Khi nhạc chế trở thành hiện tượng Youtube Việt

Có lẽ, cũng không quá ngạc nhiên khi hai năm gần đây, cuộc chạy đua top trending đang trở thành một cuộc đua quyết liệt của giới trẻ.

Và mới đây, trong bảng xếp hạng của Youtube Việt, nhạc chế trở thành một hiện tượng với lượng view lên tới hàng trăm triệu.

Cuộc đua mang tên "top trending"

Trong lúc nhạc Việt vẫn chưa có một bảng xếp hạng âm nhạc chính thức thì top trending của YouTube Việt Nam phản ánh thị hiếu âm nhạc của khán giả thông qua lượt view (người xem). Vô tình, top 1 trending youtube trở nên quan trọng vì phản ánh sự đón nhận của khán giả với sản phẩm. 

Điều đáng nói là những vị trí top trending này thuộc về những bạn trẻ tay ngang làm nhạc chế. Theo tổng hợp của Youtobe Rewind 2019, tại Việt Nam, video đứng đầu trong danh sách 10 video nổi bật nhất thuộc về “Những chị đại học đường” của kênh Hậu Hoàng. 

Video thuộc thể loại nhạc chế lời, cách thể hiện vui nhộn, lời bài hát mới lạ, dưa trên một nền nhạc có sẵn. Video này phát hành ngày 11/3 và hiện có 120 triệu lượt người xem. Theo tổng kết của Youtube trong năm 2019, người Việt quan tâm nhiều đến các nội dung hài, giải trí. 

Ngoài nhạc chế, một số video hài cũng có mặt trong Top 10 như “Thập tứ cô nương”, “Thách thức danh hài”, “Hài tết Hoài Linh, “Để Mị nói cho mà nghe  Parody”. Từ khóa “Độ ta không độ nàng” cũng trở thành hiện tượng Youtube khi có tới hai nội dung liên quan đến bài hát này xuất hiện trong top 10 video nổi bật, gồm bản cover của kênh Hương Ly và một video dạng “reaction” do kênh Cris Devil Gamer thực hiện, đạt hàng chục triệu lượt xem.

“Bạc phận” lọt vào vị trí số 1 của video âm nhạc.

Top 10 video âm nhạc nổi bật của youtube có tới 8 video đạt trên 100 triệu lượt xem, hai video còn lại cũng đạt lần lượt 91 triệu và 97 triệu lượt xem. Video âm nhạc có lượt xem nhiều nhất hiện nay trên youtube là “Bạc phận” của ca sĩ K-ICM và Jack. Sau tám tháng phát hành, video này đạt tới 258 triệu lượt xem.

Chúng ta nhìn thấy gì từ những con số ấn tượng đó của năm 2019? Không thể phủ nhận được, công nghệ số đang trở thành một xu hướng tất yếu và nó đang chiếm lĩnh phần nghe nhìn của khán giả, giúp nghệ sĩ tiếp cận với khán giả một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. 

Thay vì phát hành album theo phương thức truyền thống, tốn kém và đòi hỏi nhiều công sức, khó tiếp cận khán giả, nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các bạn trẻ lựa chọn youtube, chỉ cần một cú nhấp chuột, nghệ sĩ đã có cơ hội đến với công chúng.

Nhìn vào những con số ấn tượng đó, cũng cho thấy, hiện nay, phần đông người Việt vẫn thích xem/nghe những chuyện tầm phào, mua vui. Và đó cũng chỉ là một trào lưu nhất thời, không phải là những giá trị nghệ thuật. 

“Tâm lý người Việt hay tò mò, thích nghe những thứ theo trào lưu. Ngày xưa, các cụ buôn chuyện ngoài chợ, bây giờ, xã hội buôn chuyện trên không gian mạng, nó đáp ứng sự tò mò, mua vui của một bộ phận người Việt mà thôi”, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long khẳng định.

“Độ ta không độ nàng” - bản cover của Hương Ly cũng làm mưa làm gió trên youtube.

Tuy nhiên, với những nghệ sĩ hay chủ nhân của vị trí top trending họ lại được hưởng lợi khá nhiều, nó không chỉ là cơ hội khẳng định mình, nổi tiếng mà còn tăng thu nhập. 

Không cần biết đó là giọng ca nào, chất lượng hay không, chỉ cần một bản hit sẽ là giọng ca được lựa chọn tại các sự kiện. View được coi là thước đo đánh giá chất lượng và thành công của sản phẩm âm nhạc của một nghệ sĩ. 

Từ hiện tượng này, chắc chắn không ít nghệ sĩ trẻ mới vào nghề thấy rằng, lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc chưa hẳn là con đường đi đến thành công mà phải có nhữn sản phẩm “chiều lòng khán giả”. Vì thế mới có hiện tượng cày view cho thần tượng và cuộc chạy đua top trending đang là một cuộc đua quyết liệt trên youtube.

View cao có đồng nghĩa với chất lượng?

Trong một lần phỏng vấn nghệ sĩ trẻ Vinh Khuất khi anh về nước, tôi hỏi anh có quan tâm đến trào lưu top trending? Vinh chia sẻ, ở Đức hay nhiều nước trên thế giới, top trending đang là một trào lưu. Nó thể hiện thị hiếu của một bộ phận công chúng. Nhưng chắc chắn, nó không ầm ĩ như ở Việt Nam. 

Anh cũng cho rằng, cái gì lên nhanh thì cũng xuống nhanh. Những cái tên luôn bị thay thế chỉ trong vài ngày, thậm chí vài giờ vì cuộc đua top trending không bao giờ dừng lại. Đó không phải là giá trị của âm nhạc. Thực tế, nhìn vào những vị trí được coi là hiện tượng của youtube năm 2019, không đồng nghĩa với chất lượng sản phẩm. 

Nhạc chế chỉ là những câu chuyện tầm phào, mua vui. Còn các sản phẩm âm nhạc như “Bạc phận” cũng dính nghi án đạo nhái. Thế mới có chuyện, ngay nay, nghề “cày view” đang trở thành một nghề hot và được môt bộ phận giới trẻ lựa chọn.

Hậu Hoàng - từ nhân viên văn phòng trở thành nữ hoàng nhạc chế.

Nhạc sĩ Anh Quân cho rằng: “Bây giờ là thời đại số, cái gì cũng rạch ròi, cân đong đo đếm. Cái gì cũng đi cày view, một bộ phận bạn trẻ thích như thế. Nhưng những người làm nghề như chúng tôi đều hiểu, làm âm nhạc bền lâu phải đi từ gốc. Nếu nhìn vào những cái nhiều view chúng ta đều không hiểu giá trị của nó nằm ở đâu. 

Mọi thứ đều bị nhìn một cách hời hợt, kể cả giới truyền thông, cũng nhìn bao nhiêu view để đánh giá, đó không phải là văn hóa nghệ thuật. Chúng ta đang quy tất cả thành những con số. Trong khi, có những người view ít nhưng họ có những sản phẩm nghệ thuật và nó sẽ đóng góp được gì đó vào đời sống âm nhạc, đó mới là cái giá trị”.

Anh khẳng định, hiện nay chúng ta mặc định âm nhạc là giải trí, nhưng bỏ qua yếu tố nghệ thuật mà chỉ nhấn mạnh vào tính giải trí của âm nhạc. Điều đó khiến cho các bạn trẻ mặc định trong đầu rằng không có triệu view thì chẳng là gì. 

Giá trị nằm ở view. View trở thành đích đến, đánh giá sự thành công của các bạn trẻ, vì thế, cuộc đua này sẽ không dừng lại. Nhạc sĩ Dương Cầm cũng cho rằng, hiện tượng top trending đang có sức hút mãnh liệt với nhiều bạn trẻ, vì thế, họ coi đó là mục tiêu làm nghề, trong khi giá trị của nghệ thuật nằm ở những thứ bền lâu hơn, giúp con người hướng tới cái đẹp, chân, thiện, mỹ. 

Từ đó, công chúng thấy tiếc cho những sản phẩm hay, đầu tư công phu, kỹ lưỡng nhưng không bao giờ có thể leo lên những vị trí top trending. Minh chứng là trong năm qua, hàng loạt MV nhạc dân tộc được chơi trên nền nhạc điện tử, những bản cover bản hit của các nghệ sĩ nhạc giao hưởng như violin, saxophone… rất thú vị nhưng không nhiều lượt view. 

Các nghệ sĩ làm nghề thời nay cũng đã tiếp cận công nghệ số, nhưng nếu nhìn vào lượt view và so sánh với các bản nhạc chế, hay nhạc thị trường, họ không tránh khỏi ngậm ngùi. 

“Xin chào Việt Nam” là một MV khá thú vị  trong năm 2019, do nghệ sĩ violin LMI KO, không chỉ mang đến âm nhạc mà còn là những thước phim về Việt Nam thuyết phục người  xem. Rất nhiều ý kiến khen ngợi MV, cả trong và ngoài nước, nhưng với khán giả Việt, nó lại mất hút và không hề có mặt trong bảng xếp hạng. Đó là điều đáng tiếc, với cả chính khán giả Việt khi họ không được/ không chịu mở mang tầm nhìn của mình.

Cảnh quay trong một đại học đường.

Nỗi buồn mang tên "thị hiếu khán giả"

Từ hiện tượng của youtube năm 2019 có thể thấy cả thị hiếu bông phèng của phần đông người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Không ít người cho rằng, thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ hiện nay đang có vấn đề. 

Nhưng sản phẩm âm nhạc chế, nhạc nhái, thậm chí kém chất lượng lại trở thành món ăn tinh thần được đông đảo bạn trẻ yêu thích và chờ đón. Trong khi đó, có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, được đầu tư bài bản, nghiêm túc, nhiều tâm huyết, trí tuệ của nghệ sĩ thì lại chật vật tìm đường đến với công chúng. 

Nhạc sĩ Dương Cầm cho rằng, truyền thông không nên cổ xúy cho những trào lưu như top trending, vì nó chỉ đáp ứng sự tò mò, mua vui cho khán giả chứ không đóng góp gì cho đời sống văn hóa nghệ thuật. Chúng ta cũng không nên kỳ thị hay loại bỏ vì nó là một phần của đời sống. 

Điều cần làm là câu chuyện giáo dục thẩm mỹ cho giới trẻ hiện nay, chúng ta đã bỏ ngỏ vấn đề giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho giới trẻ nhiều năm nay. Và hệ lụy nhãn tiền của nó, chính là những khán giả hời hợt, thích mua vui kiểu bông phèng. Đời sống nghệ thuật sẽ còn mất cân bằng và con số triệu view cũng chỉ thuộc về những thứ bông phèng khi thẩm mỹ của người dân chưa được nâng cao. 

L.N (HNS)

Nhận xét