Những 'phù thủy' nhạc phim

Nhà soạn nhạc Bernard Herrmann sử dụng violin, cello và viola tạo ra tiếng rít khớp nhịp từng nhát dao chém xuống nhân vật phim "Psycho".

Theo tác giả cuốn Film Music Kurt London, nhạc phim ban đầu ra đời không phải để đáp ứng nhu cầu nghệ thuật, mà là một giải pháp để che giấu âm thanh của máy chiếu, giúp khán giả tập trung thưởng thức phim. Trong thời kỳ phim câm 1900 - 1920, thường có một dàn giao hưởng hoặc một nhạc sĩ piano biểu diễn ngay tại rạp chiếu. Cuối những năm 1920, đầu 1930, khi phim có âm thanh ra đời, nhạc phim gần như bị bỏ quên, chỉ nằm ở đoạn mở - kết hoặc chuyển cảnh, cho đến khi những nhà soạn nhạc phim xuất hiện cuối thập niên đó, dần thay đổi cách cảm nhận điện ảnh của khán giả qua âm nhạc.

Max Steiner

Thường được coi là "cha đẻ của nhạc phim", nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Áo tiên phong sử dụng leitmotif (đoạn nhạc đặc trưng cho nhân vật) cũng như những nền nhạc khác nhau để đẩy cảm xúc ở mỗi phân đoạn, theo Hiệp hội Phê bình Nhạc phim Quốc tế (IFMCA). Trong King Kong năm 1933, những cảnh rượt đuổi được đệm nhạc dồn dập, cảnh tình tứ được rót những nốt nhạc êm ái và cảnh kinh dị diễn ra trên tiếng nhạc rền vang.

Max Steiner sinh tháng 5/1888 tại Áo, mất tháng 12/1971 tại California, Mỹ. Ảnh: Brigham Young University Library.

Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió, 1939) cho thấy cách ông dùng âm nhạc để phát triển góc nhìn của nhân vật với những đoạn nhạc chủ đề riêng cho họ. Với Casablanca (1942), Steiner lấy giai điệu từ bài hát As Time Goes By và biến nó thành tình khúc bao trùm phim. Trong tiểu sử về Max Steiner, cây bút Steven C. Smith viết: "Steiner đã biến nhạc phim thành phương tiện tiết lộ những gì nhân vật đang nghĩ".

Max Steiner đã sáng tác hơn 300 bản nhạc phim, nhận 24 đề cử và ba giải Oscar cho các phim The Informer (1935), Now, Voyager (1942) và Since You Went Away (1944). Bản nhạc ông viết cho Gone with the Wind và King Kong cũng được Viện Phim Mỹ xếp lần lượt thứ hai và 13 trong danh sách 25 bản nhạc phim hay nhất mọi thời.

Erich Wolfgang Korngold

Nhạc sĩ gốc Do Thái được coi là thần đồng âm nhạc của Áo với những bản opera sáng tác từ năm 19 tuổi. Nền tảng opera đã góp phần vào cách sáng tác nhạc phim tân tiến của Korngold, theo Britannica. Bản nhạc cho The Adventures of Robin Hood (1938) được sáng tác như một bản giao hưởng xuyên suốt phim, được căn chỉnh theo hành động của nhân vật. Tác phẩm mang về cho ông tượng vàng Oscar "Nhạc phim xuất sắc", đánh dấu lần đầu giải được trao cho nhà soạn nhạc chứ không phải người đứng đầu bộ phận âm nhạc của hãng phim như trước.

Erich Wolfgang Korngold sinh năm 1897, mất năm 1957. Ảnh: Schott Music Gmbh &Co.
Erich Wolfgang Korngold sinh năm 1897, mất năm 1957. Ảnh: Schott Music Gmbh &Co.

Dù chỉ sáng tác cho hơn 20 bộ phim tại Hollywood, cách tiếp cận nhạc phim như một bản opera của Korngold có sức ảnh hưởng tới ngày nay. Nhà soạn nhạc John Williams cho biết ông sử dụng phong cách của Korngold để làm nhạc cho thiên truyện khoa học - viễn tưởng Star Wars.

Alfred Newman

Không chỉ là người sáng tác đoạn nhạc hiệu xuất hiện cùng logo 20th Century Fox, Alfred Newman có sự nghiệp soạn nhạc danh giá với hơn 200 bản nhạc phim, trong đó 44 bản nhạc được đề cử Oscar và chín lần đoạt giải. Trong những năm 1940, ông phát triển Hệ thống Newman, một phương tiện để đồng bộ hóa bản thu nhạc với bộ phim, vẫn còn được sử dụng ngày nay.

Alfred Newman (trái) cùng đồng nghiệp Ken Darby nhận giải Oscar cho nhạc phim Camelot năm 1968. Ảnh: AMPAS.
Alfred Newman (trái) cùng đồng nghiệp Ken Darby nhận giải Oscar cho nhạc phim "Camelot" năm 1968. Ảnh: AMPAS.

Âm nhạc của Newman trải dài nhiều thể loại - sử thi (The Egyptian), hài (The Seven Year Itch) tới những câu chuyện tình kinh điển như Wuthering Heights. Trong cuốn Music in the 20th Century, cây bút Brett Allan King nhận định Newman không viết nhạc cho từng nhân vật, mà được phát triển theo không khí chung của phim, mang đến cảm xúc liền mạch. Hai con trai của ông, Thomas và David Newman, cũng là những nhà soạn nhạc phim tên tuổi.

Bernard Herrmann

Bernard Herrmann mang đến sự mơ hồ về tâm lý và cảm xúc cho nhạc phim trong những năm 1950, IFMCA nhận xét. Herrmann giải thích triết lý của ông trên New York Times năm 1941: "Tôi tránh âm thanh của dàn nhạc giao hưởng lớn càng nhiều càng tốt. Nhạc phim là một phương tiện nhạy cảm đầy tinh tế, với cách thiết kế khéo léo, một bản độc tấu sáo bass đơn giản, tiếng trống rộn rã hoặc tiếng kèn tù thường hiệu quả hơn 50 nhạc sĩ đồng loạt chơi nhạc".

Bernard Herrmann (r.) with Alfred Hitchcock
Bernard Herrmann (phải) chụp cùng đạo diễn Alfred Hitchcock. Ảnh: Mary Evans Picture Library.

Ngoài những bản nhạc cho các phim kinh điển như Citizen Kane (1941) và Taxi Driver (1975), nhà làm phim được biết đến nhiều nhất với những lần hợp tác đạo diễn dòng phim gay cấn Alfred Hitchcock. Với Vertigo (1958), ông dùng một hợp âm đàn hạc, lặp đi lặp lại, kết hợp cách máy quay liên tục zoom gần rồi xa của bộ phim để gây sự bất an tăng dần, theo NPR. Trong Psycho (1960), ông sử dụng tiếng violin, cello và viola để tạo ra những tiếng rít khớp nhịp từng nhát dao chém xuống nhân vật của Janet Leigh. Viện Phim Mỹ xếp nhạc phim Psycho và Vertigo lần lượt đứng thứ tư và 12 trong số 25 bản nhạc phim hay nhất mọi thời.

Ennio Morricone

Bắt đầu sáng tác từ năm 1946, Ennio Morricone hợp tác nhiều đạo diễn gạo cội như Bernardo Bertolucci, Terrence Malick, Brian De Palma, Quentin Tarantino, cho ra đời hơn 520 tác phẩm cho màn ảnh. Những bộ phim nổi tiếng từng được ông soạn nhạc có Once Upon a Time in the West (1968), The Untouchables (1987), Cinema Paradiso (1988)...

Ennio Morricone mất hôm 6/7. Ảnh: Alamy.
Ennio Morricone mất hôm 6/7. Ảnh: Alamy.

Cố nhạc sĩ nổi tiếng với khả năng kết hợp âm nhạc và hiệu ứng âm thanh cho các phim dòng Spaghetti Western của đạo diễn Sergio Leone trong những năm 1960. Bài nhạc chủ đề cho The Good, the Bad and the Ugly năm 1966 của Morricone với tiếng chó sói, tiếng trống dồn dập, tiếng guitar điện cùng giọng ca của ca sĩ Edda Dell'Orso, nhanh chóng ăn khách trên toàn thế giới. Đạo diễn Quentin Tarantino đã sử dụng các tác phẩm của Morricone trong Inglourious Basterds (2009) trước khi mời nhà làm phim soạn nhạc cho bộ phim The Hateful Eight (2015). Bản nhạc mang về cho ông giải Oscar "Nhạc phim xuất sắc" đầu tiên sau năm lần được đề cử.

John Williams

Năm 1975, John Williams hợp tác với đạo diễn Steven Spielberg cho phim Jaws. Ông đã sáng tác một điệu nhạc được coi là dễ nhận biết nhất, theo udiscovermusic. Với nhịp staccato đặc trưng, nhạc phim Jaws tạo không khí gay cấn đỉnh cao, mang về cho John Williams một giải Oscar.

John William hiện 88 tuổi, sống ở New York, Mỹ. Ảnh: DPA.
John William hiện 88 tuổi, sống ở New York, Mỹ. Ảnh: DPA.

Khi làm Star Wars IV: A New Hope, đạo diễn George Lucas muốn gợi không khí dòng phim phiêu lưu - chiến đấu thời xưa thay vì phong cách thuần viễn tưởng. Classical MPR đánh giá John Williams đã giúp đạo diễn đạt được mong muốn. Ông vận dụng lại khái niệm leitmotif và phát triển thành các bản giao hưởng hùng tráng cho nhân vật và sự kiện, kết nối cả bộ phim. Ngoài giải Oscar, Quả Cầu Vàng và Grammy, bản nhạc cho A New Hope đã được Viện Phim Mỹ chọn làm nhạc phim hay nhất mọi thời. Xuyên suốt chuỗi phim Star Wars - chín phần từ A New Hope năm 1977 tới The Rise of Skywalker năm 2019, John Williams đã viết khoảng 50 đoạn nhạc chủ đề, tổng thời lượng 18 tiếng. John Williams cũng nắm giữ kỷ lục nhiều đề cử Oscar nhất cho một người còn sống với 52 lần.

P.H (VNE)

Nhận xét