Tình yêu mới thắp lên hy vọng, rằng chúng ta sẽ được cứu trước cơn đại dịch, hay bất cứ mầm mống nào của sự “cách ly” trong đời sống hằng ngày.
“Đi thôi, đây là cơ hội cuối cùng, tôi có thể đưa anh ra khỏi chỗ này cùng mẹ con tôi” - bác sĩ Kim In-hye ôm chặt con gái nhỏ, hối thúc chàng nhân viên cứu hộ Kang Jigu.
“Đi trước đi, In-hye” - anh ta nói trong sự căng thẳng tột độ giữa vòng vây “khu cách ly” đang siết chặt.
“Có người nhiễm trong đó”- nữ bác sĩ khẩn khoản với ân nhân cứu mình trước đó.
“Tôi biết, nhưng cứu người là công việc của tôi”.
Năm 2013, như một cách “kỷ niệm” 10 năm dịch SARS 2003, điện ảnh Hàn Quốc khiến thế giới nhấp nhổm với bộ phim pha trộn “kinh dị - tình cảm - khoa học viễn tưởng” The Flu (Đại dịch cúm, tựa gốc Gamgi).
The Flu (Đại dịch cúm) - bộ phim Hàn Quốc đang được nhiều người tìm xem lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát ở thời điểm hiện tạiThe Flu (Đại dịch cúm) - bộ phim Hàn Quốc đang được nhiều người tìm xem lại trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát ở thời điểm hiện tại
Loại vi-rút làm hoang mang tột độ bất kỳ khán giả nào, nhưng ở thời điểm ra mắt, có lẽ người xem bị lôi kéo nhiều hơn bởi “tiếng nổ” được tạo ra từ mối tình thở dốc trong hoảng loạn, giữa nhà vi-rút học In-hye và chàng cứu hộ Jigu. Giai điệu quen thuộc của phim tình xứ Hàn vẫn du dương giữa những thời điểm đầy “zombie” thường thấy trong các bộ phim về thảm họa sinh học.
Những cảnh tượng khi dịch bùng phát, tốc độ lây lan, người chết như lá rụng nơi công cộng, và “sự thật” kinh hoàng trong cái gọi là khu vực cách ly tại quận Bundang, thuộc Seongnam, thành phố vệ tinh của Seoul, chỉ được đón nhận là trí “tưởng tượng” thuần túy.
Tuy nhiên, vào lúc này đây, khi SARS-CoV-2 đang hoành hành, chắc chắn chúng ta phải ngả mũ trước “viễn kiến” của đạo diễn Kim Sung-soo. Truyền tải đầy đủ bản chất bất ngờ và không thể khắc phục của một đại dịch, Kim xây dựng câu chuyện từ phẳng lặng cho đến khi cuộc khủng hoảng leo thang đến từng đốt ngón chân của khán giả vào “thời của COVID-19”.
Rất thật thà, ở khung cảnh bình thường, lắm khi Jigu phải thực hiện giải cứu cho những chú chó cưng của người dân Bundang, đến lúc con vi-rút “giấu mặt” đe dọa cả thế giới, mạng người đã trở thành một con số thống kê. Mới hôm qua đó là sân vận động thành phố, hôm nay đã biến thành bãi thiêu khổng lồ mà chàng cứu hộ phải bươi xác như bươi rác để tìm cô bé Mirre còn thoi thóp trong bọc ni-lông…
The Flu có nhiều điểm tương đồng với các bộ phim thảm họa kinh phí lớn. Ở đó, đều có các chính trị gia mưu mô, những đứa trẻ dễ thương khôn lanh và những mẫu anh hùng hoàn hảo. Phim đi theo mô-típ đơn giản dùng sự cuồng loạn và bạo lực đám đông để xây dựng biểu tượng tình yêu và lòng quả cảm ẩn dật trong từng cá nhân trước khủng hoảng.
Nhờ sức mạnh tài chính của Tập đoàn công nghiệp giải trí CJ Entertainment, phong cách bom tấn của bộ phim rất “đã đời” trong ý đồ tôn vinh cốt cách của dân tộc Triều Tiên qua các nhân vật.
Tình yêu mới cứu nổi thế giới luôn bị 'cách ly'
Chàng hộ pháp Jigu luôn cứu giúp người khác trong mọi hoàn cảnh. Anh yêu say đắm nàng bác sĩ và con gái của nàng, đồng thời, “xử đẹp” kẻ ác. In-hye trong nỗ lực cứu con đã vận dụng tối đa nền tảng kiến thức y học của mình, hòng tìm cách lấy huyết thanh của người thanh niên đại lục tên là Mossai, mang mầm bệnh trong thời gian dài nhưng vẫn còn sống.
Ngay tại “địa ngục” khu cách ly giờ hệt như trại tập trung cùng lò thiêu xác kiểu Đức quốc xã, chính cô đã tiêm thứ máu đó vào người con gái, với hy vọng bé cũng có kháng thể chống lại vi-rút.
Vào đầu phim, Mossai là người duy nhất sống sót trong đoàn vượt biên đã chết sạch bởi vi-rút trên đường đến Hàn Quốc. Anh ta trốn thoát khỏi những kẻ buôn người, và vô tình trở thành kẻ gieo rắc cái chết cho người dân Bundang.
Dưới sức ép của quốc tế, quân đội vào cuộc với hỏa lực tối đa, ngăn không cho người dân bấy giờ đã trở thành những “phiến quân” tìm mọi cách vượt thoát khỏi quận Bundang đang bị phong tỏa. Họ chọn con đường thà chết hoặc cơ may “trắc ẩn” trước họng súng chĩa thẳng vào mình từ mệnh lệnh của chính phủ.
Khi hàng trăm ngàn “xác sống” sắp tiến qua “giới tuyến” cuối cùng, lệnh khai hỏa phải được ban ra, thì Tổng thống Đại Hàn Dân quốc đã quyết định chống lại cả phương Tây và Liên Hiệp Quốc để bảo vệ dân mình. Không người Hàn nào phải chết bởi tay quân đội cũng như tên lửa từ máy bay tiêm kích của lực lượng liên quân.
Qua màn hình trực tuyến, hình ảnh Mirre nhỏ bé dang hai tay ra xin binh lính đừng bắn mẹ mình, đừng bắn dân mình đã khiến vị tổng thống “bật” lại mọi tay cố vấn mũi lỏ. Tất cả theo lệnh của vị tư lệnh tối cao buông súng.
Phim kết thúc với Bundang được cứu thoát, dịch được ngăn chặn bởi nghiên cứu phương pháp điều trị thành công nhờ chính thử nghiệm của mẹ trên Mirre. Diễn viên nhí Park Min-ha dù chưa đến năm tuổi khi đóng phim, nhưng sự xuất thần của em trong vai cô bé tốt bụng luôn bị lạc mẹ đã lay động trái tim hàng triệu khán giả.
Đến đây, tôi sẽ không kể lể thêm dòng nào nữa về cốt truyện của The Flu, điều thường thấy trong những bài bình phim. Bởi lẽ, nên dành lúc nào đó giữa những tai ương, bất an hôm nay để cùng nhau xem phim, hầu biết rằng tình yêu mới thắp lên hy vọng, rằng chúng ta sẽ được cứu trước cơn đại dịch, hay bất cứ mầm mống nào của sự “cách ly” trong đời sống hằng ngày.
Đ.P.B (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét