Số lượng các sản phẩm nhạc chế phủ sóng mạng xã hội, đạt top trending trên YouTube ngày càng nhiều và có một sự "thay da đổi thịt".
Hậu Hoàng, Thiên An, Di Di là những cô gái liên tục tạo “bão” bằng nhạc chế thời gian gần đây - Ảnh: FBNV
Nếu như trước đây nhạc chế thường là những phiên bản lời hát khác viết dựa trên nền nhạc và giai điệu của ca khúc gốc, giờ đây một sản phẩm nhạc chế được đầu tư không thua gì việc sản xuất các MV chuyên nghiệp.
"Hot" vì khán giả dễ tiếp nhận?
Nhiều sản phẩm nhạc chế được yêu thích hiện nay đều có sự kết hợp giữa âm nhạc và hài kịch, cụ thể là mượn lời hát để kể các câu chuyện hài.
Nhiều kênh như Thiên An, Hậu Hoàng, Di Di, Đỗ Duy Nam, Trung Ruồi… còn sản xuất phần nhạc riêng để phù hợp với nội dung của các bài nhạc chế. Mỗi kênh có một phong cách khác nhau nhưng hầu hết đều hướng tới khán giả trẻ.
Nhạc chế Chị em cây khế của Hậu Hoàng có nội dung được sáng tạo từ truyện cổ tích Ăn khế trả vàng.
Xen lẫn lời hát là những tình huống hài hước xung quanh mối quan hệ của các nhân vật với cây khế. Hay nhạc chế Gương thần của Thiên An đã lồng câu chuyện cổ tích về nàng Bạch Tuyết thành ca khúc phòng chống đại dịch COVID-19.
Một lợi thế lớn của nhạc chế - những sản phẩm giải trí mang yếu tố hài hước - là được số đông khán giả trẻ đón nhận.
Người thực hiện dễ dàng đưa các yếu tố quảng cáo vào mà không sợ phản cảm hay ảnh hưởng tới nội dung. Do đó, không ít nhà sáng tạo nội dung đã lựa chọn nhạc chế để tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng các nhãn hàng.
Chị Hà Thị Tú Phượng - CEO METUB Network - cho biết: "Những năm gần đây, lĩnh vực nhạc chế phát triển nhanh và tạo được nhiều thành tích trên thị trường YouTube Việt Nam.
Nhiều sản phẩm nhạc chế, cover, parody trong vòng 5-6 năm trở lại đây được đầu tư về mặt câu chữ và hình ảnh, đồng thời loại hình sản phẩm này cũng có lợi thế là phần nhạc thường hay nên khán giả dễ tiếp nhận và yêu thích".
Gương thần là nhạc chế nổi bật nhất trong thời gian qua với nội dung về phòng tránh dịch bệnh
View cao nhưng cũng dễ... nhảm
Trong danh sách YouTube Rewind 2019 của Việt Nam, đứng đầu top 10 video nổi bật nhất trên YouTube Việt Nam 2019 là video nhạc chế Những chị đại học đường (hơn 136 triệu lượt xem) của Hậu Hoàng.
Một số video nhạc chế khác cũng góp mặt trong danh sách này là Sau sáu rưỡi của Trung Ruồi, Họp phụ huynh của Tuna Lee.
Gần đây, top trending YouTube liên tục có sự phủ sóng của các sản phẩm nhạc chế như Đại chiến rùa và thỏ (Thiên An), Kỳ nghỉ tết huyền thoại (Hậu Hoàng)…
Tuy nhiên, dù thay đổi nhiều trong những năm gần đây nhưng vẫn còn không ít sản phẩm nhạc chế có nội dung nhảm nhí, hay chưa thực hiện nghiêm túc việc xin phép bản quyền. Nhạc chế cũng có lúc được sử dụng như một công cụ "câu view" với lời hát dung tục, phản cảm.
Một nhạc sĩ có tiếng trong nước nhận định rằng nhạc chế vui, mang lại tiếng cười nhưng đôi khi đó là tiếng cười dễ dãi, thậm chí... nhảm.
Khán giả thích nhạc chế thường là người trẻ, ham vui và có nhiều thời gian, còn những người có chuyên môn và gu thưởng thức âm nhạc không khuyến khích thể loại nhạc này.
Do đó, con đường đưa khái niệm nhạc chế trở thành loại hình giải trí có giá trị và văn minh trong mắt công chúng vẫn đòi hỏi những người làm nhạc chế cần cố gắng và nghiêm túc hơn nữa trong việc làm nghề.
Amee là một trong những ca sĩ trẻ có nhiều bản hit đình đám được chế lại. Anh nhà ở đâu thế? của cô được chế lại thành Chị em cây khế (Hậu Hoàng) hay Anh nhà ở Cầu Giấy (Tuấn Cry), đều là những sản phẩm chế có lượt xem cao.
Nói về vấn đề xin phép bản quyền của các đơn vị chế nhạc từ các bản hit của Amee, đại diện ST.319 Ent. - công ty chủ quản của Amee - cho hay: "Các đơn vị chế nhạc chuyên nghiệp đều có xin phép đầy đủ.
Có thể thấy nhiều sản phẩm của họ được đầu tư và thể hiện tính sáng tạo cao. Tuy nhiên vẫn cần có sự giám sát, quản lý chặt chẽ các sản phẩm chế nội dung phản giáo dục, lời lẽ thô tục... để bảo vệ tác phẩm gốc và văn hóa nghe nhìn của khán giả".
T.V (TTO)
Nhận xét
Đăng nhận xét