Mạch nguồn ngành phê bình âm nhạc hình thành từ khi có nền âm nhạc mới, khoảng cuối những năm 30 của thế kỷ XX. Cùng với các bài hát “lời ta điệu Tây” hoặc “lời ta – nhạc ta” của Nguyễn Văn Tuyên, Lê Thương… xuất hiện các bài báo giới thiệu về tác giả, ca sĩ, các nhóm nhạc như nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng, nhóm Tricea ở Hà Nội, các bài viết của Lê Thương, Văn Chung về hoạt động của các nhóm khác nhau thời tiền chiến…
Sau 1954, trường âm nhạc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập ở Hà Nội mới chỉ dạy các môn nhạc cụ phương Tây như Violon, Piano, ký xướng âm, sáng tác (hệ Trung cấp)… và sau này mới thêm môn lý luận, hình thành ra khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy, quen gọi là khoa Lý – Sáng – Chỉ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập năm 1957, lúc đầu chỉ với 2 thành phần chính là các nhạc sĩ sáng tác và các nghệ sĩ biểu diễn. Qua hơn 60 năm phát triển, nay Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có hơn 1.300 hội viên ở 4 chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận, Biểu diễn và Đào tạo. Tuy nhiên số đông hội viên vẫn là các nhạc sĩ sáng tác và biểu diễn. Lực lượng lý luận và đào tạo ít hơn. Riêng hội viên lý luận khoảng hơn 100 người. Trở lại với lịch sử hình thành ngành Lý luận - Phê bình âm nhạc nước ta mới thấy một điều là lý luận phê bình âm nhạc là một nghề hiếm, và khó, vì vậy rất ít người chọn và sống chết với nghề này.
Như chúng ta biết, âm nhạc là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, đa dạng phong phú, là nghệ thuật dùng âm thanh và lời ca để phản ánh cuộc sống, biểu hiện những trạng thái tư duy, triết lý, cung bậc tình cảm, khát vọng vươn lên của con người trước cuộc sống. Âm nhạc cũng có thể tái tạo những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước, ca ngợi những người con anh dũng quả cảm… Âm nhạc kết hợp với thơ ca, văn học để có những bài hát, bản hợp xướng, vở nhạc kịch dài hơi. Âm nhạc khi tồn tại độc lập là những bản giao hưởng, concerto, hòa tấu nhạc cụ…
Âm nhạc còn mang tính quốc gia, dân tộc. Âm nhạc Việt Nam có truyền thống lâu đời, mỗi dân tộc trên đất nước ta lại có một nền dân ca dân nhạc độc đáo, khác biệt nhau. Âm nhạc còn là dòng chảy cùng lịch sử nhân loại. Các trường phái âm nhạc trên thế giới có từ thời cổ đại, đến các trường phái cổ điển, lãng mạn, hiện đại… Như vậy mới thấy được thế giới âm nhạc là mênh mông, rộng lớn. Mỗi một thành viên trong thế giới đó chỉ đảm nhận một vai trò nhỏ bé có hạn trong một lĩnh vực cụ thể như sáng tác, chỉ huy, biểu diễn (nhạc cụ phương Tây hoặc dân tộc), ca sĩ (dòng cổ điển hoặc dân gian); nhà sư phạm hoặc nhà lý luận – phê bình…
Ở nước ta, các cán bộ lý luận âm nhạc được đào tạo chính quy tại các nhạc viện như: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế… và các trường Đại học nghệ thuật khác. Một số được cử đi học tại các nhạc viện các nước như Liên Xô (cũ), Bungari, Pháp… Những kiến thức trong nhà trường là kiến thức cơ bản, được trang bị cho học viên như: Lịch sử Âm nhạc, Phân tích tác phẩm, hòa thanh, phức điệu, hình thức âm nhạc… Với những kiến thức đó, những nhà lý luận tương lai thường sử dụng để đi sâu vào các vấn đề thuộc lĩnh vực nghiên cứu như: Phân tích sự nghiệp sáng tác của các nhạc sĩ, phân tích các trường phái, các khuynh hướng sáng tác âm nhạc trong và ngoài nước, phân tích đặc điểm âm nhạc của một vùng, một dân tộc, phong cách biểu diễn của từng nghệ sĩ… Đó là những kiến thức âm nhạc chuyên nghiệp, cần thiết trang bị cho một nhà lý luận, nhưng từng ấy kiến thức chưa đủ để họ bước vào đời sống âm nhạc với tư cách là một người làm công tác phê bình. Chính điều này lý giải cho việc thiếu vắng những cây bút lý luận chuyên nghiệp trên mặt trận phê bình âm nhạc, mà thể hiện rõ ràng là hiếm khi các nhà phê bình chuyên nghiệp góp mặt trên các trang bình luận của báo viết, báo nói hoặc báo hình, báo mạng. Việc ngại “dấn thân” vào đời sống âm nhạc của các nhà lý luận tạo thành một khoảng trống lớn, tồn tại nhiều năm nay. Chính vì vậy mà mảnh đất phê bình âm nhạc đã được các nhà phê bình không chuyên là các nhà báo, những người có quan tâm đến đời sống âm nhạc “gánh vác” hộ. Nói đến vai trò của phê bình âm nhạc, nguyên gốc từ chữ Music critic (Critique de musique) gồm 2 vế: Phê và Bình. Phê là dùng những kiến thức chuyên môn để phân tích, mổ xẻ, so sánh, phát hiện… ra những điều hay, điều dở của đối tượng được phê (là một tác phẩm âm nhạc, một chương trình ca nhạc, một giọng ca, một nghệ sĩ biểu diễn hoặc một công trình (sách) về một đề tài âm nhạc…); còn Bình đồng nghĩa với sự đồng cảm, rung động của cây bút phê bình để đưa tới độc giả cảm nhận xúc tích nhất, chuẩn xác nhất về đối tượng được phê bình.
Đối tượng được hưởng thụ hoặc sử dụng sản phẩm phê bình âm nhạc là ai? Có phải chỉ là các nhà chuyên môn trong phạm vi hẹp, hạn chế về số lượng hay đông đảo công chúng yêu nhạc, quan tâm đến đời sống âm nhạc? Tồn tại nghịch lý giữa nhà lý luận chuyên nghiệp và nhà báo, nhà phê bình không chuyên nghiệp chính là ở chỗ này. Việc xác định đối tượng tiếp nhận những sản phẩm của công việc lý luận phê bình âm nhạc là ai? sẽ định hướng cho ngòi bút của nhà phê bình. Trong khi các nhà lý luận chuyên nghiệp “ngủ quên” trên tháp ngà nghiên cứu thì các nhà báo đã trở thành lực lượng chính, thường trực “gác gôn” đời sống âm nhạc. Từ đây dẫn đến những hiện tượng phiến diện, đôi khi lệch lạc, bình luận âm nhạc trở thành bài giới thiệu, quảng bá như tô hồng, PR, đánh bóng tên tuổi hoặc khai thác chi tiết Scandal, đời tư của một vài nhân vật, mà tài năng chưa xứng với những lời khen ngợi “có cánh”. Vì thiếu hụt kiến thức chuyên môn âm nhạc nên họ thường tránh những lĩnh vực hàn lâm, bác học, ít khi đề cập tới. Ví dụ như bình luận các chương trình hòa nhạc, nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ, tác phẩm khí nhạc…
Khi phải sử dụng đến “cái roi” phê bình thường thì các nhà chuyên môn, các nhà báo nặng về phê (phê phán) – nhẹ về bình. Đối tượng phê bình ở đây thường là đối tượng có vấn đề. Còn nhớ những năm 60 của thế kỷ XX, xảy ra vụ án “Nhạc Vàng – Toán Xồm”, các nhà chuyên môn lý luận – các nhạc sĩ và cả nhà báo cùng nhất loạt lên tiếng về hiện tượng một nhóm ca sĩ nghiệp dư hát và đàn những ca khúc bị cho là nhạc phản động, ủy mỵ, đi ngược với khí thế chiến đấu của quân và dân ta, nên đã bị phê phán kịch liệt và chịu ra tòa lĩnh án tù. Chương trình “Đối thoại 87”, các nhạc sĩ Trần Tiến cũng hứng chịu những cơn bão phê bình về nội dung các bài hát, hình thức trình diễn; GS Tô Ngọc Thanh đã nhận xét như sau: “Cảm xúc tổng thể mà chương trình “Đối thoại 87” đem đến cho tôi là một nỗi buồn cô đơn… Nếu hoài niệm quá khứ lại dẫn đến nỗi cô đơn cho hiện tại thì làm sao có được tương lai?” (trích “Suy nghĩ thêm về chương trình “Đối thoại 87” của Trần Tiến); hoặc nhà phê bình Tú Ngọc viết: “Lên án điều xấu hay sự kích động, nói đến đạo lý hay là thái độ phỉ báng? Sự chuẩn mực và liều lượng cũng như ranh giới ở đây xét cho cùng chỉ có thể xuất phát từ ý thức và lập trường công dân của người nghệ sĩ”. (trích “Đối thoại 87 – một cách tiếp cận cuộc sống” của Tú Ngọc).
Rất may là sau các cuộc tranh luận “nảy lửa” các sáng tác của Trần Tiến đã tìm được công chúng và được giới chuyên môn công nhận.
Đối tượng được phê bình trong âm nhạc chủ yếu nhằm vào thể loại ca khúc (có lời). Chính vì có lời (ca từ) nên các nhà phê bình dễ bám vào nội dung khen – chê. Mà cũng chủ yếu là khen. Thậm chí đã trở thành công thức: khen là chính, còn chê là phụ. Ít người đi sâu vào phân tích giai điệu, phối khí, cấu trúc tác phẩm, hoặc so sánh phát hiện ra những nét nhạc cũ, phong cách “bắt chước” nhạc sĩ A, nhạc sĩ B… Vì đi sâu vào những vấn đề chuyên môn thì các nhà “phê bình” chưa đủ trình độ, nên phần lớn họ bỏ qua. Đó là chưa nói tới lĩnh vực phê bình âm nhạc không lời còn phức tạp hơn nhiều. Thí dụ nhận xét một buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng hoặc nhận xét một bản giao hưởng mới của nhạc sĩ trẻ… Đến đây, mảnh đất phê bình còn chờ các nhà lý luận chuyên nghiệp, nhưng họ đã không sẵn sàng, còn mải với những công trình luận án mang tầm vĩ mô, nghiên cứu sâu mà quên đi sự gắn mình với đời sống thực tế. Kết quả là đời sống âm nhạc của đất nước được phản ánh không toàn diện, đầy đủ, thiên lệch, làm thị hiếu khán thính giả cũng mất chuẩn. Công chúng chỉ biết đến nhạc trẻ, nhạc Pop, tên các ngôi sao Diva, mà không hề biết tới những lĩnh vực khác của đời sống âm nhạc.
Nói về chất lượng chuyên môn của các bài phê bình âm nhạc mà chủ yếu là xuất hiện trên các báo ngày hoặc một vài tạp chí chuyên ngành… ta thấy rõ 2 cách phê bình. Một là, chỉ đơn thuần như thông báo một sự kiện, điểm qua tên một vài ca sĩ, một vài tiết mục, rồi khen chê qua loa, thiếu tính chuyên nghiệp, chuyên sâu. Khác với sinh hoạt âm nhạc ở một số nước như Pháp, Đức, Nga, Mỹ… Ở đó đời sống phê bình âm nhạc vô cùng phong phú, nhạy bén và nghiêm khắc đóng vai trò quan trọng ngay cả với chính nghệ sĩ biểu diễn, với tập thể dàn nhạc, nhà hát, với tác giả âm nhạc. Chỉ cần một bài báo, đánh giá khen hoặc chê của nhà lý luận phê bình âm nhạc có uy tín của một tờ báo như La Music (Pháp) hoặc Đời sống Âm nhạc (Nga) thì sẽ có ảnh hưởng lớn tới sự nghiệp của nghệ sĩ, nhạc sĩ. Cách thứ 2, nặng về học thuật, khô khan, khó hiểu đối với công chúng, xem nhẹ yếu tố không chuyên, đưa những chuẩn mực cao để đo đếm các hiện tượng âm nhạc xã hội. Cách này ít gây được cảm tình của công chúng và cũng không khuyến khích được phong trào âm nhạc.
Nói như thế để thấy tác dụng của phê bình âm nhạc trong đời sống là vô cùng quan trọng, một nhận định đúng có thể khơi dậy cả một phong trào, và ngược lại một đánh giá sai sẽ ảnh hưởng tới đường đi của một cá nhân hoặc xu hướng nghệ thuật của một giai đoạn. Phê bình luôn đi sau tác phẩm, sau kết quả của một hoạt động nghệ thuật, đưa ra những phân tích, chỉ ra những điều hay, sự sáng tạo trong âm nhạc, đồng thời cùng tìm ra những “hạt sạn” trong các sản phẩm âm nhạc, cảnh báo các xu hướng không lành mạnh, có hại với công chúng với xã hội.
Nhưng phê bình đôi khi đi trước tác phẩm, tác giả, mang tính dự báo, chỉ ra khuynh hướng phát triển trong một tương lai gần. Ví dụ như xu hướng nhạc nhẹ hóa trong ca khúc đã được các nhà phê bình đặt ra sau năm 1975, và sau đó âm nhạc điện tử (organ, Guitare điện, trống Jazz) đã lan tràn từ miền Nam ra miền Bắc và nay đã trở thành một hình thức biểu diễn phổ biến nhất trong thể loại ca hát.
Từ khi có nền âm nhạc mới, đã xuất hiện đội ngũ các nhà lý luận phê bình âm nhạc. Họ là những người được Nhà nước cử đi học về lý luận âm nhạc tại các nước như Liên Xô (cũ), Bungari, Pháp… như các nhà lý luận: Nguyễn Xinh, Tú Ngọc, Vũ Tự Lân, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Nhật Thăng… Đó là thế hệ đầu tiên lý luận âm nhạc đã có công gây dựng nên Khoa Lý – Sáng – Chỉ của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tiếp theo là các nhà lý luận như Thụy Loan, Tú Hương, Nguyễn Thị Minh Châu, Cù Lệ Duyên, Dương Bích Hà, Văn Thu Bích, Nguyễn Quang Long… các nhà báo âm nhạc như Thụy Kha, Đỗ Quang Hạnh, Thanh Thảo… các nhạc sĩ tham gia viết bài như nhạc sĩ Doãn Nho, Trương Quang Lục, Trương Đình Quang, Cát Vận, Phan Thanh Nam, Nguyễn Trọng Tạo…
Trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục xây dựng một đội ngũ phê bình âm nhạc đích thực, đó là những nhà lý luận phê bình âm nhạc có chuyên môn cao về nghề và tư duy – kỹ năng cần thiết của một nhà báo. Một tác phẩm muốn đến với công chúng, cần có 3 yếu tố: Tác giả - nghệ sĩ – công chúng. Sự có mặt của nhà phê bình trong quá trình giới thiệu, dẫn giải, quảng bá tác phẩm thì công chúng sẽ thưởng thức tốt hơn, chính xác hơn và hào hứng hơn. Phê bình phải sống trong đời sống báo chí. Đây chính là nguyện vọng và nỗi băn khoăn của các nhà lý luận – phê bình chuyên nghiệp và không chuyên.
Hiện nay, Viện Âm nhạc có tập san “Nghiên cứu Âm nhạc” tập trung những tiếng nói chính thống của giới phê bình âm nhạc, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề của đời sống âm nhạc và đi sâu vào các chủ đề thiết thực của nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam và thế giới.
Trong tương lai, phê bình âm nhạc còn cần quan tâm tới Thế giới âm nhạc tuổi thơ và chú ý tới đội ngũ bình luận viên âm nhạc trên sóng Phát thanh và Truyền hình. Đây là những diễn đàn quan trọng và nhạy cảm cần có tiếng nói tâm huyết và trí tuệ của các nhà phê bình âm nhạc, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà báo cả nước vì một nền âm nhạc dân tộc phát triển hài hòa – phong phú, hướng tới những giá trị Chân – Thiện – Mỹ.
Thay cho lời kết luận, tôi xin biểu lộ sự đồng tình với nhận xét của PGS Vũ Nhật Thăng và nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đã viết: “Cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn và đào tạo ở nửa cuối thế kỷ XX, ngành lý luận âm nhạc bao gồm các nghiên cứu và phê bình cũng có những bước tiến đáng kể, đã chú ý tới việc thống kê, phân loại, đồng thời biết nêu căn cứ rõ ràng khi nhận diện và đưa ra chứng cớ xác thực khi phê bình”.
“Thời chuyển giao là quá trình nối tiếp và chuyển biến. Vì thế không có gì ngạc nhiên nền phê bình âm nhạc chưa ổn định. Các nhà lý luận lúng túng trong việc hòa hợp lý thuyết sách vở với đời sống xã hội đang rối tung các chuẩn mực, trong khi đó các nhà báo quá tự tin sẵn lòng gánh lấy trách nhiệm “bao sân”. Trong những lúng túng, những nôn nóng vẫn thấy được tiềm năng và khát vọng làm nghề của người cầm bút”.
(HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét