Dù đã ra đi nhưng những tình khúc bất hủ, giọng hát đẹp của cố nghệ sĩ vẫn mãi sống trong lòng khán giả.
Mới đây, thông tin nữ ca sĩ Thái Thanh qua đời tại hạt Orange, Nam California, Mỹ, hưởng thọ 86 tuổi khiến đông đảo đồng nghiệp và người hâm mộ tiếc nuối. Cố nghệ sĩ là một trong những giọng ca vàng của nền âm nhạc Việt Nam, sở hữu chất giọng đặc trưng, pha trộn giữa opera và ảnh hưởng từ các môn nghệ thuật dân gian miền Bắc như chầu văn, quan họ...
Mời bạn đọc cùng nghe lại các ca khúc bất hủ gắn liền với tên tuổi của ca sĩ Thái Thanh.
Ngày xưa Hoàng Thị
Nhắc đến ca sĩ Thái Thanh, khán giả không thể nào quên giọng ca cao vút, da diết đến nao lòng của bà trong ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị. Dẫu nhạc phẩm này từng được rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trình bày như Thanh Thúy, Ngọc Hạ, Quang Linh, Quốc Đại. Quang Dũng… nhưng với đông đảo khán giả, chất giọng và cách xử lý của ca sĩ Thái Thanh có sức lôi cuốn kỳ lạ, nghe đi nghe lại cả trăm lần đến mức... "nghiện"!
Từng câu hát của ca sĩ Thái Thanh mô tả cụ thể tâm trạng của một nam sinh, tuy yêu cô bạn cùng lớp nhưng không dám ngỏ lời, chỉ lẽo đẽo theo sau khi cô ấy tan trường trở về nhà. Nhạc phẩm này lần nữa khẳng định tài năng ca hát của ca sĩ Thái Thanh, đưa bà trở thành một hiện tượng tại miền Nam vào những năm đầu thập niên 70.
Ngày xưa Hoàng Thị là tên một bài thơ do thi sĩ Phạm Thiên Thư sáng tác và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc vào năm 1971.
Tuổi 13
Ngoài những nhạc phẩm của Phạm Duy, danh ca Thái Thanh còn được yêu mến qua ca khúc Tuổi 13 (thơ Nguyên Hà, nhạc Ngô Thụy Miên). Sở hữu âm sắc đẹp, pha trộn nét cổ điển Opera kết hợp với sự trữ tình khá riêng biệt nên không khó để nữ nghệ sĩ chiếm được cảm tình của người hâm mộ.
Nghìn trùng xa cách
Sau Ngày xưa Hoàng Thị, Nghìn trùng xa cách của nhạc sĩ Phạm Duy tiếp tục đưa tên tuổi của ca sĩ Thái Thanh lên một tầm cao mới. Chính nam nhạc sĩ từng thừa nhận ông ưng ý Thái Thanh nhất khi thể hiện các ca khúc của mình và mỗi lần nghe bà trình bày, ông đều bật khóc.
Phần lớn các ca khúc nổi tiếng nhất của bà đều gắn liền với các sáng tác của Phạm Duy. Bởi lúc ấy, nam nhạc sĩ đang theo đuổi Thái Hằng, chị của ca sĩ Thái Thanh nên thường hỗ trợ nữ nghệ sĩ để ghi điểm với cô chị.
Áo anh sứt chỉ đường tà
Rất nhiều bản version đến từ những giọng hát lớn như Duy Quang, Elvis Phương, Vũ Khanh, Bích Liên… thể hiện Áo anh sứt chỉ đường tà của nhạc sĩ Phạm Duy nhưng với Thái Thanh, giọng ca của bà vẫn mang một chút gì đó rất riêng biệt. Cách hát của bà chứa đựng sự buồn thương nhưng không bi lụy mà bi hùng.
Dù không theo học nhạc bài bản ở trường lớp nhưng nữ danh ca có kỹ thuật thanh nhạc khá vững chắc nhờ quá trình tự học, tự luyện thanh theo lối dân ca đồng bằng Bắc bộ và sau này là cách hát pha trộn Đông - Tây. Đặc trưng nhất ở bà là kỹ thuật Trillo, thường xuyên được nữ nghệ sĩ sử dụng trong những bài hát tiền chiến hay các bản nhạc tình, khiến người nghe say đắm theo từng lời ca tiếng hát.
Kiếp nào có yêu nhau
Kiếp nào có yêu nhau do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác là một ca khúc đầy đau khổ, buồn bã nhưng qua giọng ca Thái Thanh lại mang đến một hơi thở mới, một chút liêu trai.
Ngay từ câu hát mở đầu “Đừng nhìn em nữa anh ơi” như một lời nửa yêu cầu, nửa van xin, qua giọng nữ trung của Thái Thanh lột tả gần như trọn vẹn tình yêu lẫn sự khổ đau. Đặc biệt, khi xem Thái Thanh hát, bạn đừng quên ngắm khẩu hình của bà, ngắm cách chuyển động của hàm, má cho đến việc nhả chữ, phát âm... đều có chủ đích rõ ràng, tạo nên một "khối thống nhất" nâng cảm xúc của khán giả theo từng câu chữ.
Chung Thu Hương - Diễm Mi (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét