hay một cảnh ấn tượng khác, ban-công của sân khấu được sử dụng là bối cảnh khách sạn nơi cô nhân tình Max X lưu trú và ánh sáng ở cảnh này cho khán giả cảm giác một không gian vừa tĩnh vừa động.

 “Với một tác phẩm được đầu tư tốt như Ký ức của ngày hôm qua nếu chỉ diễn một suất thì hơi phí” là ý kiến của ca sĩ Anh Bằng và nhiều khán giả khác. Hy vọng, HBSO sẽ có lịch cho vở diễn này trong các đêm diễn định kỳ của nhà hát.  

Ký ức của ngày hôm qua (kịch bản: Anna-Sophie Weber, đạo diễn: David Hermann – Anna-Sophie Weber) có sự tham gia của các nghệ sĩ solo của HBSO và dàn nhạc, dàn hợp xướng HBSO, chỉ huy: nhạc trưởng Trần Nhật Minh, nhạc trưởng người Đức Askan Geisler phụ trách huấn luyện thanh nhạc và hỗ trợ dàn nhạc.
L.H (HNS)

Nhận xét