In the Ghetto - Bài hát không bao giờ cũ của Elvis Presley

51 năm trước, Elvis Presley - một thanh niên da trắng, đã chọn hát lên bài này (ca sĩ Việt Nam Tuấn Ngọc cũng hát rất hay bài này).

Trong những ngày nhiều người sôi sục xuống đường, đấu tranh và cả đập phá, hôi của... tại không ít thành phố Mỹ, có lẽ cũng nên thử nghe một giải thích về nguồn gốc sâu xa của cuộc khủng hoảng này từ ca khúc In the Ghetto của Mac Davis qua giọng hát của Elvis Presley, "ra mắt" năm 1969.


Bài hát kể lại một câu chuyện từ "khu ổ chuột khép kín" của người da màu tại Chicago.

Trong mùa đông tuyết lạnh - Chicago khét tiếng là lạnh "thấu xương", một người mẹ khóc một cách tuyệt vọng khi vừa hạ sanh một em bé, mà, đối với người mẹ ấy đó là "một cái miệng đói ăn" bà không muốn có thêm nữa.

Đến đây, tác giả bài hát đặt vấn đề: hoặc giúp đỡ hoặc bé con đó "một ngày nào đó sẽ trở thành một thanh niên giận dữ" - gọi là "hận đời" cũng được - sau khi - trong cảnh túng đói - đã lớn lên, lang thang trên hè phố, học "chôm chỉa", học đánh đấm trong khu ổ chuột cách ly (ghetto) của mình.

Người mẹ khóc vì nhìn thấy trước hậu vận con mình: một đêm lạnh lẽo với một khẩu súng đã mua, cậu ta muốn thoát ra khỏi cảnh nghèo đói đó, đi trộm một chiếc xe hơi, chạy trốn, song không chạy được xa, không ra khỏi được khu ổ chuột.

Đám đông quây quanh thi thể một chàng trai nổi giận, mặt úp xuống đất, khẩu súng trong tay... Thêm một bé khác chào đời...

Lại một đứa bé mũi thò lò hôm nay chạy chơi, ngày mai đi chôm chỉa, tiếp nối cái vòng luẩn quẩn ấy. Bài hát đặt một câu hỏi cho tất cả mọi người: "Hãy nhìn nhau và bản thân đi, có phải chúng ta đui quá chừng không, để không nhìn thấy gì cả, và ngoảnh đầu ngó chỗ khác"?

51 năm trước, Elvis Presley - một thanh niên da trắng, đã chọn hát lên bài này (ca sĩ Việt Nam Tuấn Ngọc cũng hát rất hay bài này).

Tiếng đàn guitar đệm mở đầu "nẩy lên" kiểu như đoạn mở đầu của Suspicious Minds - một bài hát cùng thời (cũng của Elvis), song chậm hơn.

Giọng hát của Elvis Presley không "điệu đà" như qua các bài hát mùi mẫn khác, mà chỉ đơn sơ như muốn thuật lại sự việc. Lắng nghe, sẽ thấy Elvis cùng nhạc đệm thể hiện mấy chữ "and his mama cries" (người mẹ cậu ta khóc) buồn bã như thế nào sau khi thằng bé đã chết.

Xã hội Mỹ của Elvis liệu đã có nghe - hiểu, cho dù bài này cũng đã được xếp hạng 3 Billboard Hot 100? Có lẽ không nghe hiểu lắm, không bằng ở một số xã hội khác, như Úc, Bỉ, Đức, Na Uy, New Zealand, Tây Ban Nha... - nơi ca khúc này đứng nhất suốt.

Chắc là chẳng mấy người nghe, kể cả những người làm chính trị lớn nhỏ. Thế cho nên mới có những bạo loạn, đập phá hôi của "tự do" như trong những tuần trước, những hành vi mà trong tận cùng chỉ là những cố gắng thoát ra khỏi cái ghetto của ngày hôm nay?

Vần chính trong bài hát, vần [aiz] trong "As the snow flies", "and his mama cries" tạo một cảm giác bàng bạc. Không biết có phải do cảm xúc không, song khi nghe Elvis hát cụm từ "and his mama cries" ở cuối, có cảm giác như Elvis muốn nhẹ nhàng thuật lại câu chuyện chớ không giận dữ hét lớn...

Có cảm giác như Elvis khi hát bài này đã chọn cách hát nhẹ nhàng đúng tinh thần bất bạo động của mục sư Martin Luther King.

Quả là ông có đưa ra nhận xét: "Bạo loạn là ngôn ngữ của những người chưa từng được lắng nghe", song chủ trương của ông chính là: "Bóng tối không thể xua đuổi được bóng tối; chỉ có ánh sáng mới làm được điều đó. Ghét không thể loại bỏ sự ghét bỏ; chỉ có tình yêu mới làm được điều đó".

51 năm đã trôi qua, câu chuyện những người mẹ khóc con, vì sinh ra mà không nuôi nổi, không có điều kiện cho con thành người, vẫn còn tiếp tục. Không chỉ ở Mỹ, mà ở mọi nơi.

D.Đ (TTO)

Nhận xét