Đen vâu và rap Việt xóa định kiến, kỳ thị như thế nào?

Rap đang được công nhận hơn bao giờ hết ở thị trường nhạc Việt. Nhưng để có hôm nay, rap từng trải qua giai đoạn bị kỳ thị, ghẻ lạnh, thậm chí coi thường.


“Anh không phải là thần tượng để cho ai noi gương / Anh chỉ là người hát rap / Anh chỉ cần không bị ai coi thường”, Đen Vâu rap như vậy trong Đừng gọi anh là idol, kết hợp với Lynk Lee. Câu hát cũng được cho là tuyên ngôn của nam rapper vào năm 2018.

Hai năm sau, Đen đã ở vị trí rất khác nhờ thành công của những sản phẩm liên tiếp. Trong khi, thể loại rap cũng đã mang một diện mạo khác trên thị trường. Những định kiến hay “coi thường” về dòng nhạc phần nào được xóa bỏ.

Rap rõ ràng đang được công nhận hơn bao giờ hết. Nhưng để có hôm nay, rap Việt đã trải qua chặng đường nhiều thăng trầm. Và, cũng không phải ngẫu nhiên rap từng bị ghẻ lạnh, chê bai đến vậy.

Den Vau thay doi rapper Viet anh 2
Karik có những bản rap được khen ngợi nhưng cũng là tác giả của sản phẩm bị chê bai.

Tại sao rap Việt từng nhận ánh nhìn kỳ thị?

Từ những bước đi đầu tiên của rapper Khánh Nhỏ, rap đến nay đã có lịch sử ít nhất là 20 năm ở thị trường nhạc Việt. Nhưng quá nửa thời gian ấy, thể loại âm nhạc này gắn liền với những tranh cãi, giới chuyên môn chê bai, báo chí - truyền hình thờ ơ.

Những rapper được đánh giá là nổi tiếng nhất hôm nay, khi nhận được câu hỏi về con đường rap Việt, vẫn không thể quên được một giai đoạn gập ghềnh, nhiều nghi kỵ. Là khi nhạc rap bị xếp cùng với "nhạc chế", rapper bị định danh là "không học hành" và làm ra những sản phẩm "không có giá trị âm nhạc".

Nhưng những định kiến không tự dưng sinh ra. Tìm hiểu hành trình của rap Việt, không khó để nhận ra, trước Thu cuối (Mr T, Yanbi, Hằng Bingboong) ra mắt vào năm 2012, thị trường âm nhạc nội địa không có quá nhiều ca khúc rap được khen ngợi về ca từ.

Ngược lại, không ít bản rap chịu búa rìu dư luận vì chứa đựng nội dung bị cho là dung tục, suồng sã, không ngại sử dụng từ bậy, tiếng lóng. Một số bản rap được ghi nhận vì phản ánh những vấn đề của đời sống, xã hội nhưng vẫn gây tranh cãi vì cách truyền tải thiên về "nhục mạ" hơn là "gửi gắm thông điệp".

MV Rắc rối của Karik, đăng tải vào năm 2011, là một trường hợp như thế. Ca khúc tạo thành một diễn đàn tranh luận cả trên mạng lẫn truyền thông. Bên cho rằng đó là tiếng nói bình thường của rap, nhất là khi Karik sẵn sàng đề cập đến những vấn nạn của showbiz, chấm biếm những thảm họa Vpop trong tác phẩm của mình.

Nhưng phía khác lại đồng thuận với quan điểm sản phẩm chẳng có gì ngoài những từ lóng, "đi phê phán thảm họa nhưng bản thân cũng là một thảm họa".

Rắc rối chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ về rap Việt. Khi Thu dẩm của rapper đình đám LK ra mắt thị trường, những tranh cãi trên mạng cũng chia thành phe. Người cho rằng sản phẩm dung tục, thiếu văn hóa trong khi số còn lại bênh vực, cho rằng đó mới đúng nghĩa là rap.

Trong khi ở góc nhìn trung lập, một số khán giả tiếc nuối vì thực tế LK, với vị trí của thế hệ rapper F1, người đã góp phần kiến tạo rap, không cần phải có một Thu dẩm, để rồi tự đặt mình vào vòng chỉ trích, tranh cãi.

Nhưng bất đồng xoay quanh câu hỏi "Thế nào mới đúng nghĩa là rap?" chưa bao giờ dừng lại. Một bộ phận khán giả của underground quả quyết rằng rap phải tăm tối, phóng khoáng và không e sợ bất cứ điều gì mới thực là rap.

Thậm chí, thể loại này còn phải chứa đựng những đặc trưng như battle rap. Là khi hai rapper sẵn sàng giao đấu bằng rap thông qua những ngôn từ thô tục và mang tính mạt sát nhất. Bởi, rap chưa bao giờ thuộc về những gì đẹp đẽ hoặc là hoa mỹ.

Nhưng cũng chính một bộ phận rapper không đồng tình hoàn toàn với quan điểm này. Ngay khi Rắc rối của Karik trở thành đề tài luận bàn gần 10 năm trước, đã có những rapper lên tiếng và khẳng định quan điểm "không phải cứ rap là phải chửi". Bởi lẽ, bản chất "rap là rap", "chửi là chửi", "dung tục là dung tục". Chửi có thể làm thành rap nhưng không có nghĩa cứ rap là phải chửi. Và phong cách của một rapper không bao giờ đồng nhất với ca từ tục, bậy.

Rapper Hà Lê đúc kết rằng sự tăm tối có thể là một phần của rap nhưng ca từ chỉn chu, thơ ca cũng là thành quả khác của thể loại âm nhạc này.

Trong khi Đen từng nói rap là một cuộc chơi của ca từ. Mà đã là cuộc chơi thì hàm chứa sự đa dạng. Mỗi người lại có cách chơi riêng, có người đề cao tự do và "hỷ, nộ, ái, ố". Nhưng Đen, trong mắt của giới làm nghề, là rapper đã chọn cách "nhập gia tùy tục". Và, thành công.

Den Vau thay doi rapper Viet anh 3
Da LAB khởi đầu với rap và được ghi nhận vì có những ca khúc chứa đựng thông điệp tích cực về tuổi trẻ.

Rap Việt trỗi dậy vì "nhập gia tùy tục"?

Dù từng có những bản rap như Thu cuối "làm mưa làm gió" trên thị trường từ năm 2012, rap không chứng minh được sự trỗi dậy. Phải đến giai đoạn 2014-2015, rap mới thực sự chuyển mình.

Hai sáng tác nổi bật trong thời gian này phải kể đến là Một nhà của Da LAB và Đưa nhau đi trốn của Đen Vâu. Cả hai sản phẩm đều đề cao tinh thần tuổi trẻ với ca từ không thể thanh xuân và thuyết phục hơn.

Tiếp đến là sự đón nhận dành cho Bài ca tuổi trẻ (PKL), Quăng tao cái boong (Huỳnh James và Pjnboys)... Những ca khúc vẫn đậm chất hip-hop nhưng cũng tràn ngập sự tươi vui, năng lượng của tuổi trẻ. Biết bao sân khấu sinh viên lớn nhỏ, những cuộc liên hoan, dã ngoại đã cất lên: "Hôm nay là thứ mấy / Chắc chắn là thứ high".

Đến năm 2018, thị trường rap được đánh giá là trỗi dậy mạnh mẽ với loạt sáng tác được yêu thích, gây bão như Người âm phủ (Osad), Đố em biết anh đang nghĩ gì (JustaTee, Đen Vâu), Anh đếch cần gì nhiều ngoài em (Đen Vâu, Vũ, Thành Đồng)... Nhiều câu rap trong các ca khúc này có "viral" lớn trên mạng, được nhiều người chia sẻ.

Một số bản rap khác tuy độ lan tỏa có thể không bằng nhưng cũng góp phần vào sự sôi động và tích cực của rap như Thương nhiều hơn nói (Đạt G, B-Ray), Cô gái M52 (Huy R), Ý em sao, Phía sau em (Kay Trần), Yêu đương (Osad), Mình cưới nhau đi (Huỳnh James), Mình từng yêu như thế (Karik, Orange), Thương (Karik, Uyên Pím) hay Xin (Đạt G, Masew, B-Ray)...

Den Vau thay doi rapper Viet anh 4
Osad có cách rap "dễ thương" và từng được yêu thích với Người âm phủ.

Từ năm 2019 đến nay, rap tiếp tục lan tỏa với loạt thành phẩm của Đen Vâu như: Mười năm, Hai triệu năm, Bài này chill phết, Lối nhỏ, Cảm ơn... Ngoài ra, mới đây, Binz cũng nổi lên với BigCityBoi, Rhymastic được ghi nhận với Giàu sang...

Trong khi nhiều sản phẩm khác của các nghệ sĩ pop như Sơn Tùng M-TP, AMEE, Orange... cũng sử dụng rap, hip-hop như chất liệu.

Và điểm dễ nhận thấy ở thị trường vài năm gần đây là những bản rap được yêu thích nhất đều là những sáng tác có nội dung tươi sáng. Cùng với đó là ca từ chỉn chu, vần điệu, thậm chí có những ví von dễ thương, thơ ca, hình ảnh và lãng mạn.

Số những ca khúc rap dung tục, gây tranh cãi, bị chỉ trích ngày càng ít hoặc không thể đạt đến sự lan tỏa rộng rãi trên thị trường. Có rapper trẻ đốt sách làm MV sau đó bị lên án và tẩy chay mạnh mẽ.

Cục diện rap đã thực sự xoay vần, chất liệu cho rap đã có nhiều thay đổi và góc nhìn về rap cũng không còn như trước.

Underground thực tế vẫn tồn tại những rapper rất đa dạng. Vẫn có những rapper có thiên hướng tạo ra ca từ tăm tối, sẵn sàng dùng tiếng lóng, khai thác cả chuyện tình dục. Đó cũng là một phần của sự đa dạng, trong rap.

Nhưng quan sát môi trường nhạc Việt, không khó để nhận ra, sự yêu thích và ghi nhận của số đông luôn dành cho những rapper đảm bảo được cả sự tự do, sáng tạo của rap lẫn giá trị văn minh, tích cực và hài hòa với nhu cầu của thị trường.

Q.Đ (Z)

Nhận xét