'Coma': Thế giới phi vật lý trong mơ

Trong "Coma", nhân vật chính phải chọn quay về cuộc sống thật khắc nghiệt hoặc mãi sống trong giấc mơ để thỏa sức sáng tạo.

Coma (tên Việt: Kẻ đào tẩu giấc mơ) xoay quanh trải nghiệm kỳ lạ của kỹ sư trẻ tài năng Viktor (Rinal Mukhameto đóng). Tỉnh dậy sau một tai nạn, chàng trai thấy bản thân mắc kẹt trong thế giới hỗn loạn - nơi được xây đắp dựa trên ký ức của những người đang hôn mê.

Thế giới trong mơ vô định và không tuân theo các quy tắc thông thường. Tại đây, mọi điều tưởng chừng kỳ quái nhất đều có thể tồn tại khi những định luật vật lý bị bẻ cong. Nơi đó cho phép con người được hiện thực hóa những điều mình mơ ước nhưng cũng ẩn chứa vô vàn nguy hiểm. 

Kẻ đào tẩu giấc mơ sở hữu phần kịch bản hấp dẫn nhờ kết hợp ý tưởng khoa học viễn tưởng, phiêu lưu - thông qua hành trình liều lĩnh của Viktor - với chuyến đi sâu vào tiềm thức nhức nhối của chính anh. Tại đó, nhân vật phải đối diện với những ký ức về cuộc sống thật khó khăn của mình, không được nhìn nhận tài năng xứng đáng, cùng mâu thuẫn với người bạn gái xinh đẹp.

Biên kịch có nỗ lực trong việc cài cắm một số tình tiết gợi suy ngẫm về ý nghĩa giấc mơ, mối liên hệ giữa tiềm thức và ý thức, khao khát của con người, sự tương tác giữa thế giới trong mộng và ngoài đời. Một số ý tưởng trong phim gây liên tưởng đến những tác phẩm nổi tiếng về thực tế ảo (như Matrix) hay giấc mơ (Inception). Với tính chất khó lường của giấc mơ, kịch bản đan cài nhiều bất ngờ, buộc khán giả phải tập trung theo dõi.

Những thiết kế trong phim gây liên tưởng đến liên kết trong não người. Ảnh: Galaxy.

Cuộc đấu tranh của nhân vật chính xoay quanh lựa chọn giữa việc quay về hiện tại hay sống trong mơ. Viktor vốn là kiến trúc sư với những ý tưởng độc đáo, và trong mơ, anh có thể thỏa sức tạo ra những thiết kế điên rồ nhất - không bị ràng buộc bởi những điều kiện tài chính hay trình độ xây dựng ngoài đời. Quan hệ của anh và cô nàng tên Fly (trong mơ) cũng gây tò mò, khi ban đầu họ tưởng như người dưng, nhưng về sau dần để lộ sự gắn kết mơ hồ nào đó.

Dù kinh phí chỉ bốn triệu USD, tác phẩm của đạo diễn Nikita Argunov gây ấn tượng tốt về mặt hình ảnh. Thế giới trong phim lấy cảm hứng từ não người, với các mối liên kết giống tế bào thần kinh. Quang cảnh những kiến trúc khổng lồ nằm xiên xẹo, lộn ngược, hay máy bay neo giữa không trung tạo vẻ kỳ ảo cho tác phẩm. Một số pha hành động được xây dựng dựa trên tính phi nguyên tắc của giấc mơ, như cảnh nhân vật bị đẩy khỏi vực nhưng sau đó lại trượt trên hành lang một khu phố. 

Những kiến trúc, vật thể tồn tại theo cách kỳ lạ là điểm nhấn hình ảnh của phim. Ảnh: Galaxy.
Những kiến trúc, vật thể tồn tại theo cách kỳ lạ là điểm nhấn hình ảnh của phim. Ảnh: Galaxy.

Dàn diễn viên trong phim hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tài tử điển trai Rinal Mukhametov nhập vai thành công một anh chàng kỹ sư thông minh, dũng cảm, không ngại đương đầu với mọi thử thách. Nữ diễn viên Lubov Aksenova khắc họa được chân dung cô gái gan dạ và nhạy bén, đồng hành đắc lực với Viktor trong quá trình khám phá sự thật và thoát khỏi thế giới giấc mơ.

Điểm trừ của phim nằm ở cốt truyện còn ít cao trào về cuối. Hồi kết - khi Viktor hình dung lại thế giới thực và tìm ra đường thoát khỏi cõi mộng - không đủ kịch tính. Những câu thoại quá đơn giản cũng chưa thể nâng tầm Coma thành một phim ở đắng cấp như Inception. Ở vài điểm, người xem dễ cảm thấy cần nhiều hơn những lời giải thích về cơ chế hoạt động của mọi thứ trong phim.

H.T (VNE)

Nhận xét