Tóm tắt:
Âm nhạc Đương đại nổi lên như một trào lưu mang tính thời thượng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhạc sĩ nước ta. Nó là sản phẩm của thời đại toàn cầu hóa với sự phát triển cao về khoa học công nghệ, cơ tầng văn hóa đa nguyên cùng sự trỗi dậy của các quốc gia ngoài châu Âu. Với đặc điểm phi định vị về không gian, âm nhạc Đương đại chứa đựng nhiều dư địa để khai thác, khám phá tạo khả năng biến đổi phong phú, đa dạng qua cách thức thể hiện, tạo hiệu quả âm thanh bất ngờ, đặc biệt có thể dung nạp nhiều chất liệu đa dạng, tăng cường, nâng cao sức biểu cảm, đồng thời mở ra chân trời sáng tạo phi hạn độ. Song, so với các trào lưu đã định hình trong quá khứ, âm nhạc Đương đại có số lượng lớn tác phẩm “đoản mệnh”. Đây có phải là một hiện tượng hay bản chất, đứng ở góc độ hiện tại chưa thể xác định, chỉ biết rằng, âm nhạc Đương đại giống như một đại lộ thênh thang – nơi kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, đồng thời diễn ra cuộc đối thoại xuyên không gian văn hóa, thời gian lịch sử.
Từ khóa: Âm nhạc Đương đại, Phút huy hoàng
Khi mở rộng biên độ cho những sáng tạo rọi chiếu vào lĩnh vực nghệ thuật, nhạc sĩ Âm nhạc Đương đại phải chấp nhận hy sinh “tuổi thọ” của tác phẩm để đổi lấy sự độc đáo. Nhằm tìm kiếm sự khác biệt, tác phẩm âm nhạc Đương đại nói chung có nguy cơ biến mất nhanh chóng khỏi đời sống. Giống như người “bà con” gần gũi là Nghệ thuật trình diễn, nhiều tác phẩm âm nhạc được đầu tư công phu, tốn kém, nhưng qua đi chóng vánh, cơ hội tái sinh còn chờ ở tương lai. Chẳng hạn tác phẩm “Nước” của nhà soạn nhạc người Hoa Đàm Đốn. Vốn lấy ý tưởng từ triết học Lão, Trang kết hợp với sự suy nghiệm của tác giả, tác phẩm triển khai nhiều đơn nguyên mà điểm nhấn là ngôn ngữ của nước. Thông qua phương pháp tái cấu trúc, tổ hợp các thành tố trong không gian đa chiều, thiết lập cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, nước và con người, câu chuyện kể về “sự vĩnh hằng của nước” được dựng lên trên tòa kiến trúc cổ kính tại vùng đất Giang Nam, quê hương của tác giả với bố cảnh phức hợp, nước từ dòng sông đổ xuống mái nhà, khán giả ngồi xung quanh một hồ nước, cũng chính là sân khấu. Sự đầu tư tỉ mẩn đến độ, tác giả đã huy động hơn 50 công cụ khác nhau nhằm tái tạo âm thanh của nước. Tác phẩm này được ví như nước mắt của người mẹ thiên nhiên, thực sự gây ấn tượng cho người thưởng thức ở cả hai phương diện thính giác và thị giác. Thế nhưng, nếu không có file âm thanh, hình ảnh lưu giữ thông qua phương thức “sinh sản vô tính” của công nghệ hiện đại tái hiện trên nền thực tại ảo, chúng ta chẳng có cơ hội thưởng thức suốt bao năm qua.
Tìm kiếm hiệu quả âm thanh tại chỗ, tính độc đáo của hiện trường biểu diễn… tất cả tạo nên “phút huy hoàng” cho âm nhạc Đương đại. Từ chỗ đi ngược lại thói quen thưởng thức, tác phẩm âm nhạc gặp phải trắc trở trên con đường hướng tới thực tại văn hóa. Đây chính là thách thức đối với cả tác giả lẫn người thưởng thức. Đối với những cái tai vốn đã bám chấp vào sự quen thuộc, vỏ âm thanh mới mẻ, lạ lẫm, thậm chí kỳ dị ở thời điểm hiện tại chưa thể đạt tới sự thỏa hiệp bên trong quan niệm thẩm mỹ. Giữa bối cảnh cái mới chưa kịp trở thành cái quen đã vấp phải sự kháng cự bởi thái độ thờ ơ, lãnh đạm của người nghe, rất có thể rào cản này nằm ngoài âm nhạc.
Trong quá khứ, các trào lưu Baroque, Cổ điển, Lãng mạn, Ấn tượng… vào thời kỳ hoàng kim của mình đều thị hiện trước cuộc đời bằng sáng tác mới. Khi thời đại qua đi, một bộ phận trong số đó ở lại với thời gian trở thành di sản văn hóa thế giới. Đối với nghệ thuật Đương đại, điểm khác biệt nằm ở chỗ, tác giả của nó có chiều hướng đặt câu hỏi để cùng suy ngẫm thay vì đưa ra câu trả lời. Lý do này càng góp phần gia tăng khoảng cách, đẩy nghệ thuật Đương đại ra xa công chúng, thậm chí rơi vào tình cảnh thiếu vắng sự đồng thuận. Những kiến tạo về không gian cho nghệ thuật biểu hiện trong bối cảnh văn hóa chung tạo nên tính chất quá cảnh, tạm bợ. Âm nhạc Đương đại vừa tồn tại song song với di sản văn hóa kế thừa từ quá khứ, vừa tham gia cạnh tranh với nhiều trào lưu âm nhạc mới. Trên đường hướng hội nhập xã hội hiện đại, âm nhạc Đương đại cần sự đầu tư ở cả hai khía cạnh vật chất lẫn tinh thần. Nhưng, nhìn vào thiết chế văn hóa vốn được coi là bến đỗ, chốn neo đậu của âm nhạc trong lòng xã hội hiện đại thì tại đây, sự hậu thuẫn văn hóa luôn khiến người ta nghi ngờ. Mặc dù, thiết chế văn hóa góp phần thúc đẩy thói quen, giúp định hình mô hình thưởng thức nghệ thuật. Song, nhiều thiết chế văn hóa hoạt động thiếu hiệu quả, rời rạc, không đủ năng lượng tiếp thêm sức mạnh cho hoạt động nghệ thuật, đồng thời khiến cho thói quen thẩm mỹ lỳ lợm khó thể chuyển mình nhanh chóng (để tiếp nhận cái mới, tiến cùng thời đại). Lay chuyển tư duy văn hóa cần tiến hành song song với nghệ thuật nhằm tránh sự lẻ loi, đơn độc trên con đường độc hành của kẻ sáng tạo.
Âm nhạc Đương đại không đơn thuần nhằm vào các sáng tác đồng đại, mặc dù xét về mức độ phổ biến đạt tới tính chất phổ quát, âm nhạc Đương đại luôn đồng hiện với chiều thời gian thực tại. Nó ra đi ở thời điểm đã chấm dứt vai trò lịch sử và ở lại băng thông rộng, tư liệu vang… sau đó. Đây là lý do khiến cho tác phẩm âm nhạc chưa có cơ hội đi vào ký ức người thưởng thức để làm nên thực tại văn hóa. Nhìn lại lịch sử, từ thuở khai sinh, trào lưu âm nhạc Đương đại mà trước đó là Hậu hiện đại đã thách thức, tuyên chiến với giá trị truyền thống (trong triết học, mỹ học Cổ điển). Đến hiện tại, khi chủ nghĩa Hậu hiện đại đã ra đi và Đương đại đang nối tiếp thì sự đối đầu giữa truyền thống và hiện đại, Đông và Tây, mới và cũ đã đi đến hồi hòa hoãn, thỏa hiệp, khuynh hướng tổng hợp, cộng tồn trở thành nội dung chủ đạo trên bức tranh tổng thể của âm nhạc Đương đại. Qua những đứa con tinh thần được đầu thai với nhiều hình thù đa dạng, khác biệt, âm nhạc Đương đại thực sự ghi dấu ấn vào lịch sử với tính chất của một dòng chảy liên tục đổ từ quá khứ tới hiện tại trên đường hướng vươn tới tương lai. Những gì đang diễn ra chỉ là khoảnh khắc của thời gian lích sử. Phút huy hoàng này rồi sẽ qua để tiếp tục làm nên vạch nối ngăn cách giữa hai bờ thực tại và dĩ vãng. Tình cảnh biến mất nhanh chóng khỏi đời sống nhằm làm nên phút huy hoàng lịch sử đã trở thành một trong những đặc trưng của âm nhạc Đương đại.
Xưa nay, người biểu diễn thuộc nhóm đối tượng được ký thác di sản âm nhạc, từ âm nhạc dân gian đến chuyên nghiệp, từ cơ sở tín ngưỡng đến chốn thế tục, từ nghệ sĩ lang thang đến nghệ sĩ khoác lên mình đủ thứ vương miện, với bản chất và vai trò then chốt, họ xác lập nhiệm vụ gánh vác thứ tài sản vô hình trên cơ thể hữu hình nhằm làm nên tính liên tục. Âm nhạc Đương đại không hoàn toàn như vậy, nó có thể là file âm thanh hay một kết cấu được định dạng. Nhạc sĩ Đương đại cũng có thể sáng tác những tác phẩm với sự trình diễn đầy đủ như từng xảy ra trong quá khứ, nhưng, chúng đến và đi như nước chảy hoa trôi. Tính chất đồng hiện trong âm nhạc Đương đại tự thân làm thành giá trị của món tài sản định hình trong không gian, thời gian chóng vánh. Nó khác tính chất đồng hiện tự tính, xét về bản thể âm thanh mà phơi bày ra ở dạng sinh mạng. Bởi vậy, nhiều tác phẩm âm nhạc Đương đại nhanh chóng sinh ra và biến mất. Không thiếu trường hợp được sáng tác như những dự án, công trình thu hút vốn đầu tư, rồi cuốn chiếu ra đi. Nó để lại sự trống vắng, hững hờ cho người nghe khi chưa kịp chiêm nghiệm những gì ở lại với thời gian. Có thể trong nhiều sáng tác của nhạc sĩ Đương đại đã gây ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc. Song, không hẳn vì thế mà có thể tiên liệu về một xu hướng trong tương lai, đầy tính chất “huy hoàng rồi chợt tắt” ở thời điểm hiện tại. Âm nhạc Đương đại sau khi tuyên chiến với chủ nghĩa Cổ điển đã tự làm khó mình để dấn thân vào con đường đầy thách thức. Thay vì phá vỡ cấu trúc truyền thống, tuyên chiến với loại âm nhạc đã thành khuôn mẫu, từ tổ chức, cơ cấu dàn nhạc, tác phẩm cho đến tư duy sáng tác, những gì đã thành thói quen, lề lối thông qua sự thỏa thuận dài lâu, âm nhạc Đương đại đưa đến cho chúng ta trải nghiệm có một không hai và đương nhiên, xuất phát từ lý do đó mà nó chóng vánh. Hy sinh cái quen thuộc nhằm đổi lấy sự độc đáo, nhạc sĩ Đương đại đem đến cho người thưởng thức những rung động ban sơ, đầu đời trước những biến ảo bởi sự mới lạ.
Âm nhạc Đương đại giống như một đại lộ thênh thang, mà ở đó, mọi trật tự đều có nguy cơ bị đảo lộn, thay đổi nhường bước cho những âm thanh sống động, khác lạ. Sau đó, chúng lên đường đi xa cho nhạc sĩ tiếp tục theo đuổi con đường miên viễn với những ý tưởng chập chờn được tiếp nối. Có người từng đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu các nhạc sĩ Đương đại muốn nói gì”? Kỳ thực, điều nhạc sĩ muốn nói đều thể hiện qua âm thanh, quan niệm thẩm mỹ về âm thanh, thứ ngôn ngữ làm cầu nối dẫn người nghe đi từ ngoài vào trong, xâm nhập nội giới người sáng tác. Điều họ muốn nói đã nói hết qua âm nhạc, có điều khi ngôn ngữ âm nhạc chưa kịp chạm đến kênh xử lý thông tin đã vội ra đi khiến cho người nghe không khỏi chưng hửng, ngỡ ngàng. Đây là cảm nhận khiến cho âm nhạc Đương đại luôn đậu hờ ở chiều thực tại gây cảm giác va vấp về mỹ học, tạo chướng ngại cho người nghe khó thể tiếp cận. Lý do này đẩy âm nhạc tới chỗ bất định. Kỳ thực, người sáng tạo đã cố tình lẩn chốn những gì quen thuộc nhằm phơi bày cảm thức mới mẻ, qua đó tạo nên phút huy hoàng cho âm nhạc trú ngụ.
L.H.Đ (HNS)
Nhận xét
Đăng nhận xét