Trong MV “Nói với người đến sau”, Phạm Quỳnh Anh bộc lộ cả điều hay lẫn sự dở. Một bản ballad tình cảm và thơ ca nhưng cũng có phần cũ giữa sự sôi động, thời thượng của thị trường.
Nói với người đến sau là sản phẩm âm nhạc đầu tiên của Phạm Quỳnh Anh trong năm 2020. 9 tháng trước, nữ ca sĩ ra mắt Xiêu lòng, đánh dấu việc tạm từ bỏ nhạc buồn, MV đạt lượt xem/nghe tốt song cũng bị chê “nhạt”, thiếu sáng tạo.
Trong lần trở lại này, Phạm Quỳnh Anh tiếp tục hợp tác với cộng sự thân thiết - nhà văn, nhạc sĩ Hamlet Trương. Ca khúc như “đo ni đóng giày” cho Phạm Quỳnh Anh, là một bản ballad buồn, có thông điệp nhưng chất liệu và cách làm nhạc lại là câu chuyện đáng bàn.
“Ăn mày dĩ vãng” nhưng vẫn có giá trị riêng
Hamlet Trương, sòng phẳng mà nói, chưa bao giờ thuộc nhóm nhạc sĩ đình đám, nổi bật của thị trường. Ở lĩnh vực văn chương, anh cũng không phải nhà văn được giới phê bình công nhận về giá trị nghệ thuật.
Nhưng, Hamlet Trương luôn chiều lòng được một bộ phận khán giả. Nhiều người say mê văn chương và âm nhạc của Hamlet Trương vì nó gần gũi với ngôn ngữ thanh xuân, là những miền ký ức khó tránh của tuổi trẻ.
Hamlet Trương không xuất sắc như một nhà văn hoặc nhạc sĩ độc lập nhưng anh biết cân bằng từng vai trò. Hơn cả, tác giả sinh năm 1988 biết tạo ra những sản phẩm vừa vặn với chính mình, với cộng sự của mình và cho người yêu thích mình.
Nói với người đến sau có thể được coi là ví dụ. Ca khúc có cấu trúc rất đơn giản, gần như chỉ có một verse (đoạn), sau đó là chorus (điệp khúc) và lặp lại như thế cho đến khi hết bài. Một cấu trúc ca khúc không thể dễ viết hơn, thậm chí có phần “lười biếng” nhưng lại rất hợp với Phạm Quỳnh Anh.
Ca khúc chẳng những không gây khó cho người thể hiện mà còn tạo ra những “đất” tự sự để ca sĩ phô bày chất giọng thủ thỉ, tâm tình. Phạm Quỳnh Anh hát như kể câu chuyện của mình. Cô không cần phải dụng công quá nhiều vì bản chất cấu trúc âm nhạc không đòi hỏi ca sĩ phải trưng trổ kỹ thuật.
Phạm Quỳnh Anh trung thành với màu sắc âm nhạc đã được định hình từ những năm 2000.
Sáng tác của Hamlet Trương có màu ballad như những sáng tác của thập niên 2000. Trong khi đó, Phạm Quỳnh Anh cũng giữ kiểu luyến láy như giọng hát của cô khoảng 10-15 năm trước. Do vậy, màn hợp tác không mang đến những đóng góp sáng tạo cho thị trường âm nhạc. Đó cũng là một trong những điều dở.
Nhưng Nói với người đến sau vẫn có giá trị tái hiện âm nhạc của một thời xa vắng trong bối cảnh R&B và hip-hop đang lên ngôi. Ca khúc của Hamlet Trương qua thể hiện của Phạm Quỳnh Anh như sự “ăn mày dĩ vãng” nhưng vẫn nhận được nhiều thiện cảm từ khán giả.
Nói với người đến sau nhắc nhớ kỷ niệm âm nhạc một thời. Ca khúc cũng chứng tỏ thế hệ ca sĩ thập niên 2000 năm nào vẫn còn có người miệt mài với âm nhạc.
Thực tế, đó cũng là điều rất đáng khen ngợi của Phạm Quỳnh Anh. Khi mà nhiều đồng nghiệp cùng lứa thời đó đã dừng sự nghiệp, ít ra sản phẩm hoặc chỉ mải chạy show, Phạm Quỳnh Anh là nghệ sĩ mỗi năm đều có ca khúc mới. Giữa cuộc đua khốc liệt với lứa ca sĩ trẻ trên thị trường hiện nay, tinh thần âm nhạc ấy đáng được trân trọng.
Ý thơ làm nên câu chuyện âm nhạc
Nói với người đến sau của Hamlet Trương lấy ý từ Viết cho người đến sau - bài thơ nổi tiếng, được nhiều người yêu thích của tác giả Lê Hoài Vũ vào đầu những năm 2000.
Phần lời bài thơ và lyrics (ca từ) của ca khúc có nhiều khác biệt song cùng giống như lá thư của người tình trước gửi người tình sau. Hai người cùng yêu chung một người đàn ông.
Thơ của Lê Hoài Vũ là: “Chị cũng từng yêu anh ấy như em / Chỉ có khác chị là người đến trước / Khóc làm gì em cho má hồng thấm ướt / Anh ấy vụng về chẳng biết dỗ dành đâu”.
Trong khi ca khúc của Hamlet Trương là: “Đừng khóc em nhé, làm ướt đôi hàng mi / Người ấy vô ý sẽ chẳng hiểu đâu em / Đừng như tôi ngu ngơ hay giận hờn vu vơ / Tình yêu không đo bằng hờn ghen”.
Câu chuyện trong ca khúc Hamlet Trương khá gần gũi với bản gốc về ý tứ. Tuy nhiên, khi sử dụng chất liệu thơ để làm lời nhạc, Hamlet Trương cũng đã gửi vào đó những vần điệu giàu nhạc tính hơn, khiến ca khúc bắt tai hơn.
Ca khúc giàu tự sự vì lấy cảm hứng từ ý của bài thơ nổi tiếng Viết cho người đến sau.
Về hình ảnh, MV Nói với người đến sau được thực hiện khá đơn giản. Đạo diễn là Bánh Cam - gương mặt còn xa lạ ở thị trường đạo diễn. MV không có nhiều giá trị sáng tạo, thuộc nhóm MV không đầu tư nhiều tiền của.
Nội dung MV kể về một cô gái đang nghĩ những kỷ niệm đẹp trong quá khứ. Tuy không hoàn toàn buông bỏ được người cũ, cô không hề níu kéo, đau khổ. Đúng như tinh thần của ca khúc, trong MV, cô gái cũng đối diện với người đến sau bằng tâm thế thanh thản và có đôi lời dặn dò chân thành, văn minh.
Nói với người đến sau không xây dựng theo hướng drama, kịch tính như thường thấy ở những MV dựa trên ca khúc ballad buồn. Phạm Quỳnh Anh diễn xuất nhập tâm trong sản phẩm của mình, chỉ tiếc là MV không có nhiều cảnh đắt giá.
Q.Đ (Z)
Nhận xét
Đăng nhận xét