Sự hình thành và phát triển thể loại Fantasia

Fantasia (tiếng Ý: Fantasia; tiếng Anh: Fantasy, Fancy; tiếng Đức: Fantasie, tiếng Pháp: Fantaisie…) được hiểu là sự tưởng tượng, hoặc sản phẩm của trí tưởng tượng; là sự sắp đặt hình ảnh, nhân vật hư cấu, mang tính kỳ ảo. Theo từ điển Thuật ngữ Âm nhạc (Nguyễn Bách), Fantasia trong âm nhạc được dịch là khúc tùy hứng.


Tranh "Nhạc công chơi đàn Lute" - của Haendrick Terbrugghen (thế kỷ XVI)

Cơ sở sáng tạo của Fantasia chính là cảm hứng theo những hình ảnh, ý niệm tưởng tượng của người chơi đàn. Vì vậy, các Fantasia mang bản chất ngẫu hứng hơn là tuân theo suy luận lý tính. Các nhà soạn nhạc sáng tác Fantasia bằng trí tưởng tượng, trình bày các ý nhạc thiên về tùy hứng, ít bó buộc vào những nguyên tắc luật lệ cố định. Tuy nhiên, xét theo chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, do tác động của tư tưởng nghệ thuật mỗi thời kỳ, giai đoạn nên các Fantasia của từng tác giả lại có những đặc điểm chung nhất định, được xây dựng trên những khuôn mẫu hình thức đặc thù đại diện cho mỗi thời kỳ, giai đoạn ấy.

Sự hình thành và phát triển thể loại Fantasia

Fantasia từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII

Thuật ngữ “fantasia” bắt đầu xuất hiện phổ biến từ thế kỷ XVI ở nhiều vùng trên lãnh thổ nước Ý, Đức và Pháp, mang ý nghĩa chỉ sáng tác cho nhạc đàn mang tính chất ngẫu hứng. Thời kỳ này các tác phẩm theo phong cách phóng tác, ngẫu hứng này còn hay được gọi theo những tên khác như Preludio, Fantasia, Ricercare, Toccata, Impromptu… Những tác phẩm đó hình thành do trong quá trình các nghệ sĩ chơi đàn đệm hát: người chơi đàn phím và đàn lute thường có dịp ngẫu hứng, vào những lúc cần lấp đầy khoảng trống thời gian giữa các lễ mục trong giáo đường, hay khi cần tạo lập thang âm để tiếp nối một bài Thánh ca, lên dây, để luyện kỹ thuật, hoặc để giải trí. Họ dựa theo vài mô típ để để triển khai thành một mẩu nhạc ngắn. Fantasia là cơ hội cho những người chơi đàn thoát khỏi sự khống chế của ca từ, họ có thể tự do xử lý, thêm thắt, sáng tạo, biến đổi tùy ý âm điệu, hòa thanh sao cho khả năng biểu đạt tình cảm của mình đạt mức độ cao nhất.

Đến cuối thế kỷ XVI, một Fantasia điển hình của thời kỳ thường có hình thức fuga một hoặc nhiều chủ đề, chứa nhiều thủ pháp phức điệu phong phú. Fantasia còn kết hợp nhiều thang âm, điệu thức cùng các thủ pháp hòa âm đa dạng, sử dụng các nét chạy và cách chia cấu trúc ba phần; cho lặp lại một chủ đề nhiều lần (ví dụ trong tập Tres libros – 1546 của Mudarra, gồm 23 bản Fantasia cho đàn vihuela và 4 bản cho guitar). Đến cuối thế kỷ XVII, Fantasia theo phong cách phức điệu không còn hưng thịnh, số lượng tác phẩm ở thể loại này sụt giảm. Thời kỳ này chủ yếu chỉ còn các sáng tác cho đàn phím của J.S.Bach, tiêu biểu là Fantasy & Fugue g-moll (BWV 542), và Chromatic Fantasy & Fugue d-moll (BWV903), với cấu trúc ba phần, trong đó kết hợp các nhân tố của cả toccata và recitative. Song, J.S.Bach cũng viết một bản Fantasia với cấu trúc gần tựa sonata, không giống với lệ thường của thời ấy,  đó là Fantasy c-moll (BWV 906).

Đến thế kỷ XVIII, tính chất tự do của Fantasia được thừa hưởng từ thế kỷ XVII vẫn được tiếp tục, và trở thành những đặc thù cơ bản của thể loại: thoát khỏi tiết tấu và nhịp độ, bỏ vạch nhịp, không còn chú trọng đến việc phô diễn kỹ thuật chơi đàn, hòa âm và điệu thức được sử dụng phong phú hơn. Tuy nhiên, Fantasia thời kỳ này không phải là không có cấu trúc, mà mỗi tác phẩm lại được xây dựng từ những hình thức và mang phong cách của nhiều thể loại nhạc đương thời, như nhạc khiêu vũ, prelude, invention, biến tấu, hình thức sonata…

Giai đoạn đầu thế kỷ XVIII có các sáng tác của C.P.E.Bach (1714–1788) nổi bật, được tác giả tự gọi là các Fantasia tự do, trong đó chứa cả các nhân tố phóng tác và cả cách viết mô phỏng chặt chẽ. C.P.E.Bach là người khai mở một giai đoạn mới cho Fantasia tồn tại với tư cách là một thể loại mà không gắn cố định với bất cứ kết cấu Sonata, Tổ khúc, hoặc Fuga nào. Ông xác định rằng, Fantasia tự do có cội gốc từ những khuôn khổ, mẫu mực chặt chẽ đã hình thành từ trước, song cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ngẫu hứng, trí tưởng tượng. Nhạc sĩ thể hiện cả hai mặt tính chất khuôn khổ và tính chất tự do một cách cân đối, hợp lý; có sự sắp xếp lý tính, logic: các ý tưởng ngẫu hứng thường được đặt trong hình thức sonata đơn giản, hình thức rondo hoặc hình thức ba phần. Cách xây dựng này ảnh hưởng lớn đến các nhà soạn nhạc thế kỷ XIX về sau. Một số ví dụ khác của Fantasia thời kỳ này bao gồm các Fantasia đàn phím của J. Pachelbel (1653–1706), hoặc Fantasia & Fuga Chromatic B.W.V 903 của J.S.Bach. Trong các tác phẩm này có chứa cả những hợp âm rải và cả những giai điệu mang tính ngâm ngợi, phong cách ca xướng như hát nói, những pha chuyển điệu đột ngột và cả cấu trúc chia phần. Bên cạnh đó, mặt cảm tính trong các Fantasia của C.P.E.Bach thể hiện ở đặc điểm: ông thường xuyên tận dụng các hiệu ứng thay đổi đột ngột về tốc độ, động lực, diễn cảm theo phong cách ca xướng của opera… hoặc đôi khi thêm cả những đoạn cadenza, sử dụng các dạng hợp âm phong phú và điệu thức bán cung, hợp âm bảy giảm để diễn tả các màu sắc âm thanh tùy tâm trạng. Fantasia có thể không giới hạn về số nhịp (thậm chí không vạch nhịp), không giới hạn số lần chuyển điệu.

Vd 1: C.P.Bach – Fantasia fis-moll H.300, Wq.67

 

Đến giai đoạn Cổ điển Wien, Fantasia vẫn được W.A.Mozart (1756–1791) khai thác tính tự do, ngẫu hứng, song lại được đặt kèm với các Fuga như xưa, ví dụ Fantasia & Fuga K.394, hoặc Fantasia c-moll K475 trong bộ đôi cùng với Sonata c-moll K457, Sonate pour le fortepiano K475, trong đó ông vẫn cho vạch nhịp, sử dụng nhiều yếu tố của một chương sonata bởi có sự chuẩn bị tái hiện chủ đề ở gần cuối, nhấn mạnh tính chất của phong cách Cổ điển.

Fantasia thế kỷ XIX

Thể kỷ XIX chứng kiến sự đổi mới tư tưởng, cách biểu hiện trong các tác phẩm ở nhiều thể loại, vậy nên, với lợi thế cho phép sáng tạo tự do từ sự ngẫu hứng, Fantasia càng tạo cơ hội cho các nhạc sĩ mở rộng khả năng biểu đạt. Mỗi nhạc sĩ đều có những dấu ấn riêng, bắt đầu từ L.v.Beethoven (1770–1827). Các Fantasia của ông vừa duy trì lại vừa phá vỡ truyền thống, đây là một trong những thể loại chứng minh nghệ thuật của Beethoven là tấm bản lề chuyển giao giữa phong cách Cổ điển và Lãng mạn: tác phẩm mà nhạc sĩ viết theo phong cách Fantasia tự do của C.P.E Bach là Fantasia op.77 cho piano, xuyên suốt bản nhạc có các thủ pháp hòa âm phong phú như chuyển điệu, nhảy điệu; dòng chảy giai điệu đi qua nhiều phân đoạn có nhịp độ, hình tượng và sắc thái tương phản… tất cả được diễn tấu liền mạch thành khối thống nhất trong kết cấu một chương, thể hiện tính tự do, phóng tác và diễn tả hành trình chuyển biến tâm trạng vô cùng phức tạp của nghệ sĩ. Ngoài ra, ông còn là người đầu tiên tích hợp tính thể loại fantasia với liên khúc sonata trong một tác phẩm liên khúc sonata trong hai bản sonata “quasi una fantasia” (op.27). Bản thứ nhất (op.27 No.1) tính chất lãng mạn, chú trọng cảm xúc được thể hiện khi ranh giới giữa các chương bị xóa mờ, còn bản thứ hai (op.27 No.2 – tức Sonata Ánh trăng) chương chậm chiếm vị trí đầu tiên.

VD 2: Beethoven – Fantasia op.77

 

Fantasia còn là mảnh đất màu mỡ để Beethoven thử nghiệm sáng tạo với cả cách sắp xếp cấu trúc lẫn phối khí. Trong Fantasia cho piano, hợp xướng và dàn nhạc op.80 (1808) nhà soạn nhạc sắp đặt hai phần: phần mở đầu và phần chính. Phần mở đầu Adagio là một khúc nhạc mang phong cách ngẫu hứng, do piano chơi độc tấu, dài 26 nhịp. Tiếp sau là phần chính, gồm chủ đề và các biến tấu cho cả piano, hợp xướng và các nhạc cụ trong dàn nhạc.

Đối với các nhạc sĩ Lãng mạn, thể loại Fantasia không chỉ là những tác phẩm hình thành một cách cảm tính từ chất liệu ngẫu hứng với một cấu trúc hình thức cố định. Họ đã sử dụng cấu trúc sonata một cách linh hoạt, gỡ bỏ những ràng buộc cứng nhắc để thể hiện hình tượng chủ đề một cách tự do, khoáng đạt hơn. Như vậy, kết quả của thế kỷ XIX là các tác phẩm Fantasia đã phát triển về độ dài và cấu trúc để trở thành những tác phẩm liên chương và quy mô lớn, vừa mang dáng dấp của hình thức sonata hoặc liên khúc sonata, lại vừa đạt được khả năng biểu cảm phong phú hơn so với trước kia. Những đặc điểm đó được thể hiện tập trung chủ yếu ở các Fantasia cho piano, hoặc piano và violon trong các sáng tác của Schubert, Chopin, Schumann, Mendelssohn…

Như vậy, khi xét trên trục thời gian từ khi bắt đầu có khái niệm cho đến về sau, ta có thể nhận định những nét cơ bản về thể loại fantasia một cách rõ ràng. Mỗi giai đoạn lịch sử nghệ thuật, mỗi trường phái âm nhạc và mỗi tác giả lại khai thác fantasia ở các cách khác nhau. Fantasia là những tác phẩm được các tác giả tùy chọn hình thức, từ những nét cấu trúc chặt chẽ của hình thức mà tác giả có thể khai thác tính ngẫu hứng, tự do, xây dựng âm điệu theo cảm hứng. Có thể nói, đây là thể loại tựu trung cả hai mặt quan trọng của sáng tác âm nhạc hàn lâm: lý tính và cảm tính.

M.Đ.H (HNS)

Nhận xét