Điểm chung của các sự kiện văn hóa - nghệ thuật - giải trí Việt Nam trong năm 2019 phần lớn đều thể hiện khát vọng chinh phục của người Việt tại thị trường quốc tế với những sản phẩm mang tâm hồn Việt.
1. Thời trang Việt bước ra thế giới
Tháng 2/2019, hai nhà thiết kế (NTK) Việt Nam Nguyễn Công Trí và Phương My lần đầu xuất hiện tại New York Fashion Week, một trong bốn tuần lễ thời trang uy tín và danh giá trên thế giới. Bằng tài năng, ngôn ngữ thời trang riêng, cả hai NTK đã chinh phục được thị trường này, thiết kế được nhiều người nổi tiếng tại Hollywood chọn mặc.
Nữ diễn viên Kate Bosworth toả sáng với thiết kế màu vàng của Công Trí nằm trong bộ sưu tập Cuộc dạo chơi của những vì sao
Tiếp nối thành công đó, NTK Thủy Nguyễn có hai buổi giới thiệu bộ sưu tập Gấm hoa tại New York Fashion Week và Paris Fashion Week vào tháng 9/2019. Hai NTK trẻ Hải Minh và Nguyễn Hoàng Tú định hướng thương hiệu hướng đến thị trường Pháp và châu Âu.
2. Phim hành động Việt Hai Phượng chiếu tại thị trường Mỹ
Hai Phượng (tên tiếng Anh: Furie, đạo diễn Lê Văn Kiệt), Ngô Thanh Vân sản xuất đã được hãng Well Go USA (hãng phim chuyên tìm mua những bộ phim châu Á xuất sắc để chiếu tại Mỹ) mua bản quyền phát hành tại 28 rạp của Mỹ từ ngày 1/3/2019. Sau hai tuần công chiếu, phim đạt doanh thu hơn 395.000 USD (9,1 tỷ đồng), lọt top 25 doanh thu phòng vé Bắc Mỹ và nhận được đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes.
Hai Phượng sau đó đã tiếp tục hành trình đến Canada, Australia, Trung Quốc… rồi lên Netflix, theo con đường chính thống, mở rộng đến khán giả bản địa.
3. Phim Ròm đoạt giải thưởng chính tại Liên hoan phim Busan 2019
Hình ảnh trong phim Ròm
Mặc dù không qua được cửa ải kiểm duyệt của Cục Điện ảnh nhưng Ròm (đạo diễn Trần Thanh Huy) đã giành chiến thắng quan trọng tại Liên hoan phim Busan 2019. Chiến thắng của Ròm không đơn thuần là một bộ phim, mà một lần nữa lật mở câu chuyện về cơ chế kiểm duyệt lạc hậu, bóp nghẹt sáng tạo của hệ thống kiểm duyệt tại Việt Nam, khiến phim thương mại không thể khai thác tận cùng câu chuyện, phim nghệ thuật quẩn quanh trong nước, không đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác trên thế giới.
4. Triển lãm Cục im lặng
Cuối tháng 12/2019, lần đầu tiên tại Việt Nam diễn ra triển lãm kết hợp giữa thời trang và nghệ thuật đương đại theo hình thức Fashion in Art, có tên Cục im lặng. Triển lãm này trưng bày 10 bộ sưu tập tiêu biểu của NTK Nguyễn Công Trí (đánh số từ 1 đến 10), được sắp đặt và trình diễn thông qua 10 sáng tạo nghệ thuật của 10 nghệ sĩ trong nước và quốc tế, tái hiện hành trình hai mươi năm của Nguyễn Công Trí với thời trang.
Triển lãm Cục im lặng gây tiếng vang của Nguyễn Công Trí - Ảnh: Đại Ngô
Triển lãm mở ra một không gian mới, mang đến cái nhìn mới về thời trang và nghệ thuật.
5. Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM Hò dô 2019 (HOZO - Ho Chi Minh City International Music Festival 2019)
Diễn ra trong ba đêm từ 13-15/12, Hò dô do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức (nhạc sĩ Huy Tuấn làm tổng đạo diễn) đã quy tụ 25 ban nhạc đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, hàng chục ca sĩ hạng A của Việt Nam tham gia trình diễn tại đường đi bộ Nguyễn Huệ. Nhiều bản nhạc riêng biệt đậm chất Việt Nam được phối màu sắc hiện đại như Lý con sáo Gò Công, Gióng… khiến người thưởng thức vô cùng thích thú.
Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò dô 2019 thu hút sự chú ý, tham gia của đông đảo nghệ sĩ quốc tế, du khách và người dân thành phố
Điểm sáng nhất của Hò dô chính là thông điệp một cộng đồng yêu âm nhạc văn minh - một môi trường sống trong lành hơn; More Music, Less Plastic. Dù chưa tạo được không gian âm nhạc hoàn chỉnh để tạo sức cộng hưởng, nhưng sự chỉn chu ở lần tổ chức đầu tiên khiến Hò dô được kỳ vọng trở thành lễ hội văn hóa nghệ thuật thường niên của TP.HCM.
L.P (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét