Trong số các ca sĩ lừng danh ở hải ngoại, Lệ Thu được đánh giá là "Giọng ca vàng mười", với âm sắc đầy nội lực, bay bổng và sang trọng. Có những ca khúc trở nên độc quyền của Lệ Thu khó ai sánh kịp. Mặc cho duyên kiếp có nhiều trắc trở, Lệ Thu đã vượt lên số phận. Cuộc đời Lệ Thu thật thà đến khờ dại, luôn đánh rơi những gì ngỡ như đã cầm được trên tay...
Những cuộc tình sóng gió trước ngày tha hương
Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng. Cái tên khai sinh này có số phận kỳ lạ. Cô bé Oanh được ông trời ban cho phước lành sống sót sau bảy anh chị em trước đó lần lượt ra đi. Năm 1953, hai mẹ con Oanh dắt díu nhau vào Sài Gòn sinh sống, tại khu chợ Vườn Chuối (Quận 1). Đó là một cuộc chạy trốn số phận của kiếp con thêm, vợ lẽ truân chuyên khổ ải. Nhưng ở mảnh đất mới này, cô bé Bùi Thị Oanh đã trở thành một con người khác khi được học một thầy đàn ở gần nhà. Một năng khiếu âm nhạc bẩm sinh và giọng hát thiên phú được cất cánh.
Đầu năm học lớp 12 (1959), Bùi Thị Oanh đi dự sinh nhật bạn cùng lớp tại phòng trà ca nhạc Bồng Lai. Cô đã bị bạn bè thúc lên hát tặng ngày vui. Oanh lúng túng không biết nên hát bài nào cho hợp nhưng khi ấy những câu hát trong bài "Tà áo xanh" (Đoàn Chuẩn - Từ Linh) bỗng vang lên. Thế là cô cất tiếng hát. Những âm sắc non tơ trong vắt. Nỗi niềm khắc khoải của một cuộc tình chia xa làm tê tái tâm hồn người nghe. Ông chủ phòng trà sửng sốt chăm chú.
Ca sĩ Lệ Thu thời trẻ.
Ngay lập tức ông đề nghị Bùi Thị Oanh ký hợp đồng biểu diễn thường xuyên. Bùi Thị Oanh vui sướng tột độ và vội lấy nghệ danh Lệ Thu để giấu mẹ lén đi biểu diễn hằng đêm. Cái tên Lệ Thu bật ra như một phản xạ tự nhiên nhưng lại là ẩn ức trong cuộc đời đẫm nước mắt của chính cô.
Cuộc tình đầu tiên của Lệ Thu với anh chàng phi công thật chóng vánh khi cô mới chớm tuổi 18. Giọng hát của Lệ Thu làm mê mẩn tâm hồn người lính này. Khi kết hôn, chàng phi công mới vỡ lẽ cô ca sĩ của mình thật sự ngây thơ và trong sáng, không hề biết gì về cuộc sống vợ chồng. Lệ Thu chỉ nghe theo mẹ đi lấy chồng với nỗi lo sợ trở thành "bom nổ chậm" của mẹ mà thôi. Một cuộc hôn nhân lạnh lẽo, cưỡng không được, mơ mộng cũng không xong. Gắng gỏi chỉ thêm khổ nhau, thế là hai người chia tay sau 2 tháng kết hôn.
Cũng từ đây, giọng hát của Lệ Thu ngày càng trở nên sáng giá. Cô hát cho mấy trung tâm ca nhạc và sàn nhảy. Họ tranh giành thời gian với cô. Cái tên Lệ Thu gắn liền với vũ trường Tự Do từ năm (1962), sau đó là vũ trường Queen Be và sàn nhảy Ritz (từ năm 1968 đến 1971). Rồi cô trở thành giọng ca độc quyền thu băng đĩa của hãng Jo Marcel nổi tiếng.
Thời gian này, Lệ Thu nảy sinh cuộc tình mới của một khán giả từ Pháp trở về (1963). Chính những ca khúc tiếng Pháp mà Lệ Thu hát đã cất lên tiếng gọi tình yêu của anh chàng kỹ sư tên Sơn này. Đây là một cuộc tình như mơ của Lệ Thu. Hai người đi đâu cũng có nhau. Họ tiến tới hôn nhân và hai cô con gái xinh đẹp lần lượt chào đời.
Nhưng rồi sự nghiệp ca hát đã cuốn Lệ Thu vào những ngày tháng phiêu du bất tận. Lệ Thu nổi lên như một ngôi sao sáng bên cạnh những giọng hát Khánh Ly, Thái Thanh và Bạch Yến… Danh tiếng càng rực rỡ thì tình cảm gia đình dần dần càng lạnh nhạt vì hai người ít có thời gian bên nhau. Sau bảy năm chung sống, họ ly hôn và hạnh phúc tan vỡ như một sự tất yếu.
Lệ Thu lại dành hết tâm trí mình cho những ca khúc và hết lòng cống hiến cho khán giả. Nói đến Lệ Thu là nói đến những ca khúc làm say đắm lòng người như: "Hoài cảm" (Cung Tiến); "Xin còn gọi tên nhau" (Trường Sa); "Mùa thu chết" (Phạm Duy); "Mười năm tình cũ" (Trần Quảng Nam); "Thu hát cho người" (Vũ Đức Sao Biển); "Nước mắt mùa thu" (Phạm Duy)…
Đặc biệt sau này là album "Sơn Ca 9" (Giọng hát Lệ Thu) được phát hành với số lượng lớn trong năm 1974. Và cũng trong năm tháng này, cuộc tình mới ập đến như cơn gió lạ đối với trái tim đầy tổn thương của Lệ Thu với nhà báo Hồng Dương nổi tiếng lúc đó. Một cuộc tình như trẻ lại với những ước vọng hạnh phúc bao la trong tâm hồn ca sĩ. Chỉ một năm sau đó Sài Gòn được giải phóng, họ kết hôn và cuộc hôn nhân này đã ban cho hai người một cô con gái xinh đẹp, đặt tên là Thu Uyển.
Những biến động lịch sử giai đoạn này đã tạo nên sự xáo trộn bất thường trong xã hội. Nhiều người đã bỏ quê hương ra đi. Lệ Thu không hề nghĩ tới điều đó mặc cho nhiều người lôi kéo dụ dỗ. Nhưng hạnh phúc trở nên thật sự mong manh. Lệ Thu phân vân giữa ngã ba đường, đi hay ở khi còn mẹ già, con nhỏ và đường tình duyên vốn lận đận trắc trở.
Trong thời gian này Lệ Thu vẫn đi hát cho đoàn kịch Kim Cương và bắt đầu tập những ca khúc cách mạng. Không ngờ những ca khúc mới đã đem lại cảm hứng đột xuất cho Lệ Thu. Cô đã biểu diễn rất thành công những bài hát quen thuộc: "Tự nguyện" (Trương Quốc Khánh); "Trên đỉnh Trường Sơn ta hát" (Huy Du) và "Hà Nội niềm tin và hy vọng" (Phan Nhân).
Ngỡ như cuộc hồi sinh mới trong sự nghiệp ca nhạc của Lệ Thu ở thời điểm đổi thay của số phận và bước ngoặt của lịch sử dân tộc đang bay bổng thì éo le thay, cuộc hôn nhân lần thứ 3 này lại tiếp tục tan vỡ. Nhà báo Hồng Dương chạy theo những cuộc tình khác. Lệ Thu ôm con nuốt hận ra đi (1979).
Ca sĩ Lệ Thu từng là giọng ca vàng của các hãng băng đĩa.
Hát trên đường tử sinh và cuộc tình thầm lặng cuối cùng
Khi sang tới đất Mỹ (1980), ở tuổi 37, ca sĩ Lệ Thu tiếp nối những vinh quang trong gần 20 năm dựng nghiệp ở nước nhà. Một giọng hát đằm thắm, quyến rũ và sang trọng đã gây ấn tượng đặc biệt đối với khán giả hải ngoại. Họ yêu tình cảm nồng nàn nhưng không kém phần day dứt của Lệ Thu qua mỗi câu hát. Họ lại thương những cung bậc pha chút hờn oán và khao khát một tình yêu chân thành trong tâm hồn người ca sĩ. Đó là những lời ca đã ám ảnh lòng người của Lệ Thu.
Đôi khi khán giả quên đi tên bài hát và chỉ nhớ những lời ca mà cô đã trao cho họ. Mỗi khi Lệ Thu hát họ nhẩm theo: "Lòng cuồng điên vì nhớ. Ôi đâu người, đâu ân tình cũ. Chớ hoài nhau trong mơ. Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa" (Hoài cảm). Có những lúc mọi người cảm thấy những lời hát như vận vào cuộc đời thiệt thòi của chính người ca sĩ. Những câu hát đầu tiên năm 17 tuổi mà Lệ Thu hát qua bài "Tà áo xanh": "Lúc anh ra đi lạnh giá tâm hồn. Hoa mai rơi từng cánh trên đường. Lạnh lùng mà đi luyến tiếc thêm chi. Hoa tàn nhạc bay theo không gian" như một sự dự báo cho cuộc đời bất hạnh của mình.
Có lẽ thế đến cuộc tình lần thứ tư đến với Lệ Thu (1988) cũng vậy. Không phải một cuộc tình sét đánh nhưng đã làm Lệ Thu ngộ ra giấc mộng có thật về tình yêu giữa hai người. Chính vì thế, giọng hát Lệ Thu vào thời gian này bay bổng với nỗi niềm đam mê trong những bài ca. Một âm sắc tràn đầy hy vọng và niềm tin yêu cuộc sống trong "Thu hát cho người" và dào dạt hơn trong những bản "Serenade" mộng mơ. Ấy vậy mà Lệ Thu lại bị thần tình ái phá tan niềm hạnh phúc.
Cuộc tình tan tác như cơn ác mộng mà nữ ca sĩ muốn chôn giấu vĩnh viễn. Từ đó mọi cảm xúc Lệ Thu dồn hết cho những bản tình ca buồn. Những biến tấu về mùa thu vàng và dịu dàng nỗi niềm trong "hoài cảm" bất tận với nỗi niềm: "Chiều buồn len lén tâm tư. Mơ hồ nghe lá thu mưa. Dạt dào tựa những âm xưa. Thiết tha ngân lên lời xưa…".
Lệ Thu có những lúc mong mình chết sớm như để trả nợ đời khi nỗi tuyệt vọng trong con tim trỗi dậy. Nhưng rồi mọi chuyện trôi qua khi Lệ Thu được mời về nước biểu diễn trong đêm Sol Vàng (VTV9) nhân kỷ niệm 72 tuổi. Một chương trình đặc sắc với chủ đề "Người kể chuyện tình". Với 20 ca khúc quen thuộc vang danh suốt nửa thế kỷ qua, Lệ Thu đã thể hiện một cung bậc mới lạ. Một giọng hát tràn đầy niềm tin, xóa tan nỗi xót xa cay đắng của số phận, đem lại niềm yêu thương với sắc thu: "Màu vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi.
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người. Thu hát cho người. Thu hát cho người, người yêu… ơi" (Thu hát cho người). Quả thật đó là giọng ca chan chứa nỗi niềm nhân thế. Lệ Thu hát như kể lại những câu chuyện trong cuộc đời mình, luôn hướng về quê nhà cùng sự khát khao cháy bỏng tình yêu, trên con "Thuyền viễn xứ" tha hương.
Bội Kỳ (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét