Bức tranh phim Việt 2019 được cho là khá khởi sắc với nhiều phim chất lượng, nhưng bên cạnh đó, số phim thảm họa cũng không ít.
Chất lượng/doanh thu phim trồi sụt
Xét về số lượng phim Việt ra rạp trong năm 2019, đây không phải là năm nổi trội. So với năm 2017 có 36 phim, năm 2018 có 43 phim thì số lượng 44 phim của năm 2019 là ổn định.
Điều đáng mừng là, một số phim đã đưa doanh thu phòng vé lên con số khá ấn tượng.
Trong đó, Hai Phượng và Cua lại vợ bầu đạt doanh thu mỗi phim xấp xỉ 200 tỉ đồng. Còn lại, phim Thưa mẹ con đi, Anh trai yêu quái, Anh thầy ngôi sao, Chị chị em em, Mắt biếc cũng nhận được phản hồi tốt từ người xem.
Phim Hai Phượng được cử tham dự Liên hoan phim Oscar 2020 nhưng trượt khỏi vòng đầu
Điều khá bất ngờ là Lật mặt: Nhà có khách của đạo diễn Lý Hải có doanh thu gần 120 tỉ, tiếp tục chứng tỏ độ thu hút của series Lật mặt qua 4 phần.
Bên cạnh những con số ấn tượng, điện ảnh Việt 2019 cũng “đón nhận” hàng loạt phim thảm hoạ, nhiều phim trong đó nằm ở rạp một tuần nhưng như không tồn tại, hoàn toàn là con số không về tính truyền miệng lẫn doanh thu.
Lối làm phim cũ kỹ, kịch bản nhiều lỗ hổng và tay nghề non là nguyên nhân chủ yếu. Trong đó, Táo Quậy, Xóm trọ 3D: Cung tâm kế, Cậu chủ ma cà rồng, Cà Chớn anh đừng đi, Người lạ ơi, Tìm chồng cho mẹ, Hợp đồng bán mình, Cuộc gọi định mệnh... là những phim đáng quên trong năm.
Trấn Thành và Lan Ngọc trong Cua lại vợ bầu
Sự trồi sụt về chất lượng là câu chuyện quen thuộc mỗi năm của điện ảnh Việt nhưng với 2019, sự phân cực rõ ràng hơn. Nhiều phim xuất sắc về nội dung, đặc biệt ở thể loại kinh dị, mang tới làn gió mới nhưng cũng là năm xuất hiện nhiều phim thảm họa, rơi tận đáy chất lượng. Đi cùng chất lượng yếu kém là con số doanh thu chỉ vài trăm triệu.
Đạo diễn Mai Thế Hiệp cho biết: “Tình trạng này không mới với điện ảnh trong nước các năm trước nhưng phải công nhận một điều, quá khó để đoán biết thị hiếu của khán giả. Có một thời gian, phim hài thắng thế nhưng thời điểm khác là dòng phim tình cảm, hành động và cả kinh dị lên ngôi. Nhưng theo tôi thấy, năm 2019, thị trường phim sôi động và có nhiều tín hiệu khởi sắc, đáng mừng”.
Sai phạm... “khủng”
2019 cũng là năm ghi nhận nhiều sai phạm đáng tiếc trong lĩnh vực điện ảnh. Đáng kể nhất là trường hợp để lọt đường lưỡi bò trong phim hoạt hình Everest - người tuyết bé nhỏ (tựa tiếng Anh là Abominable) ra mắt vào đầu tháng 10/2019.
Sau khi dư luận phản ứng, đơn vị phát hành - CGV rút phim khỏi rạp. Sau khi thanh tra, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch quyết định cách chức quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh của bà Nguyễn Thị Thu Hà; áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia; xử phạt CGV 170 triệu đồng.
Có quá nhiều bất cập ở Hội đồng duyệt phim quốc gia: Từ số lượng phim phải duyệt mỗi năm trung bình 250 phim nhưng số lượng thành viên Hội đồng quá ít, chưa kể độ tuổi đã cao cho tới chế độ chính sách hỗ trợ cho các thành viên quá thấp...
Hình ảnh cụ thể hơn về khung hình có bản đồ hình lưỡi bò xuất hiện trên phim
Thế nhưng, vấn đề bất cập của kiểm duyệt phim không nằm ở chỗ để lọt những sai sót, mà chuyện cắt/cấm phim ra rạp, theo các nhà làm phim, đáng mổ xẻ hơn rất nhiều. Ròm - phim của đạo diễn Trần Thanh Huy giành được giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim Quốc tế Busan 2019, được quốc tế đánh giá cao nhưng trong nước, cho đến nay phim vẫn chưa thể ra rạp. Trước đó, Ròm bị phạt 40 triệu đồng vì đi dự LHP Busan khi chưa được cho phép, bị buộc phải "tiêu hủy tang vật".
Cảnh trong phim Ròm
“Làm sao những nhà làm phim có được sự tự do, thoải mái sáng tạo khi họ luôn đối mặt với nỗi sợ "kiểm duyệt" rình rập, với những nhận xét mù mờ không rõ ràng như "thuần phong mỹ tục", "không đúng hiện thực xã hội", "chưa phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước"?” - đạo diễn Nhật Linh chia sẻ về những bất cập của cơ chế kiểm duyệt phim.
Trước tất cả những vấn đề đó, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết sẽ tăng cường các biện pháp, trước mắt xây dựng một phần mềm giúp đơn vị duyệt phim kiểm soát hình ảnh có “đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ được thực hiện trong “thế đã rồi”.
D.M (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét