Nếm trải thất bại lẫn thành công nhưng sự ''chịu chi'' của nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc giúp họ trở lại đường đua một cách ngoạn mục.
Không chỉ hấp dẫn về nội dung, Điên thì có sao, bộ phim đang dẫn đầu rating trong khung giờ phim tối thứ Bảy và Chủ nhật trên hệ thống đài cáp Hàn Quốc, còn khiến khán giả ngỡ ngàng trước những thước phim đa dạng, được trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ. Từ những cảnh quay đại cảnh của bộ đôi Kim Soo Hyun và Seo Ye Ji cho đến kỹ xảo hoạt hình 3D vô cùng chân thật phần nào chứng tỏ sự đầu tư của ê-kíp sản xuất.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong vô số dự án phim truyền hình bom tấn của xứ kim chi, kết quả của quá trình dài thử nghiệm và xây dựng nền móng vững chắc, nâng tầm ngành công nghiệp điện ảnh hàng đầu châu Á.
Điên thì có sao nhận được sự khen ngợi về chất lượng hình ảnh lẫn kỹ xảo.
Sự chịu chi của các nhà sản xuất trong loạt bom tấn tỷ đô
Đi đôi với mức độ phổ biến, lan tỏa của dòng phim truyền hình xứ Hàn là sự nâng cao chất lượng, đầu tư kỹ xảo và công nghệ tiên tiến nhất. Không quá lời khi nói rằng những thước phim, góc quay trong mỗi tập phát sóng trên màn ảnh nhỏ luôn mang đến cho khán giả cảm giác như đang thưởng thức phim chiếu rạp.
Thành công này là sự tổng hòa từ nhiều yếu tố nhân lực và vật lực nhưng kinh phí vẫn là khâu trọng yếu nhất. Với tham vọng tiếp cận thị trường thế giới, các nhà sản xuất không ngại chi tiền tỷ dàn dựng bối cảnh cho các thể loại phim từ lịch sử, hành động đến khoa học viễn tưởng hay đại dịch xác sống trong loạt phim Kingdom (Vương triều xác sống), nhằm khẳng định tiềm năng cũng như nội lực của điện ảnh xứ kim chi.
Theo Naver, tính đến nay có ít nhất 13 bộ phim K-drama (phim truyền hình Hàn Quốc) có kinh phí sản xuất trên 20 tỷ won (tương đương 385 tỷ VND). Trong số đó, những bom tấn ngốn tiền hàng đầu có thể kể đến như Biên niên sử Arthdal (khoảng1.040 tỷ VND), Kingdom 1,2 (674 tỷ VND), Quân vương bất diệt và Quý ngài Ánh Dương (gần 580 tỷ VND), Vagabond (hơn 480 tỷ VND)…
Những phân đoạn dàn dựng công phu trong Kingdom 2.
Chi phí bỏ ra đôi lúc không đi kèm với mức độ phổ biến của tác phẩm nhưng xét về mặt nghệ thuật, những hình ảnh, kỹ xảo công phu này chắc chắn sẽ làm mãn nhãn công chúng dù khó tính nhất. Điển hình như thành công của loạt phim Kingdom không thể tách rời sự trợ giúp đắc lực của hiệu ứng hình ảnh, chiếm đến 40% thời lượng xuyên suốt 6 tập phim mùa 2.
Chia sẻ với truyền thông Hàn Quốc, đại diện Madman - công ty đảm nhiệm phần hình ảnh của Vương triều xác sống tiết lộ đã cử một đội ngũ hơn 70 người chia làm 8 nhóm bao gồm: lên ý tưởng, làm mờ, 3D, FX, 2D, chuyển động, quản lý và giám sát làm việc liên tục trong vòng 5 tháng để tạo nên những hiệu ứng đặc biệt.
Đáp lại công sức của cả ê-kíp, ngay khi phát hành, Kingdom 2 đã lọt top 10 bộ phim được xem nhiều nhất trên Netflix ở hầu hết quốc gia toàn cầu.
Đầu tư bối cảnh đóng góp không nhỏ vào sự thành công vang dội của Hậu duệ mặt trời
Câu chuyện đầu tư
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra tại sao các đơn vị sản xuất lại đầu tư kinh phí lớn vậy, liệu họ sẽ thu lại được gì? Dĩ nhiên không có đầu ra, không có biện pháp thu hồi vốn rất khó để nhà làm phim chấp nhận mạo hiểm.
Theo Asia Times, tháng 11/2019, Netflix đã ký kết hợp tác lâu dài với hai công ty sản xuất phim truyền hình lớn bậc nhất Hàn Quốc: Studio Dragon và Jcontentree (số tiền hợp đồng không được tiết lộ). Theo đó, hơn 40 tác phẩm K-drama sẽ được cung cấp, phát trên Netflix trong 3 năm tới, đồng thời họ cũng không ngần ngại đầu tư vào những dự án độc quyền của riêng mình như Kingdom, Hoạt động ngoại khóa…
Đây cũng chính là lý do đầu năm 2020, loạt phim Hạ cánh nơi anh, Tầng lớp Itaewon, Quân vương bất diệt… được công chiếu rộng rãi trên nền tảng này.
Hạ cánh nơi anh lọt top phim được yêu thích trên Netflix.
Đổi lại, Netflix cũng sẽ đóng góp một phần kinh phí cho các dự án nhưng bản thân các tác phẩm buộc phải đáp ứng yêu cầu chất lượng khắt khe, phù hợp với độ phân giải cao 4K của nền tảng, cho phép người xem nhìn rõ các chi tiết chân thực và sắc nét nhất. Do vậy, đoàn làm phim không chỉ chi khoản tiền lớn mời loạt sao hạng A tham gia tác phẩm mà còn phải chi đậm cho công tác chọn bối cảnh, kỹ thuật đồ họa, hậu kỳ…
Thực chất, đây cũng được xem là cơ hội cho nền điện ảnh Hàn Quốc tiếp cận với thị trường thế giới, thúc đẩy sự cạnh tranh, cải tiến về nội dung lẫn khâu sản xuất phim truyền hình.
Trước Netflix, các nhà làm phim xứ kim chi cũng không ngại vung tiền cho hàng loạt dự án như Mật danh Iris, Hậu duệ mặt trời… Bù lại, nguồn thu từ việc bán bản quyền và quảng cáo giúp họ có được lợi nhuận khá lớn. Theo các nhà nghiên cứu thị trường, 16 tập phim Hậu duệ mặt trời đã mang lại cho nền kinh tế Hàn Quốc hơn 261triệu USD (khoảng 5,8 nghìn tỷ VND) từ xuất khẩu, du lịch, chi tiêu nội địa...
Kinh phí đầu tư lớn nhưng Quân vương bất diệt không đáp ứng được sự kỳ vọng của khán giả.
Dẫu vậy, vẫn còn đó những cú trượt ngã đáng tiếc, không đáp ứng được sự kỳ vọng của công chúng như Biên niên sử Arthdal, Hành vi phạm tội… với mức rating trung bình dù được đầu tư hàng chục triệu đô. Theo Korea Times, thất bại trên chủ yếu nằm ở khâu kịch bản thiếu chặt chẽ, tiếp cận thị trường sai cách bởi với những thể loại hành động như Hành vi phạm tội hay những tác phẩm mới lạ như Biên niên sử Arthdal, Quân vương bất diệt… công chúng cần thêm thời gian để hiểu được câu chuyện.
Vẫn còn những chông gai ở phía trước nhưng sự mạnh dạn và sáng tạo trong việc đầu tư, sức hút từ dàn ngôi sao đình đám đã và đang giúp phim truyền hình Hàn Quốc khẳng định tên tuổi, hiện thực hóa giấc mơ lan tỏa toàn cầu.
Chung Thu Hương (PNO)
Nhận xét
Đăng nhận xét