Trong cuộc trò chuyện với NTK Quỳnh Paris, đạo diễn Lê Hoàng có những phát ngôn khá thẳng thắn về lý do vì sao thời trang Việt không được thế giới ưa chuộng.
Talkshow Chuyện Cuối Tuần, chủ đề “Nâng tầm thời trang Việt” phát sóng lúc 21h35 thứ bảy ngày 30/11/2019 trên kênh VTV9. Khách mời đặc biệt tham gia Chuyện Cuối Tuần là NTK Quỳnh Paris.
Quỳnh Paris tên thật là Nguyễn Quỳnh Như. Cô là một trong những nhà thiết kế đa tài với nhiều thành tựu đáng kể trên các lĩnh vực: thiết kế thời trang, nghệ nhân violin, họa sĩ, vũ công …Quỳnh Paris từng làm giám khảo các cuộc thi: Miss Earth 2010, Future Star 2012, Elite Model Look Vietnam 2014, và thiết kế độc quyền cho vở Opera Cây sáo thần của Mozart. Các thiết kế của Quỳnh Paris thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện: Oscars, Cannes… và được vinh danh trên tạp chí Vogue của Mỹ.
Bàn về thời trang Việt, đạo diễn Lê Hoàng nêu quan điểm, ở Việt Nam trên các con phố, không khó để thấy các cửa hàng thời trang bán đồ mang thương hiệu thế giới, dù là đồ hiệu thật hay giả, tuy nhiên, khi sang Paris hay nơi khác không thấy nơi nào bán thời trang của Việt Nam: “Không có bất kì một thương hiệu thời trang Việt Nam nào được thế giới biết đến. Thậm chí, khi hỏi một cô gái Việt, một người nổi tiếng để chọn một thương hiệu thời trang Việt thì họ cũng không chọn được. Nhà thiết kế như Đỗ Mạnh Cường, Công Trí… thì họ biết nhưng không có một thương hiệu nào được ngay cả người Việt lựa chọn”.
NTK Quỳnh Paris cho biết, để thời trang Việt được quốc tế chấp nhận thì phải có nét sáng tạo riêng, nghĩa là một nhà thiết kế phải mang được cái đặc trưng của văn hóa Việt hòa với dòng chảy mỹ thuật của thế giới thì mới thu hút được sự chú ý của công chúng. Ví dụ như nhà thiết kế người Nhật Kenzo Takada được kinh đô thời trang Paris công nhận bởi Kenzo đã mang tinh thần Nhật, sự phá cách, những nét đặc trưng nhất của người Nhật kết hợp với sự am hiểu mỹ thuật, văn hóa thế giới. Chính vì thế, các thiết kế của ông được người châu Âu ưa chuộng.
Đạo diễn Lê Hoàng đặt ra câu hỏi, tại sao một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ được coi là trung tâm văn hóa của thế giới, thậm chí nền văn minh còn có trước Hoa Kỳ, tuy nhiên, văn hóa châu Á rất khó áp đặt lên các nước châu Âu? Lý giải cho điều này, NTK Quỳnh Paris cho rằng, sức mạnh của tự do sáng tạo được ảnh hưởng từ nền văn hóa, khi con người được tự do suy nghĩ, họ sẽ tự do nói lên tâm tư của mình. Người da trắng hay người Âu Mỹ họ có điều kiện thể hiện quan điểm của bản thân, và vì thế, sự sáng tạo của họ được đông đảo mọi người khắp thế giới ưa chuộng.
Đạo diễn Lê Hoàng cũng đưa ra ví dụ thương hiệu thời trang nổi tiếng của Pháp S.T.Dupont có chiếc bật lửa và bút máy cực kì nổi tiếng. Cả hai sản phẩm đều pha trộn nhiều nét văn hóa phương Đông như in hình rồng, chạm trổ tinh tế, sử dụng chất liệu sơn mài Trung Quốc. Tuy nhiên, không có nét văn hóa nào của Việt Nam được đưa vào. Các thương hiệu nổi tiếng khác như Louis Vuitton cũng sử dụng nhiều họa tiết Trung Quốc rất nhiều. Từ đó, đạo diễn Lê Hoàng cắt nghĩa việc thời trang Việt Nam khó ra thế giới vì không biết cách học tập những tinh hoa văn hóa của thế giới: “Chúng ta bắt chước cũng không xong, cái độc đáo thì không đủ khả năng chinh phục. Kết hợp cả hai yếu tố trên đều thiếu nên không được quốc tế chấp nhận”.
Đạo diễn Lê Hoàng nói thêm, chiếc áo dài của Việt Nam thường được bạn bè thế giới khen đẹp khiến người trong nước lầm tưởng đó là thương hiệu Việt Nam đã ra thế giới, tuy nhiên thực chất không phải: “Họ khen áo dài đẹp nhưng họ không mặc, người ta thấy mình mặc họ khen, họ vỗ tay chân tình nhưng họ không mua. Với họ, cái đẹp ngây ngất với cái đẹp dùng được, ứng dụng được là khác nhau”.
Bên cạnh đó, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, bản thân anh từng chứng kiến một chương trình ca nhạc Việt Nam ở nước ngoài, người thiết kế trang phục cho chương trình đó là người Mỹ. Nhiều người lầm rằng NTK đó phải sang Việt Nam thì mới thiết kế được, nhưng hóa ra NTK đó chưa từng đến Việt Nam. Khi xem chương trình, nhiều người vẫn nhận ra trang phục đó là của người Việt bởi:
“Họ có sức sáng tạo kinh khủng, họ nhìn ra cái hồn mà chúng ta ở trong nước không nhìn thấy. Có nghĩa là sự sáng tạo ở quốc tế không giới hạn địa lý. Nếu chúng ta nói thời trang chúng ta không sang châu Âu được vì chúng ta có học hay có lớn lên ở đấy đâu thì nhầm chết luôn. Chúng ta có thể phát triển, chỉ cần ngồi ở Việt Nam thôi, miễn là cái đầu chúng ta đi chứ không phải cái chân”.
NTK Quỳnh Paris cũng kể lại một câu chuyện có thật của cô, đó là khi đăng kí học tại một trường nổi tiếng về thiết kế ở Paris, do không có bằng cấp trước đây của nước ngoài nên cô không được nhận vào. NTK liền xin vẽ để thể hiện khả năng của mình. Và cô đã vẽ 3 bản vẽ khác nhau về ước mơ đến Paris chứ không vẽ bất cứ thiết kế nào liên quan đến áo dài. NTK nữ cho biết:
“Sau buổi thi đó, giám khảo nói với tôi rằng, nếu bạn vẽ áo dài thì sẽ bị đánh trượt ngay. Chúng tôi thích trang phục dân tộc của các bạn nhưng nếu các bạn chỉ biết vẽ nó thì chứng tỏ chưa biết đến sáng tạo và xu thế quốc tế. Đây cũng là bài học quan trọng của tôi. Sau này khi sang Mỹ, người Mỹ cũng từng nói với tôi: Đừng mang Paris đến đây nhé, người Mỹ có vinh dự của người Mỹ. Bộ sưu tập của tôi được các đài truyền hình thế giới rất quan tâm và phỏng vấn, họ đều hỏi vì sao có thể đưa nét văn hóa Việt hòa quyện với Oscar vậy? Tôi hiểu rằng vì mình đã mang được nét dân tộc Việt kết hợp với xu hướng của thế giới”.
NTK Quỳnh Paris cũng nói thêm, từng có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như: Diễn viên Blanco Blanca John Mack, Andrea Anderson, người mẫu CoCo, ca sĩ Shontelle, ca sĩ Lady Gaga… mặc trang phục của cô, tuy nhiên, điều may mắn là cô không phải mất tiền để họ lựa chọn mình: “Tôi không phải mất một xu nào cả. Họ nói rằng đồ của tôi mang được hơi ấm phương Đông, có nét da vàng rất đặc biệt, có cái gì đó của người hiểu văn hóa xứ lạnh phương Tây. Đây là dấu ấn, là điều khiến tôi tự hào”.
Liên tưởng đến các bộ phim cổ trang của Trung Quốc và Hàn Quốc có trang phục rất đẹp, đạo diễn Lê Hoàng cho biết, nhiều người ngây thơ khi xem phim thấy trang phục ngày xưa đẹp nghĩ rằng thời đó họ ăn mặc lộng lẫy như vậy, song thực ra thời đó thời trang chưa phát triển, tất cả đều do con người thời nay tưởng tượng và sáng tạo ra: “Chính các NTK thời trang cho các phim cổ trang Trung Quốc và Nhật Bản đã làm cho bộ phim đó hấp dẫn hơn vì những trang phục lộng lẫy đẹp đến như vậy. Còn chúng ta thì không dám làm, chúng ta làm phim cổ trang chỉ dám đưa áo tứ thân vào, nếu có trang phục khác sẽ bị cho là bịa, không giống với thời xưa”.
Bên cạnh đó, đạo diễn Lê Hoàng cũng chỉ ra một nguyên nhân quan trọng khiến thời trang Việt chưa thể ra thế giới, đó là công nghệ chất liệu chưa phát triển. Theo Lê Hoàng, công nghệ thời trang phải đi liền với công nghệ chất liệu: “Không thể có việc vẽ xong cái áo dài rồi sang Ý, Pháp đặt mua chất liệu. Các thương hiệu thời trang nước ngoài đắt vì nhãn hiệu đó chỉ dùng loại vải đó, không thể thay thế bằng loại vải khác ở ngoài chợ hay bất cứ nơi nào. Như áo của D&J hay Versace chỉ đặt duy nhất một loại vải đó. Còn chúng ta không có công nghệ chất liệu thì chúng ta sẽ thua”.
Cuối cùng, đạo diễn Lê Hoàng tiếc nuối cho ngành thời trang Việt dù sức mua thời trang ở Việt Nam vô cùng lớn nhưng chưa thể đi ra thế giới. Còn NTK Quỳnh Paris thì cho rằng, để đưa thời trang Việt ra thế giới cần một sự sáng tạo không ngừng nghỉ, đặc biệt là sự am hiểu văn hóa Việt lẫn dòng chảy mỹ thuật thế giới: “Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều NTK Việt đến các tuần lễ thời trang quốc tế và nhận được sự tôn trọng của bạn bè thế giới. Tôi cũng mong rằng quốc tế sẽ ngày một đánh giá cao thời trang của chúng ta một cách thật sự”.
Chuyện Cuối Tuần chủ đề “Nâng tầm thời trang Việt” với sự đối thoại thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và NTK Quỳnh Paris sẽ được phát sóng vào 21:35 thứ bảy ngày 30/11 trên kênh VTV9.
Bình Khanh
Nhận xét
Đăng nhận xét