Tiểu luận của Afred Brendel về Beethoven, Schubert và nhiều nhà soạn nhạc khác có liên quan sâu sắc đến những nghệ sĩ biểu diễn cũng như những thính giả mộ điệu.
Alfred Brendel, một trong những nghệ sĩ piano vĩ đại nhất của thế kỷ XX, cũng là một cây bút đại tài. Bạn có thể thường xuyên nhận ra nụ cười vô tư hồn hậu đằng sau ngôn từ của ông, nhưng kèm với đó là nét nghiêm nghị thật sự nhân văn. Lối viết luôn hấp dẫn của ông nhắm tới sự cân bằng giữa những suy nghĩ nghiêm túc và cái dí dỏm không thể phủ nhận. Một ví dụ hoàn hảo cho sự cân bằng này dễ dàng được nhận thấy trong bài luận: “A Mozart Player Gives Himself Advice” (Một người chơi nhạc Mozart tự đưa ra lời khuyên cho chính mình) ông viết năm 1985, trong đó Brendel kêu gọi người đọc từ bỏ quan niệm rằng: “Mozart là ngọt ngào và kiểu cách”. Ông viết rằng: cần phải tránh tất cả những “Mozart dễ thương”, “Mozart thơm tho”, “Mozart luôn gây mê mẩn”, “Mozart đừng có chạm đến”, “Mozart phúng phính một cách đa cảm”. Brendel không vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề, và khi ông làm vậy, vấn đề trở nên rõ ràng.
Alfred Brendel (Ảnh: internet)
Giờ đây khi đã giã từ sân khấu hòa nhạc, Brendel ở tuổi 87 đã viết rất nhiều trong suốt cuộc đời mình về cách ông tiếp cận để diễn dịch và biểu diễn cho các ấn phẩm như: “The New York Review of Books” (Tạp chí phê bình sách New York) và “The Musical Times” (Thời báo Âm nhạc). Ông đã xuất bản nhiều cuốn sách và nổi bật nhất là “Musical Thoughts and Afterthoughts” (Những suy nghĩ và hồi tưởng về âm nhạc) và “Music Sounded Out” (Âm nhạc vang vọng). Các bài luận và bài giảng về mỗi cuốn sách đó (cộng với một vài tác phẩm chưa được thu thập trước đây) đã được tập hợp trong Music, Sense, and Nonsense - “Collected Essays and Lectures” (Âm nhạc, ý nghĩa và vô nghĩa: tập hợp các bài luận và bài giảng), hiện đang được phát hành ở dạng sách bìa mềm.
Trong các bài luận và bài giảng này, Brendel xem xét đến các yếu tố âm thanh, sự im lặng, cái siêu phàm, hài hước và vai trò quyết định của người biểu diễn trong trải nghiệm âm nhạc. Điều cũng làm cho bộ sưu tập này rất xác đáng là việc những phân tích và bàn luận của ông hấp dẫn thế nào đối với học giả, nghệ sĩ biểu diễn và thính giả mộ điệu - một thành tựu hiếm có với bất cứ ai viết về âm nhạc cổ điển.
Trong “Form and Psychology in Beethoven’s Piano Sonatas” (Hình thức và tâm lý trong các sonata piano của Beethoven), một bài giảng được xuất bản lần đầu trong “Music and Musicians” (Âm nhạc và các nghệ sĩ) vào năm 1971, ông nói rằng “mặc dù tôi thấy việc nghĩ về âm nhạc là cần thiết và thú vị, nhưng tôi luôn ý thức được thực tế rằng cảm giác phải là yếu tố tiên quyết và tối hậu của người nghệ sĩ”. Nói cách khác, vai trò của người biểu diễn chính là vừa diễn giải âm nhạc vừa thuyết phục khán giả về sự gần gũi và thích đáng của âm nhạc.
Sự trung thành của người nghệ sĩ trong mối quan hệ giữa nhà soạn nhạc - người biểu diễn - khán giả cũng quan trọng và khó khăn không kém. Một thính giả kỹ tính trong phòng hòa nhạc phải nhớ rằng âm nhạc được bao quanh bằng sự yên lặng từ mọi phía. “Người nghệ sĩ muốn lắng nghe sự im lặng”, Brendel lưu ý:
Sự im lặng ở đó trước và sau âm thanh, ngấm ngầm thở trong những quãng lặng, đôi khi, như trong Sonata giọng Xi giáng trưởng của Schubert, là nguồn gốc của sự khởi đầu, ở những bản khác, như trong 3 sonata cuối cùng của Beethoven, chỉ định phải được tuân thủ: như là sự rút lui vào thế giới nội tâm, sự vứt bỏ mọi xiềng xích, sự hợp nhất sau cùng với sự im lặng.
Có bao giờ người biểu diễn tự hỏi: “Tôi đang nghe chính mình. Công chúng nghe tôi. Tôi có nghe nhà soạn nhạc không?”
Nỗ lực tốt nhất để có câu trả lời được thể hiện trong bài viết của Brendel về nhà soạn nhạc đa tài, nghệ sĩ piano và nhà văn Ferruccio Busoni. Trong “A Peculiar Serenity” (Một sự thanh thản đặc biệt), Brendel viết về ý tưởng của Busoni về việc diễn dịch bằng âm nhạc “những suối nguồn” từ “những đỉnh cao hùng vĩ” và rằng, khi nó có nguy cơ rơi trở lại mặt đất, giống như Icarus, người biểu diễn phải hướng nó trở lại những đỉnh cao đó. Tương tự thế, Brendel khẳng định rằng vai trò của người biểu diễn chính là biến “những sáng tạo âm nhạc” thành “sức mạnh căn bản vượt ra ngoài những âu lo của con người”, điều được nhà soạn nhạc cũng như người biểu diễn chia sẻ.
Tất cả những điều này có vẻ hơi kịch tính đối với người ngoại đạo cho đến khi bạn xem xét những gì một người biểu diễn đang thực sự cố gắng làm trên sân khấu. Thật dễ dàng để mặc định rằng một màn trình diễn nên hướng trực tiếp đến những đam mê, những điểm yếu và cảm giác về bản thân của thính giả. Điều mà nhiều thính giả có thể hoàn toàn không để ý đến là sự trải nghiệm gần như hoàn toàn nằm trong tay người biểu diễn, một người được giao nhiệm vụ, bằng cách nào đó tạo ra sự siêu phàm mà không đánh mất khán giả trong quá trình đó.
Nếu như sẽ có nhiều chuyện để nói về sự siêu phàm, thì cũng nên nói nhiều về sự hài hước. Mozart đi vào tâm trí. Các vở opera comic của ông tràn ngập cái tài tình chỉ tương hợp với tính nhân văn của chúng. Về Mozart, Brendel trích dẫn Busoni, người có thể đã diễn đạt điều đó tốt nhất: “Ở trong tình huống bi thảm nhất, ông vẫn sẵn sàng đùa cợt - trong những lúc vui nhộn nhất, ông vẫn có khả năng tạo ra cái nghiêm trang uyên bác”. Trong “Must Classical Music Be Entirely Serious?” (Nhạc cổ điển phải hoàn toàn nghiêm túc?) Brendel xem xét sự hài hước trong cái mà với nhiều người, có vẻ như là thể loại âm nhạc ít hài hước nhất có thể tưởng tượng ra. Vì vậy, chắc chắn là Mozart hài hước, nhưng còn Beethoven và Haydn thì sao? Phải, họ cũng vậy. Cảm nhận được một số trò tinh nghịch bằng âm nhạc trong và quanh Vienna, Hoàng đế Áo Joseph II đã búng ngón tay trước những gì ông thấy như là “những trò đùa của Haydn”. Và Brendel trích dẫn nhà văn và nhà âm nhạc học người Đức Friedrich Rochlitz, người đã viết rằng “một khi Beethoven đang trong tâm trạng thất thường, thô lỗ, dí dỏm một cách ấn tượng, có những quan niệm kỳ quặc thì những kết hợp bất ngờ và thú vị cùng những nghịch lý đều đều ùa tới với ông”. Brendel đưa ra lời nhận xét này để phản ánh mặt hài hước của Beethoven.
Viết về chương đầu tiên của Sonata piano No.16 - giọng Sol trưởng, Op. 31 của nhà soạn nhạc, Brendel lưu ý: có thêm những manh mối về những ý đồ hài hước [của Beethoven]: hai bàn tay dường như không thể chơi cùng lúc; những nốt staccato ngắn; sự đều đặn có phần kỳ quái của những đợt âm thanh ngắn bị gián đoạn bởi những quãng lặng. Tính chất nổi bật là một trong những điều bắt buộc, nhưng phân tán, cương quyết. Tác phẩm dường như không thể tới bất cứ nơi nào, ngoại trừ nơi nó không nên tới.
Ở đây Brendel quan sát thấy rằng sự bất thường rõ ràng về âm nhạc - bao gồm chủ đề thứ hai bắt đầu từ âm trung (bậc III) Si trưởng thay vì âm át (bậc V) Rê trưởng - nghe có vẻ kỳ quặc đối với thính giả thời đó (và cả thời nay nữa). Brendel coi đây là một trò đùa cợt của Beethoven trên truyền thống âm nhạc cổ điển cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, thứ được xác định chủ yếu nhờ sự cân bằng âm, cách nhấn mạnh đối xứng và cách phát triển chủ đề hợp lý.
Xét rộng hơn, ý Brendel là nếu bạn cảm thấy cứ như âm nhạc đang nháy mắt và lè lưỡi với mình, bạn có thể đã đúng. Và bạn không cần phải luôn hiểu biết sâu sắc về hình thức và hòa âm (mặc dù điều đó có thể giúp ích) để thưởng thức những trò đùa âm nhạc này. Đôi khi những gì được gọi là hài hước trong âm nhạc cổ điển chỉ là cái gì đó nghe sai sai; đó là lý do tại sao nó hài hước. Tuy nhiên, Brendel than thở về việc để hài hước hay vui vẻ trong phòng hòa nhạc thì khó đến thế nào, bầu không khí của nơi đó thường được thiết lập theo quan điểm của Immanuel Kant, rằng đối tượng của nghệ thuật đẹp “phải luôn thể hiện một phẩm giá tự thân nhất định”. Brendel không đồng tình. Ông viết: “Về phần mình, tôi cảm thấy rất vui khi tận hưởng “cái siêu phàm đảo ngược”, và để lại cái phẩm giá của Kant ở phía sau nơi Haydn và Beethoven có được niềm vui rõ ràng chừng ấy khi làm vậy”.
Trong bài viết của mình, Brendel thường đề cập đến ý tưởng của nhà thơ người Đức Novalis rằng “trong một tác phẩm nghệ thuật, sự hỗn loạn phải lung linh qua bức màn trật tự”. Đối với một nghệ sĩ biểu diễn như Brendel, việc cân bằng hỗn loạn và trật tự đòi hỏi cả năng lực nghiêm túc lẫn năng lực khôi hài, và sự thoải mái với một số chồng chéo giữa chúng. Ông cho rằng một thế giới hoàn toàn hợp lý sẽ rất đáng tiếc, rằng cần phải có sự cân bằng giữa lý trí và phi lý, hữu hạn và vô hạn. Mỗi người biểu diễn và người nghe có thể nghĩ về sức căng hữu ích này như sức căng giữa âm thanh và sự im lặng. Brendel gợi ý rằng, yêu âm nhạc nghĩa là nắm lấy những khoảnh khắc thoáng qua của nó, cũng như sự im lặng khi chúng đến.
Nguyễn Tuấn Anh (dịch) - NA9 (hiệu đính)
(HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét