Thu nhập thấp, môi trường nhiều “đụng chạm”, nghệ sĩ múa minh họa muốn bỏ nghề

Lao động ngày đêm, nhiều khi phải đi diễn tỉnh, tốn kém tiền quần áo, trang điểm, tuy nhiên thu nhập của nghề vũ công hiện chưa tương xứng, dẫn đến nhiều bạn trẻ muốn bỏ nghề. Không chỉ vậy, họ còn phải chịu đựng nhiều điều tiếng vì môi trường làm việc chung đụng, “thiếu chuẩn mực”.

Talkshow Chuyện Cuối Tuần, chủ đề “Mặt trái nghề vũ công” sẽ ra mắt khán giả vào lúc 21:35 thứ bảy ngày 12/10 trên kênh VTV9. Khách mời đặc biệt tham gia Chuyện Cuối Tuần là vũ công Thanh Sang.


Thanh Sang là trưởng nhóm múa minh họa mang tên Ô, nhóm nhảy của anh có 32 người, bao gồm 16  bạn nam và 16 nữ. Thanh Sang cho biết, nhóm nhảy của anh ra đời sau các nhóm nhạc nổi tiếng như Vũ đoàn Hoàng Thông, Nhóm Bước nhảy, nhóm ABC… Ban đầu, anh chỉ là sinh viên đam mê việc nhảy múa, sau đó, Thanh Sang rủ những người bạn cùng đam mê thành lập nhóm, nhảy múa minh họa cho các nghệ sĩ showbiz. Nhóm của anh từng nhận được giải vô địch quốc gia về nhảy và dần đắt show, được nhiều nghệ sĩ mời cộng tác.

Nói về những người đồng nghiệp của mình, Thanh Sang cho biết, hiện tại trong thành phố có khoảng 10 nhóm nhảy, mỗi nhóm có khoảng 30-40 thành viên. Như vậy, tổng số lượng vũ công tại TP HCM là khoảng 300 - 400 người.

Hiện nay, nghề nhảy múa minh họa tuy không phải là quá hot nhưng cũng thu hút được khá nhiều bạn trẻ tham gia. Hầu hết các bạn trẻ đều xuất phát từ đam mê rồi tham gia những khóa học ở Nhà văn hóa Thanh niên. Theo Thanh Sang, đây là một nghề đào thải khá khắc nghiệt vì thường chỉ những người trẻ mới tham gia và tồn tại được ở nhóm nhảy. Bản thân anh theo nghề được 13 năm, trong quá trình hoạt động, anh chứng kiến cảnh thường xuyên có những thành viên rời nhóm nên liên tục phải casting, tuyển mới những bạn trẻ tham gia thay thế. Được biết, độ tuổi trung bình của các thành viên trong nhóm là khoảng từ 20-25 tuổi.


Tuy phải tập luyện ngày đêm, thường xuyên đi diễn tỉnh xa xôi, vất vả, song thu nhập của nghề nhảy múa minh họa lại chưa cao. Theo Thanh Sang, một tháng, trừ các khoản chi phí quần áo, trang điểm, đi lại ra thì một vũ công thu nhập trung bình khoảng 6-8 triệu đồng. Những tháng cuối năm có nhiều show diễn thì thu nhập có thể cao hơn. Tuy nhiên, vì thu nhập khá thấp như vậy nên có rất nhiều nghệ sĩ đã bỏ nghề hoặc phải làm thêm những nghề khác như bán hàng online để trang trải thêm.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ múa minh họa gặp nhiều thiệt thòi như ít được công chúng biết đến, vì thế không ít nghệ sĩ múa minh họa khi có chút tiếng tăm đã chuyển qua làm nghề múa solo như Phan Hiển - chồng Khánh Thi, hoặc nếu có giọng thì chuyển sang đi hát như nhóm Trio 666. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nghề nhảy minh họa thường xuyên thiếu “nhân tài”.

Một trong những điều mà các nghệ sĩ múa minh họa hay gặp phải, đó là điều tiếng trong nghề. Do đặc thù nghề nghiệp, các vũ công hay phải đi lưu diễn tỉnh, khi nhảy múa thì thường có những động tác đụng chạm đến cơ thể nhau. Cách ăn mặc của các vũ công cũng không thể kín đáo mà thường là khoe da thịt, váy ngắn hay áo hở vai, hở lưng. Ngoài ra, khi thay đồ, nhiều địa điểm lưu diễn không có chỗ riêng biệt cho nam và nữ, dẫn đến không ít trường hợp các nữ vũ công bị lợi dụng và sàm sỡ.

Đạo diễn Lê Hoàng cho biết, anh rất xót xa khi chứng kiến nhiều vũ công bị dư luận cho là “sinh hoạt bừa bãi, không chuẩn mực”. Đặc biệt, Lê Hoàng đã từng “ngượng chín mặt” khi từng chứng kiến cảnh vũ công thay đồ trước mặt:

“Có lần tôi đi cùng một người trong nhóm nhảy, đến một vũ trường. Do không gian chật hẹp của vũ trường nên không có chỗ thay đồ riêng. Vì thế, giữa hai tiết mục múa minh họa, tôi thấy các vũ công túm lại với nhau thay đồ ào ào ngay trước mặt. Tôi thấy rất ngượng, trong khi các bạn ấy thản nhiên, coi là bình thường, chắc họ làm nhiều lần rồi nên không coi đó là chuyện lớn. Tôi nghĩ chắc mình cổ hủ rồi. Chắc chắn, trong quá trình múa minh họa hay xảy ra những chuyện như vậy. Điều này không hề xấu nhưng sẽ ảnh hưởng đến sự sang trọng, và tâm lý của không ít người làm nghề”.

Để tránh xảy ra những trường hợp này, bản thân Thanh Sang luôn có gắng yêu cầu những nơi tổ chức phải có đủ chỗ thay đồ cho nam và nữ. Khi lưu trú qua đêm, anh yêu cầu nam nữ phải có phòng riêng. Đồng thời, Thanh Sang cũng gắng động viên các vũ công trong đoàn, cần tránh những  trường hợp nhạy cảm để không bị dư luận đánh giá sai.

Theo vũ công Thanh Sang, giữa các vũ công với nhau thường có tinh thần trợ giúp nhau rất cao. Giữa các vũ đoàn, cũng có cạnh tranh, song không nhiều. Thường mỗi vũ đoàn sẽ có một phương hướng, một hướng đi riêng, không giống các vũ đoàn khác, vì thế không có quá nhiều những trường hợp như vũ đoàn này “triệt hạ” vũ đoàn kia để sinh sống.


Tuy nhiên, dù vậy, trong giới vũ công cũng nhiều vũ đoàn bị mang tiếng là nhái hoặc đạo bài nhảy của nước ngoài hoặc của nhóm khác. Với Thanh Sang, anh luôn cố gắng sáng tạo những bài mới từ ý tưởng của chính bản thân mình, tránh sao chép, copy ý tưởng từ bất kì nguồn nào.

Hiện nay, so với các nước trong châu Á, trình độ nhảy của các vũ công Việt Nam không thề thua kém. Tuy nhiên, nếu xét ở mức độ nhóm nhảy thì Việt Nam lại thua bởi các nhóm nhảy Việt Nam rất ít tham gia các các cuộc thi nhảy quốc tế, vì thế cũng không có nhiều điều kiện để cọ sát, học hỏi. Đặc biệt, các bài nhảy của vũ đoàn Việt Nam chưa làm nổi bật được tính dân tộc, chưa tôn vinh lên được nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam mà mới thiên về vấn đề kĩ thuật nhảy sao cho đẹp. Vì thế, theo vũ công Thanh Sang, trong tương lai, các nhóm nhảy ở Việt Nam cần phải trau đồi hơn nữa vấn đề về ý tưởng, chủ đề để tương lai, có thể giao lưu và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động múa minh họa ở Việt Nam.

Chuyện Cuối Tuần chủ đề “Mặt trái nghề vũ công” với sự đối thoại thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và Vũ công Thanh Sang sẽ được phát sóng vào 21:35 thứ bảy ngày 12/10 trên kênh VTV9.

Y Bình

Nhận xét